Sức bật nội lực

08:01, 05/01/2012

Thông điệp đầu năm 2012, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Phải chuyển nhận thức, quyết tâm thành hành động và hành động quyết liệt để vượt qua sức ỳ của quá trình khởi động, đặt tiến trình phát triển của đất nước vào quỹ đạo mới - quỹ đạo phát triển bền vững”.

Thực vậy, sau 26 năm sau đổi mới, Việt Nam đang chứng tỏ vị trí trên bản đồ thế giới. Trong quãng thời gian đó, Việt Nam đã vượt qua hai bước ngoặt quan trọng. Bước ngoặt thứ nhất, đó là ra khỏi khủng hoảng kinh tế (1996). 12 năm sau (2008), bước ngoặt thứ hai được xác định: Việt Nam bước ra khỏi nước nhóm các nước nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập thấp, chính thức xướng tên vào nhóm các nước “thu nhập trung bình thấp”. Đến 2011, thêm một dấu mốc đáng nhớ: thu nhập quốc nội (GDP) của Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử đạt xấp xỉ 120 tỷ đô la. Tất cả những sự kiện đó đang chứng tỏ sự vượt lên chính mình và từng bước chứng tỏ vị thế ở khu vực và thế giới.

Tuy nhiên, theo tiêu chí của Ngân hàng thế giới, các quốc gia có thu nhập dưới 876 đô la/người/năm thuộc nhóm “đáy”; từ 876 đến 3.465 đô la là nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp. Các quốc gia có thu nhập trung bình cao thì thu nhập một năm trên đầu người từ 3.466 đến 10.725. Nếu trên 10.725 đô la một năm thì xếp nhóm các nước có thu nhập cao. Như vậy, việc Việt Nam vượt qua mốc 1.000 đô la/người/năm và GDP vượt ải 100 tỷ đô la, đó là ranh giới đầu tiên để khẳng định chúng ta đã vượt khỏi nhóm “đáy” - các nước nghèo nàn lạc hậu nhất thế giới để bước vào nhóm hai: nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp.

Tốc độ tăng trưởng gần đây tuy chậm lại nhưng nhìn lại suốt 26 năm sau đổi mới, chúng ta vẫn thuộc nhóm đầu châu lục, chỉ sau “Trung Quốc”. Thế nhưng, nếu xét trong bình diện chung của khu vực và thế giới, hiện chúng ta mới xác định được mục tiêu vượt khỏi nhóm 4 - nhóm các nước nghèo khổ nhất trên thế giới và nguy cơ tụt hậu về kinh tế vẫn hiển hiện.

Thực tế, dù tăng trưởng cao, tăng liên tục suốt thời gian dài nhưng do xuất phát điểm quá thấp nên thu nhập bình quân đầu người vẫn chỉ tiến từng bước (hiện đứng thứ 7 khu vực, thứ 35 châu Á và 137 trên thế giới). Theo tính toán, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng như vừa qua, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam để bằng mức hiện tại của các nước sau đây thì số năm phải phấn đấu là: Indonesia (5 năm); Philippines (8 năm); Thái Lan (20 năm); Malaysia (24 năm); Singapore (40 năm). Tuy nhiên, nếu tính theo cách tính các nước cũng vận động và phát triển, quãng thời gian còn phải dài hơn.

Theo “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020”, phấn đấu đạt GDP năm 2020 theo giá so sánh bằng khoảng 2,2 lần so với năm 2010; GDP bình quân đầu người theo giá thực tế đạt khoảng 3.000 đô la. Tuy nhiên, ngay cả khi đạt được mức 3.000-3.200 đô la/người/năm thì chúng ta vẫn chỉ là nước có thu nhập trung bình thấp (trong khi tiêu chí nếu tính đến thời điểm đó, chắc chắn sẽ cao hơn tiêu chí hiện tại). Như vậy, ngưỡng thu nhập trung bình cao vẫn chưa có trong ít nhất một thập kỷ tới.
Rõ ràng, thách thức còn rất lớn. Tuy nhiên, điều quan trọng là niềm tin để tạo sức bật từ nội lực. Một nền kinh tế từ chỗ đói kém triền miên đã vực dậy và có của ăn của để, bắt đầu bứt phá với những mục tiêu xa hơn, dài hơn, thì ý nghĩa đạt được không chỉ ở con số 119 tỷ đô la GDP hay 1.300 đô la thu nhập đầu người. Thành quả đó khẳng định bản lĩnh, ý chí, kinh nghiệm và sự tự tin. Chúng ta tự tin rằng, tương lai có thể có các khó khăn khác nhưng sẽ nỗ lực vượt qua./.

Theo: cand.com.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com