Hội nghị TW lần thứ 4 (khóa XI) nhất trí ban hành Nghị quyết Trung ương “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” với ba nội dung trọng yếu mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị. Ba nội dung này có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó nội dung thứ nhất: “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” là trọng tâm…
Để thực hiện tốt cả ba nội dung và nhất là nội dung thứ nhất, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ tự phê bình, phê bình trong Đảng là khâu mấu chốt nhất và có nhiều khó khăn nhất. Tổng Bí thư đã thẳng thắn nêu ra những khó khăn, phức tạp trong quá trình tự phê bình và phê bình trong Đảng và những yêu cầu đối với mỗi tổ chức, mỗi cán bộ, đảng viên cần thực hiện.
Đây là những vấn đề trọng yếu để tự phê bình đạt chất lượng, hiệu quả. Tuy vậy thẳng thắn nhìn vào sự thật, nói rõ sự thật, có thể khẳng định trong nhiều năm qua, từ chi bộ, đến Trung ương đều có phần lơi lỏng sinh hoạt tự phê bình và phê bình - một trong ba nội dung sinh hoạt Đảng (sinh hoạt lãnh đạo, sinh hoạt học tập và sinh hoạt phê bình, tự phê bình). Sinh hoạt phê bình, tự phê bình dường như thường được ghép vào sinh hoạt lãnh đạo với những nhận xét chung chung về chất lượng cán bộ, đảng viên hằng tháng, hằng quý, 6 tháng và bình xét phân loại đảng viên cuối năm. Việc tự phê bình và phê bình còn tình trạng xuê xoa, nể nang, thậm chí biến cuộc họp tự phê bình và phê bình thành nơi vuốt ve, ca tụng lẫn nhau hoặc lợi dụng để đấu đá “hạ bệ” nhau như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhận xét. Do không thực hiện đầy đủ quy định về tự phê bình và phê bình, tự phê bình, phê bình hình thức và bị biến tướng nên hiệu quả chất lượng không cao, dẫn tới tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống đã diễn ra trong một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Để tự phê bình, phê bình đạt chất lượng, hiệu quả, cùng với việc thực hiện tốt ý kiến chỉ đạo quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từ Trung ương tới chi bộ cần thực hiện đúng quy định của Đảng về sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Nên chăng vào cuối quý, nửa năm, cuối năm, từ cấp ủy đến chi bộ phải tổ chức sinh hoạt tự phê bình, phê bình một cách trung thực, thẳng thắn, chỉ rõ những điểm mạnh cần phát huy, điểm yếu cần khắc phục về nhiệm vụ lãnh đạo của tập thể, về tính gương mẫu thực hiện nhiệm vụ, phẩm chất đạo đức, lối sống của từ bí thư cấp ủy, thường vụ cấp ủy, cấp ủy viên tới đảng viên. Đồng chí nào chưa tự giác tự phê bình, chi bộ phải tập trung phê bình nghiêm khắc. Bên cạnh việc tổ chức sinh hoạt tự phê bình và phê bình thường xuyên theo quy định, chi bộ nào kiểm tra phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm khuyết điểm tương đối nghiêm trọng, nghiêm trọng hoặc có đơn thư tố cáo của cấp dưới, của nhân dân cần kịp thời tổ chức phê bình kiểm điểm nghiêm khắc và nếu thấy cần xử lý kỷ luật thì kiên quyết đề nghị các cấp có thẩm quyền xử lý, theo đúng điều lệ Đảng và đề nghị chính quyền xử lý kỷ luật hành chính, hoặc truy tố trước pháp luật.
Thực hiện vào nền nếp sinh hoạt tự phê bình và phê bình trong Đảng với tính cách mạng, khoa học để cảnh tỉnh cán bộ, đảng viên có khuyết điểm về tư tưởng, đạo đức, lối sống nhất là có biểu hiện quan liêu tham nhũng, chuyên quyền, độc đoán kết hợp với xử lý nghiêm kỷ luật đối với cấp ủy Đảng, cán bộ, đảng viên có khuyết điểm, thậm chí khai trừ khỏi Đảng những cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật nghiêm trọng, tin rằng Đảng ta sẽ xây dựng ngày càng trong sạch, vững mạnh, làm tròn nhiệm vụ lãnh đạo đất nước xây dựng thành công và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xứng đáng với niềm tin yêu của toàn dân, toàn quân ta./.
Theo:cand.com.vn