Nhân tài

02:11, 10/11/2011

Nhân tài là vấn đề lớn. Trong bài báo nhỏ này, tôi chỉ xin đề cập một số khía cạnh mong góp phần làm tốt hơn việc đào tạo, tuyển chọn, sử dụng nhân tài nhằm đưa đất nước phát triển tiến kịp các nước tiên tiến.

1. Ai là nhân tài?

Những nhân vật xuất chúng thường được chúng ta nhắc đến như là các nhân tài, hiền tài và thiên tài. Tất cả những bậc tài danh này đều là nguyên khí của mỗi quốc gia.

Thiên tài là những người có khả năng siêu phàm trong một lĩnh vực hoạt động nào đó của loài người và để lại những thành tựu kiệt xuất cho nền văn minh nhân loại. Chẳng hạn Niu-tơn, Anh-xtanh, Lê-ô-na đờ Vanh-xi, Bet-thô-ven, Lep Tôn-xtôi, Ta-go…

Hiền tài là những người có kiến thức uyên bác, đức độ mẫu mực và có tài “kinh bang tế thế”. Chẳng hạn Trần Nhân Tông, Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp… và những bậc trí giả tiêu biểu của dân tộc như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Đắc Di, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa…

Một buổi biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Một buổi biểu diễn của NSND Đặng Thái Sơn tại Hà Nội.
Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nhân tài là những người giỏi giang xuất chúng trong một lĩnh vực hoạt động nào đó so với những người đồng nghiệp khác; trong cùng một tổ chức, cộng đồng hay trong một khu vực, địa phương.

Khó có thể “đào tạo” được thiên tài theo “kế hoạch”. Họ tự xuất hiện với tài năng thiên bẩm, sự say mê sáng tạo và hoàn cảnh may mắn như thể được tạo hóa sắp đặt sẵn. Hiền tài xuất hiện trong số nhân tài tầm cỡ quốc gia. Càng nhiều nhân tài thì cơ hội xuất hiện hiền tài càng nhiều. Trong bất cứ lĩnh vực, tổ chức và địa phương nào, bao giờ cũng có những người nổi trội hơn những người khác. Ở đấy họ được coi là người tài, là nhân tài ở cấp tương ứng. Trong cùng một lĩnh vực hoạt động thì người tài ở phạm vi nhỏ hơn đương nhiên có trình độ thấp hơn. Mặt bằng nguồn nhân lực có chất lượng càng cao thì trình độ nhân tài càng cao.

2. Có bao nhiêu loại nhân tài rất cần trong giai đoạn phát triển hiện nay của đất nước?

Hiện nay có ba loại nhân tài rất cần: Các nhà lãnh đạo xuất sắc, các doanh nhân cự phách và các nhà khoa học - công nghệ, văn nghệ sỹ tài ba.

Thời nào cũng vậy, loại nhân tài quan trọng nhất đối với các dân tộc, các quốc gia, phải là những người lãnh đạo, quản lý ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Thiếu những nhà lãnh đạo xuất sắc, đặc biệt ở cấp càng cao, thì đất nước sẽ càng khó khăn để tồn tại và phát triển. Ở bất kỳ tổ chức, lĩnh vực, địa phương và cấp bậc nào nếu có người đứng đầu tài giỏi, được mọi người tin cậy thì công việc đã được đảm bảo thành công đến 70%. Những người đứng đầu ấy thực sự phải là những nhân tài lãnh đạo, quản lý nổi trội của đất nước, địa phương, ngành… Việc đào tạo, tuyển chọn và sử dụng những nhân tài lãnh đạo là quan trọng nhất, nhưng đồng thời cũng là công việc phức tạp nhất và khó thành công nhất. Nó hoàn toàn phụ thuộc vào sự sáng suốt và ý chí chính trị của tầng lớp cầm quyền. Vua thì thời nào cũng có, nhưng minh quân thì có vẻ như không nhiều và hôn quân đã từng xuất hiện. Dân chỉ mong có minh quân.

Khi nước ta còn nghèo, nền kinh tế kém phát triển trong một thế giới đầy biến động và bất trắc về tài chính, thương mại ai là người đóng vai trò chính trên mặt trận kinh tế này? Các doanh nhân! Chúng ta đã từng có một tầng lớp tư sản dân tộc hồi giữa thế kỷ trước. Điển hình là những gia đình có truyền thống sản xuất, kinh doanh cự phách và tràn đầy tinh thần tự tôn dân tộc như các cụ Ngô Tử Hạ (ngành in), Bạch Thái Bưởi (vận chuyển tàu thủy), Nguyễn Sơn Hà (sản xuất sơn)… Họ kinh doanh không chỉ để làm giàu, mà còn vì thể diện quốc gia: Không chịu thua kém cả Tây lẫn Tàu! Đó thực sự là một tài sản quý hiếm của quốc gia mà vì những hoàn cảnh lịch sử ngặt nghèo chúng ta đã để mất. Một tầng lớp doanh nhân của thời đại mới đang hình thành, nhưng tinh thần yêu nước và lòng tự tôn dân tộc hình như chưa sánh được với các bậc tiền nhân. Hơn lúc nào hết tinh thần doanh nghiệp phải được đề cao và tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh để các doanh nhân tài ba xuất hiện ngày càng nhiều ở mọi thành phần kinh tế.

Nhân tài trong lĩnh vực khoa học (tự nhiên, xã hội, nhân văn…), công nghệ (kỹ thuật) và văn học - nghệ thuật đóng vai trò hết sức quan trọng trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Tuy nhiên, họ chỉ có thể phát huy được tiềm năng khi hai loại nhân tài kể trên đi trước một bước. Lúc ấy họ mới thật sự có đất dụng võ. Chúng ta đã có những nhân tài có tầm ảnh hưởng vượt khỏi biên giới quốc gia, như Ngô Bảo Châu (khoa học), Đặng Thái Sơn (nghệ thuật)… Nhưng còn quá ít, mà chủ yếu lại được đào tạo ở nước ngoài. Trong lĩnh vực khoa học tự nhiên, chúng ta hay nhầm lẫn giữa các “thần đồng” hay “các tài năng Olympic” với nhân tài. Họ có nhiều tiềm năng, nhưng chưa chắc (mà phần nhiều là không) trở thành nhân tài. Trong lĩnh vực khoa học xã hội - nhân văn, nơi tình trạng chính trị hóa có vẻ như nặng nề hơn cả, nhân tài còn ít xuất hiện hơn. Trong cả bảy ngành nghệ thuật cũng vậy. Nhìn vào đời sống tinh thần của xã hội, đa phần “chịu trận” trước sự “xâm lăng” văn hóa tứ phía, nhất là từ phương Bắc, mà xót xa…

3. Điều kiện thiết yếu để các nhân tài xuất hiện?

Theo chúng tôi, đó là: Nền giáo dục quốc dân lành mạnh và thực học, phát huy dân chủ để phát triển tài năng, áp dụng phương pháp tuyển chọn nhân sự khoa học và thực hiện cơ chế sử dụng nhân tài hợp lý.

Không một nền khoa học - công nghệ nào, không một nền văn hóa - nghệ thuật nào có thể phát triển trên cơ sở một nền giáo dục quốc dân bất cập. Cũng không thể có hàng ngũ lãnh đạo các cấp xuất sắc và tầng lớp doanh nhân giỏi giang với một nền giáo dục ngày càng xuống cấp. Sự không trung thực ở đâu cũng là tai họa, nhưng ở trong ngành giáo dục thì tác hại khôn lường. Nền giáo dục buộc trẻ em và các bậc cha mẹ phải chấp nhận sự không trung thực ngay từ những ngày đầu cắp sách đến trường. Không thể để mãi tình trạng thi cử nặng nề và bằng cấp rởm. Không thể chấn hưng nền giáo dục bằng các phong trào và rất nhiều đề án.

Đã đến lúc phải thực hiện nghiêm túc chủ trương của Đảng ghi trong Văn kiện Đại hội XI: Đổi mới toàn diện và triệt để nền giáo dục nước nhà. Muốn vậy, trước hết phải tiến hành đánh giá một cách toàn diện và khách quan nền giáo dục quốc dân dưới sự chủ trì của Ban Tuyên giáo Trung ương hoặc Ủy ban Giáo dục và Thanh thiếu niên Nhi đồng Quốc hội. Sau đó, căn cứ vào kết quả đánh giá sẽ giao cho một hội đồng hay một ủy ban cải cách giáo dục soạn thảo Chương trình cải cách giáo dục để Quốc hội thông qua. Trong khi tiến hành các việc này, đề nghị Chính phủ cho tạm dừng các đề án đổi mới mà Bộ GD và ĐT đang triển khai như: Chiến lược Phát triển giáo dục 2011-2020, Luật Giáo dục đại học, Đổi mới chương trình và sách giáo khoa…

Dân chủ là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ cho sự phát triển. Nhưng không có dân chủ thì chắc chắn không có sự phát triển bền vững, kể cả trong lĩnh vực đào tạo, tuyển chọn và sử dụng nhân tài.

Hy vọng đến đại hội sau của Đảng, công tác nhân sự sẽ được tiến hành dân chủ hơn. Đặc biệt là chức danh Tổng Bí thư được đại hội bầu trực tiếp và các vị trí lãnh đạo cao nhất của Nhà nước cũng được đại hội bỏ phiếu tín nhiệm, lựa chọn một trong vài ba ứng viên ở mỗi vị trí. Ở các cấp địa phương cũng làm tương tự thì nhân tài lãnh đạo sẽ xuất hiện ngày càng nhiều.

Cơ chế dân chủ phải được thể chế hóa để đảm bảo tự do sáng tạo trong học thuật và nghệ thuật. Trong lĩnh vực này, không có cơ chế dân chủ, nhân tài càng khó xuất hiện.

Một điều kiện rất quan trọng để nhân tài xuất hiện là cơ chế tuyển chọn và sử dụng cán bộ, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo - nhân tài trong lĩnh vực quản lý các cấp. Việc “tìm được đúng người đặt vào đúng chỗ” luôn là trách nhiệm chính của công tác tổ chức cán bộ các cấp. Muốn “tìm được đúng người đặt vào đúng chỗ” phải tuân thủ hai nguyên tắc cơ bản: Thứ nhất là phải trọng dụng nhân tài. Người có đức có tài hơn phải được xếp ở cương vị cao hơn. Nếu trong một hệ thống tổ chức có nhiều lỗi “xếp ngược” thì tổ chức đó sẽ bất ổn. Thứ hai là phải lựa chọn công việc thích hợp cho từng người mà các cụ ngày xưa đã diễn đạt rất hay: Dụng nhân như dụng mộc. Người năng động bị xếp vào vị trí thụ động, hay ngược lại, người thích tĩnh tại mà bị xếp vào bộ phận phải xê dịch liên tục, thì ắt công việc của từng người và của cả hệ thống sẽ kém hiệu quả.

Theo lý thuyết “Quản lý nguồn nhân lực” hiện đại, việc quản lý nhân sự được thực hiện theo bốn công đoạn. Trước hết là phải mô tả được công việc và quy định được chức năng, nhiệm vụ rõ ràng của từng vị trí công tác. Sau đó phải nêu ra được tiêu chuẩn rất cụ thể của từng cương vị trong hệ thống. Tiếp theo là tiến hành tuyển chọn nhân sự một cách khoa học. Sau cùng là quá trình theo dõi, đánh giá khách quan, hiệu quả công việc của cán bộ, trên cơ sở đó tiếp tục sử dụng hoặc thải hồi.

Ở nước ta quản lý nguồn nhân lực chưa thực sự được coi là một bộ môn khoa học. Công tác tổ chức, cán bộ được thực hành dựa trên kinh nghiệm là chính. Vì vậy, những bất cập trong công tác tổ chức, cán bộ như được đề cập ở trên là không có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng có một vấn đề nổi cộm cần sớm được khắc phục. Đó là: Tiêu chuẩn lựa chọn các đồng chí vào cấp ủy các cấp từ Trung ương xuống cơ sở thường là khác, đôi khi là khác nhiều so với tiêu chuẩn cương vị công tác chính quyền mà sau đó các đồng chí ấy được phân công đảm nhận. Cứ là tỉnh ủy viên thì làm giám đốc sở nào cũng được, là ủy viên Trung ương thì làm bí thư, chủ tịch tỉnh nào, bộ trưởng bộ nào cũng được. Tình trạng này đã bớt dần, nhưng vẫn luôn luôn xảy ra. Chúng ta cần người tài đảm nhận các công tác chuyên môn, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thực hiện sau ngày cách mạng thành công, chứ không phải “Đảng hóa” mọi cấp chính quyền như sau này trở nên phổ biến./.

Theo: Báo Quân đội nhân dân

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com