Trường Chính trị Trường Chinh trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

08:09, 23/09/2011

Là một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý của tỉnh, những năm qua, Trường Chính trị Trường Chinh đã có nhiều nỗ lực vươn lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao. Nhà trường tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giảng dạy, quản lý, có phẩm chất đạo đức, lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có trình độ, chuyên môn ngày càng cao. Nhà trường hiện có 40 giảng viên đều có trình độ đại học trở lên, trong đó 15 giảng viên có trình độ thạc sĩ, 65% giảng viên có trình độ cử nhân, cao cấp lý luận chính trị. Nhà trường đa dạng hoá các loại hình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ với các chương trình đào tạo: Trung cấp Lý luận chính trị, Trung cấp Hành chính, Trung cấp Hành chính - Văn thư, Trung cấp Chính trị - Hành chính. Từ năm 1995 đến nay, nhà trường phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh và một số trường đại học mở các lớp Cử nhân, Cao cấp Lý luận chính trị, Cử nhân Hành chính và một số chuyên ngành khác. Từ năm 1993 đến nay, nhà trường đã mở 3 lớp Cử nhân Chính trị, 5 lớp Cao cấp Chính trị, 5 lớp đại học, trên 70 lớp Trung cấp Lý luận chính trị, Trung cấp Hành chính, 25 khoá bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước chương trình chuyên viên… góp phần đào tạo, bồi dưỡng hàng nghìn cán bộ cho tỉnh. Những năm gần đây, trung bình mỗi năm trường mở 45-50 lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. 

Lớp Đại học Hành chính của cán bộ xã, phường, thị trấn tại Trường Chính trị Trường Chinh.
Lớp Đại học Hành chính của cán bộ xã, phường, thị trấn
tại Trường Chính trị Trường Chinh.

Tuy nhiên, trước yêu cầu ngày càng cao của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong tình hình mới, Trường Chính trị Trường Chinh đang đứng trước không ít những khó khăn. Hiện tại, nhà trường có 40 giảng viên, trong đó có 30 giảng viên chính thức, 10 giảng viên kiêm chức. Do phải tập trung vào nhiệm vụ giảng dạy nên đội ngũ giảng viên của trường ít có điều kiện tham gia công tác nghiên cứu khoa học, tìm hiểu thực tế, nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ. Nội dung, chương trình đào tạo có nhiều phần chưa phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chương trình một số môn học chưa hợp lý, còn trùng lặp. Chương trình bồi dưỡng theo chức danh mới chỉ được triển khai bước đầu trong khi đây là một trong những yêu cầu cấp thiết của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay. Việc kết hợp nhiều hình thức đào tạo, bồi dưỡng còn mất cân đối. Thực tế, những năm qua, nhà trường coi trọng công tác đào tạo hơn so với công tác bồi dưỡng, nhất là bồi dưỡng theo chức danh cán bộ. Phương pháp giảng dạy còn chậm được đổi mới, chậm triển khai áp dụng các phương pháp giảng dạy tích cực để phát huy tính chủ động, sáng tạo của học viên. Công tác nghiên cứu khoa học còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra của địa phương và của cơ sở. Kinh phí cho các hoạt động chuyên môn, nghiên cứu khoa học, tìm hiểu thực tế còn hạn chế. Các phòng học còn thiếu các thiết bị hiện đại phục vụ việc dạy và học theo phương pháp mới.

Mới đây, BCH Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về “Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015”, nêu ra một số giải pháp, trong đó xác định nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Chính trị Trường Chinh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện là một trong những giải pháp quan trọng. Đồng chí Trần Xuân Nam, Giám đốc Trường Chính trị Trường Chinh cho biết: Trước yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mới đây nhà trường đã xây dựng đề án về đổi mới tổ chức bộ máy và hoạt động; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên; thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo Thông báo kết luận số 181, Quyết định số 184 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và theo tinh thần Nghị quyết của BCH Đảng bộ tỉnh về “Nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015”. Trong đó, nhà trường xác định xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đảm bảo đủ số lượng, chất lượng là khâu đột phá, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài. Nâng cao chất lượng tuyển chọn giảng viên, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích giảng viên, nhất là giảng viên trẻ đi đào tạo cao học, nghiên cứu sinh và tham gia các khóa bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao trình độ. Bố trí và đảm bảo các điều kiện cần thiết cho giảng viên tham dự các khóa tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ. Tăng cường kiến thức thực tiễn cho giảng viên, nhất là số giảng viên trẻ thông qua việc đưa giảng viên đi thực tế dài ngày tại cơ sở. Mở rộng quan hệ phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và các địa phương, qua đó giúp đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có điều kiện tiếp cận, thu thập thêm thông tin, kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, nhất là những kiến thức, kinh nghiệm về công tác xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước, về tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh. Chủ động xây dựng đội ngũ giảng viên kiêm chức, thỉnh giảng, báo cáo viên cho từng bộ môn. Đổi mới, cụ thể hóa chương trình, nội dung, giáo trình, bài giảng theo hướng sát với đối tượng và thực tiễn công tác của địa phương. Chú trọng mở các lớp bồi dưỡng theo chức danh, nghiệp vụ lãnh đạo, quản lý.

Để thực hiện được các mục tiêu, yêu cầu đề ra, nhà trường đề nghị với Tỉnh ủy, UBND tỉnh cho phép điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, bộ máy theo Quyết định số 184 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Thực hiện cơ chế tuyển dụng cán bộ, giảng viên theo hình thức xét tuyển. Theo đó, chỉ tuyển những thí sinh tốt nghiệp đại học chính quy, đúng chuyên ngành đạt từ loại khá trở lên. Ngoài ra, Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm đầu tư kinh phí cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, đảm bảo có đủ số phòng học, phòng chức năng cần thiết, có đủ các trang thiết bị hiện đại để ứng dụng các phương pháp giảng dạy mới, phục vụ chủ trương tăng cường mở các lớp đào tạo tập trung, tại chức tại trường, từng bước nâng cao chất lượng quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, học tập, xứng tầm một trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh./.     

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com