Đại đoàn kết - Bài học lớn của Cách mạng Việt Nam

08:11, 18/11/2011

Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử và cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Vì thế, ngay sau khi thông qua Luận cương chính trị đầu tiên của Đảng, ngày 18 tháng 11 năm 1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra chỉ thị về việc thành lập Hội Phản đế đồng minh. Đây là tổ chức Mặt trận đầu tiên ở nước ta.

Và từ đó đến nay, nói đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là chúng ta nói ngay đến Đại đoàn kết toàn dân tộc. 81 năm qua, với các phương thức hoạt động, hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam đã lớn mạnh không ngừng và có những đóng góp hết sức to lớn, thực sự là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng Việt Nam.

Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta. Từ khi có Đảng, Đảng ta luôn coi trọng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp với sức mạnh quốc tế, sức mạnh truyền thống kết hợp với sức mạnh thời đại, và đã giành được những thắng lợi vẻ vang.

Đó cũng chính là một bài học lớn, đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh tổng kết trong hai câu thơ mà người Việt Nam nào chúng ta cũng thuộc:

"Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết
Thành công, thành công, đại thành công"

Năm 1941, trước tình hình chuyển biến của thế giới, Bác Hồ đã trở về Pác Bó trực tiếp lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người chủ trì Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng (5-1941) và xác định nhiệm vụ giải phóng dân tộc là nhiệm vụ bức thiết nhất của Cách mạng Việt Nam lúc này.

Ngày 6 tháng 6 năm 1941, trong bức thư "Kính cáo đồng bào" với tên Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ đã viết:

"Bảy tám mươi năm nay dưới quyền thống trị của giặc Pháp, chúng ta luôn luôn tranh đấu giành quyền tự do… Việc lớn chưa thành không phải vì đế quốc mạnh, nhưng một là vì cơ hội chưa chín, hai là vì dân ta chưa hiệp lực đồng tâm.

Nay cơ hội giải phóng đã đến rồi… Hiện thời muốn đánh Pháp, Nhật ta chỉ cần một điều: Toàn dân đoàn kết".

Năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp. Trong buổi lễ kỷ niệm Quốc khánh 2 tháng 9 đầu tiên của nước ta tổ chức tại Paris do Hội Liên hiệp Việt kiều và Hội Hữu nghị Pháp Việt tổ chức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc một bài diễn văn bằng tiếng Pháp. Sau khi cảm ơn các bạn bè Pháp và nước ngoài đã đến dự, Bác nói: "Tôi xin long trọng bày tỏ sự kính trọng đối với nhân dân Việt Nam anh dũng của chúng ta, đã nêu cao lý tưởng dân chủ và đã không lùi bước trước bất kỳ sự hy sinh nào để bảo vệ tự do của mình.

Chính là sự Đoàn kết, Đoàn kết hoàn toàn và không gì phá vỡ nổi của toàn thể nhân dân chúng ta đã khai sinh ra Nước Cộng hòa của mình".

Và trong suốt cuộc đời lãnh đạo nhân dân ta làm cách mạng, nói đến “Đại đoàn kết” - là chúng ta lại nhớ ngay đến Bác Hồ kính yêu!

Thuở sinh thời, Bác đi tới đâu, là ở đó vang lên bài hát “Kết đoàn”: “Kết đoàn chúng ta là sức mạnh. Kết đoàn chúng ta là sắt gang…”. Nói chuyện với các cụ phụ lão, với thanh niên, với các cán bộ, đảng viên, với quân đội, công an, với phụ nữ và cả các em nhi đồng…, ở tầng lớp nào, lứa tuổi nào, Bác cũng đều dặn dò:  Phải Đoàn kết, yêu thương lẫn nhau…

Rất nhiều lần, Người nói với chúng ta: “Đoàn kết là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta”. Rất nhiều lần, trong những bài thơ vận động cách mạng của mình, Bác đều nói đến chữ “đồng”:

“Khuyên ai nên nhớ chữ đồng
Đồng tình, đồng chí, đồng lòng, đồng minh”
“Nước nhà giành lại nhờ gan sắt
Sự nghiệp làm nên bởi chữ đồng”.

Trước ngày Cách mạng Tháng Tám thành công, tháng 3-1944, trong Đại hội các đoàn thể Cách mạng Việt Nam ở Liễu Châu (Trung Quốc), Bác nói: “Quân thù không sợ cái gì, chỉ sợ nhân dân Việt Nam đoàn kết”.

Ngày 14-7-1969, chưa đầy hai tháng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp và trả lời nữ đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên Báo Granma, Cu-ba. Bác nói: “Đồng chí hỏi rằng, theo ý kiến tôi, sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới”.   

Trong suốt cuộc đời đấu tranh cho nền độc lập tự do và hạnh phúc của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã luôn luôn nêu cao vấn đề Đại đoàn kết, và Người đã trở thành biểu tượng đẹp đẽ nhất của khối Đại đoàn kết toàn dân.

Đọc lại những tác phẩm, bài viết, bài nói quan trọng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt 50 năm qua, từ năm 1919 đến 1969 trong “Hồ Chí Minh toàn tập”, các nhà nghiên cứu cho thấy các bài viết đề cập đến vấn đề Đại đoàn kết dân tộc của Bác đã chiếm tới trên 40%. Hai chữ “Đoàn kết” luôn xuất hiện trong những bài viết, bài nói của Bác. Có thể nói, Đại đoàn kết là một tư tưởng lớn, một nội dung xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đoàn kết không phải là điều mới đối với dân tộc Việt Nam. Bác Hồ đã nói:

“Đó là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta”.

Trên thế giới không có dân tộc nào gọi người trong một nước là “đồng bào”. Truyền thuyết Mẹ Âu Cơ có lẽ là một truyền thuyết đẹp nhất, một bài học lớn về “Con một nhà” của ông cha ta tự nghìn xưa. Chẳng hiểu ai đã sinh ra cái mâm tròn, để cả nhà cùng ngồi chung trong một bữa ăn, cùng chấm chung một bát nước mắm…

Đoàn kết, yêu nước và ý thức cộng đồng đã trở thành đạo lý thường ngày của dân tộc ta. "Một cây làm chẳng nên non/ Ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Lúc đất nước có giặc ngoại xâm thì “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/ Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào...”. Đó là Bình Ngô đại cáo từ thế kỷ thứ XV của Nguyễn Trãi. Đó cũng là sức mạnh Việt Nam, là truyền thống Việt Nam!

Cũng nhờ chính sách Đại đoàn kết ấy mà ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước. Không chỉ những trí thức bậc cao, mà cả những nhân sĩ yêu nước, những khâm sai đại thần của chế độ phong kiến, những người làm việc bên cạnh nhà vua phong kiến… cũng tự nguyện đi theo Cách mạng, đi theo Cụ Hồ. Cụ Phan Kế Toại đã nói: “Cụ Hồ đúng là một ngọn núi nam châm khổng lồ!”. Cái sức hút vĩ đại ấy của Bác chính là chính sách Đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta, mà Hồ Chủ tịch là người tiêu biểu.

Với chính sách Đại đoàn kết của Đảng và Hồ Chủ tịch, Cách mạng Việt Nam đã trải qua những trang lịch sử đẹp như truyền thuyết. Không ai ngờ rằng, Bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác đã đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lại được Bác Hồ viết trong căn nhà của một người tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Và năm 1946 khi sang thăm Pháp, Bác Hồ đã trao lại quyền Chủ tịch nước cho một nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng là cụ Huỳnh Thúc Kháng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào con người, và lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”…        

Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, chính sách Đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Không chỉ 85 triệu người con trong nước, mà hàng triệu những con Lạc cháu Hồng, những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, cũng hướng về Tổ quốc, mong muốn góp phần xây dựng nước nhà.

Tư tưởng Đại đoàn kết là bài học lớn của Cách mạng Việt Nam, là một sản phẩm trí tuệ, một bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đã trở thành ngọn cờ chỉ đạo cho công tác vận động Cách mạng Việt Nam.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đại đoàn kết dân tộc là một tư tưởng chính trị lớn, đồng thời là một đạo đức lớn, là lẽ sinh tồn của dân tộc ta tự ngàn xưa, thể hiện tinh thần hoà hợp dân tộc, tình tương thân tương ái, sự độ lượng bao dung, nhân ái, quý trọng từng con người, tập hợp đông đảo nhân dân không để sót một ai, vì sự nghiệp chung của đất nước.

Trước khi đi xa, trong Di chúc của mình, mặc dù phải dặn lại rất nhiều công việc quan trọng, Bác đã viết đến 8 chữ Đoàn kết: Đoàn kết chặt chẽ, Đoàn kết nhất trí, Đoàn kết và thống nhất, Đoàn kết phấn đấu,… Đặc biệt, trong phần nói về Đảng, Bác đã nhắc đến 5 chữ Đoàn kết, bởi vì Đoàn kết toàn Đảng chính là nền tảng để Đoàn kết toàn dân./.

Bùi Công Bính

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com