Phiên họp thứ hai, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII: Cho ý kiến về hai dự án luật

09:10, 01/10/2011

* Dự thảo Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH

Ngày 30-9, tại phiên họp thứ hai của Ủy ban Thường vụ QH, các đại biểu cho ý kiến về: Dự án Luật Giáo dục đại học; Dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; và Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Buổi sáng, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, các đại biểu cho ý kiến về hai dự án luật. Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo Phạm Vũ Luận trình bày Tờ trình Giáo dục đại học (GDÐH), trong đó nêu rõ: Sau 25 năm đổi mới của đất nước và 10 năm thực hiện  Chiến lược phát triển giáo dục 2001 - 2010, GDÐH nước ta đã từng bước phát triển về quy mô, đa dạng về loại hình trường và hình thức đào tạo; cung cấp nguồn lao động trình độ cao phục vụ sự nghiệp phát triển KT-XH, quá trình CNH, HÐH đất nước. Xây dựng Luật GDÐH tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới quản lý nhà nước về GDÐH; và đổi mới quản lý của cơ sở giáo dục, nâng cao chất lượng GDÐH; đẩy mạnh phân cấp quản lý GDÐH và giao quyền tự chủ đối với cơ sở GDÐH phù hợp với năng lực quản lý, năng lực tổ chức hoạt động giáo dục và trách nhiệm xã hội... Dự thảo Luật GDÐH bao gồm 13 chương, 72 điều.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH Ðào Trọng Thi trình bày báo cáo thẩm tra, theo đó nhất trí với việc cần thiết ban hành Luật GDÐH để thể chế hóa các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước về đổi mới và phát triển GDÐH; tạo hành lang pháp lý thuận lợi và thống nhất để điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến GDÐH, góp phần đổi mới căn bản và toàn diện GDÐH Việt Nam nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế.

Ðóng góp ý kiến vào Dự án luật này, nhiều đại biểu cho rằng: Việc xây dựng Dự án Luật GDÐH bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, phù hợp với Hiến pháp. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng như xã hội hóa giáo dục, phân tầng các cơ sở GDÐH và trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDÐH... chưa được thể chế hóa trong dự án luật. Nhiều vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay về  GDÐH như mô hình tổ chức, hoạt động của các cơ sở GDÐH, về kiểm định chất lượng giáo dục, về đào tạo quốc tế chưa đề cập thấu đáo, triệt để, một số quy định không phù hợp với Luật Giáo dục. Các đại biểu tập trung thảo luận về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của cơ sở GDÐH và Hội đồng trường. Việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDÐH là một yêu cầu khách quan, tất yếu và phù hợp xu thế phát triển hiện nay đồng thời nhấn mạnh phải coi đó là tư tưởng xuyên suốt của dự án luật này. Cần thể hiện rõ tư tưởng trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở GDÐH một cách mạnh mẽ, triệt để hơn, theo hướng xác định rõ những nội dung được tự chủ về chuyên môn và về kế hoạch tài chính, tổ chức, cán bộ với mức độ và lộ trình cụ thể. Theo nhiều đại biểu, quy định Hội đồng trường là thiết chế bắt buộc đối với cơ sở GDÐH được trao quyền tự chủ cao. Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ bốn tồn tại được nêu rõ trong Báo cáo giám sát và kiến nghị đối với Chính phủ; các ý kiến nêu trong Báo cáo thẩm tra. Một số đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục tiếp thu, bổ sung các nội dung liên quan công tác nghiên cứu khoa học trong GDÐH, công tác kiểm định chất lượng, công tác tuyển sinh, vấn đề sách giáo khoa, cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài...

Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Bộ Y tế trình bày Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá (PCTHTL). Dự án luật gồm có 5 chương và 30 điều. Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai trình bày báo cáo thẩm tra, trong đó nhất trí với Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật PCTHTL. Thực tế 20 năm qua, trong hệ thống pháp luật của Việt Nam đã có những văn bản quy định về PCTHTL và Chính phủ đã ban hành một số văn bản về lĩnh vực này, nhưng do thiếu chế tài cụ thể và sự hạn chế trong quản lý nhà nước nên hiệu quả thực thi chưa cao. Nhiều ý kiến đại biểu đã cho ý kiến về các vấn đề: Phạm vi, đối tượng điều chỉnh; về in cảnh báo sức khỏe trên bao bì thuốc lá; về xử lý vi phạm quy định cấm thuốc lá; về Quỹ PCTHTL và nâng cao sức khỏe cộng đồng;...

Buổi chiều, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, các đại biểu đóng góp ý kiến vào Tờ trình về Ðề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH. Theo nội dung Ðề án, những đổi mới đề nghị triển khai thực hiện từ kỳ họp thứ hai, QH Khóa XIII. Các đại biểu đã cho ý kiến về việc đổi mới việc chuẩn bị và trình bày tờ trình, báo cáo, dự án theo hướng tóm tắt nội dung và rút ngắn thời gian trình bày tại hội trường; đổi mới thảo luận tại tổ, thảo luận tại phiên họp toàn thể theo hướng phát huy vai trò điều hành của Ủy ban TVQH; đổi mới hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Ðề án nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH, đáp ứng xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước. Vì vậy, quá trình xây dựng Ðề án cần bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của QH, vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tiết kiệm thời gian làm việc của QH.

Theo: nhandan.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com