Những khó khăn trong tập hợp thanh niên tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh

08:11, 01/11/2011

Tỉnh ta hiện có khoảng 45.000 thanh niên đang lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (DNNQD). Thế nhưng, lâu nay công tác tập hợp đoàn kết thanh niên, phát triển tổ chức Đoàn, Hội ở các DNNQD luôn là bài toán khó.

ĐVTN Cty CP Bia NaDa kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng.
ĐVTN Cty CP Bia NaDa kiểm tra chất lượng sản phẩm trước khi xuất xưởng.

Theo tổng hợp của Tỉnh Đoàn, năm 2010, có gần 5.000 thanh niên công nhân ngoài quốc doanh tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội, bằng gần 12% tổng số thanh niên công nhân trong DNNQD. Toàn tỉnh có trên 4.000 DNNQD nhưng hiện chỉ có 55 doanh nghiệp có tổ chức cơ sở Đoàn và 30 doanh nghiệp có tổ chức Hội hoạt động. Theo quy định, có 3 ĐVTN là có thể thành lập được một chi Đoàn, chi Hội, nhưng hiện nay, nhiều doanh nghiệp có tới hàng chục lao động là thanh niên vẫn chưa có tổ chức Đoàn, Hội. Một trong những khó khăn khiến cho việc tập hợp ĐVTN ở các DNNQD là do các doanh nghiệp chỉ quan tâm đến vấn đề lợi nhuận mà chưa chú trọng đến công tác Đoàn. Mặt khác, phần lớn các DNNQD trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ, theo hình thức gia đình, nên rất khó khăn trong việc xây dựng tổ chức Đoàn, Hội. Thực tế nhiều năm qua, việc kêu gọi các doanh nghiệp thành lập tổ chức Đoàn luôn là một vấn đề khó. Hằng năm, số cơ sở Đoàn được thành lập tại các DNNQD rất ít: Năm 2010 chỉ phát triển thêm được 1 tổ chức cơ sở Đoàn tại Cty CP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội; từ đầu năm 2011 đến nay phát triển được 4 đơn vị gồm: Cty TNHH Mai Linh, Bệnh viện Sài Gòn - Nam Định, Cty CP Tân An và Cty CP Nam Tiệp. Trong khi đó có tới hơn 10 cơ sở Đoàn giải thể do không duy trì được hoạt động. Thực tế đó, bên cạnh sự thiếu quan tâm của các chủ doanh nghiệp, Đoàn Thanh niên cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những yếu kém của mình; mục tiêu đặt ra đến năm 2020 có 20% thanh niên công nhân tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội, CLB đội nhóm; 20% ĐVTN trong các DNNQD được tiếp cận, học tập các chương trình hành động của Đoàn - Hội sẽ rất khó đạt được. Đồng chí Bí thư Đoàn Khối Doanh nghiệp tỉnh cho rằng: “Để thực hiện lộ trình đoàn kết, tập hợp thanh niên, phát triển Đoàn, Hội trong các DNNQD, tổ chức Đoàn phải gặp gỡ, vận động thuyết phục chủ các doanh nghiệp, làm cho họ hiểu rằng “đích” đến của Đoàn, Hội không chỉ là nâng cao đời sống tinh thần, mà còn nâng cao về trình độ nghề nghiệp, đồng hành với thanh niên công nhân trong quá trình “lập thân, lập nghiệp”.

Việc tổ chức các diễn đàn giao lưu đối thoại với thanh niên, công nhân, với chủ doanh nghiệp, với chính quyền địa phương, tổ chức Đoàn, Hội, các hội thi tay nghề, thợ giỏi, bàn tay vàng, tư vấn nghề nghiệp, nhằm nâng cao tay nghề, tác phong công nghiệp, trình độ kỹ thuật cho thanh niên lao động, giúp họ ổn định nghề nghiệp và nâng cao thu nhập... là phương thức đoàn kết tập hợp thanh niên hiệu quả. Hiện nay, các mô hình như CLB hoạt động đặc thù theo sở thích, nghề nghiệp trong các DNNQD trong toàn tỉnh quá ít so với nhu cầu thực tế. Do vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục thì cần xây dựng và phát triển lực lượng nòng cốt làm công tác Đoàn, Hội trong doanh nghiệp. Đó chính là những đoàn viên, hội viên thanh niên tích cực trong công tác, lao động sản xuất tại các doanh nghiệp, có uy tín với thanh niên, với chủ doanh nghiệp. “Lực lượng nòng cốt” này sẽ là cầu nối giữa tổ chức Đoàn, Hội với doanh nghiệp và giữa tổ chức Đoàn, Hội với thanh niên. Mặt khác, tổ chức Đoàn, Hội phải thể hiện vai trò “người bạn đồng hành” qua việc tăng cường mối quan hệ với tổ chức công đoàn, với chính quyền các cấp trong triển khai kiểm tra, giám sát thực hiện các quy định của pháp luật về lao động, bảo hiểm xã hội cho lao động là thanh niên. Tư vấn, hỗ trợ về mặt pháp lý và bảo vệ thanh niên khi lợi ích chính đáng bị xâm hại. Thanh niên tại các DNNQD là lực lượng giữ vai trò quan trọng góp phần vào sự lớn mạnh của các doanh nghiệp, đồng thời cũng là một bộ phận quan trọng trong hệ thống tổ chức của Đoàn, Hội. Vì vậy, công tác tập hợp thanh niên tại các DNNQD phải được tiến hành thường xuyên, liên tục bằng nhiều giải pháp, tìm nhiều nguồn lực, tăng cường đổi mới nội dung, hình thức hoạt động thiết thực, đáp ứng nhu cầu của thanh niên./.

Bài và ảnh: Thúy Ngần



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com