Hiện nay, toàn tỉnh có 1.050 tổ chức cơ sở Đảng (TCCS Đảng) trực thuộc 10 đảng bộ huyện, thành phố và 6 đảng bộ trực thuộc, trong đó có 425 đảng bộ và 625 chi bộ cơ sở. Những năm qua, các cấp ủy Đảng trong tỉnh luôn quan tâm đến công tác xây dựng TCCS Đảng và rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên nhằm nâng cao hơn nữa năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các TCCS Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của Đảng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Các cấp ủy Đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết có liên quan như Nghị quyết Trung ương 6 và Nghị quyết số 22-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của TCCS Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Chỉ thị số 10-CT/TW của Ban Bí thư về “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ” gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… đồng thời xây dựng kế hoạch và chương trình hành động phù hợp với thực tiễn của địa phương, đơn vị.
Hội nghị tọa đàm về xây dựng, củng cố và nâng cao chất lượng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân do Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh tổ chức.
Ảnh:
Văn Trọng
|
Thực tế hiện nay, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường, một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí phấn đấu, tinh thần đấu tranh phê bình và tự phê bình còn hạn chế. Vì vậy một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các cấp ủy quan tâm chỉ đạo là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trí tuệ, phẩm chất đạo đức cách mạng, chủ động khắc phục những biểu hiện phai nhạt lý tưởng; chống chủ nghĩa cơ hội, thực dụng, vụ lợi, cá nhân… Thông qua các buổi sinh hoạt chi bộ, các đợt học tập, quán triệt nghị quyết, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã thường xuyên được nắm bắt những chủ trương, đường lối, chính sách mới nhất của Đảng, Nhà nước, từ đó tạo ra sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động góp phần đẩy lùi các tiêu cực, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Bên cạnh đó, công tác quản lý đảng viên ở các cấp ủy đã được quan tâm hơn, xử lý kịp thời đảng viên vi phạm kỷ luật, góp phần tăng tính giáo dục của tổ chức Đảng. Để nâng cao chất lượng hoạt động của các TCCS Đảng, nhất thiết phải nâng cao trình độ, năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ cấp ủy, đảng viên. Trong 5 năm qua, trung tâm BDCT các huyện, thành phố, đảng uỷ trực thuộc tỉnh đã mở 1.118 lớp cho 110.274 học viên với các loại hình đào tạo như bồi dưỡng đối tượng Đảng, bồi dưỡng đảng viên mới, các lớp sơ cấp, trung cấp lý luận chính trị, lớp bồi dưỡng cấp uỷ, bồi dưỡng cán bộ hội, đoàn thể; bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, kiến thức quản lý Nhà nước cho đội ngũ trưởng thôn xóm, bí thư chi bộ…, từ đó đã góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý, điều hành của đội ngũ cán bộ cơ sở, nâng cao năng lực lãnh đạo của các TCCS Đảng.
Đổi mới phương thức lãnh đạo phù hợp với từng loại hình TCCS Đảng là một giải pháp được nhiều đảng bộ triển khai thực hiện. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, cấp uỷ cơ sở đã từng bước đổi mới phương thức lãnh đạo, bám sát nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, xây dựng chương trình công tác, quy chế làm việc, cụ thể hoá mối quan hệ giữa cấp uỷ Đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể, thực hiện phân công cấp uỷ viên, đảng uỷ viên phụ trách các nhiệm vụ cụ thể, duy trì thường xuyên việc giao ban cấp uỷ định kỳ hàng tháng… Ở Khối Doanh nghiệp tỉnh, những năm qua đã có hàng trăm DNNN chuyển đổi sang mô hình Cty CP, một số đảng bộ, chi bộ doanh nghiệp còn lúng túng, chậm đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo hoặc đổi mới chưa tương xứng với yêu cầu chuyển đổi tổ chức và cơ chế hoạt động của doanh nghiệp. Một số DNNN ngay sau khi chuyển sang Cty CP đã có tình trạng cán bộ lãnh đạo, đảng viên không được tín nhiệm giữ các chức vụ cao trong doanh nghiệp, khi đó vai trò của tổ chức Đảng bị hạn chế. Từ đó đặt ra yêu cầu là phải có sự đổi mới phương thức lãnh đạo của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, nhất là trong các Cty CP sao cho mối quan hệ giữa tổ chức Đảng, HĐQT, Ban giám đốc được hài hoà, hướng tới sự phát triển chung của doanh nghiệp. Trước thực tế đó, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh đã ban hành hướng dẫn về quy chế hoạt động của TCCS Đảng cũng như quy chế phối hợp giữa HĐQT, Ban giám đốc với tổ chức Đảng trong các Cty CP, doanh nghiệp ngoài quốc doanh, tổ chức nhiều hội nghị chuyên đề, hội thảo về nâng cao vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp, từ đó giúp các tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp nâng cao vai trò hạt nhân chính trị. Đảng bộ Thành phố Nam Định đã ban hành hướng dẫn hình thức sinh hoạt chi bộ phù hợp với từng loại hình TCCS Đảng như ở chi bộ đường phố, TCCS Đảng trong trường học, trong các Cty, xí nghiệp…
Qua phân tích, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng một số cấp ủy, đảng bộ, chi bộ chưa thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng; chưa thực hiện có nền nếp chế độ sinh hoạt Đảng, nội dung sinh hoạt chi bộ chậm đổi mới; chưa coi trọng đổi mới phương thức lãnh đạo và phong cách, lề lối làm việc; bệnh thành tích còn nặng và khá phổ biến; tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn xảy ra ở nhiều nơi nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, đẩy lùi có hiệu quả… là do công tác quản lý, kiểm tra, giám sát, giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên còn bị buông lỏng. Vì vậy việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tổ chức Đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước đã được các cấp ủy Đảng quan tâm. Công tác kiểm tra, giám sát được tiến hành thường xuyên, liên tục từ đó kịp thời phát hiện những sai phạm có biện pháp giáo dục, giúp đỡ đồng thời nêu gương những đảng viên tiền phong gương mẫu, có thành tích xuất sắc. Thi hành kỷ luật nghiêm minh đối với đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng và đưa ra khỏi Đảng những người không đủ tư cách. Việc đánh giá phân loại TCCS Đảng và phân tích chất lượng đảng viên hàng năm cơ bản được các TCCS Đảng trong tỉnh thực hiện nề nếp trên tinh thần phê bình và tự phê bình đã từng bước phản ánh đúng chất lượng TCCS Đảng và đảng viên. Tỷ lệ TCCS Đảng đạt trong sạch vững mạnh và trong sạch vững mạnh tiêu biểu tăng dần qua các năm, vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các TCCS Đảng trong việc lãnh đạo các tổ chức đoàn thể, lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị ngày càng được khẳng định rõ nét. Kết quả đánh giá chất lượng TCCS Đảng năm 2010, tỷ lệ TCCS Đảng đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ đạt 93,94%, tăng 4,06% so với năm 2005; tỷ lệ TCCS Đảng hoàn thành nhiệm vụ là 5,67%, giảm 3,51% so với năm 2005, số TCCS Đảng yếu kém chỉ còn 0,39%.
Chất lượng của các TCCS Đảng và đảng viên từng bước được nâng lên, khẳng định rõ vị trí là hạt nhân chính trị lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, đơn vị, thực sự là cầu nối giữa Đảng với nhân dân./.