Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các chi bộ Đảng thôn, xóm có vai trò quan trọng trong sự nghiệp đổi mới, phát triển nông thôn. Khắc phục những hạn chế, nâng cao năng lực, hiệu quả lãnh đạo của các chi bộ thôn, xóm là công việc cần thiết, thường xuyên, lâu dài…
Lãnh đạo xây dựng, phát triển nông thôn là một trong những nhiệm vụ quan trọng của các chi bộ thôn, xóm. Trong ảnh: Xóm 14, xã Trực Thắng (Trực Ninh). |
Năng lực lãnh đạo của chi bộ thôn, xóm còn nhiều hạn chế !
Những năm qua, cùng với sự trưởng thành của hệ thống chính trị ở cơ sở, các chi bộ thôn, xóm trong tỉnh được chăm lo xây dựng, củng cố kể cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đến nay, hầu hết các thôn, xóm trong tỉnh đều có tổ chức chi bộ Đảng. Các chi bộ đều bám sát chỉ đạo của cấp ủy cấp trên, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân ở thôn, xóm đẩy mạnh các hoạt động phát triển kinh tế, xây dựng, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng; giữ gìn an ninh trật tự; phòng chống tệ nạn, hủ tục, bảo vệ môi trường; chăm lo công tác khuyến học, các hoạt động nhân đạo, từ thiện, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân... Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, ở một số chi bộ thôn, xóm chưa khẳng định được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Thực trạng đó có một số nguyên nhân, nhưng quan trọng và trước hết là năng lực lãnh đạo của chi ủy, nhất là vai trò của bí thư chi bộ. Nhiều đồng chí bí thư chi bộ năng lực, trình độ hạn chế, không nắm vững chủ trương, nghị quyết của cấp uỷ cấp trên dẫn đến lúng túng trong việc quán triệt, vận dụng, triển khai thực hiện trong chi bộ. Có đồng chí bí thư chi bộ quen tác phong điều hành theo kiểu mệnh lệnh, áp đặt nên chưa động viên, khơi dậy và phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi đảng viên trong chi bộ. Nhiều chi bộ không duy trì được nền nếp sinh hoạt, các kỳ sinh hoạt còn nặng tính hình thức, không tập trung bàn thảo những vấn đề, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực của chi bộ, của địa phương, chưa thể hiện vai trò lãnh đạo, giáo dục và chiến đấu của tổ chức Đảng. Ý thức sinh hoạt Đảng của một bộ phận đảng viên thiếu nghiêm túc, đi muộn, về sớm hoặc vắng mặt trong các buổi sinh hoạt, ý kiến phát biểu lan man, không rõ chính kiến. Bị ràng buộc bởi mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm nên nhiều chi bộ có tình trạng nể nang, né tránh, buông lỏng các nguyên tắc Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, do vậy tính chiến đấu của đảng viên, của chi bộ không cao. Công tác tự phê bình và phê bình chưa thật sự dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ; vẫn còn tình trạng “dĩ hòa vi quý” hoặc lợi dụng phê bình để đả kích người này, nói xấu người kia, thiếu tính xây dựng. Một số đảng viên ở nông thôn và gia đình chưa thực sự gương mẫu, đi đầu trong các phong trào của địa phương, thậm chí vi phạm pháp luật nên mất uy tín với nhân dân. Đặc biệt, tình trạng đảng viên vắng mặt, không tham gia sinh hoạt vì lý do đi làm kinh tế ở các chi bộ nông thôn trong tỉnh đang khá phổ biến. Trong khi đó, công tác tạo nguồn, bồi dưỡng quần chúng ưu tú, nhất là những quần chúng đang trực tiếp lao động, gắn bó với đời sống nông nghiệp, nông dân, nông thôn để kết nạp vào Đảng đang gặp khó khăn. Nhiều chi bộ ở khu vực nông thôn qua nhiều nhiệm kỳ liền không kết nạp được đảng viên mới. Chi bộ Đảng xóm 14, xã Trực Thắng (Trực Ninh) hiện có 14 đảng viên. Đồng chí Nguyễn Văn Vượng, Bí thư chi bộ cho biết, hầu hết các đảng viên trong chi bộ đều đã cao tuổi trong khi công tác phát triển đảng viên mới của chi bộ từ nhiều năm nay gặp khó khăn. Nguyên nhân thanh niên trong xóm một phần đi học xa nhà, học xong đều làm việc ở các địa phương khác; số ở lại quê hương lập nghiệp một phần không đảm bảo trình độ, phần khác đều tập trung làm kinh tế gia đình, ít tham gia công tác đoàn thể nên chi bộ không có nguồn bồi dưỡng, kết nạp. Trên thực tế, tình trạng “già hoá” ở các chi bộ thôn, xóm trong tỉnh hiện đang khá phổ biến. Tham gia sinh hoạt chi bộ hầu hết là các đảng viên cao tuổi, đảng viên hưu trí, sự nhiệt tình, hăng hái công tác ít nhiều đã giảm sút... Năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ hạn chế dẫn đến hoạt động của các chi hội, đoàn thể không hiệu quả...
Để chi bộ thôn, xóm thực sự là “hạt nhân” lãnh đạo
Thực tế trên cho thấy, khắc phục những hạn chế, bất cập, nâng cao chất lượng sinh hoạt và năng lực lãnh đạo của chi bộ thôn, xóm là yêu cầu bức thiết trong giai đoạn hiện nay. Trước hết, các cấp ủy Đảng trong tỉnh cần quan tâm hơn nữa công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ, đảng viên ở các chi bộ nông thôn trong tỉnh; nhất là bồi dưỡng về trình độ lý luận, chính trị, tư tưởng, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước. Các chi bộ nông thôn cần được trang bị thêm một số ấn phẩm báo, tạp chí của Đảng. Hiện tại, hầu hết các chi bộ nông thôn trong tỉnh mới chỉ được trang bị báo Nam Định và bản tin Thông báo nội bộ. Một số ấn phẩm báo, tạp chí cần thiết khác như báo Nhân Dân, tạp chí Xây dựng Đảng… các chi bộ đều chưa có. Cần lựa chọn, bố trí những đồng chí có đủ điều kiện đảm nhiệm chức danh bí thư chi bộ thôn, xóm. Bí thư chi bộ phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức và lối sống lành mạnh, có sức khoẻ, lòng nhiệt tình, tạo được uy tín, nhất là có năng lực thực tiễn về công tác xây dựng Đảng, công tác vận động quần chúng trong thời kỳ mới; thực sự là trung tâm đoàn kết trong chi bộ cũng như trong cộng đồng thôn, xóm. Cần nâng cao chế độ chính sách đối với đội ngũ cán bộ ở thôn, xóm. Trong sinh hoạt, các chi bộ cần duy trì nền nếp, đảm bảo các nguyên tắc sinh hoạt Đảng, trong đó đề cao nguyên tắc tập trung, dân chủ. Trước mỗi kỳ sinh hoạt, chi ủy, trước hết là bí thư chi bộ cần chuẩn bị chu đáo về nội dung, xác định rõ những vấn đề trọng tâm, trọng điểm cần tập trung lãnh đạo. Trên cơ sở đó, chi bộ thảo luận, phân tích kỹ từng vấn đề, chỉ rõ ưu, khuyết điểm; đề ra những giải pháp lãnh đạo có tính khả thi; coi trọng việc sinh hoạt chuyên đề để bàn sâu, bàn kỹ một vấn đề cần tập trung lãnh đạo. Hiện nay, các cấp, các ngành trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo triển khai các bước thực hiện trong lộ trình xây dựng nông thôn mới. Mọi công trình, phần việc đều được triển khai trực tiếp tại địa bàn thôn, xóm như công tác quy hoạch, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng, thực hiện dồn điền đổi thửa, dạy nghề, đưa nghề mới về nông thôn… Hệ thống chính trị ở thôn, xóm trong đó chi bộ Đảng là hạt nhân lãnh đạo cần chú trọng quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo, huy động công sức, trí tuệ của nhân dân địa phương tham gia thực hiện hiệu quả những công trình, phần việc quan trọng trên địa bàn. Trong tổ chức thực hiện phải phân công cụ thể công tác cho từng chi uỷ viên và mỗi đảng viên sát với khả năng từng người. Tăng cường công tác kiểm tra, bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của chi bộ đối với mọi mặt hoạt động ở thôn, xóm. Thường xuyên sơ kết, rút kinh nghiệm, thực hiện tự phê bình và phê bình đi đôi với tăng cường quản lý đảng viên. Các đảng viên trong chi bộ luôn nỗ lực rèn luyện phẩm chất, đạo đức, tác phong nói đi đôi với làm, gương mẫu, đi đầu trong lao động sản xuất, thực hiện các phong trào, các cuộc vận động trên địa bàn thôn, xóm, thật sự là tấm gương cho quần chúng noi theo. Các chi bộ cần chú trọng công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, củng cố các tổ chức đoàn thể nhân dân như: chi Hội Phụ nữ, chi Đoàn Thanh niên, chi Hội Cựu chiến binh, chi Hội Người cao tuổi, chi Hội Nông dân; tranh thủ, phát huy được vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng. Thực hiện tốt, hiệu quả nhiệm vụ này sẽ tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong thôn, xóm tham gia thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của địa phương. Mặt khác, thông qua phong trào hoạt động của quần chúng sẽ phát hiện được những cá nhân ưu tú, tiêu biểu, gương mẫu trong cuộc sống cũng như trong lao động, sản xuất, tạo nguồn bồi dưỡng, kết nạp Đảng, qua đó tăng cường sức trẻ cho chi bộ…
Bài và ảnh: Duy Hưng