Xây dựng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam từng bước hiện đại là một nội dung quan trọng trong xây dựng QĐND "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại" thời kỳ mới, bảo đảm cho quân đội có chất lượng tổng hợp, trình độ và sức mạnh chiến đấu ngày càng cao, đủ sức chống "thù trong, giặc ngoài", bảo vệ vững chắc Tổ quốc XHCN trong mọi tình huống.
Chủ tịch Hồ Chí Minh sau chiến thắng Điện Biên Phủ (1954). |
Nhận thức rõ điều đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước, nhân dân ta đã tập trung đầu tư công sức, trí tuệ, tiền của để từng bước hiện đại hóa quân đội, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước, theo kịp trình độ hiện đại của quân đội một số nước trong khu vực. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã coi trọng đầu tư, điều chỉnh cơ chế quản lý tạo điều kiện để phát triển ngành Công nghiệp quốc phòng (CNQP) hiện đại, đảm bảo bảo quản, sửa chữa, nâng cấp,... vũ khí, trang bị (VK,TB) hiện có và nghiên cứu, sản xuất một số VK,TB thông thường và tương đối hiện đại. Bộ Quốc phòng cũng xây dựng chiến lược và lộ trình trang bị các vũ khí hiện đại, trước hết cho các quân chủng: Phòng không - Không quân, Hải quân, các binh chủng, lực lượng làm nhiệm vụ đặc biệt, bảo đảm đủ sức quản lý, bảo vệ vững chắc biên giới, vùng trời, vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Hiện nay và thời gian tới, trước yêu cầu mới của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ xây dựng quân đội nói chung, xây dựng quân đội từng bước hiện đại nói riêng cần tập trung vào mục tiêu chiến lược chủ yếu là, đối phó thắng lợi với chiến tranh xâm lược có sử dụng vũ khí công nghệ cao của địch. Phương châm chỉ đạo việc xây dựng quân đội từng bước hiện đại là hiện đại hóa vừa theo tiến trình tuần tự, vừa tạo những đột phá có tính nhảy vọt; phát triển VK,TB hiện đại với nghiên cứu các giải pháp hữu hiệu chống lại VK,TB công nghệ cao của địch, phát triển cách đánh phù hợp với nghệ thuật quân sự Việt Nam và điều kiện tác chiến mới. Nhiệm vụ xây dựng QĐND từng bước hiện đại là công việc hệ trọng của đất nước, phải đầu tư lớn sức người, sức của; kết quả thực hiện nhiệm vụ trực tiếp tác động đến sức mạnh của quân đội, sự an nguy của quốc gia. Do vậy, vấn đề này cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện có lộ trình, bước đi thích hợp, lựa chọn hợp lý nội dung ưu tiên, các trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam, trình độ kinh tế, khoa học - công nghệ (KH-CN) của đất nước, yêu cầu nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm tính hiệu quả, tạo nền tảng cơ bản cho chiến lược hiện đại hóa quân đội mà Đảng, Nhà nước đã đề ra. Trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện, cần bám sát thực tế, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, kết hợp nguồn lực trong nước và nguồn lực hợp tác quốc tế, thực hiện đảm bảo đúng lộ trình, bước đi, giải quyết dứt điểm từng khâu, từng bước, sử dụng hiệu quả nguồn vốn, để các nội dung hiện đại hóa bảo đảm chất lượng, hiệu quả... Xây dựng QĐND từng bước hiện đại phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất từ trên xuống dưới, các quân, binh chủng, lực lượng; trong đó, tập trung vào những nội dung chính sau:
Xây dựng hệ thống thông tin, trinh sát, chỉ huy, điều hành, quản lý bộ đội và điều khiển VK, TB theo hướng tự động hóa, phù hợp với đường lối, nghệ thuật quân sự Việt Nam và trình độ kinh tế, KH-CN của đất nước. Trong cuộc cách mạng KH-CN mới, việc ứng dụng tin học và công nghệ thông tin để hiện đại hóa, nâng cao trình độ tự động hóa, trí năng hóa hệ thống thông tin, trinh sát, chỉ huy, điều hành, quản lý bộ đội, điều khiển VK, TB là một nhu cầu bức thiết và là vấn đề mang tính quy luật, tính nguyên tắc trong xây dựng quân đội hiện đại của các nước, trong đó có nước ta. Thực tiễn các cuộc chiến tranh cục bộ hiện đại gần đây đã chứng minh rõ, việc xây dựng hệ thống chỉ huy, kiểm soát, truyền tin, tình báo (C3I) tự động hóa cho phép chỉ huy, cơ quan chỉ huy - tham mưu các cấp rút ngắn thời gian lập kế hoạch, tổ chức chuẩn bị và thực hành tác chiến, vạch ra các phương án tác chiến tối ưu, mô hình hóa quá trình chiến đấu... Điều đó đã nâng cao đáng kể hiệu suất, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ huy, quản lý chiến trường; tạo điều kiện để sử dụng tốt nhất khả năng chiến đấu của bộ đội trong các tình huống tác chiến, nhất là các tình huống tác chiến đột xuất, bất ngờ. Quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, chương trình, kế hoạch phát triển VK,TB quân đội tới 2015 và những năm tiếp theo, thời gian tới, chúng ta tập trung đầu tư xây dựng hệ thống tự động hóa chỉ huy bộ đội tác chiến ở các cấp: chiến lược, chiến dịch, chiến thuật binh chủng hợp thành; hệ thống tự động chỉ huy, điều khiển bộ đội và VK,TB của các quân chủng, binh chủng trong tác chiến. Trên cơ sở đó, xây dựng hệ thống tự động chỉ huy, quản lý bộ đội và điều khiển VK, TB trong tác chiến của QĐND Việt Nam trong thời kỳ mới.
Nghiên cứu sản xuất, mua sắm, cải tiến nâng cấp các loại VK,TB kỹ thuật hiện đại, ưu tiên cho các quân chủng, binh chủng kỹ thuật. Đây là nội dung quan trọng, trực tiếp tác động đến trình độ, sức mạnh chiến đấu của quân đội. Các loại VK,TB nói trên phải đáp ứng các yêu cầu kỹ, chiến thuật là: gọn nhẹ, cơ động cao, hoạt động được trên nhiều loại địa hình, môi trường, thời tiết khác nhau; mức độ tự động cao, linh hoạt trong tác chiến, chiến đấu; độ chính xác cao, uy lực lớn, tầm bắn xa; có hàm lượng KH-CN cao, đảm bảo chỉ huy, kiểm soát, điều khiển, trinh sát nhanh chóng, chính xác; an toàn cao trong điều kiện tác chiến điện tử, chế áp hỏa lực mạnh. Đối với các loại VK,TB chiến đấu, chú ý sản xuất, mua sắm, nâng cấp các loại có tính năng kỹ, chiến thuật hiện đại, đáp ứng yêu cầu tác chiến mới: tầm hoạt động xa, độ cao cao; hoạt động được trong nhiều loại địa hình, nhiều môi trường, thời tiết; tính lưỡng dụng cao; tính thống nhất, hệ thống cao. Đối với các VK,TB phục vụ và bảo đảm chiến đấu, chú trọng sản xuất, mua sắm, nâng cấp các loại VK,TB hậu cần, kỹ thuật có tính cơ động, linh hoạt cao; bền, lưỡng dụng và đa năng; hoạt động được trong nhiều loại địa hình, nhiều môi trường, mọi điều kiện thời tiết; nâng cao khả năng bảo đảm an toàn cho bộ đội trong huấn luyện và chiến đấu.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã xác định: "Tăng cường cơ sở vật chất - kỹ thuật, bảo đảm cho các lực lượng vũ trang từng bước được trang bị hiện đại, trước hết là cho lực lượng hải quân, phòng không, không quân, lực lượng an ninh, tình báo"(1). Quán triệt tinh thần đó, Bộ đội Phòng không - Không quân được trang bị các loại máy bay, tên lửa hiện đại, các tổ hợp tên lửa, pháo phòng không tự hành... Bộ đội Hải quân được trang bị các tàu tên lửa, tàu pháo, tàu phóng lôi thế hệ mới... Bộ đội Biên phòng mua sắm các trang thiết bị hiện đại trong trinh sát, quản lý, bảo vệ biên giới đất liền, biên giới biển... Lực lượng Tác chiến điện tử tập trung nghiên cứu, sản xuất, mua sắm các loại trang bị trinh sát, bảo vệ, chế áp điện tử hiện đại... Cảnh sát biển mua sắm và chế tạo các tàu được trang bị hiện đại, đa năng.
Xây dựng tiềm lực khoa học - kỹ thuật (KH-KT) và công nghệ quân sự (CNQS), phát triển CNQP hiện đại là một nội dung quan trọng, tạo nền tảng cho việc hiện đại hóa quân đội. Theo đó, trong xây dựng tiềm lực KH-KT và CNQS, chúng ta cần tập trung đổi mới công tác cán bộ, xây dựng đội ngũ cán bộ khoa học và CNQS có số lượng thích hợp, chất lượng cao; chủ động tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ KH-KT và CNQS tham gia thị trường KH-CN của đất nước. Nhà nước, trực tiếp là Bộ Quốc phòng, cần thực hiện tốt việc phát huy nội lực, huy động tiềm lực KH-CN của nhà nước và khai thác tối đa khả năng hợp tác với nước ngoài; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu, cung cấp thường xuyên, kịp thời những thông tin KH-KT cần thiết; xây dựng và tổ chức thực hiện một số chương trình, dự án nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, kết hợp nghiên cứu KH-KT và CNQS với chế tạo, sản xuất các sản phẩm tương đối hiện đại để trang bị cho quân đội. Cùng với đó, các đơn vị cần đẩy mạnh nghiên cứu KH-CN quân sự để nắm chắc các loại vũ khí công nghệ cao mà đối tượng tác chiến đã và sẽ sử dụng.
Trong phát triển CNQP, Bộ Quốc phòng và các đơn vị cần tập trung phát triển các nội dung xây dựng tiềm lực CNQP trên cơ sở Chiến lược Quốc phòng và Chiến lược Quân sự Việt Nam; hoàn thiện mô hình tổ chức tiềm lực CNQP của đất nước; đổi mới các chế độ, chính sách để huy động nguồn nội lực, phát triển nguồn nhân lực và thu hút tiềm năng chất xám phục vụ cho KH-KT và CNQS, CNQP; chú trọng mở rộng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực KH-KT và CNQS, CNQP. Theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, các ban, ngành chức năng xây dựng đề án quy hoạch tổng thể phát triển VK,TB giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn sau năm 2020; trong đó, cần xác định rõ mục tiêu với tính khả thi cao, đề xuất cơ chế quản lý, điều hành, mua công nghệ mới... Đối với những nhiệm vụ, chương trình đặc biệt quan trọng được xác định trong Nghị quyết 27 của Bộ Chính trị, cần xây dựng thành các chương trình mục tiêu quốc gia có sự tham gia của nhiều bộ, ngành; huy động được đội ngũ chuyên gia KH-KT và công nghệ thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau ở trong và ngoài nước.
Nghiên cứu phát triển khoa học nghệ thuật quân sự và làm tốt công tác đào tạo, huấn luyện đội ngũ cán bộ, chiến sĩ có trình độ nghệ thuật tác chiến cao, làm chủ, phát huy hết tính năng VK, TB. Đây là yêu cầu khách quan đặt ra trong sự nghiệp bảo vệ đất nước của mỗi quốc gia. Xây dựng quân đội hiện đại không những về VK,TB mà còn phải xây dựng quân đội có trình độ tác chiến hiện đại, đáp ứng yêu cầu của chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệ cao. Nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự phải tùy thuộc vào đối tượng tác chiến, phương thức tiến hành chiến tranh bảo vệ Tổ quốc; đồng thời, phải biết kế thừa truyền thống đã có, kết hợp với những vấn đề thực tiễn mới đặt ra. Quá trình hiện đại hóa VK,TB luôn song hành với nghiên cứu phát triển nghệ thuật quân sự, để tác chiến phù hợp với từng đối tượng cụ thể. Trong từng kế hoạch và từng giai đoạn, các cấp, các ngành phải xem xét, nghiên cứu kỹ từng vấn đề, đảm bảo sát với thực tiễn tình hình và nhiệm vụ tác chiến của quân đội. Nghiên cứu khoa học nghệ thuật quân sự phải gắn bó chặt chẽ với huấn luyện, đào tạo cán bộ, chiến sĩ có trình độ nghệ thuật tác chiến cao, làm chủ, phát huy hết tính năng VK,TB. Để thực hiện tốt công tác huấn luyện, đào tạo, các đơn vị cần kết hợp giữa giáo dục - đào tạo ở nhà trường với huấn luyện, diễn tập từng năm ở các cơ quan, đơn vị trong toàn quân...
Thực hiện tốt các nội dung trên đây sẽ góp phần quan trọng vào việc xây dựng QĐND Việt Nam "cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại", theo đúng đường lối Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới./.
Theo: Tạp chí Quốc phòng toàn dân
--------------------------
(1) ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXB CTQG, H.2011, Tr 235.