Trong số 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới (NTM), có 2 tiêu chí về văn hóa: Cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6) và Văn hóa (tiêu chí 16). Qua thực tế tại 96 xã triển khai xây dựng NTM giai đoạn 1 (2010-2015) ở tỉnh ta, để thực hiện tốt 2 tiêu chí trên, đòi hỏi các địa phương phải phát huy nội lực và tích cực tranh thủ các nguồn lực bên ngoài với hướng đi, cách làm sáng tạo.
Yêu cầu đặt ra từ thực tiễn
Yêu cầu về tiêu chí văn hóa đối với xã đạt NTM giai đoạn 2010-2015 là: 100% thôn, xóm có nhà văn hóa, khu thể thao đạt tiêu chuẩn của Bộ VH, TT và DL; 70% số thôn, xóm trở lên đạt danh hiệu làng văn hóa. Có thể thấy, hai tiêu chí về văn hóa trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM có mục tiêu và nội dung tương đồng với các tiêu chí của phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH). Đó là phát triển hệ thống thiết chế văn hóa (nhà văn hóa) và chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa.
Thi bơi chải trong Ngày hội Văn hóa thể thao huyện Hải Hậu năm 2011. |
Qua 10 năm thực hiện phong trào TDĐKXDĐSVH, đến nay, toàn tỉnh có 215/229 xã, phường, thị trấn có nhà văn hóa (NVH); 1.435/3.682 thôn, xóm, tổ dân phố có NVH. NVH cơ sở, vừa là nơi sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, vừa là nơi dân họp để bàn về các việc làng, việc thôn như xây dựng quy ước nếp sống văn hoá mới trong việc cưới, việc tang, khuyến học, khuyến tài, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Các phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, khu dân cư tiên tiến, đơn vị, cơ quan có nếp sống văn hóa đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả to lớn từ phong trào đã tác động tích cực đến nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống các tai tệ nạn xã hội. Qua 10 năm triển khai phong trào, toàn tỉnh hiện có 1.456 xóm, thôn đạt danh hiệu làng văn hóa; 370.126 gia đình văn hóa; 1.673 cơ quan, trường học đạt danh hiệu nếp sống văn hóa; 1.850 khu dân cư tiên tiến, 1.456 khu dân cư văn hóa; 27% dân số thường xuyên tập luyện TDTT; 2.580 CLB tập luyện TDTT.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác huy động các nguồn lực xã hội xây dựng thiết chế văn hoá và việc khai thác, sử dụng phát huy có hiệu quả thiết chế NVH ở tỉnh ta vẫn tồn tại những hạn chế. Nguyên nhân do một số lãnh đạo địa phương chưa nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của thiết chế NVH trong phong trào xây dựng đời sống văn hoá cơ sở; nên việc chỉ đạo thực hiện xây dựng và sử dụng NVH ở một số nơi còn chạy theo thành tích, do đó, chất lượng và việc phát huy vai trò thiết chế NVH hiệu quả chưa cao. Chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa, vẫn tồn tại những hạn chế: Mặc dù số gia đình văn hoá, khu dân tiên tiến, làng, thôn, xóm văn hoá, tổ dân phố văn hoá khá cao, nhưng nếp sống văn hóa mới chậm hình thành; việc cưới, việc tang và lễ hội chưa có sự chuyển biến. Ở nhiều địa phương, mục tiêu, tiêu chuẩn xây dựng đời sống văn hoá, những quy định, quy ước về nếp sống văn hoá chưa được tự giác thực hiện. Chất lượng thực hiện các tiêu chí về phát triển văn hoá nông thôn còn thấp; các hoạt động văn hoá, thông tin gắn với thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở các làng văn hoá chưa đạt kết quả như mục tiêu đề ra. Phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa nặng về số lượng, thiếu chiều sâu; nhiều nơi chất lượng làng văn hoá giảm sút, có gia đình được công nhận danh hiệu “Gia đình văn hoá”, song vẫn có người mắc vào các tệ nạn xã hội, chưa gương mẫu chấp hành các quy định của địa phương.
Cần hướng đi đúng, cách làm sáng tạo
Xây dựng “Xã văn hóa” NTM với những yêu cầu cơ bản như: Nông thôn có làng xã văn minh, sạch đẹp, hạ tầng hiện đại; sản xuất bền vững, theo hướng hàng hóa; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao; bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và phát triển; xã hội nông thôn được quản lý tốt và dân chủ. Như vậy trong xây dựng NTM về văn hóa, vấn đề nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa được xác định như một nhiệm vụ trọng tâm. Tổ chức và thực hiện phong trào xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa trong những năm tới đòi hỏi gắn liền với những điều kiện chính trị, kinh tế - xã hội đã có nhiều thay đổi so với những năm trước. Sự mở rộng thông tin, phát triển các ngành nghề dịch vụ mới, sự nghiệp CNH-HĐH được đẩy mạnh sẽ dẫn tới quá trình đô thị hoá nhanh và tác phong công nghiệp sẽ tác động không nhỏ tới trình độ dân trí, cách tổ chức không gian môi trường sống, tổ chức hoạt động kinh tế. Cơ cấu và tính chất làng, thôn, xóm ở khu vực nông thôn sẽ thay đổi theo nhịp độ phát triển của đời sống xã hội. Trong quá trình đô thị hoá nhanh chóng, nhiều làng, thôn mang diện mạo của phố phường, trở thành các khu vực sản xuất ngành nghề, dịch vụ khác nhau. Yếu tố công nghiệp hoá cũng dẫn đến những thay đổi trong cung cách lao động sản xuất, nếp sống, lối sống... của người nông thôn. Vì vậy, xây dựng làng văn hoá đòi hỏi phải có sự sáng tạo trong nội dung cũng như các bước tổ chức thực hiện, đồng thời cần quan tâm củng cố, xây dựng các thiết chế văn hoá mới phù hợp với nhu cầu sinh hoạt văn hoá - thể thao của nhân dân. Muốn vậy, trong quy hoạch tổng thể phải tạo được khu dân cư thoáng đãng, hệ thống giao thông đường làng, ngõ xóm đáp ứng được nhu cầu lưu thông thuận lợi của một loại phương tiện giao thông thiết yếu, đặc biệt là các làng ven đô, làng có xu hướng phát triển ngành nghề, dịch vụ gắn với sản xuất công nghiệp. Thực tế đang diễn ra tình trạng xây dựng thiếu quy hoạch ở nhiều làng quê, vi phạm những yêu cầu và quy định về bảo vệ môi trường, cảnh quan. Vì vậy, cần thiết phải có sự điều chỉnh, bổ sung các tiêu chí phong trào xây dựng làng văn hóa, phù hợp với Bộ tiêu chí Quốc gia về xây dựng NTM nhằm tạo điều kiện phát huy sự tham gia sáng tạo của các tầng lớp nhân dân, từ đó khai thác, giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của mỗi vùng quê. Cụ thể như, khi tiêu chí về thiết chế văn hóa phải dựa trên quy định của Bộ VH, TT và DL. Theo đó, diện tích đất khu NVH đối với vùng đồng bằng từ 500m2 trở lên, đối với khu thể thao, diện tích đất quy hoạch ở đồng bằng là 2.000m2 trở lên. Mỗi NVH phải có cán bộ nghiệp vụ quản lý có trình độ sơ cấp trở lên; các NVH phải thu hút được 50% dân số trở lên tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ đối với xã đồng bằng và thu hút được 25% dân số trở lên tham gia thường xuyên hoạt động TDTT. Như vậy, để đạt tiêu chí này, trước hết là 96 xã, thị trấn trong tỉnh triển khai Chương trình Quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010-2015 cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh việc xã hội hoá các hoạt động văn hoá, huy động các nguồn lực xã hội xây dựng, khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết chế NVH. Xây dựng quy chế tổ chức hoạt động NVH nhằm thống nhất xác định vai trò, vị trí, chức năng của NVH thôn, xóm trong hệ thống tổ chức NVH hiện nay. Đào tạo đội ngũ cán bộ văn hoá cơ sở có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao chất lượng và hình thức hoạt động tại NVH đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hoá, văn nghệ, TDTT, giải trí ngày càng cao của các tầng lớp nhân dân.
Để nâng cao chất lượng phong trào xây dựng làng văn hoá, gia đình văn hóa, thiết chế văn hóa, góp phần thực hiện tốt các tiêu chí xây dựng NTM về văn hóa, trong thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa nhận thức của các cấp uỷ Đảng, chính quyền về văn hoá và xây dựng đời sống văn hoá trong xây dựng NTM. Thực hiện tốt cơ chế phối hợp chặt chẽ, thường xuyên của các ngành, đoàn thể thành viên trong Ban chỉ đạo phong trào “TDĐKXDĐSVH” từ tỉnh đến cơ sở. Đa dạng hoá nội dung, phương thức tập hợp quần chúng phù hợp với tính chất, đặc điểm ở mỗi địa phương. Tăng cường huy động các nguồn lực trong nhân dân để xây dựng và phát triển phong trào xây dựng làng văn hoá và thiết chế văn hóa cơ sở./.
Bài và ảnh: Khánh Ngọc