Từ thập niên 1960 trở về sau, tập thơ "Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được dịch ra các ngôn ngữ lớn như: Anh, Pháp, Nga, Tây Ban Nha... Tiếng vang của "Nhật ký trong tù” còn lan tới các cộng đồng ngôn ngữ nhỏ hơn, trong đó có Tiệp Khắc (cũ). Đặc biệt trong tháng 11-2011 này, ngay tại thủ đô Praha của CH Czech, một bản dịch mới về thơ Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được xuất bản.
Dịch giả Dương Tất Từ và quyển "Nhật ký trong tù" tiếng Séc. |
Đó là tập thơ "Nhật ký trong tù” (tiếng Tiệp: Deník z vezení) do Nhà xuất bản PERISKOP (Kính tiềm vọng) in trong tủ sách "Thơ dành cho ngày thứ bảy”. Người dịch là ông Dương Tất Từ, từng được trao Giải thưởng Văn học Premia Bohemica năm 2009 do Hội Nhà văn CH Czech và Quỹ Bảo trợ Văn học Czech chủ trương cùng hai nhà thơ người CH Czech là Jan Noha (đã mất) và Karel Sys.
Ông Dương Tất Từ cho biết, sách tuy mới được xuất bản nhưng bản thảo thì đã hoàn thành từ năm 1961, tức là cách đây 50 năm. Giải thích về vấn đề này, ông cho biết: "Năm 1961, khi đang theo học tại trường Đại học ngữ văn tại thủ đô Praha, tôi đã nhận được tập thơ "Nhật ký trong tù” do Viện Văn học công bố, thông qua bản dịch của nhà thơ Nam Trân thực hiện trong nước, xuất bản ở Hà Nội. Đọc thơ Bác đã tạo cho tôi niềm cảm hứng mãnh liệt để sau đó tôi dịch sát nghĩa tập thơ sang tiếng Tiệp trong vòng nửa năm. Tiếp đó nhà thơ Jan Noha xem qua và nhận lời chuyển thành thơ toàn bộ tác phẩm và đã mang đăng trên một số các tạp chí Tiệp Khắc (cũ), như báo Sáng tạo, Những bông hoa, Quyền lợi đỏ và Tuần báo văn học. Như đã nói, khi ấy tôi còn là chàng sinh viên rất trẻ chỉ mới 26 tuổi, lòng ngập tràn nhiệt huyết. Một năm sau đó, hoàn tất xong chương trình Đại học, tôi trở về nước công tác và đã có thỏa thuận trước với nhà thơ Jan Noha sẽ cho in thành sách "Nhật ký trong tù” để đánh dấu hai bước ngoặt. Bởi với tôi đó là bản dịch tiếng Tiệp tương đối quy mô đầu tiên, còn với nhà thơ Jan Noha thì đó lại là kỷ niệm lần đầu tiên ông tiếp cận thơ Việt Nam để sau đó, ông chuyển tải thành công một tập ca dao Việt Nam với nhan đề "Lộc sắn thì đắng” (1964). Nhưng đáng tiếc, vì nhiều lý do mà tập thơ "Nhật ký trong tù” vẫn chưa thể in sách ngay, rồi nhà thơ Jan Noha mắc bệnh nan y rồi qua đời. Thời gian này ở Việt Nam tình hình chiến sự đang hồi ác liệt, đời sống hết sức khó khăn, vì vậy tôi cũng không có điều kiện liên hệ xuất bản. Vậy là tập bản thảo cứ nằm im trong ba lô, đã theo tôi đi sơ tán trên các làng quê Hà Tây, Hà Bắc, những lần giặc Mỹ ném bom cạnh phố Dã Tượng... Thật may mắn khi sách vở vẫn được bảo toàn nguyên vẹn và đến nay đúng tròn nửa thế kỷ.
Cũng cần biết thêm, ở đất nước Tiệp Khắc cũ (tức CH Czech ngày nay), thơ Hồ Chủ tịch đã từng được xuất bản ít nhất hai lần. Điều này không có nghĩa tập thơ của dịch giả Dương Tất Từ là quá hiếm hoi. Bàn về chuyện này, dịch giả nói: "Việc giới thiệu thơ Bác Hồ ở Tiệp Khắc cũng như ở các nước khác trên thế giới là một nhu cầu cần thiết. Trước đó, ở Tiệp Khắc đã xuất hiện hai bản dịch, gồm "Đo nước” là tập sách phỏng dịch qua tiếng Pháp, do Nhà xuất bản miền Trung Tiệp Khắc ấn hành năm 1973. Tiếp đến là "Nhật ký trong tù” do Vladimir Korcak và nhà ngôn ngữ học Ivo Vasiljev dịch, nhà xuất bản Odeon phát hành năm 1985. Có thể nói, hai bản dịch trên không liên quan gì đến bản dịch của chúng tôi, bởi lúc đó bản dịch của chúng tôi dù đã được đăng báo từ năm 1961, nhưng hầu như đã đi vào dĩ vãng trong khi toàn bộ bản thảo thì nằm trong tay tôi. Còn hiện nay, khi mang in tập bản thảo này tôi quyết định vẫn giữ nguyên bản gốc và nhờ đó mà đứa con tinh thần này mới có điều kiện ra mắt bạn đọc. Thật lòng tôi cảm ơn nhà thơ
Karel Sys, nhờ có việc phát hiện ra ông chính là người đã từng dịch thơ của Hồ Chủ tịch đăng trên báo, tôi đã mời ông tham gia vào công việc xuất bản lần này. Tôi cũng vô cùng biết ơn và cảm tạ Liên minh các nhà văn Tiệp Khắc đã tạo thuận lợi cho tôi trong việc in ấn và xuất bản tập thơ trong tủ sách: "Thơ dành cho ngày thứ bảy”. Nhân đây tôi cũng muốn cảm ơn Hội người Việt Nam tại CH Czech đã có nhã ý tài trợ cho việc xuất bản cuốn sách này.
Được biết, tập thơ "Nhật ký trong tù” bản tiếng Tiệp có khổ 15x15cm. Ngoài bản dịch của Dương Tất Từ và Jan Noha còn được bổ sung một số bản dịch thơ của nhà thơ Karel Sýs. Tập thơ còn có 7 phụ bản minh họa của họa sĩ Barbora Vykysalová. Riêng trong lời đề tựa, nhà thơ Karel Sýs đã viết như sau: "Tinh thần khinh thường xiềng xích và kẻ cầm tù. Tinh thần có mục tiêu của nó và có điều gì đáng nói. Thơ ra đời trong khổ đau, cuộc sống êm đềm chỉ còn là sự trống rỗng. Nó giống như cái kim nam châm, dù bão táp cũng không mệt mỏi và nó cứ chỉ về phương bắc, không thể đem sự oan trái để lừa gạt tinh thần, nó luôn trung thành về cực mà số phận đã định sẵn”./.
Theo: cpv.org.vn