Năm 2011 đã trở thành một năm nhiều ý nghĩa với toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta từ thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI (Đại hội XI). Một năm mà chúng ta đã tập trung giải quyết nhiều công việc lớn của đất nước cả trên bình diện đối nội và đối ngoại.
Sự cởi mở, thẳng thắn, dân chủ là xu hướng chủ đạo
Đại hội XI - Đại hội của không khí cởi mở, dân chủ trên tinh thần trao đổi thẳng thắn và xây dựng vì sự phát triển của đất nước trong giai đoạn mới. Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng đã được bầu làm Tổng Bí thư BCH TW khóa XI. ĐH đã lấy chủ đề "Tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại" để định hướng cho sự phát triển đất nước.
Nói về Đại hội XI, về vai trò của Việt Nam, tờ tin mạng "Đa chiều" của Hồng Kông (Trung Quốc) đã từng nhận định: Sau 25 năm cải cách mở cửa, Việt Nam đang trở thành quốc gia có sức ảnh hưởng nhất tại bán đảo Đông Dương. Còn báo Paxaxon (Lào), đã đưa ra bình luận nhằm khẳng định, qua hơn 80 năm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân giành được những thắng lợi to lớn trên nhiều lĩnh vực chính là nhờ tinh thần đại đoàn kết, sự tập trung trí tuệ và sức mạnh của nhân dân các dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó còn là đường lối chính trị đúng đắn, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam trong mọi tình hình.
Sau Đại hội Đảng XI, ngày 22-5, đã diễn ra cuộc bầu cử QH khóa XIII và bầu cử HĐND các cấp. Đây là cuộc bầu cử "2 trong 1" thu hút tới 62 triệu cử tri, bầu ra 500 ĐBQH khóa XIII và hơn 300.000 đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Dư luận Nga đã bình luận: Với sự kiện chính trị lớn lần này, Việt Nam sẽ bước vào giai đoạn mới, công cuộc đổi mới kinh tế đã chứng minh rằng Việt Nam đang đi đúng hướng từ nhiều năm qua.
Hãng tin Reuters của Anh đã trích lời của Tổng Bí thư - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng sau khi ông thực hiện quyền công dân tại điểm bầu cử số 3, phường Nguyễn Du: "Bên cạnh thuận lợi, Việt Nam còn rất nhiều thách thức và khó khăn từ nền kinh tế trong nước, cũng như những ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế từ nước ngoài, và những thế lực thù địch chưa từ bỏ âm mưu phá hoại công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Nhưng với truyền thống dân tộc, nhất định Chính phủ và người dân Việt Nam sẽ vượt qua mọi khó khăn thách thức, đoàn kết, phấn đấu và xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn to đẹp hơn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã từng mong ước và căn dặn". QH khóa XIII đã tổ chức kỳ họp thứ nhất, bầu ra những vị trí lãnh đạo cao nhất của QH, Chính phủ.
Hiệu quả trong xử lý vấn đề Biển Đông
Nếu nửa đầu của năm 2011, chúng ta chủ yếu tập trung vào các công việc đối nội; thì những chuyến thăm, làm việc của lãnh đạo cấp cao Việt Nam tới các nước vào nửa cuối của năm đã góp phần ghi dấu ấn cho một năm đối ngoại khá thành công. Đây cũng chính là sự cụ thể hóa đường lối đối ngoại của Đại hội XI trên cả bình diện song phương và đa phương. Có thể khẳng định, các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao cũng như sự tham gia tích cực của ta tại các hội nghị quốc tế và khu vực quan trọng (APEC, ASEM, ASEAN, EAS…) đã đem lại nhiều kết quả cụ thể, thiết thực, đưa quan hệ với các nước đối tác quan trọng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn; đồng thời nâng tầm quan hệ với một số đối tác quan trọng khác cũng như khẳng định sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các tổ chức quốc tế và khu vực.
Có lẽ thành công lớn, quan trọng nhất của đối ngoại Việt Nam trong năm 2011 chính là đã xử lý hiệu quả vấn đề Biển Đông trên trường quốc tế; đã đưa Biển Đông trở thành vấn đề nhận được sự quan tâm của nhiều quốc gia. Xử lý vấn đề Biển Đông đồng lòng từ trên xuống dưới. Qua các chuyến đi Trung Quốc của Tổng Bí thư Đảng ta cũng như các chuyến đi của Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã khẳng định lập trường: Giải quyết vấn đề trên cả bình diện song phương và đa phương, thể hiện rõ trong điểm 3 của thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc: "Đối với tranh chấp trên biển giữa Việt Nam - Trung Quốc, hai bên giải quyết thông qua đàm phán và hiệp thương hữu nghị. Nếu tranh chấp liên quan đến các nước khác, thì sẽ hiệp thương với các bên tranh chấp khác".
Năm 2011 cũng là năm đối ngoại của ta ghi dấu ấn trong việc góp phần bảo vệ, bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài. Chưa bao giờ, chúng ta lại có một chiến dịch sơ tán công dân lớn như đợt sơ tán lao động Việt Nam từ vùng chiến sự Libya về nước an toàn. Cũng năm 2011, chúng ta còn thực hiện tốt những cuộc "giải cứu" công dân khác, tuy không lớn nhưng cũng đủ cho thấy: "Chính sách của ta luôn luôn hướng về con người và vì mục tiêu con người".
Bước vào năm 2012, có thể nói, dù tình hình thế giới vẫn còn có những biến động nhưng hòa bình, hợp tác phát triển vẫn là xu thế lớn; cục diện thế giới đa cực ngày càng rõ hơn; xu thế dân chủ hóa trong quan hệ quốc tế ngày càng phát triển; khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong đó có khu vực Đông Nam Á vẫn là khu vực phát triển năng động và trở thành tâm điểm chú ý của các cường quốc trên thế giới. Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đang triển khai xây dựng Cộng đồng, tiếp tục duy trì vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang định hình tại châu Á - Thái Bình Dương. Trên cái nền chung ấy, có lẽ ưu tiên số 1 trong chính sách đối ngoại của ta vẫn sẽ là: Tập trung phát triển quan hệ với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ưu tiên số 2 trong chính sách đối ngoại của ta, có lẽ, phải kể đến khu vực châu Âu; mặc dù kinh tế khu vực này chưa mấy sáng sủa nhưng bù lại khoa học, kỹ thuật, công nghệ của các quốc gia trong khu vực này vẫn khó có nơi nào sánh kịp. Chúng ta vẫn có thể tranh thủ sự hợp tác với khu vực này để góp phần nâng cao nguồn kinh tế tri thức, phục vụ cho sự phát triển đất nước ngày mai./.
Theo: daidoanket.com.vn