Ngay từ khi mới bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã sớm khẳng định công tác chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc vào tiền tuyến lớn miền Nam giữ vai trò hết sức quan trọng, có ý nghĩa quyết định.
Năm 1959, sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Cách mạng miền Nam có bước phát triển mạnh mẽ. Yêu cầu về người và vũ khí ngày càng lớn.
Nhằm đáp ứng yêu cầu trên, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, đầu tháng 5-1959, Tổng Quân uỷ (nay là Quân uỷ Trung ương) và Bộ Tổng tư lệnh thành lập Đoàn 559, có nhiệm vụ mở đường giao liên và vận tải trên bộ, đưa người, vũ khí cùng những mặt hàng thiết yếu từ hậu phương lớn miền Bắc vào chiến trường.
Bác Hồ thăm Bộ đội Hải quân tại đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh), năm 1962. Ảnh tư liệu. |
Đồng thời với việc tổ chức tuyến đường trên, tháng 7-1959, Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh nghiên cứu mở tuyến vận chuyển chi viện chiến lược trên biển. Theo nhận định của Bộ Chính trị, trong 3 đến 4 năm tới, dù cố gắng đến mức cao nhất, Đoàn 559 cũng chưa thể mở được đường vận tải dọc theo dãy Trường Sơn vào các chiến trường xa là Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Đường biển sẽ là hướng rất quan trọng vì có thể vận chuyển từng chuyến tương đối lớn, nhanh hơn, kịp thời hơn vào các chiến trường trên. Vì vậy, một mặt Bộ Chính trị giao cho Tổng Quân uỷ và Bộ Tổng tư lệnh chỉ đạo các cơ quan khẩn trương khảo sát hàng hải, nắm địch, tổ chức bến bãi, mặt khác chỉ thị cho các tỉnh ven biển Nam Bộ đưa thuyền ra miền Bắc nhận vũ khí.
Sau một thời gian nghiên cứu chuẩn bị, ngày 23-10-1961, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 97/QP thành lập Đoàn 759 vận tải quân sự đường biển. Được sự quan tâm chỉ đạo của cấp trên, sự ủng hộ, giúp đỡ hết lòng của cấp uỷ, chính quyền và nhân dân một số địa phương. Đoàn 759 nhanh chóng xây dựng lực lượng, chuẩn bị phương tiện, tổ chức trinh sát nhằm nắm chắc quy luật tuần tra, ngăn chặn trên biển của địch; hiệp đồng với các tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ xây dựng các bến bãi tiếp nhận và tổ chức lực lượng vận chuyển vũ khí. Theo yêu cầu của đoàn, Bộ Quốc phòng làm việc với Bộ GTVT giao nhiệm vụ cho xưởng đóng tàu 1 Hải Phòng bí mật nghiên cứu đóng loại tàu vỏ gỗ gắn máy đúng theo kiểu dạng ngư dân Nam Bộ vẫn sử dụng để phục vụ cho công tác vận chuyển.
Tổng bí thư Lê Duẩn thăm Đoàn 125. Ảnh tư liệu. |
20 giờ ngày 11-10-1962, chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở hơn 30 tấn vũ khí mang mật danh Phương Đông I do đồng chí Lê Văn Một làm Thuyền trưởng, đồng chí Bông Văn Dĩa làm Chính trị viên, cùng 13 cán bộ, đảng viên rời bến Vạn Sét (Đồ Sơn) lên đường vào Nam Bộ. Do tính chất quan trọng của chuyến đi, cán bộ, chiến sỹ tàu Phương Đông I được các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Phạm Hùng (Phó Thủ tướng Chính phủ); Nguyễn Chí Thanh (Trưởng Ban Nông nghiệp Trung ương) và các đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng: Ung Văn Khiêm (Bộ trưởng Bộ Ngoại giao); Phan Trọng Tuệ (Bộ trưởng Bộ GTVT); Nguyễn Văn Vịnh (Trưởng ban Thống nhất Trung ương); Trần Văn Trà (Phó tổng Tham mưu trưởng) xuống tận nơi động viên, đưa tiễn. Sáng 19-10, tàu Phương Đông I vào cửa Bồ Đề và cập bến Vàm Lũng (xóm Rạch Gốc, xã Tân An, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau) an toàn.
Tuyến chi viện chiến lược - Đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức được khai thông. Khu uỷ Khu 9 lập tức điện báo cho Trung ương. Nhận được tin vui, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi ngay điện khen ngợi những người trực tiếp góp công sức lập nên chiến công đầu tiên. Người chỉ thị: “Hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc, cho Nam Bắc sớm sum họp một nhà” (1). Tin vui đến với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi ông đang chủ trì cuộc họp Quân uỷ Trung ương. Quá mừng vui và xúc động, ông đề nghị hội nghị tạm giải lao, liên hoan nhẹ để mừng thành công của chuyến đi lịch sử này(2).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói chuyện với Tiểu đoàn 1, Đoàn 125, năm 1969. Ảnh tư liệu. |
Xuất phát từ tình hình thực tế không thể cứ dùng tàu vỏ gỗ, Bộ Chính trị giao cho Bộ GTVT phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu đóng tàu vỏ sắt có khả năng chịu đựng sóng gió tốt hơn, tốc độ cao hơn, trọng tải lớn hơn. Xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng vinh dự được giao nhiệm vụ đóng loại tàu mới này. Ngày 8-12-1963, chiếc tàu vỏ sắt có trọng tải 100 tấn đầu tiên đã được đóng xong và được giao cho Đoàn 759. Trong năm 1964, các tàu 2, 3, 4, 5, 6 lần lượt được hạ thuỷ và được sử dụng ngay. Sau này, Bộ Tư lệnh Hải quân còn đặt các xưởng đóng tàu ở Hải Phòng và nước bạn Trung Quốc đóng hàng chục tàu vỏ sắt trọng tải từ 50 tấn đến 100 tấn để phục vụ cho hoạt động của Đoàn 759.
Đồng thời với việc vận chuyển vào Nam Bộ, Quân uỷ Trung ương và Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ cho Bộ Tư lệnh Hải quân nghiên cứu mở đường vận chuyển vũ khí bằng đường biển vào Nam Trung Bộ - một chiến trường có vị trí chiến lược hết sức quan trọng. Vận chuyển bằng đường biển vào Nam Trung Bộ tuy cung đường ngắn hơn nhưng lại hết sức khó khăn, nguy hiểm. Khó khăn lớn nhất là tìm địa điểm tổ chức bến bãi. Địa hình vùng ven biển Nam Trung Bộ trống trải, độ dốc lớn, không có nhiều kênh rạch và rừng ngập mặn như ở Nam Bộ. Các cửa sông mà tàu ta có thể vào để giao hàng thì đã dày đặc đồn bốt và căn cứ hải quân của địch. Đây lại là vùng nằm dọc theo quốc lộ 1 nên địch tổ chức tuần phòng rất gắt gao. Cũng giống như ở Nam Bộ, việc tổ chức xây dựng các bến bãi ở Nam Trung Bộ đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ hết lòng của cấp uỷ Đảng và nhân dân các địa phương. Tính đến năm 1965, hàng chục bến bãi tiếp nhận vũ khí đã được bí mật xây dựng ở một số tỉnh ven biển Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Chính hệ thống bến bãi tiếp nhận kể trên cùng với các bến xuất phát ở Hải Phòng, Quảng Ninh… đã góp phần rất quan trọng cùng các con tàu không số làm nên những chiến công huyền thoại.
Sau khi tàu 143 bị địch phát hiện ở Vũng Rô, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân uỷ Trung ương chỉ thị: Phải dừng ngay việc vận chuyển bằng đường biển vào miền Nam. Cần tổ chức rút kinh nghiệm sâu sắc về việc này từ cơ quan cấp trên đến đơn vị cơ sở để tiếp tục làm tốt hơn. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Quân uỷ Trung ương chỉ đạo Bộ Tư lệnh Hải quân và Đoàn 125 khẩn trương tiếp tế đạn dược cho các chiến trường. Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, ngày 3-5-1972, Quân uỷ Trung ương ra nghị quyết về nhiệm vụ chống phong toả thuỷ lôi bảo đảm giao thông vận tải biển. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, ngày 24-3-1975, Quân uỷ Trung ương báo cáo với Bộ Chính trị: Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo do quân nguỵ đang chiếm giữ…
Như vậy, từ đầu cho đến kết thúc chiến tranh, trong từng thời điểm, giai đoạn cụ thể, Đảng ta luôn chỉ đạo sát sao, cụ thể và có những quyết sách chính xác với Đường Hồ Chí Minh trên biển. Cùng với Đường Hồ Chí Minh trên bộ, Đường Hồ Chí Minh trên biển là một sáng tạo chiến lược của Đảng và là kỳ công chiến lược của dân tộc ta trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước./.
Theo: qdnd.vn