Hệ thống chính trị cơ sở (xã, phường, thị trấn) trực tiếp lãnh đạo chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tổ chức nhân dân thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ở địa phương. Bởi vậy, việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và là một trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ.
Từng bước lớn mạnh
Tỉnh ta có 229 xã, phường, thị trấn. Đến nay hệ thống chính trị cơ sở của tỉnh đã được xây dựng, phát triển, kiện toàn tới từng thôn, xóm. Hầu hết các thôn, xóm trong tỉnh đều có chi bộ lãnh đạo, bầu được trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, có ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể như chi Hội Nông dân, Phụ nữ, CCB, Người cao tuổi, Đoàn Thanh niên… Các đảng bộ, chi bộ cơ sở đều phát huy tốt vai trò là hạt nhân lãnh đạo của hệ thống chính trị. HĐND xã, thị trấn thể hiện rõ vai trò là cơ quan xây dựng, quyết định các kế hoạch, chỉ tiêu, nhiệm vụ quan trọng của địa phương; bầu, giám sát hoạt động của bộ máy hành chính. Năng lực, quản lý, điều hành của UBND cấp xã từng bước được nâng lên. Thông qua việc phát động, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện hiệu quả các phong trào “Xây dựng khu dân cư 5 không”, xây dựng “Xứ họ đạo tiên tiến, gia đình công giáo gương mẫu”, xây dựng “Chùa tinh tiến”, “Ngày vì người nghèo”..., MTTQ và các đoàn thể nhân dân ở nhiều xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã khẳng định vai trò là trung tâm của khối đoàn kết ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trong tỉnh đang từng bước được chuẩn hóa, trẻ hóa, nhờ đó chất lượng của đội ngũ cán bộ cơ sở được nâng lên, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, tổ chức cho nhân dân thực hiện hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Dưới sự lãnh đạo của đảng bộ, chi bộ, quản lý điều hành của chính quyền, tuyên truyền, vận động của MTTQ và các đoàn thể, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh đã phát huy các tiềm năng, lợi thế phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, xóa nghèo, làm giàu chính đáng. Trong đó, phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, mùa vụ, sản xuất nông sản hàng hóa đang được thực hiện hiệu quả ở khắp các địa phương trong tỉnh. Nhiều địa phương mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa, sản xuất muối hiệu quả thấp sang trồng màu, cây vụ đông; nuôi cấy thủy sản, phát triển sản xuất theo mô hình kinh tế trang trại, gia trại cho giá trị thu nhập cao. Cùng với phát triển sản xuất nông nghiệp, nhiều địa phương chú trọng phát triển sản xuất CN-TTCN, xây dựng, đưa vào hoạt động nhiều điểm, CCN. Ngoài duy trì các ngành nghề truyền thống, nhiều địa phương còn du nhập thêm một số nghề mới, qua đó tạo việc làm, thu nhập thêm cho nhiều lao động. Kinh tế phát triển, nhân dân ở nhiều địa phương trong tỉnh đã tham gia đóng góp số lượng lớn nhân lực, vật lực, chung sức cùng Nhà nước xây dựng, kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, từ đường giao thông, trường học, trạm xá đến nhà văn hóa thôn, xóm, tổ dân phố, tạo cho bộ mặt nông thôn, thành thị của tỉnh diện mạo ngày một khang trang, hiện đại. Đặc biệt, thời gian qua, cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể nhân dân ở nhiều địa phương đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, phát huy dân chủ, huy động công sức, trí tuệ nhân dân trên địa bàn tham gia thực hiện chủ trương xây dựng NTM. Tại 96 xã, thị trấn thực hiện thí điểm đợt đầu chương trình xây dựng NTM đã khẩn trương xây dựng đề án, hoàn thành các khâu quy hoạch, đang tập trung huy động các nguồn lực, bước đầu đã hoàn thành được một số công trình, phần việc cụ thể. Đến thời điểm hiện tại, nhiều xã đã hoàn thành kế hoạch thực hiện “dồn điền, đổi thửa”, một trong những khâu quan trọng trong lộ trình xây dựng NTM.
Làng quê xóm 18, xã Giao Thiện (Giao Thủy) hôm nay. |
Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, chỉnh đốn tổ chức
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở trong toàn tỉnh hiện còn bộc lộ những hạn chế, bất cập cần có giải pháp khắc phục. Một số đảng bộ, chi bộ cơ sở chưa thực sự phát huy được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Phương thức lãnh đạo của cấp uỷ cơ sở đối với chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân chậm đổi mới. Nguyên tắc tập trung dân chủ ở một số nơi còn bị vi phạm, chưa phát huy tốt tinh thần tự phê bình và phê bình. Chất lượng và hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ cơ sở chưa cao. Việc đánh giá chất lượng tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên nhiều nơi chưa sát thực. Nội dung, chất lượng sinh hoạt ở chi bộ còn nghèo nàn, do vậy tính chiến đấu của chi bộ, của đảng viên ở nhiều đảng bộ cơ sở không cao. Một số đảng bộ xã vẫn chưa khắc phục được tình trạng một chi bộ phải lãnh đạo nhiều xóm. Tình trạng chi bộ ở nông thôn nhiều năm liền không kết nạp được đảng viên mới khá phổ biến. Việc quản lý đảng viên đi làm ăn xa chưa chặt chẽ, chưa có các giải pháp phù hợp. Hoạt động của HĐND xã còn hạn chế, hiệu quả thực hiện chức năng giám sát còn thấp. Năng lực quản lý, điều hành của chính quyền cấp xã trên một số lĩnh vực, nhất là việc quản lý đất đai còn bộc lộ nhiều yếu kém. MTTQ và các đoàn thể nhân dân chậm đổi mới phương thức, nội dung hoạt động, sinh hoạt thiếu hấp dẫn, hiệu quả thu hút, tập hợp quần chúng do vậy chưa cao. Các phong trào, các cuộc vận động ở nhiều nơi, nhiều thời điểm còn nặng tính hình thức, hiệu quả không rõ nét. Năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ ở cơ sở còn nhiều hạn chế, thiếu khả năng xử lý các tình huống do thực tiễn đặt ra. Toàn tỉnh hiện có 2.291 cán bộ chuyên trách xã, phường, thị trấn trên tổng số 2.383 biên chế được giao. Trong đó, vẫn còn 289 người, chiếm 12,61% chỉ tốt nghiệp THCS; 1.062 cán bộ lãnh đạo Đảng, HĐND, UBND cấp xã (chiếm 46,16%) chưa đạt trình độ trung cấp lý luận chính trị; 1.470 người, chiếm 64,16% chưa có trình độ trung cấp chuyên môn. Tuổi đời trung bình của cán bộ cũng khá cao, từ 46-60 tuổi chiếm đến 69,9%. Trình độ, năng lực của một bộ phận cán bộ cơ sở còn hạn chế là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vấn đề nổi cộm, bức xúc chậm được giải quyết. Trong đó, ở nhiều địa phương tình trạng lao động thiếu việc làm, thu nhập tại chỗ phải thường xuyên đi làm ăn xa vẫn còn khá phổ biến. Tệ nạn xã hội, nhất là nạn nghiện ma tuý trong thanh niên, ô nhiễm môi trường, hoạt động mê tín dị đoan đang ngày càng diễn biến phức tạp. Công tác quản lý, sử dụng đất ở một số địa phương còn nhiều sai phạm…
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới, đòi hỏi hệ thống chính trị cơ sở phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Trong đó, các đảng bộ, chi bộ cơ sở cần quán triệt, triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVIII về “Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo” nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã từng bước trẻ hóa, chuẩn hóa, đủ số lượng, có chất lượng, cơ cấu hợp lý và đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ, kỹ năng hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã, qua đó nâng cao chất lượng các kỳ họp HĐND, nâng cao hiệu quả xây dựng, ban hành nghị quyết về các kế hoạch, nhiệm vụ quan trọng của địa phương cũng như chất lượng, hiệu quả giám sát, nhất là giám sát UBND trong việc thực hiện chức năng quản lý, điều hành, đặc biệt là việc quản lý một số lĩnh vực nhạy cảm như sử dụng đất, quỹ công, tài sản công. MTTQ và các đoàn thể nhân dân cần tăng cường công tác phối hợp, hướng mạnh hoạt động về địa bàn khu dân cư. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong nhân dân. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tham gia giám sát hoạt động của chính quyền; phát giác các hành vi tham nhũng, lãng phí, vi phạm dân chủ. Xây dựng, phát động, tổ chức các hoạt động, các phong trào phù hợp, sát thực với nhu cầu, lợi ích của hội viên, đoàn viên. Qua đó nâng cao hiệu quả tập hợp, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, chung sức thực hiện hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên địa bàn; thực sự khẳng định vai trò trung tâm khối đại đoàn kết, cơ sở chính trị vững chắc của cấp uỷ, chính quyền địa phương. Các tổ chức thành viên trong hệ thống chính trị cần xây dựng và thực hiện tốt quy chế phối hợp, trong đó xác định rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng, hướng các hoạt động phối hợp vào việc tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Xây dựng, củng cố hệ thống chính trị xã, phường, thị trấn là một nhiệm vụ lớn, quan trọng, lâu dài, đòi hỏi phải được thực hiện bằng nhiều giải pháp đồng bộ. Trong đó, cần có sự nỗ lực từ cơ sở. Mặt khác cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thường xuyên, hiệu quả của hệ thống chính trị cấp trên. Có như vậy mới sớm đẩy nhanh quá trình hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị cơ sở./.
Bài và ảnh: Duy Hưng