Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Về Nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông

07:01, 10/01/2012

Ngày 30-12-2011 Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU về Nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông. Nội dung như sau:

I. Khái quát tình hình giáo dục phổ thông

Trong nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, giáo dục đào tạo Nam Định đã phát triển mạnh, giành được nhiều kết quả to lớn, góp phần thực hiện mục tiêu "Nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" cho quê hương, đất nước, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Hệ thống và quy mô đào tạo không ngừng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội; là tỉnh đầu tiên trong toàn quốc đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở (THCS) đúng độ tuổi và đang tích cực triển khai phổ cập giáo dục bậc trung học.

Đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên được củng cố, kiện toàn đủ về số lượng, 100% đạt chuẩn và trên chuẩn; đa số cán bộ quản lý, giáo viên có phẩm chất chính trị vững vàng, tâm huyết với nghề, sáng tạo trong công việc.

Chất lượng giáo dục ổn định và ngày càng được nâng cao; trong nhiều năm, là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước về tỷ lệ và chất lượng học sinh giỏi quốc gia; 3 năm học gần đây dẫn đầu toàn quốc về kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và điểm bình quân thi vào đại học.

Tuy nhiên, giáo dục phổ thông còn một số hạn chế: Chất lượng giáo dục giữa các trường trong cùng một địa phương và giữa các địa phương chưa đồng đều. Kết quả thi vào lớp 10, thi học sinh giỏi và thi vào đại học của một số nhà trường chưa thật vững chắc. Chất lượng dạy - học môn ngoại ngữ, tin học còn thấp. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất giữa các trường, giữa các vùng miền, giữa các loại hình trường (công lập, tư thục) có sự chênh lệch nên cơ hội tiếp cận các điều kiện giáo dục chất lượng tốt của mọi học sinh chưa đồng đều…

Nguyên nhân chính của hạn chế là: Cấp ủy, chính quyền một số địa phương chưa quan tâm đúng mức; sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với ngành Giáo dục đào tạo chưa ngang tầm với yêu cầu "Giáo dục đào tạo là quốc sách hàng đầu". Chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên chưa đồng đều giữa các địa phương, các trường. Một số cán bộ quản lý giáo dục chậm đổi mới tư duy, thiếu năng động; khả năng quản lý hạn chế. Một bộ phận giáo viên giảm sút ý chí phấn đấu vươn lên, thiếu tâm huyết, say mê nghề nghiệp, không muốn công tác ở những trường ở xa, chất lượng chưa cao. Điều kiện kinh tế - xã hội, môi trường giáo dục ở một số địa phương và người dân còn khó khăn. Chưa có nhiều cơ chế, chính sách động viên, khuyến khích đội ngũ cán bộ, giáo viên.

II. Mục tiêu và giải pháp nâng cao chất lượng đồng đều trong giáo dục phổ thông

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung: Thực hiện có hiệu quả chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục. Phấn đấu nâng cao chất lượng đồng thời nâng độ đồng đều, rút ngắn khoảng cách về chất lượng giữa các trường trong từng huyện, thành phố và trong toàn tỉnh, đặc biệt chú ý tới các trường ở vùng xa, có nhiều khó khăn. Phấn đấu giữ vững vị trí là một trong những tỉnh dẫn đầu toàn quốc về giáo dục phổ thông.

1.2. Mục tiêu cụ thể

1.2.1. Giáo dục mầm non: Xây dựng hệ thống trường, lớp mầm non theo hướng tiên tiến và từng bước hiện đại. Thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Ổn định quy mô trường lớp, đảm bảo mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất một trường mầm non công lập. Đến năm 2013, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ em. Phấn đấu đến năm 2015, giảm tỷ lệ trẻ trong nhà trường suy dinh dưỡng xuống dưới 7,5%; 100% cán bộ quản lý đạt chuẩn trình độ đào tạo, 98% giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo.
Tăng cường đầu tư xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Xóa phòng học tạm, học nhờ. Đến năm 2015, có 60% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

1.2.2. Giáo dục tiểu học: Xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đủ về số lượng, chủng loại và chất lượng. Tập trung các nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cấp học, trong đó đủ phòng học, phòng học bộ môn... cho kế hoạch dạy - học 2 buổi/ngày, dạy - học môn ngoại ngữ.

1.2.3. Giáo dục trung học: Hoàn thành chuyển đổi loại hình trường THPT dân lập sang tư thục. Củng cố, nâng cao chất lượng các trường công lập ở những vùng còn khó khăn và các trường THPT ngoài công lập. Tăng cường cơ sở vật chất các nhà trường. Phấn đấu các trường học đều có phòng học bộ môn. Đến năm 2015, có 70% số trường THPT và 60% số trường THCS đạt chuẩn quốc gia.

1.2.4. Giáo dục thường xuyên: Đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập. Đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn, tăng cường tự học, tự bồi dưỡng của giáo viên. Đổi mới công tác quản lý, tăng cường kỷ cương nền nếp dạy học và các hoạt động giáo dục trong các trung tâm giáo dục thường xuyên, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

2. Các giải pháp

2.1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục đào tạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thống nhất nhận thức: Chăm lo phát triển giáo dục đào tạo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, của từng gia đình và toàn xã hội.

2.2. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Sở GD và ĐT phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thành phố chỉ đạo xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý các cấp học đủ về số lượng, chủng loại và bảo đảm chất lượng, chú trọng các khâu quy hoạch, thực hiện đánh giá cán bộ quản lý và giáo viên theo chuẩn hiệu trưởng và chuẩn giáo viên các cấp học. Coi trọng công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, nhất là bồi dưỡng phẩm chất, khả năng quản lý, phương pháp dạy - học, năng lực vận dụng thực tiễn… Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm thực tế, ứng dụng các kinh nghiệm từ các điển hình tiên tiến về giáo dục đào tạo ở trong tỉnh, ngoài tỉnh và nước ngoài.

Thực hiện việc điều động, luân chuyển giáo viên và cán bộ quản lý giữa các trường học theo hướng: Điều chuyển giáo viên và cán bộ quản lý giỏi từ các trường có chất lượng cao đến tăng cường hỗ trợ (có thời hạn) cho các trường có chất lượng thấp. Đồng thời điều chuyển giáo viên có năng lực và chiều hướng phát triển về công tác tại trường chất lượng cao để tiếp thu kinh nghiệm, làm hạt nhân phát triển lâu dài cho các trường còn khó khăn. Có chính sách cụ thể, hợp lý để hỗ trợ giáo viên thực hiện luân chuyển, học tập nâng cao trình độ.

2.3. Đổi mới, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo. Thực hiện tốt chế độ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, trường học; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết, trao đổi kinh nghiệm thực tiễn về công tác quản lý, công tác chuyên môn, công tác giáo viên, công tác đoàn thể… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm định chất lượng giáo dục.

2.4. Sắp xếp, phát triển hệ thống trường, lớp phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội và phân bổ dân số của tỉnh và các địa phương. Đổi mới các hoạt động giáo dục, phương pháp dạy - học, phương pháp đánh giá học sinh. Coi đổi mới phương pháp dạy - học là khâu đột phá nhằm nâng cao chất lượng. Tập trung đào tạo học sinh giỏi, đồng thời với việc kèm cặp, giúp đỡ học sinh diện yếu, kém. Kết hợp chặt chẽ hoạt động nội khóa với hoạt động ngoại khóa, hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.

2.5. Tiếp tục thực hiện xã hội hóa giáo dục, thu hút mạnh các nguồn lực cho phát triển giáo dục. Đa dạng hóa các loại hình trường lớp, khuyến khích phát triển các loại hình giáo dục ngoài công lập. Đẩy mạnh sự liên kết giáo dục nhà trường - gia đình - xã hội, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Khuyến khích, mở rộng các hoạt động khuyến học, khuyến tài.

Ưu tiên đầu tư và có kế hoạch đầu tư phát triển cơ sở vật chất giáo dục đối với các xã, huyện có khó khăn. Tập trung đầu tư dứt điểm cho các trường đang phấn đấu đạt chuẩn quốc gia và các trường đang thiếu phòng học, chấm dứt hiện tượng phải học nhờ; xây dựng đủ phòng học và phòng thực hành, thí nghiệm, đủ điều kiện thực hiện học 2 buổi/ngày.

III. Tổ chức thực hiện

1. Cấp ủy các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trong phạm vi địa phương, đơn vị.

2. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện nghị quyết, hàng năm tổ chức sơ kết và 5 năm tổ chức tổng kết.

3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động các thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt Nghị quyết.

4. Ban Cán sự đảng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh uỷ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện và thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ.

T/M BAN THƯỜNG VỤ
BÍ THƯ
Phạm Hồng Hà



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com