[links()]
III: "Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào"
Ngày 28-11-1972, báo cáo về Bộ Chính trị, Cố vấn Lê Đức Thọ nhận định: “Mỹ đã thay đổi nội dung Hiệp định (thoả thuận ngày 20-10-1972) lật ngược lại vấn đề coi như đàm phán lại. Chương nào cũng sửa đổi, đưa ra những yêu sách vô lý. Do ta đấu tranh mạnh, Mỹ đã lùi trên một số vấn đề sửa đổi nhưng vẫn ngoan cố giữ một số điểm quan trọng thuộc về nội dung và thực chất của giải pháp, nhất là đòi miền Bắc rút quân, Mỹ lại dùng thủ đoạn đe dọa rất láo xược. Chính quyền Nixon muốn giành thêm lợi thế cho nguỵ và đặt một giải pháp có lợi cho Mỹ...”. Trước tình hình đó, chủ trương ngoại giao của Đoàn Việt Nam là: Tiếp tục thực hiện sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, tranh thủ khả năng giải quyết sớm trên cơ sở bảo đảm yêu cầu đặt ra, đồng thời tích cực chuẩn bị khả năng chiến tranh kéo dài; chuẩn bị sẵn sàng đối phó với trường hợp Mỹ lật lọng trắng trợn, liều lĩnh đánh phá trở lại miền Bắc.
Quả thực, sau khi Nixon trúng cử Tổng thống nhiệm kỳ II (ngày 5-11-1972), ông ta phải đứng trước một thách thức lớn; sức ép của chính giới và nhân dân nước Mỹ trước khi Quốc hội Hoa Kỳ họp; sức ép của dư luận quốc tế thôi thúc Nixon phải lựa chọn hoặc là cắt đứt đàm phán với Việt Nam (ném bom trở lại), hoặc là gạt các yêu cầu của chính quyền Nguyễn Văn Thiệu đòi tiếp tục đưa vũ khí vào miền Nam Việt Nam theo kế hoạch “Enhace Plus” (tăng cường hơn nữa). Bởi vậy, Nixon muốn “tung con chủ bài cuối cùng” là thực hiện kế hoạch tập kích chiến lược dùng B52 ném bom vào Hà Nội, Hải Phòng và các thành phố lớn miền Bắc Việt Nam dưới cái tên “Linebaker II”. Dùng đòn mạnh nhất để thúc đẩy, quyết định đàm phán thương lượng, âm mưu của các nhà lãnh đạo và tướng lĩnh Hoa Kỳ trước sau vẫn là dùng sức mạnh quân sự để ép đối phương. Trước khi ra lệnh ném bom, Nixon đã nói với Đô đốc Moorer, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Liên quân rằng: “dùng một cách có hiệu quả sức mạnh quân sự của ta để thắng cuộc chiến tranh này. Phải đánh, phải đánh ác liệt. Nếu ông không làm được việc đó, tôi sẽ coi ông là người chịu trách nhiệm”.
Các đồng chí: Bộ trưởng Xuân Thủy, Cố vấn Lê Đức Thọ gặp gỡ phái đoàn ngoại giao Hoa Kỳ tại Hội nghị Paris năm 1973.
Ảnh:
TL
|
Nhưng Nixon đã thất bại. Sức mạnh của vũ khí không bao giờ khuất phục được tinh thần yêu nước “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của nhân dân Việt Nam. Từ ngày 18-12 đến 29-12-1972, Mỹ sử dụng trên 700 lần chiếc máy bay B52, gần 4.000 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu rải xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số mục tiêu phía Bắc vĩ tuyến 20 với 10 vạn tấn bom, đạn (tương đương sức công phá bằng 5 quả bom nguyên tử mà Mỹ ném xuống Nhật Bản năm 1945). Nhờ chuẩn bị tốt về lực lượng, tổ chức lực lượng và phương tiện, quân dân miền Bắc đã đánh trả quyết liệt, “đập tan” chiến lược “Linebaker II” của Mỹ. Cụ thể, trong 12 ngày đêm, ta đã bắn rơi 81 máy bay, trong đó có 34 chiếc B52, 5 chiếc F111, bắt sống 44 phi công Mỹ. Tính chung trong cả cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ II (từ ngày 6-4-1972 đến 15-01-1973) miền Bắc đã bắn rơi 735 chiếc máy bay Mỹ, bắn cháy và phá huỷ 125 tàu chiến, tàu biệt kích, diệt và bắt sống hàng trăm giặc lái. Có thể nói, xét toàn cục trên chiến trường kể từ khi Nixon lên nắm quyền Tổng thống, ba biện pháp chiến lược lớn mà ông ta và đám “diều hâu” ở Nhà Trắng cũng như tham mưu Liên quân Hoa Kỳ hy vọng sẽ thay đổi thế chiến lược đều đã thất bại thảm hại, qua cuộc tấn công sang vùng Mỏ Vẹt ở Campuchia; cuộc hành quân Lam Sơn 719 đường 9 Nam Lào và cuộc dùng B52 đánh phá 12 ngày đêm vào Hà Nội, Hải Phòng.
Bên cạnh đó, kế hoạch tập kích “Linebaker II” của Nixon bị dư luận thế giới công kích, tẩy chay. Đa số nghị sỹ Quốc hội Mỹ, trong đó nhiều đảng viên Đảng Cộng hoà lên tiếng phản đối. Ở nước Mỹ, các tờ báo lớn đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ “Hàng triệu người Mỹ cúi đầu vì xấu hổ bởi hành động khủng bố vô đạo làm hoen ố uy danh nước Hoa Kỳ”. Jerry Gordon, điều phối viên của Liên minh toàn quốc vì Hoà bình, tuyên bố trong một cuộc họp báo: “Một lần nữa, người ta đã lừa dối nhân dân Mỹ. Thay vì một nền hoà bình trong tầm tay, là một cuộc chiến tranh tăng cường. Thay vì sự chấm dứt tàn sát ở Việt Nam là sự leo thang”. Không một đồng minh nào trong khối NATO ủng hộ Mỹ. Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” của nhân dân miền Bắc Việt Nam là lời minh chứng kiên định “Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu làm nô lệ”, chiến đấu vì hoà bình, độc lập dân tộc, đấu tranh vì chính nghĩa... khiến cho Nixon và những kẻ hiếu chiến nhất ở Mỹ cũng phải khuất phục buộc phải tuyên bố chấm dứt ném bom để nối lại đàm phán với phía Việt Nam.
Đã dùng đến con chủ bài mạnh nhất mà không đạt được mục tiêu, trước sức ép của Quốc hội và quần chúng, chính quyền Mỹ sẽ làm gì trong cuộc gặp gỡ các đại diện Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam?.
Ngày 8-01-1973, cuộc họp đầu tiên của đợt đàm phán diễn ra tại Gifsur Yvelte. Năm 1968, Bộ trưởng Xuân Thuỷ tới phi trường De Gaulle trong “vòng nguyệt quế” của Tết Mậu Thân thì hôm nay, Cố vấn Lê Đức Thọ tới bàn Hội nghị Paris trong hào quang của trận "Điện Biên Phủ trên không”. Đứng trên tư thế người chiến thắng, phái đoàn phía ta kiên trì đấu tranh giữ nội dung cơ bản của Dự thảo Hiệp định đã được thoả thuận giữa Việt Nam và Mỹ ngày 20-10-1972.
Tố cáo sự lật lọng trắng trợn của Mỹ, Cố vấn Lê Đức Thọ gay gắt lên án:
- Các ông lấy cớ đàm phán gián đoạn để tiến hành một cách tàn bạo việc ném bom miền Bắc 12 ngày đêm bằng B52. Tôi có thể nói rằng, hành động đó rất trắng trợn, thô bạo. Các ông tưởng làm như thế có thể khuất phục chúng tôi. Các ông nhầm... Chính các ông đã làm cho cuộc đàm phán khó khăn, chính các ông đã làm cho danh dự nước Mỹ bị hoen ố!
Qua nhiều cuộc trao đổi, ngày 13-01-1973, bản dự thảo Hiệp định về cơ bản được thoả thuận. Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký tắt ngày 23-01-1973 và được ký chính thức ngày 27-01-1973 giữa bốn Bộ trưởng đại diện các chính phủ tham dự Hội nghị tại Hội trường Kléber ở Paris. Nội dung của Hiệp định ghi rõ:
Hoa Kỳ và các nước cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.
Hoa Kỳ rút hết quân viễn chinh và quân các nước thân Mỹ, phá hết các căn cứ quân sự Mỹ, cam kết không tiếp tục dính líu quân sự hoặc can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam.
Các bên để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự quyết định tương lai chính trị của họ thông qua các cuộc tuyển cử tự do.
Các bên công nhận thực tế miền Nam Việt Nam có 2 chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị.
Hiệp định Paris được ký kết, buộc Mỹ phải chấm dứt chiến tranh, rút quân về nước là một thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước; là kết quả tổng hợp của cuộc đấu tranh trên cả 3 mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, trong đó yếu tố chiến trường có ý nghĩa quyết định, nhưng đấu tranh ngoại giao đóng vai trò chủ động tích cực và sáng tạo có tác dụng thúc đẩy, cổ vũ tinh thần chiến đấu ở chiến trường. Trong suốt quá trình thương lượng đến khi Hiệp định được ký kết, Cố vấn Lê Đức Thọ đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Bác Hồ và Bộ Chính trị tin cậy giao phó, góp phần quan trọng cùng quân, dân ta “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho nguỵ nhào”, thống nhất đất nước, độc lập dân tộc. Cuộc đời hoạt động cách mạng kiên cường năng động với tinh thần lạc quan cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ là tấm gương sáng về truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cao cả, thiêng liêng dân tộc.
Đảng bộ, quân dân tỉnh nhà tự hào về truyền thống hào khí Đông A trong công cuộc bảo vệ đất nước, đánh tan đội quân hùng mạnh nhất thế giới cách đây 750 năm; và càng tự hào trong cuộc chiến đấu chống Mỹ, kẻ thù hung bạo nhất thế kỷ 20, quê hương ta có những nhà cách mạng tiêu biểu, đó là Cố Tổng Bí thư Trường Chinh; đó là cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam cách đây gần 40 năm./.
----------------------------------
Tài liệu tham khảo: