Nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Ðảng CS Việt Nam
Ðồng chí Lê Ðức Thọ thuộc lớp cán bộ tiền bối của Ðảng. Trải qua quá trình hoạt động cách mạng gian khổ, kiên cường, đồng chí đã trở thành một cán bộ lãnh đạo chủ chốt, giàu kinh nghiệm và có tài năng nhiều mặt, đặc biệt là về công tác tổ chức, xây dựng Ðảng; về đấu tranh ngoại giao thời kỳ đàm phán ở Hội nghị Pa-ri và trên nhiều lĩnh vực công tác quan trọng khác.
Trong bất kỳ lĩnh vực công tác nào, đồng chí Lê Ðức Thọ cũng thể hiện phẩm chất cao đẹp của một người đảng viên cộng sản kiên cường, người cán bộ tài năng, suốt đời hy sinh, phấn đấu vì lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân.
Trước hết là trên lĩnh vực công tác tổ chức, xây dựng Ðảng, đây là sự nghiệp bao trùm, gắn bó hầu như suốt cả cuộc đời của đồng chí. Từ những ngày hoạt động trong nhà tù đế quốc, thời gian trước và sau Cách mạng Tháng Tám, cũng như trong thời kỳ đồng chí tham gia chỉ đạo kháng chiến ở miền nam. Ðến khi tham gia Bộ Chính trị, đồng chí Lê Ðức Thọ tiếp tục được Ðảng tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức - với cương vị Trưởng Ban Tổ chức Trung ương.
Đồng chí Lê Đức Thọ trong căn cứ Trung ương Cục, Tết Mậu Thân 1968.
Ảnh:
T.L
|
Ở thời kỳ đầu cách mạng (trước tháng 8-1945), là người được Trung ương giao cho phụ trách công tác tổ chức của Ðảng, đồng chí Lê Ðức Thọ đã có công lao lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng của Ðảng, xây dựng các đoàn thể cứu quốc. Ðồng chí là người trực tiếp tham gia cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát động và lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi; xóa bỏ ách áp bức, bóc lột của chế độ phong kiến, thực dân; lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử nước ta: Kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Khi nước nhà mới giành được độc lập, đồng chí được Ðảng giao cho phụ trách công tác tổ chức Ðảng; xây dựng, củng cố chính quyền cách mạng. Trong những điều kiện hết sức khó khăn, phức tạp, vừa chống thù trong, vừa chống giặc ngoài, đồng chí đã chỉ đạo tốt công tác bảo vệ chính quyền, giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước chủ động bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến, theo sự phân công của Ðảng, đồng chí vào Nam Bộ công tác. Trên cương vị Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ và sau đó làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam (từ 1949 đến 1954), đồng chí có công lớn trong việc xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Ðảng ở Nam Bộ: Kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Xứ ủy, trong đó có việc kiện toàn lại Văn phòng Xứ ủy, các Ban Ðảng vụ (sau này đổi thành Ban Tổ chức, Ban Kiểm tra), các Ban chuyên môn: Ban Dân vận, Ban Công vận, Nông vận, Tôn giáo... Nhờ đó, các hoạt động chỉ đạo của Ðảng có sự thống nhất, thông suốt, chặt chẽ, hiệu quả, góp phần đưa cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ phát triển, giành được những chiến thắng vẻ vang, được Chủ tịch Hồ Chí Minh phong tặng danh hiệu: "Nam Bộ Thành Ðồng".
Sau Hiệp nghị Giơ-ne-vơ, đồng chí Lê Ðức Thọ được điều ra miền bắc công tác và được bổ sung vào Bộ Chính trị (cuối năm 1955). Năm 1956, đồng chí được phân công làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và giữ chức vụ này qua hai nhiệm kỳ Ðại hội (Ðại hội III và Ðại hội IV).
Trong bối cảnh tình hình nhiệm vụ và yêu cầu mới của cách mạng, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và tập thể Ban Chấp hành Trung ương, đồng chí Lê Ðức Thọ đã tập trung sức lực, trí tuệ vào việc xây dựng, kiện toàn bộ máy lãnh đạo của Ðảng; xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng ở cả hai miền nam-bắc. Ðặc biệt, đồng chí Lê Ðức Thọ đã có nhiều đóng góp giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt việc bầu cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong các kỳ Ðại hội Ðảng (từ Ðại hội III đến Ðại hội VI) mà đồng chí là Trưởng Tiểu ban nhân sự.
Trên cương vị lãnh đạo cao nhất của Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí Lê Ðức Thọ luôn nhắc nhở và yêu cầu cán bộ làm công tác tổ chức phải đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu từng cán bộ thuộc trách nhiệm quản lý, hiểu rõ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ thông qua việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Ðảng và Nhà nước, trên cơ sở đó tham mưu cho lãnh đạo cất nhắc, điều động cán bộ cho đúng người, đúng việc. Ðồng chí nhắc nhở cán bộ tổ chức phải trung thực, công tâm, khách quan, không được cậy quyền thế, không lộng quyền. Ghi nhận công lao to lớn của đồng chí Lê Ðức Thọ đối với công tác tổ chức, Ðảng ta khẳng định: "Trong nhiều năm phụ trách công tác tổ chức cán bộ của Ðảng, là lĩnh vực công tác rất khó khăn, phức tạp, đồng chí đã để lại cho chúng ta nhiều bài học kinh nghiệm bổ ích đối với công cuộc đổi mới hiện nay" (1).
Trên mặt trận đấu tranh ngoại giao thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đồng chí Lê Ðức thọ được Bác Hồ và Bộ Chính trị tín nhiệm, cử làm Cố vấn Ðặc biệt của phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Pa-ri, trực tiếp đàm phán với Mỹ về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Với bản lĩnh, tài trí của một nhà chính trị già dặn, bằng tài trí, sự khôn khéo, linh hoạt, sáng tạo trong từng phương án cụ thể, đồng chí đã thực hiện phương châm kiên trì đấu tranh, giành thắng lợi từng bước, tiến tới giành thắng lợi cuối cùng. Ðồng chí là người góp phần to lớn vào việc buộc Hoa Kỳ phải ký kết hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trên cương vị đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cuộc tấn công, nổi dậy mùa Xuân 1975 và tham gia chỉ đạo chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đồng chí đã góp phần quan trọng, cùng quân và dân cả nước thực hiện trọn vẹn mong ước của Bác Hồ: "Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào", giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc. Ðối với sự nghiệp cách mạng quốc tế, đồng chí Lê Ðức Thọ đã có những đóng góp lớn lao vào việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả của Ðảng, Nhà nước và nhân dân ta: ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Cam-pu-chia thoát khỏi họa diệt chủng do chế độ Khơ-me Ðỏ gây ra.
Nhớ về đồng chí Lê Ðức Thọ, chúng ta nhớ về một nhà lãnh đạo tài năng của Ðảng với những phẩm chất nổi bật: Sự kết hợp chặt chẽ giữa lãnh đạo đường lối với chỉ đạo và tổ chức cụ thể; giữa tính kiên định về nguyên tắc với tính sáng tạo và tinh thần đổi mới trong hành động; giữa lý luận với thực tiễn; giữa lời nói và việc làm. Ðồng chí xứng đáng là "một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại", và xứng đáng với những "công trạng to lớn vì Ðảng, vì dân" mà Ðại hội lần thứ VI của Ðảng đã tuyên dương.
Theo: nhandan.com.vn