Sáng mãi hình ảnh người phụ nữ Việt Nam

08:10, 19/10/2011

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960. Ảnh: Internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đại biểu nữ tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III, tháng 9-1960.
Ảnh: Internet
Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang" luôn luôn là một hình ảnh sáng ngời và đẹp đẽ !

Từ thời đại các Vua Hùng đến thời đại Hồ Chí Minh, qua những chặng đường gian khổ và oanh liệt hy sinh, phụ nữ Việt Nam đã tỏ rõ truyền thống thông minh, sáng tạo, lao động cần cù và chiến đấu dũng cảm.

Ngày 3 tháng 2 năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập.

Nhận rõ phụ nữ Việt Nam là lực lượng quan trọng của cách mạng, trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng ta đã ghi rõ: "Nam nữ bình quyền" và nhiệm vụ giải phóng phụ nữ phải gắn liền với nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Chỉ 7 tháng, sau khi Đảng ta ra đời, ngày 20 tháng 10 năm 1930 "Hội Phụ nữ phản đế Việt Nam" - Tổ chức đầu tiên của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã chính thức được thành lập.

Đảng ta, nhân dân ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, luôn luôn đánh giá rất cao những đóng góp to lớn của phụ nữ Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói:

"Non sông gấm vóc Việt Nam do Phụ nữ ta trẻ cũng như già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp rực rỡ".

Nói về truyền thống của phụ nữ Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, Phụ nữ Việt Nam ta thật là anh hùng".

Người đã tặng cho phụ nữ Việt Nam 8 chữ vàng: "Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang".

Năm 1941, trong một bài thơ viết về phụ nữ Việt Nam, Bác đã mở đầu:

"Việt Nam Phụ nữ đời đời
Nhiều người vì nước, vì nòi hy sinh
Ngàn thu rạng tiếng Bà Trưng
Ra tay cứu nước, cứu dân đến cùng…"

Phụ nữ Việt Nam không chỉ là những người lao động cần mẫn trên đồng ruộng, trong xưởng máy, gánh vác những trọng trách trong xã hội, mà phụ nữ còn có một sứ mệnh thiêng liêng, cao cả, đó là người mẹ hiền, sinh đẻ, nuôi dưỡng và giáo dục các thế hệ cháu con. Là người vợ đảm đang, gìn giữ ngọn lửa ấm tình yêu trong mỗi gia đình.

Đã có hàng ngàn bài thơ, bài hát mang âm hưởng trong sáng, bay bổng, ngợi ca hình ảnh và phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam như những khúc dân ca ngàn đời.

Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp và chống Mỹ, chị em phụ nữ Việt Nam đã góp phần làm nên tượng đài chiến thắng huy hoàng của dân tộc.

"Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh", và trong thời chiến Phụ nữ Việt Nam đã nêu cao đức tính hy sinh, vừa sản xuất vừa chiến đấu, là hậu phương vững chắc cho chồng con ra trận. Cả cuộc đời vì nước, vì nhà.   

Người ra đi, lớp lớp vượt Trường Sơn đánh giặc
Người ở lại, cánh đồng 5 tấn lúa đơm bông.

Nói đến phụ nữ thời chống Mỹ, là chúng ta nhớ ngay đến hình ảnh của những đội nữ thanh niên xung phong "Sống bám cầu đường, chết kiên cường dũng cảm".

Đi mở đường gian khổ, hy sinh, mà như đi mở hội… Đó là giai điệu của "Tiếng hát át tiếng bom".

Một nhà thơ đã nói: "Không có hoa hồng thì không có tình yêu. Không có những người mẹ thì cũng không có những anh hùng".

Cuộc kháng chiến thần thánh của chúng ta đã huy động sức mạnh của toàn dân tộc. Và những bà mẹ Việt Nam Anh hùng đã gửi những người con yêu quý của mình ra mặt trận.

Nhìn mái tóc Mẹ bạc phơ, và ánh mắt Mẹ như mơ
Là biết mấy chờ mong, mỏi mòn
Từng đứa con ra đi, không bao giờ trở lại
Chỉ câu hát ru con bên nôi
Là còn trẻ mãi, Mẹ ơi !

Đất nước biết ơn Mẹ! Và chúng con tự hào về Mẹ! Có các Mẹ mới có bình yên, hạnh phúc hôm nay.

Trên chiến trường ác liệt, không chỉ có lửa, có máu, có nước mắt, mà còn có cả những nụ cười chiến sĩ. Bà Tổng thư ký Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế khi đến Việt Nam, gặp những người phụ nữ dịu dàng, mảnh dẻ, bà đã nói: "Những người phụ nữ Việt Nam như những cây lau mềm mại, nhưng đó là những cây lau bằng thép, dũng cảm và đảm đang".

Và chúng ta quên sao được hình ảnh những người phụ nữ Việt Nam dũng cảm trên đỉnh Trường Sơn lộng gió.

 "Gặp em trên cao lộng gió
Rừng Trường Sơn ào ào lá đỏ
Em đứng, đứng ở bên đường
Như quê hương vai áo bạc quàng súng trường..."

Có thể nói, ở lĩnh vực nào người phụ nữ Việt Nam cũng năng động, sáng tạo, có những đóng góp xuất sắc, từ sản xuất, chiến đấu, khoa học kỹ thuật, kinh doanh cho đến văn học nghệ thuật, ngoại giao...

Lịch sử từ xưa tới nay đã khẳng định vai trò quan trọng của người phụ nữ đối với sự tồn tại của cộng đồng nhân loại. Bằng lao động sáng tạo của mình, phụ nữ đã góp phần làm giàu cho xã hội, làm phong phú cuộc sống con người. Phụ nữ là một lực lượng trực tiếp sản xuất ra của cải để nuôi sống con người. Không chỉ tái sản xuất ra của cải vật chất, phụ nữ còn có một chức năng thiêng liêng là tái sản xuất ra bản thân con người để duy trì và phát triển xã hội, nuôi dưỡng và giáo dục con cái trở thành những người công dân có ích cho đất nước. Đồng thời phụ nữ cũng là một lực lượng to lớn góp phần đấu tranh giải phóng dân tộc, vì sự tiến bộ của nhân loại.

Ở nước ta phụ nữ Việt Nam đã có những tiến bộ vượt bậc. Số nữ giáo sư và phó giáo sư chiếm tỷ lệ hơn 9%, tiến sĩ 12,6%, số sinh viên đại học là nữ cũng ngày càng đông, nhiều chị đã được giải thưởng Kovalepscaia, được Nhà nước phong tặng Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Đại biểu nữ trong Quốc hội khoá XIII là 24,4%, là một trong những nước trên thế giới có tỷ lệ phụ nữ cao trong Quốc hội, nhiều chị là Phó Chủ tịch nước, là bộ trưởng...

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một vị lãnh tụ luôn luôn quan tâm đến sự tiến bộ của phụ nữ. Đến thăm và nói chuyện tại một lớp bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, Bác hỏi:

- Lớp học ta có bao nhiêu đồng chí? Có bao nhiêu cô? Và Bác nói: "Cán bộ nữ ít như vậy là một thiếu sót. Các đồng chí chưa quan tâm đến việc bồi dưỡng cán bộ nữ. Nhiều đồng chí còn đánh giá không đúng khả năng của phụ nữ, hay thành kiến hẹp hòi. Như vậy là rất sai. Hiện nay nhiều phụ nữ công tác rất giỏi... có nhiều ưu điểm, ít mắc tệ tham ô, lãng phí, không hay chè chén, ít hống hách mệnh lệnh như một số cán bộ nam. Nếu Bác nói không đúng các đồng chí cứ phát biểu".

Trong một bài báo Bác lại viết: "Nam nữ bình quyền, nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ, chỉ hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát, thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to!". Và Bác viết: "Vũ lực của cuộc cách mạng này phải là sự tiến bộ về chính trị, kinh tế, văn hoá, pháp luật. Phải cách mạng từng người, từng gia đình đến toàn dân. Và chị em phụ nữ cũng phải tự mình phấn đấu để vươn lên".

Nhân ngày 20-10, chúng ta chúc toàn thể chị em phụ nữ phát huy truyền thống vẻ vang, xứng đáng với danh hiệu cao quý "Phụ nữ Việt Nam Trung hậu - Đảm đang - Tài năng - Anh hùng"./.

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com