Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh

08:01, 04/01/2012

Ngày 22-12-2011, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ra Nghị quyết số 15-NQ/TU về tăng cường công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh. Nội dung như sau:

I. HIỆN TRẠNG MÔI TRƯỜNG VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Hiện trạng môi trường

Theo số liệu đánh giá từ năm 2008 đến nay của các cơ quan chuyên môn, hiện trạng môi trường tỉnh Nam Định như sau:

Chất lượng nước trên các tuyến sông lớn như sông Hồng, sông Ninh Cơ, sông Đào nhìn chung tương đối tốt, song tại một số điểm tiếp nhận nước thải của Thành phố Nam Định và từ các nhánh sông trong khu dân cư nông thôn, cụm công nghiệp, làng nghề có nhiều thông số không đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép. Chất lượng nước sông ngòi kênh, mương nội đồng có diễn biến xấu; dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn trong thời kỳ phun thuốc. Nước mặt khu vực làng nghề, cụm công nghiệp đang trong tình trạng báo động; nước mặt tại các khu dân cư nông thôn đang có diễn biến phức tạp, theo chiều hướng xấu. Chất lượng nước ngầm có dấu hiệu ô nhiễm ở phía bắc tỉnh. Phần lớn các cụm, khu công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải tập trung.

Môi trường không khí nhìn chung chưa bị ô nhiễm, chất lượng không khí tương đối tốt. Song cá biệt môi trường không khí tại các làng nghề như Bình Yên, xã Nam Thanh; Vân Chàng, Thị trấn Nam Giang; Tống Xá, xã Yên Xá có những thông số vượt tiêu chuẩn cho phép tại thời điểm quan trắc. Ô nhiễm bụi, tiếng ồn thường xuyên xảy ra tại các nút giao thông, tại các tuyến đường đang trong giai đoạn cải tạo, nâng cấp mở rộng.

Môi trường đất khu vực trồng trọt chất lượng suy giảm do sử dụng phân hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật. Môi trường đất khu vực làng nghề, khu cụm công nghiệp ô nhiễm kim loại nặng ngày một gia tăng ảnh hưởng xấu tới môi trường.

2. Kết quả công tác bảo vệ môi trường thời gian qua

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của tỉnh Nam Định đã vận dụng, cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương và Tỉnh ủy, nhất là Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29 ngày 21-01-2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị; Chỉ thị số 34-CT/TU ngày 28-4-2005 của Tỉnh ủy về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 41-NQ/TW để triển khai sâu rộng, phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, từng bước tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động về bảo vệ môi trường, thu được những kết quả tích cực:

Công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường đã được quan tâm hơn. Đã xây dựng được mạng lưới báo cáo viên về công tác môi trường trong các tổ chức đoàn thể; nhận thức của cộng đồng về bảo vệ môi trường đã có chuyển biến tích cực hơn. Tổ chức bộ máy quản lý về bảo vệ môi trường từ tỉnh tới xã từng bước đã được kiện toàn kể cả về chức năng nhiệm vụ và về biên chế. Đã thực hiện chi trên 1% tổng chi ngân sách hàng năm cho hoạt động sự nghiệp về bảo vệ môi trường. Công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận bản cam kết đạt tiêu chuẩn môi trường, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường đã được quan tâm và tăng cường. Việc quan trắc giám sát, cảnh báo môi trường được thực hiện định kỳ, nền nếp. Việc thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt tại khu đô thị và khu dân cư; chất thải công nghiệp nguy hại, y tế đã thu được những kết quả tích cực (khu vực Thành phố Nam Định thu gom, xử lý đạt 95%; tại 9 huyện có 168/204 xã, thị trấn có hoạt động thu gom rác thải. Đã hỗ trợ cho 74 xã, thị trấn đầu tư xây dựng khu chôn lấp, xử lý rác thải hợp vệ sinh; tỷ lệ thu gom đạt 60%; chất thải y tế nguy hại được xử lý đạt 50%; chất thải công nghiệp nguy hại đã xử lý 10%). Xây dựng 4 nhà máy xử lý nước thải công nghiệp cho KCN Hòa Xá và 3 CCN Xuân Tiến, Yên Xá và An Xá. Hệ thống trạm bơm, kênh mương tiêu thoát nước tại khu vực đô thị, khu vực nông thôn từng bước được đầu tư xây dựng theo quy hoạch, kiên cố hóa và nạo vét, khơi thông dòng chảy đảm bảo việc tiêu thoát nước đô thị và nông thôn. Đã có một số mô hình tốt về bảo vệ môi trường tại các khu dân cư và cơ sở sản xuất kinh doanh.

3. Những tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn bộc lộ một số hạn chế, tồn tại: Nhận thức, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân, doanh nghiệp còn thấp; nước thải tập trung tại Thành phố Nam Định còn chưa được xử lý. Môi trường làng nghề, môi trường khu vực nông thôn còn nhiều vấn đề bức xúc, chưa được giải quyết tốt như: việc thu gom, xử lý rác thải nguy hại, việc xả nước thải sản xuất chưa được xử lý, khai thác cạn kiệt nguồn nước… Bộ máy làm công tác quản lý về môi trường chưa đáp ứng cả về số lượng và chuyên môn. Trang thiết bị phục vụ cho công tác giám sát quản lý môi trường còn rất thiếu. Việc phân công và thực hiện chức năng nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các sở, ban, ngành chưa phù hợp. Tình trạng biến đổi khí hậu đang có những tác động tiêu cực do nước biển dâng, xâm nhập mặn, thời tiết diễn biến bất thường, chưa có các giải pháp khắc phục một cách chủ động, hiệu quả.

II. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG ĐẾN NĂM 2020

A. Quan điểm

Công tác bảo vệ môi trường là một trong những yếu tố quyết định đối với phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững và bảo vệ, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân và nguồn nhân lực. Vì vậy các cấp, các ngành, toàn bộ hệ thống chính trị phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết 41-NQ/TW ngày 15-11-2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Chỉ thị số 29 ngày 21-1-2009 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị, các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

B. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung

Phát triển kinh tế - xã hội gắn kết với việc coi trọng và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, đảm bảo phát triển bền vững, từng bước thực hiện việc xử lý và phục hồi môi trường, xây dựng Nam Định trở thành tỉnh công nghiệp có môi trường cảnh quan, tự nhiên tốt, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân.

2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

a, Hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm

- 100% các cơ sở sản xuất mới xây dựng phải áp dụng công nghệ sạch hoặc được trang bị các thiết bị giảm thiểu ô nhiễm, xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn môi trường.

- 100% doanh nghiệp có dụng cụ phân loại rác thải tại nguồn.

- Triển khai xây dựng Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại Thành phố Nam Định.

- Hoàn thành việc xây dựng Nhà máy xử lý nước thải tập trung của các KCN Mỹ Trung và Bảo Minh.

- Đến năm 2013, trên địa bàn toàn tỉnh 100% các CCN phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc đề án bảo vệ môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung tại 5 CCN.

- 100% các khu, CCN xây dựng mới đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

- Đầu tư xây dựng mới 60 bãi chôn lấp, xử lý rác thải quy mô cấp xã tại 9 huyện.

- Thu gom 90% chất thải công nghiệp và dịch vụ, xử lý trên 60% chất thải nguy hại và 100% chất thải bệnh viện.

- Thực hiện các nội dung để đưa Bệnh viện Đa khoa trung tâm tỉnh và Cty CP Dệt lụa Nam Định ra khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ.

Hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải của 7 bệnh viện.

b. Cải thiện chất lượng môi trường

- 97% dân số đô thị và 90% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh.

- Hoàn thành việc xử lý hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu tại 2 điểm thôn Vạn Diệp, xã Nam Phong, Thành phố Nam Định và xã Hoành Sơn, huyện Giao Thuỷ.

- 90% các cơ sở sản xuất kinh doanh đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn lao động và có cây xanh trong khuôn viên thuộc khu vực sản xuất.

3. Mục tiêu định hướng lớn đến năm 2020

- Hoàn thành Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của Thành phố Nam Định.

- Hoàn thành thủ tục ra khỏi danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22-4-2003 của Thủ tướng Chính phủ đối với Tổng Cty CP Dệt may Nam Định.

- 100% các khu, CCN có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa cấp tỉnh, huyện có hệ thống xử lý rác thải y tế nguy hại, nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

- 100% các xã, thị trấn ở 9 huyện có bãi chôn lấp, xử lý rác thải sinh hoạt hợp vệ sinh quy mô cấp xã. Xây dựng hoàn thành 5 khu xử lý chất thải rắn cấp vùng theo quy hoạch xử lý chất thải rắn vùng tỉnh Nam Định.

- 100% dân số đô thị và 95% dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh.

- Diện tích trồng rừng tập trung đến 2020 đạt 5.700ha và diện tích rừng được tăng dần trong các năm tiếp theo.

C. Nhiệm vụ

1. Đối với vùng đô thị và vùng ven đô thị

- Trong quy hoạch xây dựng và chỉnh trang đô thị cần phải có quy hoạch và xây dựng đồng bộ hệ thống thu gom nước mưa, nước thải sinh hoạt, triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực Thành phố Nam Định trước năm 2015 và hoàn thành trước năm 2020. Bố trí hợp lý diện tích đất cho cảnh quan môi trường.

- Hoàn thành việc đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải y tế tập trung của Bệnh viện Phụ sản Nam Định, Bệnh viện Tâm thần, Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định, Bệnh viện Lao và bệnh phổi trước năm 2015; đối với Bệnh viện Mắt, Bệnh viện Đa khoa Thành phố Nam Định, Bệnh viện Nhi hoàn thành trước năm 2020.

- Tiếp tục quy hoạch xây dựng khu xử lý rác thải của Thành phố Nam Định theo hướng tăng tỷ lệ tái chế, tái sử dụng; từng bước thực hiện phân loại rác tại nguồn.

- Kịp thời phát hiện và xử lý triệt để, kiên quyết các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; từng bước di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ gây ô nhiễm môi trường ra khỏi khu dân cư.

- Giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, bảo đảm các điều kiện về nơi vệ sinh, phương tiện đựng rác ở những nơi công cộng, đông người qua lại.

- Tăng cường trồng cây xanh dọc các tuyến phố, công viên; hình thành các thảm cây xanh trong đô thị và vành đai xanh xung quanh đô thị.

2. Đối với vùng nông thôn

- Xây dựng hoàn thành trạm xử lý nước thải y tế tập trung của 2 bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng, Ý Yên trước năm 2015; 8 bệnh viện đa khoa tuyến huyện còn lại hoàn thành trước năm 2020.

- Kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, thức ăn và thuốc phòng trừ dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản, thu gom và xử lý hợp vệ sinh đối với các loại bao bì chứa đựng hóa chất sau khi sử dụng; xử lý triệt để các điểm ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu trên địa bàn tỉnh.

- Về chất thải chăn nuôi, đến năm 2015, có 75% trang trại, gia trại; đến năm 2020 có 90% trang trại, gia trại có lắp đặt hầm bioga để xử lý chất thải.

- Quy hoạch và xây dựng các khu xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn. Trước mắt đầu tư xây dựng khu xử lý chôn lấp rác thải sinh hoạt quy mô thôn, xã, tiến tới xây dựng khu xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp vùng theo quy hoạch quản lý chất thải rắn vùng tỉnh. Triển khai áp dụng nhiều phương pháp xử lý, tận dụng rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.

- Thực hiện việc nạo vét, khơi thông dòng chảy hệ thống cống rãnh, sông ngòi tưới tiêu khu vực nông thôn.

- Đảm bảo cung cấp nước sạch sinh hoạt cho nhân dân; bảo vệ chất lượng các nguồn nước, đặc biệt chú ý khắc phục tình trạng khai thác, sử dụng bừa bãi, gây cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước ngầm.

- Xây dựng nếp sống hợp vệ sinh gắn với việc khôi phục phong trào xây dựng “ba công trình vệ sinh” của từng hộ gia đình phù hợp với tình hình thực tế.

- Quy hoạch xây dựng các cụm, điểm dân cư nông thôn phải hết sức coi trọng ngay từ đầu nội dung về đảm bảo môi trường như đảm bảo cung cấp nước, thoát nước, thu gom xử lý rác thải...

3. Đối với khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề

- Khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, các khu, cụm, điểm công nghiệp, các cơ sở công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp.

- Xây dựng hoàn thành nhà máy xử lý nước thải công nghiệp tập trung đối với KCN Mỹ Trung và Bảo Minh và 5 CCN (Nghĩa Sơn - huyện Nghĩa Hưng; Đồng Côi, Nam Giang, Nam Hồng huyện Nam Trực; Quang Trung - huyện Vụ Bản; Huyện lỵ Xuân Trường - Thị trấn Xuân Trường) trước năm 2015. Đối với 12 CCN còn lại hoàn thành trước năm 2020. Các khu, CCN xây dựng mới đều phải có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

D. Giải pháp

1. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

- Các cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các đoàn thể, các cơ quan chức năng của tỉnh thường xuyên tổ chức và tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng sự cấp thiết của công tác bảo vệ môi trường.

- Xây dựng tiêu chí về môi trường trong quá trình bình xét thi đua, bình xét khu dân cư, cơ quan, gia đình văn hóa.

- Khôi phục và phát huy truyền thống yêu thiên nhiên, nếp sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên.

2. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường

- Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường, tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy và tăng cường năng lực, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác quản lý về bảo vệ môi trường từ tỉnh đến cơ sở. Xác định rõ trách nhiệm và phân công, phân cấp hợp lý nhiệm vụ bảo vệ môi trường giữa các ngành, các cấp. Xây dựng và phát triển các cơ chế giải quyết vấn đề môi trường liên ngành, liên vùng. Chú trọng xây dựng năng lực ứng phó sự cố môi trường.

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

- Thực hiện công tác quan trắc, giám sát môi trường thường xuyên, đảm bảo luôn cập nhật, nắm chắc tình hình về môi trường trên địa bàn.

3. Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi trường

- Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức và cộng đồng tham gia công tác bảo vệ môi trường, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia các dịch vụ thu gom, vận chuyển, tái chế, xử lý chất thải và các dịch vụ khác về bảo vệ môi trường.

- Chú trọng xây dựng và thực hiện quy ước, hương ước, cam kết về bảo vệ môi trường và các mô hình tự quản về môi trường của cộng đồng dân cư.

- Phát triển các phong trào quần chúng tham gia bảo vệ môi trường. Đề cao trách nhiệm, tăng cường sự tham gia có hiệu quả của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện truyền thông trong hoạt động bảo vệ môi trường.

- Phát hiện, xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong hoạt động bảo vệ môi trường. Đưa nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và vào tiêu chuẩn thi đua khen thưởng.

4. Áp dụng các biện pháp kinh tế trong bảo vệ môi trường

- Đối với các công trình bảo vệ môi trường, tùy theo từng công trình cụ thể mà tỉnh hỗ trợ tối đa không quá 70% giá trị công trình.

Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc người gây thiệt hại đối với môi trường phải khắc phục, bồi thường. Áp dụng các chính sách, cơ chế hỗ trợ về vốn, khuyến khích về thuế, trợ giá đối với hoạt động bảo vệ môi trường.

5. Tạo sự chuyển biến cơ bản trong đầu tư bảo vệ môi trường

- Đảm bảo mức chi cho sự nghiệp môi trường không dưới 1% tổng chi ngân sách và tăng dần tỷ lệ này theo tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế cho hoạt động bảo vệ môi trường.

- Các ngành căn cứ theo chức năng nhiệm vụ chủ động đề xuất, triển khai các chương trình, dự án để đảm bảo thực hiện thắng lợi chỉ tiêu Nghị quyết đề ra.

- Khuyến khích các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước đầu tư bảo vệ môi trường, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn cho bảo vệ môi trường.

6. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và đào tạo bồi dưỡng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về môi trường

7. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế về môi trường. Tranh thủ tối đa nguồn hỗ trợ tài chính, kỹ thuật từ các nước, các tổ chức quốc tế và cá nhân cho công tác bảo vệ môi trường của tỉnh.

III - TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng Kế hoạch tổng thể bảo vệ môi trường của tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020; chỉ đạo các sở, ngành, các địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án cụ thể để tổ chức thực hiện.

2. Các Đảng bộ trực thuộc; các ban của Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng, Đảng đoàn; MTTQ và các đoàn thể tỉnh; các sở, ban, ngành của tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết.

3. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết và tình hình, kết quả thực hiện Nghị quyết; phát hiện, nêu gương những tập thể, cá nhân điển hình trong công tác bảo vệ môi trường.

4. Hàng năm, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh báo cáo với Ban Thường vụ Tỉnh ủy tình hình thực hiện Nghị quyết để rút kinh nghiệm, chỉ đạo kịp thời.
Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ.

T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
Phạm Hồng Hà



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com