Anh Sáu Thọ thật đáng tự hào

02:10, 06/10/2011

[links()]

NGUYỄN ĐÌNH HƯƠNG
Nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương
 
1vv.jpg

Tôi được vinh dự công tác tại Ban Tổ chức Trung ương từ năm 1956 đến 2005, trong suốt 50 năm công tác trong đó có gần 30 năm tôi được trực tiếp giúp việc Anh Sáu Thọ (Lê Đức Thọ). Anh Sáu Thọ là một Ủy viên Bộ Chính trị được Bác Hồ tin cậy giao nhiều trọng trách quan trọng. Khi miền Nam diễn ra cuộc chiến tranh ác liệt phải đối đầu với kẻ thù mà tương quan lực lượng không cân xứng, có thời gian, nhiều cơ sở Đảng bị xóa sạch, số đảng viên tại chiến trường miền Nam từ 50.000 đồng chí (1954) đến 1959 chỉ còn lại 7.000 đồng chí. Trong đó chỉ còn 3.000 đồng chí bám trụ. Số còn lại phải chạy dạt sang địa bàn khác. Số cán bộ, đảng viên bị giết, bị tù đày ngày càng nhiều. Bác Hồ và Bộ Chính trị thấy cần thiết cử Anh Sáu Thọ vào Nam để cùng với Trung ương Cục lãnh đạo phong trào. Đến năm 1956, khi Trung ương phát hiện sai lầm cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Bác Hồ và Bộ Chính trị lại điều Anh Thọ từ chiến trường miền Nam ra để giao nhiệm vụ Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, kiêm Trưởng Ban Chỉ đạo công tác sửa sai. Tình hình tổ chức Đảng lúc này rất phức tạp, nhiều cơ sở Đảng ở nông thôn bị nghi ngờ là của Quốc dân Đảng, nhiều cán bộ lãnh đạo chủ chốt của các cấp, tỉnh, huyện, xã bị bắt tù, vì bị nghi oan có liên quan đến tổ chức phản động, nhiều nông dân bị tịch thu tài sản, một số người bị xử bắn oan. Thực hiện chủ trương của Bác Hồ và Bộ Chính trị, Anh Sáu Thọ đã cử cán bộ xuống xin lỗi dân và minh oan cho cán bộ. Anh Sáu Thọ đã tập trung sức cho việc sửa sai để từng bước củng cố lại cơ sở Đảng và phục hồi minh oan cho hàng ngàn cán bộ, vực dậy không khí yên lòng nhân dân.

Đến tháng 5 năm 1968, Bác Hồ và Bộ Chính trị lại cử Anh Thọ trực tiếp sang chỉ đạo cuộc đấu tranh ngoại giao với Mỹ ở Hội nghị Pari. Qua 5 năm đấu tranh kiên trì trên bàn đàm phán, ta đã giành thắng lợi hoàn toàn thực hiện được lời của Bác “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Tiếp đến là chiến dịch mùa Xuân giải phóng Sài Gòn, Bộ Chính trị nhận thấy chiến dịch quan trọng liên quan đến chiến lược giải phóng miền Nam. Phải chọn cán bộ vừa có quyết tâm, vừa có tài thao lược để chỉ huy chiến dịch. Bộ Chính trị đã chọn anh Văn Tiến Dũng, anh Phạm Hùng và Anh Sáu Thọ cùng với nhiều tướng lĩnh có kinh nghiệm để trực tiếp chỉ huy Chiến dịch mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi huy hoàng. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, cả nước cờ hoa đón chào chiến thắng. Tôi được phân công đưa 100 cán bộ cao cấp vào Sài Gòn để làm nhiệm vụ tiếp quản, gặp được Anh Thọ, lòng tôi xúc động không nói nên lời. Hoàn thành nhiệm vụ chính ủy của chiến dịch mùa Xuân năm 1975 và đấu tranh với Mỹ trên bàn đàm phán ở Pari, Anh Thọ trở lại Ban Tổ chức Trung ương bắt tay vào chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI. Thời gian này tôi được trực tiếp giúp việc Anh Sáu, như trợ lý về công tác nhân sự.

Qua 3 nhiệm kỳ chuẩn bị cho Đại hội Đảng, tôi được trực tiếp phục vụ Anh Thọ. Những sự việc nảy sinh trong quá trình chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng, Anh Thọ đều cùng với tập thể Bộ Chính trị cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trình Ban Chấp hành Trung ương thông qua để trình ra Đại hội. Khó nhất là khâu đánh giá đúng cán bộ để giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương, nhất là chọn cán bộ để giới thiệu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Tôi nhớ những lời Anh Thọ: Quan trọng nhất của việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị phải biết lắng nghe nhiều ý kiến của cán bộ cấp dưới, không nghe ý kiến một chiều hoặc ý kiến của một hai cá nhân. Số lượng Trung ương nhiều hay ít không quan trọng mà phải coi chất lượng là trên hết, tuổi tác là để tham khảo tiêu chuẩn, đức tài là quan trọng là điều kiện để chọn cán bộ tham gia cấp ủy. Muốn đánh giá đúng đức và tài của một cán bộ trước hết là phải căn cứ vào điều kiện rèn luyện qua thực tế công việc mà Đảng giao phó, qua từng thời kỳ. Không đánh giá đức tài qua bằng cấp, qua lời nói, qua cảm tính mà phải bằng hành động và hiệu quả công việc, coi hiệu quả công việc của cán bộ là sợi chỉ đỏ để đánh giá đức tài. Tránh cảm tình cá nhân, bà con dòng họ và địa phương cục bộ. Vì cấp ủy là hạt nhân lãnh đạo chính trị, là linh hồn của Đảng bộ nên việc tuyển chọn phải rất thận trọng  theo phương châm “thà ít mà tốt”.

Bắt đầu từ khóa IV Anh Thọ đã có ý thức chọn số cán bộ tuổi trẻ để chuẩn bị cho các khóa tiếp theo và tính toán đến cả một số đồng chí có triển vọng chuẩn bị cho các vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước và thực tế đã có một số đồng chí trưởng thành đã và đang giữ trọng trách quan trọng của Đảng và Nhà nước. Công tác chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị Trung ương mỗi khóa Anh Thọ đều quan tâm tới 12 vị trí lãnh đạo chủ chốt trong Bộ Chính trị, ngoài 4 vị trí lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước thì cần chọn cán bộ giữ trọng trách, như: Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Bí thư Thành ủy Hà Nội, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và Thường trực Ban Bí thư. Nếu bố trí 12 vị trí đó không chuẩn thì chưa thể đánh giá Đại hội Đảng đã thành công tốt đẹp. Chính vì vậy, việc chăm lo cho lớp cán bộ kế cận phải được quan tâm ngay trong quá trình chuẩn bị nhân sự cho Đại hội. Trích một đoạn trong bài viết của chú Sáu Thọ đăng trên Tạp chí Cộng sản số 2 năm 1962: “Đảng ta nhấn mạnh việc đào tạo đội ngũ cán bộ để phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, số lượng cán bộ cũ của Đảng có hạn, chưa kể số cán bộ cũ ngày càng già yếu không đảm đương được nhiệm vụ. Việc đào tạo cán bộ trẻ trở nên cấp bách, tuy chúng ta đã chú ý vấn đề này nhưng việc làm còn chậm, có nhiều trường hợp khi cân nhắc cán bộ chỉ nhấn mạnh mặt công lao thành tích cũ, không chú ý đến năng lực của cán bộ, vì thế có trường hợp cân nhắc để có chức vụ chứ không phải để đảm nhiệm công việc. Tư tưởng “sống lâu lên lão làng” không thấy rằng “tre già, măng mọc” là lẽ tất yếu của sự vật. Khi Anh Sáu Thọ được Đảng phân công làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương anh vẫn trăn trở nhiệm vụ chăm lo công tác đào tạo cấp cán bộ kế thừa cho Đảng, chưa được bao nhiêu, lo khó khăn cho các nhiệm kỳ tiếp theo. Tôi được ở gần Anh Sáu Thọ nhất là ở thời điểm phải tập trung nghiên cứu nhân sự cho Đại hội Đảng có nhiều lúc tôi thấy Anh Sáu Thọ suy tư nhiều về đánh giá sao cho đúng một con người. Lúc thư giãn Anh Thọ thường đọc câu thơ “Thức lâu mới biết đêm dài”. Thực tế trong điều kiện đất nước có chiến tranh chọn cán bộ cũng dễ hơn là trong điều kiện hòa bình, trong chiến tranh cũng có cán bộ phản bội, nhận làm tay sai cho địch, nhưng trong hòa bình xây dựng sợ nhất là kẻ cơ hội, thực dụng, nhiều cán bộ cơ hội, không phải hoạt động vì Đảng, vì dân mà vì lợi ích của cá nhân mình. Trong chiến đấu số đông cán bộ không sợ hy sinh, nhiều cán bộ được điều vào chiến trường ác liệt. Biết ra đi không hẹn ngày về, song khi đất nước đã giành được độc lập rồi thì cũng không ít cán bộ lên chức thì phấn khởi, nhưng rút khỏi chức vụ thì khó, phát sinh buồn bực, oán trách tổ chức. Anh Sáu nói: “Làm tổ chức là vậy! Nếu làm được lòng mọi người thì sẽ phạm sai lầm, nếu làm đúng thì sẽ có cán bộ oán trách”.

Mỗi Đại hội Đảng diễn ra trong bối cảnh khác nhau. Đại hội Đảng lần thứ IV diễn ra trong bối cảnh đất nước vừa được giải phóng, Bắc Nam thống nhất, toàn Đảng, toàn dân được nô nức đón mừng, cán bộ cả nước đang vui mừng và phấn chấn nên công việc chuẩn bị có nhiều thuận lợi hơn. Cái khó trong thời gian này là đánh giá số cán bộ bị bắt, bị tù trong thời kỳ Mỹ ngụy để chọn được cán bộ kiên cường, bất khuất để giới thiệu vào Trung ương. Trong 133 đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương khóa IV, đại bộ phận là đã qua thử thách rèn luyện trong chiến tranh. Trong đó một số đồng chí đã bị tù đày đảm bảo sự tin cậy về chính trị, không có ai vi phạm đạo đức, phẩm chất. Đến Đại hội V lại diễn ra trong bối cảnh khác, Đảng phạm một số sai lầm trong việc thực hiện cơ chế quan liêu bao cấp làm cho tình hình kinh tế ngày càng tụt hậu và khó khăn. Cuộc sống nhân dân không được cải thiện làm cho việc đánh giá cán bộ cũng khó khăn. Anh Thọ suy nghĩ nhiều làm thế nào để khắc phục được bảo thủ trong số lãnh đạo chủ chốt để đất nước thoát ra khỏi khủng hoảng. Cán bộ có đức, có tài thật sự được phát huy, cứ giữ mãi cơ chế như cũ thì kinh tế xã hội đã khó rồi nhưng công tác cán bộ lại gặp nhiều khó khăn hơn. Ý định của Anh Thọ ít người biết vì sao lại chuẩn bị anh Nguyễn Văn Linh làm Tổng Bí thư lúc này.

Tôi được sống và phục vụ Anh Thọ suốt thời gian gần 30 năm, có lúc tập trung cho công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng, tôi được Anh Thọ gọi sang làm việc tại nhà riêng. Thời gian tập trung chuẩn bị nhân sự khá dài, bảy đến tám tháng vẫn chưa xong. Chưa kể khi trình ra Đại hội trù bị Anh Thọ làm việc ngày đêm, có đêm Anh không ngủ vì phải chuẩn bị giải trình trước Đại hội. Có 3 điểm nổi bật trong công tác tổ chức Đảng của Anh Sáu Thọ: Một là, tính quyết đoán cao, Bác Hồ và Bộ Chính trị đã phân công phụ trách việc gì là quyết tâm làm bằng được không chần chừ và do dự. Hai là, tính nghiêm khắc trước hết là với cán bộ và nghiêm khắc với cả gia đình không để một ai trong gia đình lợi dụng làm điều gì không đúng chế độ, chính sách. Ba là, đối với cán bộ thì phải trung thực không được nói dối. Tôi còn nhớ nhiều việc Anh Sáu xử lý rất nghiêm với số cán bộ phạm sai lầm kể cả sai lầm về sinh hoạt. Song lại rất thương cán bộ tình nghĩa vẫn thuỷ chung, có việc cán bộ bị nghi oan Anh Sáu trực tiếp tìm hiểu. Có lúc xuống tận trại giam thẩm tra để minh oan cho cán bộ. Bản thân tôi là cán bộ cấp dưới song trong công việc thì rất nghiêm khắc, ngoài giờ làm việc Anh Sáu Thọ coi tôi như thầy trò. Tôi phục vụ Trung ương đã nhiều năm, được tiếp xúc với nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Cũng có nhiều đồng chí giữ được sự hoà mình gần gũi cán bộ cấp dưới, có ít khoảng cách Anh Sáu Thọ, sống chan hoà, bao dung, độ lượng. Làm cho cán bộ cấp dưới dễ gần, có gần mới dám nói hết. Tôi đã đến thăm nhà tù Côn Đảo, thắp hương cho các anh hùng liệt sỹ và đến xà lim biệt giam anh Lê Đức Thọ. Nên tôi lại nhớ một đoạn trong bài thơ của Anh Sáu Thọ: “Chốn xà lim một mình vò võ/ Hận thù này biết ngỏ cùng ai/ Trông ra cửa đóng then cài/ Tường cao che kín mặt trời khôn soi/ Đời sống khác chi đời trâu ngựa/ Chỗ ăn nằm sặc sụa mùi tanh hôi/ Áo quần một bộ tả tơi/ Chân cùm lạnh buốt, chiếu trời nửa manh”. Anh Sáu Thọ kính mến: Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Anh lòng tôi vẫn xao xuyến nghẹn ngào, cơ may tôi được phục vụ Anh. Tôi coi đây là niềm vinh dự cho cả gia đình tôi, được làm việc dưới sự chỉ đạo trực tiếp của một cán bộ lãnh đạo của Đảng thật đáng tự hào!

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com