Ngày 1-12-2011, Tỉnh ủy Nam Định ban hành Nghị quyết số 12-NQ/TU về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012. Toàn văn Nghị quyết như sau:
I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
Năm 2011, trong điều kiện có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng còn nhiều khó khăn, thách thức: do tác động bất lợi của tình hình lạm phát, thiên tai, dịch bệnh và một số vấn đề xã hội chưa được giải quyết hiệu quả… Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ, chính quyền; sự cố gắng, nỗ lực của các cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được những kết quả quan trọng.
Hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu. Kinh tế tiếp tục ổn định và có bước phát triển. Tổng sản phẩm (GDP) tăng 12,1% (kế hoạch 12%). GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 19,2 triệu đồng (kế hoạch 18 triệu đồng). Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Chương trình xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng khá; giá trị sản xuất tăng 21,5%; 23/25 ngành sản xuất và 27/34 sản phẩm chủ yếu có mức tăng trưởng cao hơn so năm trước, trong đó có 17 ngành sản xuất có mức tăng trên 20%. Thu ngân sách nhà nước vượt cao, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch trước 4 tháng, tất cả các khoản thu ngân sách đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch. Đầu tư phát triển có nhiều cố gắng trong thu hút nguồn vốn và triển khai các công trình, dự án trọng điểm. Tập trung triển khai thực hiện một số định hướng lớn có tính chất chiến lược, tác động lâu dài tới sự phát triển chung của tỉnh. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Ngành Giáo dục và Đào tạo tiếp tục giữ vững một số thành tích đứng đầu toàn quốc. An sinh xã hội cơ bản được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 8,45% (theo chuẩn mới). Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Những kết quả đạt được về phát triển kinh tế - xã hội của năm 2011 cùng với việc tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và việc cụ thể hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII có ý nghĩa rất quan trọng, tạo nền tảng, tiền đề thuận lợi cho các năm tiếp theo.
Nguyên nhân chủ yếu của những kết quả đạt được: Có sự đồng thuận, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân sau thành công của đại hội đảng các cấp nhiệm kỳ 2010-2015. Tỉnh ủy đã ban hành các nghị quyết toàn khóa về phát triển kinh tế - xã hội, UBND tỉnh ban hành các kế hoạch thực hiện và tập trung lãnh đạo thực hiện ngay trong năm 2011. Cấp ủy, chính quyền các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện kiên quyết, thống nhất, bám sát tình hình thực tiễn, cơ sở; mạnh dạn đi vào những việc mới, việc khó. Thực hiện có hiệu quả sự chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là Kết luận số 02-KL/TW ngày 16-3-2011 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 24-02-2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện. Các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số hạn chế: Quy mô nền kinh tế còn nhỏ; sức cạnh tranh và chất lượng phát triển chưa có chuyển biến mạnh. Thu ngân sách tăng cao nhưng tỷ trọng thu từ sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số chỉ tiêu phát triển vẫn còn thấp so với các tỉnh trong vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Trong sản xuất công nghiệp, định hướng phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dược, công nghiệp hỗ trợ chưa rõ. Chuyển dịch cơ cấu trong nội bộ ngành nông nghiệp còn chậm, sản xuất vụ đông chưa được đẩy mạnh. Một số địa phương, ngành chưa thật chủ động trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; chưa huy động được nhiều nguồn lực đầu tư từ nhân dân và xã hội; tư tưởng trông chờ nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước còn khá phổ biến. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý, sử dụng đất đai ở một số địa phương chưa tốt. Giải phóng mặt bằng ở một số dự án còn gặp khó khăn; tiến độ thực hiện một số dự án then chốt còn chậm. Tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông còn có biểu hiện diễn biến phức tạp. Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với một số vụ việc chưa dứt điểm…
Nguyên nhân chính của những hạn chế là: Tác động bất lợi của tình hình biến động kinh tế thế giới, trong nước; thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp. Cấp uỷ, chính quyền một số địa phương, cơ quan ở một số thời điểm chưa thực sự năng động, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; còn có hiện tượng né tránh, đùn đẩy công việc. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành ở một số lĩnh vực chưa chặt chẽ, thiếu chủ động. Sự vào cuộc của một số ngành, đoàn thể đối với một số nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh còn hạn chế. Tinh thần trách nhiệm, năng lực của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tâm huyết trong thi hành nhiệm vụ. Ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân chưa tốt…
II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2012
Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, bên cạnh những thuận lợi cơ bản: Sự phấn khởi, quyết tâm cao của Đảng bộ và nhân dân, sự đồng thuận; ổn định xã hội; kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2011; hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội được cải thiện, một số tuyến giao thông huyết mạch của tỉnh hoàn thành cải tạo, nâng cấp; môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh đang trong xu hướng tốt hơn… cũng còn những khó khăn, thách thức rất gay gắt: Kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố đe dọa sự ổn định, tăng trưởng kinh tế trong nước, những yếu kém nội tại của kinh tế - xã hội trong tỉnh; một số chính sách kiềm chế lạm phát, giảm đầu tư công của Chính phủ; thiên tai, thời tiết, dịch bệnh… có thể ảnh hưởng tới tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trước tình hình đó, đòi hỏi phải có sự quyết tâm, thống nhất cao trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ, chính quyền các cấp; sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sức mạnh và động lực mới để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012.
1. Mục tiêu
Cùng với cả nước thực hiện có hiệu quả chương trình kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2011. Tiếp tục tháo gỡ khó khăn thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển theo hướng nâng cao trình độ, hiệu quả. Huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để tập trung thực hiện và tạo bước chuyển biến mạnh trong các chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế biển, cải tạo nâng cấp cơ sở hạ tầng then chốt, xây dựng Thành phố Nam Định. Tiếp tục phát triển các lĩnh vực văn hóa - xã hội. Bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống nhân dân. Chú trọng bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh cải cách hành chính. Củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội.
2. Các chỉ tiêu chủ yếu
(1) Các chỉ tiêu kinh tế
- Tổng sản phẩm (GDP - giá so sánh) tăng 12% trở lên. GDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt 20 triệu đồng.
(2) Các chỉ tiêu xã hội
(3) Các chỉ tiêu môi trường
3. Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
(1) Tập trung phát triển kinh tế; tháo gỡ khó khăn, ổn định và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển
Hoàn thành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đến năm 2020. Trên cơ sở đó, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các huyện, thành phố, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu, đặc biệt là quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp cho phù hợp với quy hoạch diện tích đất trồng lúa.
Tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết toàn khóa của Tỉnh ủy; đặc biệt chú trọng việc rà soát, bổ sung, xây dựng các cơ chế chính sách, tháo gỡ khó khăn về đất đai, vốn, lao động, công nghệ… phù hợp với quy định của pháp luật và đủ mạnh để khuyến khích được các thành phần kinh tế đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn; xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh.
Phát triển mạnh sản xuất công nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Có định hướng thật rõ đối với phát triển các ngành công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất thuốc chữa bệnh. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn. Nâng cao hiệu quả các hoạt động khuyến công. Tăng cường thu hút đầu tư vào các khu, cụm, điểm công nghiệp.
Đẩy mạnh phát triển các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có tiềm năng, lợi thế, có giá trị gia tăng cao. Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hoá, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm và các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu. Tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, xuất khẩu hàng hoá. Thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Thực hiện tốt các giải pháp kiềm chế lạm phát, quản lý thị trường, giá cả; xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ tăng giá, gian lận thương mại, sản xuất và buôn bán hàng giả. Tăng cường các hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh.
Phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch, nâng cao trình độ thâm canh, hiệu quả sản xuất gắn với công nghiệp chế biến, thị trường tiêu thụ sản phẩm. Triển khai có hiệu quả các chương trình về giống, chế biến, bảo quản sau thu hoạch. Khuyến khích, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, quy mô tích tụ đất lớn, sản phẩm có giá trị cao và đảm bảo tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt. Tập trung tạo bước chuyển biến mạnh trong sản xuất vụ Đông. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, gia trại theo quy hoạch. Tăng cường các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp. Chủ động xây dựng và thực hiện tốt các phương án phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tư tưởng; nâng cao trách nhiệm, tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của cả hệ thống chính trị. Kịp thời biểu dương, nhân rộng các điển hình, cách làm tốt. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách của tỉnh để khuyến khích, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới; chú trọng các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp đầu tư về nông thôn và phát triển các doanh nghiệp ở nông thôn, hỗ trợ mua máy móc, công cụ sản xuất nông nghiệp, sản xuất vụ đông... Đẩy mạnh Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tổ chức quản lý, thực hiện tốt các quy hoạch, đề án; lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án trên địa bàn. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác dồn điền, đổi thửa đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu và nguyên tắc đã đề ra theo Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 19-9-2011 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch của UBND tỉnh.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư của các thành phần kinh tế trong và ngoài nước. Rà soát, bổ sung các cơ chế khuyến khích đầu tư, xúc tiến đầu tư để thu hút các nhà đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, năng lực tài chính mạnh... Tập trung nguồn lực đầu tư để xây dựng và hoàn thành các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng. Thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng. Đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là thủ tục hành chính; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính đã công bố, tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp. Nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết các thủ tục về đầu tư, đăng ký kinh doanh, đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp. Thường xuyên đối thoại với các nhà đầu tư, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc. Xử lý nghiêm các trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm, nhũng nhiễu, phiền hà của cán bộ, công chức.
Nâng cao hiệu quả đầu tư, nhất là đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước. Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải; ưu tiên bố trí vốn cho các nhiệm vụ trọng tâm như: Xây dựng nông thôn mới; chỉnh trang nâng cấp đô thị Nam Định; các công trình quan trọng trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục… Cân đối vốn đầu tư hợp lý giữa các công trình hoàn thành, chuyển tiếp. Hạn chế tối đa việc khởi công các công trình mới, trường hợp cần thiết phải bảo đảm các quy định của Chính phủ. Tăng cường công tác quản lý đầu tư xây dựng cơ bản, quản lý chặt chẽ và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất của các địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và các nhà đầu tư khác triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh.
Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật và chỉnh trang đô thị Thành phố Nam Định; từng bước triển khai thực hiện Quy hoạch chung xây dựng Thành phố Nam Định đến năm 2025 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Sơ kết Nghị quyết 05-NQ/TU ngày 01-12-2006 của Tỉnh uỷ về xây dựng Thành phố Nam Định trở thành Trung tâm kinh tế - văn hoá - xã hội của vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Triển khai các công việc hình thành Khu kinh tế Ninh Cơ: Xây dựng quy hoạch chung, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, cơ chế chính sách khuyến khích phát triển, xúc tiến đầu tư… Triển khai tích cực dự án Nhà máy Nhiệt điện Hải Hậu và các dự án trọng điểm khác.
Tăng cường công tác quản lý thu, chi ngân sách. Điều hành ngân sách đúng quy định, tiết kiệm và hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; thực hiện nghiêm các quy định về mua sắm tài sản công.
(2) Phát triển các lĩnh vực văn hoá, xã hội; đảm bảo an sinh và phúc lợi xã hội; chú trọng công tác bảo vệ môi trường
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" gắn với các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định, đón nhận Quyết định công nhận Thành phố Nam Định là đô thị loại I trực thuộc tỉnh. Tăng cường quản lý lễ hội. Nâng cao chất lượng các hoạt động thông tin, báo chí. Tăng cường xúc tiến du lịch. Tiếp tục triển khai công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội Thể dục thể thao toàn quốc lần thứ VII.
Nâng cao chất lượng giáo dục và độ đồng đều ở tất cả các ngành học, bậc học. Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 25-7-2011 của Tỉnh ủy về phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao; Đề án "Phát triển giáo dục mầm non tỉnh Nam Định đến năm 2015". Tiếp tục nghiên cứu, hình thành khu đại học tập trung của tỉnh.
Nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh cho nhân dân. Chủ động các biện pháp, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch bệnh lớn xảy ra trên địa bàn. Tăng cường quản lý nhà nước về thuốc chữa bệnh và hoạt động khám chữa bệnh tư nhân. Chú trọng nâng cao y đức cho đội ngũ cán bộ y tế. Thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hoá gia đình, khắc phục tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.
Tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách phát triển khoa học và công nghệ; khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, nhất là công nghệ cao. Tăng cường các hoạt động nghiên cứu ứng dụng gắn với phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Phát triển mạnh các dịch vụ khoa học và công nghệ như dịch vụ thông tin, tư vấn, sở hữu trí tuệ… Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ có chất lượng cao.
Tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động. Thực hiện đồng bộ các chính sách thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Đẩy mạnh xuất khẩu lao động. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội; các hoạt động nhân đạo từ thiện. Triển khai tích cực Chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và Chương trình bảo vệ, chăm sóc trẻ em.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội về bảo vệ môi trường. Thường xuyên thanh tra, kiểm tra; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Tiếp tục triển khai có hiệu quả chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn. Đầu tư xây dựng các công trình xử lý chất thải ở các khu, cụm công nghiệp, cơ sở y tế theo kế hoạch.
(3) Tăng cường công tác quốc phòng, an ninh, nội chính
Tổ chức quán triệt và triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 07-CT/TW ngày 03-10-2011 của Ban Bí thư “Về tăng cường lãnh đạo thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 22-9-2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành khu vực phòng thủ vững chắc trong tình hình mới”. Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương và của tỉnh về công tác quốc phòng, an ninh. Thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ quân sự - quốc phòng địa phương năm 2012. Duy trì nghiêm chế độ thường trực sẵn sàng chiến đấu, chủ động trong mọi tình huống. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo quốc phòng, an ninh. Bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh tuyến biển. Hoàn thành chỉ tiêu giao quân năm 2012. Đẩy mạnh thực hiện chương trình quốc gia phòng chống tội phạm. Tăng cường đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Nâng cao chất lượng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên tất cả các lĩnh vực, địa bàn; bảo vệ an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị quan trọng. Thực hiện đồng bộ các biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Duy trì nền nếp công tác tiếp công dân, giải quyết kịp thời, dứt điểm đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, tập trung vào những lĩnh vực bức xúc, dễ phát sinh tiêu cực.
(4) Đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Cấp ủy các cấp tiếp tục cụ thể hóa các nghị quyết toàn khóa của Tỉnh ủy trong chương trình công tác năm 2012 phù hợp với điều kiện của địa phương, xác định rõ trọng tâm, trọng điểm và bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, thống nhất, kiên quyết theo quy hoạch, kế hoạch; tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm, các vấn đề phức tạp, bức xúc. Tiếp tục đổi mới sự chỉ đạo, điều hành và phong cách, lề lối làm việc, gắn với thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong Đảng. Nâng cao tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giải quyết kịp thời các vấn đề thực tiễn phát sinh, những khó khăn, vướng mắc ở cơ sở; động viên, khen thưởng và kỷ luật kịp thời.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền các cấp, bảo đảm sự quản lý thống nhất, sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành; phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, đơn vị; gắn phân cấp với tăng cường kiểm tra, giám sát của cấp trên và chịu trách nhiệm của cấp dưới, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Kiên quyết chỉ đạo khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý nhà nước ở một số lĩnh vực, địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và hệ thống quản lý chất lượng trong hoạt động của các cơ quan hành chính. Làm tốt công tác thi đua, khen thưởng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống tham nhũng, tập trung vào các biện pháp phòng ngừa; xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật những trường hợp vi phạm.
(5) Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng chương trình, kế hoạch với nội dung, công việc cụ thể, thiết thực để tham gia tích cực, hiệu quả đối với các nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng Thành phố Nam Định, bảo đảm an ninh trật tự, công tác giải phóng mặt bằng…, gắn kết quả các hoạt động với tiêu chí đánh giá thi đua của các đoàn thể.
Tiếp tục phát động và tổ chức sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng các ngày lễ kỷ niệm lớn của đất nước, của tỉnh, nhất là phong trào thi đua chào mừng kỷ niệm 750 năm Thiên Trường - Nam Định gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị, Kế hoạch 03-KH/TW ngày 01-7-2011 của Ban Bí thư Trung ương nhằm tạo sự đồng thuận, quyết tâm cao trong tất cả các cấp, các ngành và cán bộ, đảng viên, nhân dân nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trong phạm vi địa phương, cơ quan, đơn vị mình.
2. Đảng đoàn Hội đồng nhân dân tỉnh chỉ đạo Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh triển khai Nghị quyết tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2012, đồng thời xây dựng các chương trình giám sát nhằm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.
3. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh và các ngành, các cấp xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết và tổ chức chỉ đạo thực hiện hiệu quả.
4. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch thực hiện Nghị quyết. Tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên, các tầng lớp nhân dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
5. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh, các ban xây dựng Đảng và Văn phòng Tỉnh uỷ theo dõi, đôn đốc, tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết và thường xuyên báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.
Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ Đảng./.
T/M BAN CHẤP HÀNH
BÍ THƯ
Phạm Hồng Hà