Nhà sàn Bác Hồ trong Phủ Chủ tịch. Ảnh: Internet |
“Nơi đặt trụ sở của Đảng vững chắc nhất là trong lòng nhân dân!”. Bao nhiêu năm đã qua đi, nhưng càng suy ngẫm, tôi càng thấy lời căn dặn của Bác sâu sắc biết bao”.
Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB và XH, Trưởng Ban Thi đua Trung ương, một người nhiều năm được làm việc gần gũi với Bác Hồ, kể lại với các nhà báo: "Khi tôi là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, năm 1960 có chủ trương xây dựng, quy hoạch lại thành phố. Tôi đề nghị với Bác Hồ cho xây dựng một Trụ sở Trung ương Đảng to đẹp để tương xứng với công lao vĩ đại của Đảng. Nhưng Bác không đồng ý. Bác bảo tôi: "Xây Trụ sở Trung ương Đảng làm gì. Trung ương ở thế này (Trụ sở số 4 Nguyễn Cảnh Chân, Hà Nội) là được”. Thế nhưng, Bác lại hỏi tôi: "Nếu xây, theo chú, Trụ sở Trung ương Đảng nên đặt ở đâu thì to đẹp, vững chắc nhất?”. Tôi còn đang suy nghĩ chưa ra, thì Bác đã ôn tồn giải thích: "Nơi đặt Trụ sở của Đảng vững chắc nhất, là trong lòng nhân dân!”. Bao nhiêu năm đã qua đi, nhưng càng suy ngẫm, tôi càng thấy lời căn dặn của Bác sâu sắc biết bao”.
"Nơi đặt Trụ sở của Đảng vững chắc nhất, là trong lòng nhân dân”! Đó là tư tưởng và đạo đức vô cùng cao đẹp, là tư duy hết sức sáng suốt, là câu nói cực kỳ sâu rộng của Bác Hồ vĩ đại. Câu nói ấy xuất phát từ sâu thẳm lòng yêu nước thương dân vô hạn của Bác, thể hiện niềm tin tưởng sắt son của Bác đối với sức mạnh đoàn kết của nhân dân và tư tưởng "lấy dân làm gốc” của Người! Đảng từ nhân dân mà ra. Đảng chỉ có mục đích duy nhất là phấn đấu giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, dân chủ, công bằng và hạnh phúc cho nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên (CB-ĐV) chân chính - như lời Bác dạy - "phải là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân” (Di chúc)! Nhân dân chính là Người Mẹ hiền nuôi dưỡng và bảo vệ Đảng. Nói như nhà thơ Tố Hữu: "Lòng dân yêu Đảng như là yêu con” (Bài thơ "Ba mươi năm đời ta có Đảng”). Cho nên, "Nơi đặt Trụ sở của Đảng vững chắc nhất, là trong lòng nhân dân” thì mới trở nên to đẹp và vững bền muôn thuở! Câu nói của Bác thật là chí lý, chí tình, chí nghĩa. Bên cạnh ý nghĩa to lớn, sâu xa đó, câu nói của Bác còn thể hiện quan điểm triệt để chống tệ lãng phí, bệnh phô trương hình thức, chống xa hoa trong các tổ chức, cơ quan của Đảng, của các cấp chính quyền, đoàn thể và trong đời sống của mỗi CB-ĐV.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết về Bác Hồ: "Bình sinh, Hồ Chủ tịch không thích hình thức, chống nói suông, và rất coi trọng việc làm thiết thực” (Phạm Văn Đồng- "Tổ quốc ta, nhân dân ta, sự nghiệp ta và người nghệ sĩ”, NXB Văn học, Hà Nội - 1973, tr. 288). Trong "Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ”, ngày 1-3-1947, Bác nêu rõ những khuyết điểm mà mỗi CB-ĐV "phải kiên quyết tẩy sạch” trong đó có bệnh "ham chuộng hình thức”, Bác nhấn mạnh: "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”. Bác thường xuyên phê phán nghiêm khắc những căn bệnh tai hại này, đồng thời nhắc nhở CB-ĐV phải thực hiện Cần, Kiệm, Liêm, Chính, Chí công vô tư và giữ vững "tính Đảng”.
Thế nhưng hiện nay, nạn tham ô, lãng phí và bệnh phô trương hình thức diễn ra tràn lan, nghiêm trọng trong không ít cơ quan ở các cấp, các ngành! Những căn bệnh này đều nảy sinh từ sự suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ CB-ĐV có chức có quyền, từ tệ quan liêu và sự nể nang lẫn nhau của các CB-ĐV ở các tổ chức. Nhiều cơ quan, đơn vị xóa bỏ trụ sở cũ còn tốt và đẹp để xây trụ sở mới "hoành tráng” hơn, "mỹ lệ” hơn; nhưng đáng buồn thay, mọi công việc vẫn cứ chậm rì rì, chất lượng và hiệu quả thực thi nhiệm vụ lại quá yếu kém, cán bộ ngày càng xa dân! Sự thực, nhiều dự án xây mới các trụ sở, các công trình không chỉ lãng phí, trong khi đất nước còn nghèo, còn vay nợ nước ngoài quá nhiều, số đông nhân dân đời sống còn nhiều khó khăn, thiếu thốn mà nhiều chủ dự án còn kiếm chác, tham ô nhiều tỷ đồng bỏ túi cá nhân! Rồi còn mua mới, thay đổi hàng vạn xe con đắt tiền, vượt quá tiêu chuẩn quy định. Rồi bao nhiêu lễ kỷ niệm cực kỳ... "hoành tráng” về những ngày nọ, ngày kia ở nhiều địa phương mà nội dung thì trùng lặp, nhưng tốn kém hàng trăm tỷ đồng chưa kể lãng phí về thời gian và công sức của dân. Lại còn bao nhiêu lễ động thổ, khởi công và các lễ khánh thành các công trình, dự án (Đến nỗi các chính khách nước ngoài cũng phải ngạc nhiên (?!) về hình thức tổ chức)… Những việc như thế không thể hợp lòng dân, mà thực tế thì chẳng có trụ sở, công trình nào vững chãi - theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng! Trụ sở làm việc đồ sộ, y phục, trang thiết bị đắt tiền, nhiều khi không xứng với chức năng nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các địa phương! Lãng phí, xa hoa, phô trương hình thức rầm rộ, tốn kém công quỹ khổng lồ mà không thu được hiệu quả thiết thực, có ích gì cho nhân dân?
Tệ lãng phí, bệnh xa hoa, phô trương hình thức... chẳng những có tội với nước, với dân, mà còn là điều đáng xấu hổ vì trái với đạo đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính! Mới hay - "Nơi đặt Trụ sở của Đảng vững chắc nhất, là trong lòng nhân dân” - lời dạy của Hồ Chủ tịch là lương tri, là chân lý sáng ngời, có ý nghĩa cực kỳ sâu rộng, thấm thía và vẫn mang tính thời sự nóng hổi!
Theo: daidoanket.vn