Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 - 10-10-2011) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Tỉnh uỷ Nam Định phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề "Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định". Báo Nam Định trân trọng đăng một số ý kiến tham luận tại Hội thảo.
[links()]
Tháng 11 năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt và kết án 10 năm khổ sai và bị đày đi nhà tù Côn Đảo, làm Bí thư chi bộ và Thường vụ Chi uỷ nhà tù. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, thực dân Pháp ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Ra tù, trở về quê hương, trong những năm 1936-1939, đồng chí tiếp tục xây dựng cơ sở bí mật của Đảng và tham gia lãnh đạo phong trào cách mạng của nhân dân và Đảng bộ Nam Định.
Từ năm 1939 đến năm 1944, đồng chí lại bị địch bắt và kết án 5 năm tù, bị giam giữ tại các nhà tù ở Hà Nội, Sơn La và Hoà Bình. Hai lần bị địch bắt, kết án 15 năm tù, trong ngục tù khắc nghiệt của thực dân, đế quốc, bị địch tra tấn dã man, đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, giữ vững tinh thần chiến đấu, tôi luyện ý chí cách mạng bất khuất và lòng kiên trung với Tổ quốc và nhân dân.
Tháng 9 năm 1944, đồng chí được Trung ương giao phụ trách công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ ở An toàn khu của Trung ương. Tháng 10-1944, được chỉ định là Uỷ viên Trung ương Đảng trực tiếp phụ trách Xứ uỷ Bắc Kỳ. Tháng 8-1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, được cử vào Ban Thường vụ Trung ương Đảng. Đồng chí đã tham dự Hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm ngày 9-3-1945, đề ra chủ trương phát động cao trào cách mạng tiến tới cuộc Tổng khởi nghĩa và tham dự Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng tháng 12-1946, quyết định toàn quốc kháng chiến.
Năm 1948, đồng chí thay mặt Trung ương Đảng tham gia đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam công tác. Năm 1949, đồng chí được chỉ định làm Phó Bí thư Xứ uỷ Nam Bộ. Năm 1951, tại Đại hội toàn quốc lần thứ 2 của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, được giao làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1949 đến năm 1954, làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.
Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Cuối năm 1955 được bổ sung vào Bộ Chính trị. Cuối năm 1956, làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương. Từ tháng 11-1956 kiêm Giám đốc trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng. Năm 1966, kiêm Hiệu trưởng trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương. Năm 1967, được cử vào Quân uỷ Trung ương. Đầu năm 1968, được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Tháng 5-1968, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Hội nghị Pari. Năm 1973, được cử làm Trưởng ban miền Nam của Trung ương. Năm 1975, được Bộ Chính trị cử vào miền Nam phổ biến nghị quyết về cuộc Tổng tiến công mùa xuân và cùng với một số đồng chí lãnh đạo khác thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tháng 12-1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, làm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Đảng.
Năm 1977 đến tháng 1-1979 được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt. Năm 1980, được cử làm Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tổ chức; tháng 10-1980 kiêm chức Hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, làm Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao. Năm 1983 được chỉ định làm Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc phòng. Năm 1986, làm Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội lần thứ VI của Đảng.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), được Đại hội cử làm Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương.
Trong quá trình hoạt động cách mạng qua các thời kỳ với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có tài năng về nhiều mặt và nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao. Đồng chí thường được Đảng, Bác Hồ giao những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng. Đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, người có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với trọng trách là cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí tiếp tục làm việc hết sức mình, đóng góp lớn vào trí tuệ, sự lãnh đạo tập thể của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Từ trước tới nay, đã có nhiều bài nói, bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan của Trung ương và một số tỉnh, thành phố trong cả nước, của đồng đội, đồng chí, các bạn chiến đấu; nhiều kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học về thân thế, sự nghiệp và công lao, cống hiến của đồng chí Lê Đức Thọ đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định. Tại cuộc hội thảo khoa học này, Ban tổ chức và chủ toạ hội thảo xin trân trọng đề nghị các đồng chí lãnh đạo, các đại biểu, các nhà khoa học tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ thêm cuộc đời hoạt động cách mạng rất sôi nổi, phong phú, vẻ vang của đồng chí Lê Đức Thọ qua các thời kỳ cách mạng, các chiến trường, địa bàn, các lĩnh vực công tác chủ yếu cũng như phẩm chất cao đẹp; tình cảm đối với Tổ quốc, đồng bào, đồng chí, quê hương của đồng chí Lê Đức Thọ. Xin tập trung vào một số nội dung chính sau: Truyền thống quê hương, gia đình - một nhân tố quan trọng hình thành lòng yêu nước, thương dân và tư tưởng cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Đồng chí Lê Đức Thọ - nhà lãnh đạo tài năng, giàu kinh nghiệm của Đảng và cách mạng Việt Nam, thể hiện trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao và hoạt động quốc tế. Những công lao, cống hiến lớn của đồng chí Lê Đức Thọ đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng: Cách mạng tháng 8-1945; kháng chiến chống Pháp; kháng chiến chống Mỹ và cách mạng miền Nam, sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Lê Đức Thọ - tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên cường, bất khuất, suốt đời trung thành, tận tuỵ với nước với dân; cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí và cán bộ. Đồng chí Lê Đức Thọ - một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, một nhà thơ để lại nhiều tác phẩm có giá trị của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Đức Thọ với quê hương Nam Định; quê hương Nam Định đối với đồng chí Lê Đức Thọ. Cuộc hội thảo khoa học này là một hoạt động rất quan trọng trong toàn bộ kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ.
Ban tổ chức và chủ tọa hội thảo xin trân trọng cảm ơn và đề nghị các đồng chí và quý vị đại biểu tập trung làm việc để cuộc hội thảo thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần khẳng định những cống hiến lớn lao của đồng chí Lê Đức Thọ đối với Đảng, đối với dân tộc và tôn vinh đồng chí - tấm gương của một người cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của đất nước và quê hương Nam Định, nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lý tưởng và lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau./.