* “Đêm thơ Lê Đức Thọ”
Các đồng chí chủ trì Hội thảo. |
Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (10-10-1911 - 10-10-2011) - nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư BCH Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, Cố vấn BCH Trung ương Đảng, sáng 5-10-2011, tại Thành phố Nam Định, Tỉnh uỷ phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “Đồng chí Lê Đức Thọ với cách mạng Việt Nam và quê hương Nam Định”. Dự hội thảo có các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh; Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành phố; các nhà khoa học và những người từng chiến đấu, công tác cùng thời với đồng chí Lê Đức Thọ; các đồng chí trong Ban TVTU và BCH Đảng bộ tỉnh cùng đại diện gia đình đồng chí Lê Đức Thọ.
Phát biểu khai mạc hội thảo, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định: Với 64 năm hoạt động cách mạng liên tục, đồng chí Lê Đức Thọ là một cán bộ lãnh đạo có tài năng về nhiều mặt, là tấm gương sáng về lòng yêu nước thiết tha, yêu dân, về tinh thần quốc tế cao cả, đã có cống hiến lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Đồng chí Lê Đức Thọ thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, tích cực hoạt động trong các phong trào cách mạng, đóng góp quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ hầu như gắn bó với công tác tổ chức của Đảng. Trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã chỉ đạo công tác nghiên cứu, tập hợp, biên soạn dự thảo các văn kiện của Đảng tại các Đại hội lần thứ III, IV, V, VI của Đảng. Với cương vị được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, qua 4 kỳ đại hội, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần quan trọng vào việc tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận về xây dựng Đảng. Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, với cương vị Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta, đồng chí Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong các cuộc đàm phán trực tiếp công khai và nói chuyện riêng với đại diện Chính phủ Mỹ, đồng chí đã chủ động tiến công ngoại giao, làm thất bại mọi âm mưu và làm phá sản mọi con bài ngoại giao của đế quốc Mỹ. Hoạt động ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Pa-ri đã để lại những bài học kinh nghiệm quý cho nền ngoại giao Việt Nam.
Các đại biểu, nghệ sỹ tham dự "Đêm thơ Lê Đức Thọ". |
Phát biểu đề dẫn hội thảo, đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh khẳng định: Trong quá trình hoạt động cách mạng qua các thời kỳ, với nhiều cương vị công tác và nhiều địa bàn hoạt động khác nhau, đồng chí Lê Đức Thọ luôn tỏ rõ là một nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, có tài năng về nhiều mặt, nổi bật trên các lĩnh vực chính trị, quân sự, ngoại giao. Đồng chí được Đảng, Bác Hồ giao những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, điều đến những nơi, những lúc, ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng. Đồng chí đã có những đóng góp rất quan trọng và là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của cuộc Cách mạng Tháng Tám lịch sử. Cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo công tác chuẩn bị và tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến ở Nam Bộ, người có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Với trọng trách là Cố vấn BCH Trung ương Đảng, đồng chí tiếp tục làm việc hết sức mình, đóng góp lớn vào trí tuệ, sự lãnh đạo tập thể của BCH Trung ương Đảng và Bộ Chính trị. Hội thảo khoa học này là một hoạt động quan trọng trong toàn bộ kế hoạch kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ; góp phần khẳng định những cống hiến lớn lao của đồng chí Lê Đức Thọ đối với Đảng, dân tộc và tôn vinh đồng chí - một người cộng sản mẫu mực, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của đất nước và quê hương Nam Định, nhằm bồi dưỡng truyền thống cách mạng, tư tưởng và đạo đức, lý tưởng và lối sống cho cán bộ, đảng viên, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay và mai sau.
Tại hội thảo, hơn 60 tham luận và bài viết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành phố trong cả nước, các nhà khoa học và những người từng chiến đấu, công tác cùng thời với đồng chí Lê Đức Thọ đã tiếp tục bổ sung, làm sáng tỏ thêm cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú, vẻ vang, cũng như phẩm chất cao đẹp, tình cảm đối với Tổ quốc, đồng bào, đồng chí, quê hương của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong đó, có nhiều ý kiến tham luận có ý nghĩa sâu sắc của các đồng chí: Lê Khả Phiêu, nguyên Tổng Bí thư BCH Trung ương Đảng; Nguyễn Đình Hương, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tổ chức Trung ương; Nguyễn Dy Niên, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Phạm Bình Minh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương… Nội dung các tham luận tập trung làm sáng tỏ: Truyền thống quê hương, gia đình - một nhân tố quan trọng hình thành lòng yêu nước, thương dân và tư tưởng cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ; nhà lãnh đạo tài năng, giàu kinh nghiệm của Đảng và cách mạng Việt Nam. Những công lao, cống hiến lớn của đồng chí đối với cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng: Cách mạng Tháng Tám năm 1945; kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cách mạng miền Nam và sự nghiệp đấu tranh thống nhất Tổ quốc. Đồng chí Lê Đức Thọ - tấm gương sáng ngời của một người cộng sản kiên cường, suốt đời trung thành, tận tuỵ với nước, với dân; cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; luôn có tinh thần tiến công, lạc quan cách mạng, chủ động, quyết đoán và sáng tạo; hết lòng thương yêu đồng đội, đồng chí và đồng bào. Đồng chí Lê Đức Thọ - một tâm hồn thơ giàu cảm xúc, một nhà thơ để lại nhiều tác phẩm có giá trị của dòng thơ ca cách mạng Việt Nam. Đồng chí Lê Đức Thọ luôn nặng nghĩa tình với quê hương Nam Định; quê hương Nam Định rất đỗi tự hào về đồng chí Lê Đức Thọ.
Phát biểu kết thúc hội thảo, đồng chí Tạ Ngọc Tấn, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Sau cuộc hội thảo, chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp đồng chí Lê Đức Thọ để đánh giá đúng đắn, đầy đủ hơn nữa tài năng, công lao, đóng góp của đồng chí Lê Đức Thọ; rút ra những triết lý sống trong sáng, cao thượng, những bài học sâu sắc trong những lĩnh vực mà đồng chí đã hoạt động và cống hiến, những bài học có giá trị thực tiễn không chỉ cho hôm nay mà còn cho công cuộc xây dựng đất nước mai sau.
Tối 4-10-2011, tại Thành phố Nam Định, Tỉnh ủy Nam Định, Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam phối hợp tổ chức “Đêm thơ Lê Đức Thọ”. Các đồng chí: Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Phạm Hồng Hà, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội của tỉnh; Nguyễn Khắc Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Hồng Vinh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình Văn học nghệ thuật Trung ương; nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và một số tỉnh, thành phố; các nhà khoa học và những người từng chiến đấu, công tác cùng với đồng chí Lê Đức Thọ; các đồng chí trong Ban TVTU, BCH Đảng bộ tỉnh; đại diện gia đình đồng chí Lê Đức Thọ và đông đảo người yêu thơ đến dự.
Phát biểu khai mạc đêm thơ, đồng chí Nguyễn Khắc Hưng nhấn mạnh: Trong cuộc hành trình qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, dù rất bận với công việc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn dành thời gian làm thơ ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Là người chiến sĩ cách mạng yêu thơ, đồng chí Lê Đức Thọ đã sáng tác nhiều bài thơ với nhiều thể loại khác nhau ghi lại những dấu ấn trong suốt hơn 60 năm hoạt động cách mạng đầy gian khổ, hy sinh, nhiều bài thơ của đồng chí đã được đồng bào chiến sỹ yêu mến và trân trọng.
Tại đêm thơ, Giáo sư, Anh hùng Lao động Vũ Khiêu đã gửi câu đối nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ. Các độc giả yêu thơ được nghe những bài thơ nổi tiếng của đồng chí Lê Đức Thọ như: “Xà lim oán”, “Ý xuân”, “Em liên lạc”, “Lòng chiến sĩ”, “Lời anh dặn”, “Điểm tựa”, “Thăm anh”, “Mộ liệt sĩ vô danh”, “Tình quê hương”... Những bài thơ của đồng chí Lê Đức Thọ ẩn chứa tình cảm, suy nghĩ sâu sắc và chân thành của một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động chính trị tài năng, nhà ngoại giao bản lĩnh, một chiến sĩ cộng sản kiên trung. Đó là những bài thơ nặng tình non nước, nặng nghĩa đồng chí, đồng bào, thuỷ chung với Đảng, với cách mạng và đồng cảm với chiến sĩ. Tuy không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng những sáng tác của đồng chí lại giàu chất thực tế, tính tự sự, ngời chất thép, chan chứa cảm hứng trữ tình thiết tha yêu đời, yêu người và có vị trí quan trọng trong sự nghiệp văn học nước nhà. Song hành trên chặng đường cách mạng của đồng chí là những tập thơ được viết ngay trên đường công tác, như: Trên những nẻo đường (1968), Đường ngàn dặm (1977), Nhật ký đường ra tiền tuyến (1978), Thơ tuyển Lê Đức Thọ (1983), Gửi anh bộ đội (1984). Ngoài ra, thơ Lê Đức Thọ có mặt trong nhiều tập thơ, tuyển thơ Việt Nam hiện đại, như: Lê Đức Thọ và nhiều tác giả (1995), Hồ Chí Minh - Sóng Hồng - Lê Đức Thọ (1997)...
[links()]