Phát huy truyền thống “Phụng đạo, yêu nước” và thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, trong những năm qua, cùng với các hoạt động phật sự, Giáo hội Phật giáo tỉnh đã tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) thông qua xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả các mô hình phong trào như: “Chùa tinh tiến”, “Tâm sáng hướng thiện”, “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và “Ba an toàn” về ANTT… Từ đó đã vận động được đông đảo tăng ni, tín đồ phật tử tham gia giữ gìn ANTT ở địa phương.
Đại đức Thích Tâm Thiệu, Phó Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nam Định trao đổi với lực lượng công an và chính quyền cơ sở về công tác ANTT.
Ảnh:
Duy Hùng
(Công an tỉnh)
|
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 818 ngôi chùa, hơn 700 tăng ni, có gần 20 vạn tín đồ đã quy y Tam bảo. Giáo hội Phật giáo tỉnh đã không ngừng phát huy truyền thống yêu nước, gắn bó với dân tộc, quê hương; các tăng ni, phật tử trong tỉnh hòa hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân, kiên định thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và tích cực hưởng ứng tham gia các hoạt động Phật sự “ích đạo, lợi đời”, điển hình là phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ. Từ nội dung của các phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ theo mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và “Ba an toàn” về ANTT, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đã phối hợp cùng Công an tỉnh hướng dẫn Ban Đại diện Phật giáo các huyện, thành phố quán triệt tới tăng ni, tín đồ phật tử để vận dụng cho phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; thông qua các kỳ “Bá tát” đã quán triệt tới tăng ni, Ban hộ tự các chùa và phổ biến triển khai sâu rộng tới các tín đồ phật tử. Trong quá trình triển khai phong trào, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh và Ban Đại diện Phật giáo các huyện, thành phố đã vận động tăng ni, tín đồ phật tử tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng mô hình phong trào, gắn việc giảng pháp với việc tuyên truyền đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nội dung Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo và các quy định của địa phương về công tác tôn giáo. Trong các ngày lễ trọng, các kỳ Bá tát, các kỳ An cư kiết hạ, các nhà chùa đã gắn việc giảng pháp với việc triển khai tới các tăng ni, tín đồ phật tử kiến thức về phòng ngừa tội phạm, đề phòng tệ nạn len lỏi vào nhà chùa, coi trọng việc giúp đỡ những người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, đồng thời thường xuyên đưa giáo lý của nhà Phật vào thực tiễn cuộc sống bằng những bài giảng thiết thực cho các phật tử có tâm thức hướng thiện, khuyên bảo con cháu trong gia đình thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, phòng chống tội phạm, xây dựng thôn, xóm không ma túy, không có tệ nạn xã hội. Thông qua triển khai xây dựng các mô hình phong trào “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và “Ba an toàn” về ANTT trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ, tăng ni đã nắm vững đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về ANTT, cụ thể hóa những công việc cần làm để đảm bảo an toàn nhà chùa, đồng thời các tăng ni đã tích cực vận động gia đình tín đồ phật tử ký cam kết với chính quyền trong việc giáo dục, quản lý con em trong gia đình không vi phạm về giao thông, về tệ nạn xã hội, về vi phạm pháp luật. Ban hộ tự chùa ký cam kết bảo vệ tài sản chùa, nơi thờ tự… góp phần đảm bảo ANTT, thực hiện tốt nếp sống văn hóa ở khu dân cư, từ đó tích cực tham gia vào các việc như: tố giác tội phạm, đề phòng cảnh giác, đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực trong đời sống xã hội, phòng ngừa tệ nạn xã hội, giữ gìn ANTT ở địa phương. Bên cạnh đó, tại các trường Hạ, hằng năm Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh đều mời các đơn vị chức năng của Công an tỉnh đến nói chuyện về tình hình ANTT, hoạt động của các loại tội phạm và các biện pháp phòng chống; các chùa đều phối hợp với chính quyền, đoàn thể cơ sở tổ chức cho tăng ni, tín đồ phật tử ký cam kết thực hiện các nội dung của mô hình phong trào bảo vệ ANTQ do địa phương phát động, chú trọng xây dựng tình đoàn kết trong nội bộ tăng ni và giữa tăng ni với tín đồ phật tử, những bất hòa đều được hóa giải từ cơ sở. Thông qua thực hiện các mô hình phong trào, đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến tích cực tham gia công tác giữ gìn ANTT ở cơ sở, tiêu biểu như: chùa Cả, chùa Vọng Cung, chùa Phong Lộc (TP Nam Định); chùa Lễ Tích (Trực Ninh); chùa Cẩm, Tam Quang (Ý Yên), chùa Tiên Hương (Vụ Bản), chùa Diêm Điền (Giao Thủy), chùa Đồng Phù (Nam Trực), chùa Linh Ứng (Hải Hậu), chùa Kiên Lao (Xuân Trường), chùa Hậu Bồi (Mỹ Lộc)…
Ba năm qua (2008-2011), từ việc thực hiện các mô hình phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ, các tăng ni, tín đồ phật tử đã cung cấp cho cơ quan chức năng hàng trăm nguồn tin liên quan đến ANTT, trong đó có 378 tin có giá trị; đã vận động 2.715 lượt tăng ni tham gia các đợt ra quân phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hưởng ứng “Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tăng ni, tín đồ phật tử tham gia hòa giải thành công hàng trăm mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân. Thông qua các nguồn tin tố giác tội phạm, các chùa đã giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá 108 vụ việc phạm pháp hình sự và tham gia tổ chức cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng cho 57 người nghiện. Bên cạnh đó, qua phong trào, các tăng ni, tín đồ phật tử nâng cao được ý thức trách nhiệm của mình, tích cực tham gia công tác giữ gìn an ninh xã hội, từ đó tình hình ANTT ở cơ sở các chùa ổn định hơn, tình làng nghĩa xóm được tăng cường gắn bó hơn, các vụ việc trộm cắp đồ thờ cúng của nhà chùa giảm so với các năm trước.
Những việc làm thiết thực, cụ thể trong xây dựng và thực hiện các mô hình “Tự quản, tự phòng, tự bảo vệ” và phong trào “Ba an toàn” về ANTT của Giáo hội Phật giáo tỉnh đã đưa phong trào quần chúng toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh phát triển cả về bề rộng và chiều sâu, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Cùng với các hoạt động phật sự, phong trào đã góp phần làm cho tư tưởng, ánh sáng Phật pháp được lan tỏa, giác ngộ tới đông đảo phật tử hướng thiện, đẩy lùi cái xấu, cái ác, giữ gìn tam quy ngũ giới và sống “tốt đời, đẹp đạo” để đem lại ANTT cho xã hội. Phật giáo Nam Định đã thể hiện tinh thần “nhập thế” một cách tích cực, luôn đồng hành cùng dân tộc, quê hương, góp phần giữ vững ổn định chính trị, xây dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc./.
Thu Thủy