Tinh thần khát khao học tập

07:09, 05/09/2011

Kỳ thi tuyển sinh đại học đã khép lại nhưng còn lắng đọng nhiều câu chuyện cảm động về nghị lực, nỗ lực vượt khó, khát khao học tập, vượt lên hoàn cảnh khó khăn của gia đình, bản thân của các thí sinh, trong đó có nhiều em thi đỗ vào những trường nổi tiếng. Không ít thủ khoa sinh ra trong những gia đình nghèo khó, không có nhiều điều kiện học hành. Có em mồ côi cả cha lẫn mẹ; nhiều em vừa đi học, vừa lo cái ăn, cái mặc, chăm nuôi người thân đau yếu hằng ngày. Đặc biệt, ở Trung tâm Bảo trợ xã hội nuôi dưỡng trẻ mồ côi và người khuyết tật Hướng Dương (thị trấn Mỹ Phước, Bến Cát, Bình Dương) do nghệ sĩ, nhạc sĩ Nguyễn Thế Vinh thành lập, có tới 16 em thi đỗ vào các trường đại học...

Kết quả đó là tín hiệu vui của ngành giáo dục, vì xét đến cùng vẫn là thành quả của nhà trường. Nhưng đó cũng được ví như “kỳ tích” của những tấm gương vượt khó, vươn lên. Những khó khăn trong cuộc sống đã không cản được ước mơ đến trường, tinh thần say mê học tập của các em. Tất cả còn ở phía trước, nói tới tài năng, trí tuệ của các em lúc này là hơi sớm, nhưng rõ ràng tinh thần khát khao học tập của các em là rất đáng trân trọng. Kết quả đó càng có ý nghĩa, càng đáng trân trọng khi có những học sinh đầy đủ điều kiện học tập nhưng lại trượt đại học. Đặc biệt có những gia đình khá giả, lo cho con đủ đầy mọi thứ những mong con mình học tập giỏi giang... nhưng cũng không toại nguyện. Đau lòng hơn, trong số đó không ít em đua đòi, sa ngã vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…

Những mảng tối, khoảng trống trong bức tranh giáo dục nước nhà là thực tế, nhưng nhìn tổng thể bức tranh “xã hội học tập” của ta vẫn đang sáng lên với nhiều thành tựu mới. Cơ hội học tập ngày càng mở ra cho nhiều người. Ngoài những em biết vượt lên số phận như đã nói, trong xã hội còn biết bao điển hình cho tinh thần khát khao học tập, khát khao cống hiến. Chúng ta đã gặp những sinh viên đại học "U70", những kỹ sư công nghệ thông tin, những vận động viên... nổi tiếng châu lục và thế giới là người khuyết tật... Điều đó thật đáng tự hào.

Tuy nhiên, dư luận cho rằng, điều cần quan tâm cảnh báo hiện nay vẫn là sự thiếu hụt tinh thần khát khao học tập của một bộ phận không nhỏ học sinh. Thực tế này rất nguy hại bởi nó không chỉ đi ngược lại truyền thống “hiếu học” của dân tộc, mà còn cản trở sự phát triển của đất nước. Giáo dục là quốc sách, nhưng trách nhiệm chính là gia đình, nhà trường và xã hội. Trách nhiệm ấy đòi hỏi sự quan tâm trên nhiều phương diện, trước hết là đánh thức và bồi đắp tinh thần khát khao học tập trong mỗi con người.

Dân tộc ta là dân tộc “hiếu học”, mọi người đều ý thức được “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”. Còn nhớ những ngày này 66 năm về trước, sau thắng lợi Cách mạng Tháng Tám, cả dân tộc cùng chống giặc dốt, phong trào “bình dân học vụ” phát triển rộng khắp. Mọi người dân khi ấy khát khao được học tập để “xóa mù chữ”, xây dựng đất nước. Điều kiện học tập ngày hôm nay, dù còn khó khăn, thiếu thốn nhưng đã thuận lợi hơn trước rất nhiều. Từ thực tế đó, để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho đất nước, phải quan tâm đến giáo dục, bồi dưỡng tinh thần khát khao học tập trong mỗi người, nhất là thế hệ trẻ; phê phán mạnh mẽ những biểu hiện lười học, thiếu ý chí vươn lên. Truyền thống “hiếu học” phải trở thành “nguồn mạch” cuộn chảy trong lòng dân tộc và mỗi con người./.

 Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com