Trung đoàn 46: Những năm tháng hào hùng

08:11, 12/11/2011

Hằng năm, cứ đến tháng 11 là các CCB Trung đoàn 46 - Đoàn Sông Đào lại họp mặt, cùng nhau nhớ về những năm tháng hào hùng, chiến đấu oanh liệt cùng với cán bộ, quân và dân 6 tỉnh vùng hữu ngạn sông Hồng (Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình) bảo vệ từng tấc đất quê hương, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. 

Các CCB Trung đoàn 46 - Đoàn Sông Đào ở Thành phố Nam Định thường xuyên họp mặt ôn lại truyền thống và động viên nhau phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.  Ảnh: Vân anh
Các CCB Trung đoàn 46 - Đoàn Sông Đào ở Thành phố Nam Định thường xuyên họp mặt ôn lại truyền thống và động viên nhau phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ.
Ảnh: Vân Anh 

Sau chiến thắng Biên giới 1950, để phát triển lực lượng đáp ứng yêu cầu chiến trường, Bộ Tổng Tư lệnh và Bộ Tư lệnh Liên khu III đã quyết định thành lập Trung đoàn 46 - chủ lực của Liên khu III hoạt động trên vùng hữu ngạn sông Hồng (Sơn Tây, Hòa Bình, Hà Đông, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình). Ngày 15-11-1951 tại Xích Thổ (Lạc Thủy - Hòa Bình), Trung đoàn được thành lập với nhiệm vụ làm nòng cốt cho đấu tranh vũ trang với đấu tranh chính trị và địch vận, đánh địch bảo vệ cơ sở chính trị, mở rộng khu căn cứ du kích, phát triển chiến tranh du kích. Ngay sau khi thành lập Trung đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư cho cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn căn dặn: "Ngày mai các cô, các chú phải luồn sâu vào trong vùng địch; Bác nhắc các cô, các chú cán bộ và chiến sỹ phải đoàn kết như anh em ruột thịt, đoàn kết với nhân dân; tuyệt đối giữ bí mật, giữ được bí mật coi như đã thắng lợi 50%; các cô, các chú phải cùng với nhân dân làm công tác binh địch vận; và ta tin vào ta, ta tin vào trên thì ta nhất định thắng, địch nhất định thua". Thực hiện lời căn dặn của Bác, cán bộ chiến sỹ Trung đoàn 46 - đội quân “đầu trần, chân đất, quần nâu, áo vải” đã đi sâu, hoạt động an toàn, thắng lợi, bảo vệ và phát triển được lực lượng cách mạng suốt những năm tháng trong vùng địch hậu không tốn nhiều đạn dược, quân số. Trung đoàn đã đoàn kết chiến đấu, phối hợp tác chiến chặt chẽ 3 thứ quân, được nhân dân giúp đỡ, cùng quân và dân các địa phương tiêu diệt nhiều đồn bốt, phá rã từng mảng hệ thống tổ chức tề ngụy, mở ra nhiều khu du kích liên hoàn, hạn chế hoạt động càn quét của địch, có lúc làm cho hoạt động của địch bị tê liệt kéo dài, góp phần đẩy mạnh phong trào du kích chiến ở các địa phương, tạo thế chủ động đánh địch trên chiến trường đồng bằng hữu ngạn sông Hồng. Nhiều đồn bốt, vị trí mục tiêu trọng yếu của địch đã bị các đơn vị của Trung đoàn “luồn sâu, đánh mạnh” và luôn thắng giòn giã. Ngày 28-1-1952 tiểu đoàn 922 tập kích tiêu diệt các bốt Liễu Đề, Đại Tám, Cầu Tây… chọc thủng phòng tuyến sông Đáy, mở đường cho Trung đoàn vượt sông tiến vào đánh địch, mở vùng du kích ở miền nam tỉnh. Dịp Đông - Xuân (1953-1954) Bác Hồ gửi thư cho cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn với lời căn dặn: "Bác mong các cô các chú thi đua lập công, Bác chờ tin chiến thắng". Bác còn tặng mỗi người một chiếc ca tráng men uống nước in dòng chữ “Kháng chiến nhất định thắng lợi”. Cả Trung đoàn nức lòng phấn khởi, bừng bừng khí thế thi đua. Ngày 19-10-1953 Trung đoàn tập kích bốt Văn Lý - Xương Điền ở xã Hải Lý (Hải Hậu), tiêu diệt hai tiểu đoàn khinh quân 701, 703 là lực lượng chủ lực cơ động thuộc đặc khu Phát Diệm - Bùi Chu của địch, mở rộng vùng du kích Hải Hậu - Nghĩa Hưng. Chiến thắng này có ý nghĩa quan trọng, phá tan âm mưu của địch dùng khinh quân quấy phá vùng đồng bằng để rút quân tăng cường cho đội quân viễn chinh trên chiến trường Điện Biên Phủ; đồng thời giúp cho quân ta bảo vệ vững chắc và mở rộng vùng hoạt động du kích, có điều kiện củng cố xây dựng LLVT địa phương; củng cố niềm tin tưởng, phấn khởi của nhân dân địa phương vào thắng lợi của cách mạng. Ngày 29-4-1953, Trung đoàn tập kích đồn Vạn Bảo (TP Nam Định), tiêu diệt Trung tâm huấn luyện quân ngụy, xóa phiên hiệu Tiểu đoàn 116 là nơi địch huấn luyện quân bổ sung để thực hiện âm mưu “Dùng người Việt đánh người Việt”. Từ 15-11-1953 đến 16-2-1954, Trung đoàn đã tổ chức nhiều trận tập kích liên tiếp trên sông Đào tiêu diệt các đoàn tàu vận tải tiếp tế của địch từ Thành phố Nam Định đi Phát Diệm và các huyện phía nam tỉnh. Sau trận đánh này, Trung đoàn được mang tên Đoàn Sông Đào. Ngày 27-11-1953, Trung đoàn đánh vào sân bay Bắc Tế - khu bãi tập quân sự liền kề ga Nam Định, được địch canh phòng cẩn mật 24/24 giờ. Đánh trúng tâm lý chủ quan của địch vì cho rằng vị trí này ở sát Thành phố Nam Định - một căn cứ vững chắc, có quân số đông, xung quanh là cánh đồng ngập nước nên quân ta không thể tiếp cận, đại đội 82, Tiểu đoàn 928 đã tập kích nhanh gọn, đánh mạnh, đánh trúng, tiêu diệt nhiều địch, ta thương vong ít. Một chiến công tiêu biểu là chiến thắng Hồi Thuần, một đồn địch tập trung đông quân và được xây dựng kiên cố, trên tuyến đồn bốt ven đê sông Đáy từ Tôn Đạo đến Đò Mười. Đồn Hồi Thuần địch chiếm đóng từ lâu, khó khăn cho lực lượng của ta xâm nhập địa bàn Cồn Thoi, Văn Hải, Phát Diệm, Kim Sơn và từ Nghĩa Hưng, Thành phố Nam Định vượt sông Đáy vào sâu vùng tạm chiếm. Xóa được Hồi Thuần sẽ mở cửa cho quân ta vào sâu lòng địch. Sau khi nghiên cứu kỹ tình hình, xây dựng “thế trận lòng dân”, thực hiện 3 cùng với nhân dân, kết hợp công tác binh địch vận lôi kéo những binh lính của địch ủng hộ bộ đội, làm nội ứng, đơn vị đã hoàn thành thắng lợi giòn giã, đạt được các mục tiêu đề ra đánh nhanh, gọn, hiệu quả cao, thương vong ít… Trung đoàn 46 còn phối hợp với lực lượng quân sự địa phương trừ gian, diệt ác, xóa bỏ chế độ tề dõng ở các thôn xã, chống cưỡng ép di cư. Hàng loạt trận đánh của Trung đoàn đã khiến quân giặc khiếp sợ. Tháng 3-1954, với những chiến công vang dội liên tiếp ở cả 6 tỉnh, Trung đoàn 46 là đơn vị đầu tiên của Liên khu III đã vinh dự được Bác Hồ trao tặng lá cờ với 6 chữ vàng “Đoàn kết - Anh dũng - Quyết thắng”.

Năm 1954 giặc Pháp thất thủ ở Điện Biên Phủ. Trung đoàn 46 được giao nhiệm vụ trở về tiếp quản, bảo vệ an ninh trật tự trong thành phố, bảo đảm an toàn cho nhân dân, bảo vệ các cơ sở kinh tế quan trọng. Ngày 1-7-1954, từ các cửa ô vào thành phố các mũi quân của Trung đoàn hành quân tiến vào thành phố với lá cờ Quyết chiến - Quyết thắng gắn đầy huân, huy chương…, tiếp quản thành phố. Thành phố đầu tiên của miền Bắc đã được giải phóng hoàn toàn! Trong đêm đầu tiên tiếp quản, Trung đoàn nhanh chóng cử lực lượng vây bắt, ngăn chặn các hành vi phá hoại của địch. Nhà máy nước, nhà máy điện, nhà máy Dệt được bảo vệ an toàn, mọi hoạt động nhanh chóng trở lại bình thường. Đồng chí Nguyễn Mạnh Quân, Trung đoàn trưởng được cử làm Chủ tịch Ủy ban Quân quản thành phố. Với tinh thần ý thức kỷ luật cao, truyền thống kinh nghiệm tôi luyện qua 4 năm chiến đấu tại chiến trường, Trung đoàn đã hoàn thành tốt nhiệm vụ tiếp quản bảo vệ thành phố, được lấy làm kinh nghiệm cho việc tiếp quản các địa phương sau đó.

Kháng chiến chống Mỹ, Trung đoàn 46 được tổ chức lại thành Trung đoàn 52 thuộc Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu tại các chiến trường B3, B5,… và lại được vào giải phóng Sài Gòn, viết tiếp truyền thống vẻ vang. Trong suốt quá trình xây dựng và trưởng thành, Trung đoàn 46 và các đơn vị, cán bộ, chiến sỹ đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 3 tập thể (Trung đoàn 46A, Trung đoàn 46 B và Đại đội 5 - Trung đoàn 46Đ) và 4 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và nhiều Huân chương các loại…

Trong thời bình, phát huy truyền thống, các CCB Trung đoàn 46 vẫn nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Ban liên lạc CCB Trung đoàn 46 ở các địa phương đã được thành lập, quy tụ tập hợp các CCB, đồng đội xưa, vừa động viên chia sẻ và giúp đỡ nhau cả tinh thần, vật chất, tiếp tục đóng góp tâm huyết, trí tuệ cho sự nghiệp xây dựng kinh tế xã hội và bảo vệ quê hương./.

Vũ Hữu Pháo (CCB Trung đoàn 46)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com