Nhà thương thuyết chiến lược Lê Đức Thọ và hội nghị Paris (tiếp theo kỳ trước)

08:09, 01/09/2011

II: DĨ BẤT BIẾN, ỨNG VẠN BIẾN

Hội  nghị Trung ương lần thứ 13 khoá III (tháng 01 năm 1967) ra Nghị quyết: “Đẩy mạnh đấu tranh ngoại giao, chủ động tiến công địch, phục vụ sự nghiệp chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta”. Trên tinh thần đó, năm 1968, ta chủ trương “vừa đánh, vừa đàm” với Mỹ. Thời kỳ này, tình hình quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, nên chủ trương của ta được bạn bè đón nhận với những thái độ khác nhau. Trên tinh thần độc lập tự chủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị quyết tâm thực hiện chủ trương: “Vừa đánh, vừa đàm”. Thứ nhất, “đàm” mà không hạn chế “đánh” của ta, đánh mà không phá vỡ cuộc đàm phán giữa ta với  Mỹ. Thứ hai, đàm phán đã tạo ra một diễn đàn quốc tế rộng lớn để đề cao chính nghĩa của dân tộc ta, tranh thủ dư luận thế giới, tạo thuận lợi trên chiến trường và sức mạnh của Việt Nam trên bàn đàm phán. Cố vấn Lê Đức Thọ là một trong những “kiến trúc sư” xây dựng, đóng góp vào chủ trương đó. Đồng chí cũng là người trực tiếp “hiện thực hoá” thành công đường lối của Đảng và nguyện vọng của nhân dân trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris, bảo đảm phương châm giành thắng lợi từng bước mở đường cho việc chấm dứt chiến tranh, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. 

Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ gặp tiến sỹ Kissinger, cố vấn Tổng thống Nixon ngày 13-1-1973 chuẩn bị cho ký kết Hiệp định Paris. Ảnh: Internet
Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ gặp tiến sỹ Kissinger, cố vấn Tổng thống Nixon ngày 13-1-1973 chuẩn bị cho ký kết Hiệp định Paris.
Ảnh: Tư liệu

Ngày 25-01-1969, Hội nghị Bốn bên về Việt Nam chính thức họp phiên đầu tiên (ngoài Trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Trưởng đoàn Mỹ, tham gia Hội nghị còn có Trưởng đoàn của hai bên ở miền Nam Việt Nam là Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam cộng hoà (chính quyền Nguyễn Văn Thiệu). Từ phiên họp đầu tiên đến khi đạt được dự thảo Hiệp định Paris về Việt Nam (ngày 20 tháng 10 năm 1972), Hội nghị Bốn bên ở Paris trải qua 202 phiên họp chung công khai, 24 cuộc tiếp xúc riêng trong thời gian 4 năm 9 tháng. Ngay sau khi trúng cử tổng thống (11-1968), Nixon qua trợ lý Robert Haldeman doạ dẫm phía ta: “Tôi muốn Bắc Việt Nam hiểu là tình hình đã đến mức tôi có thể làm bất cứ điều gì để chấm dứt chiến tranh. Chúng ta hãy bắn tin cho họ là Tổng thống Nixon đã chán ngấy Chủ nghĩa Cộng sản không thể kiềm chế khi ông ta nổi giận và ông ta có quyền bấm nút hạt nhân. Như thế chỉ sau 2 ngày, Hồ Chí Minh sẽ phải tự mình đến Paris để xin hoà bình”. Vậy Nixon là con người như thế nào? Dưới thời chính quyền Aixenhao, ông ta khét tiếng “diều hâu”, ủng hộ việc Mỹ ném bom và đưa quân vào giúp Pháp ở Điện Biên Phủ (nhưng không được chấp nhận). Năm 1962, ông ta đòi Kennedy tăng cường cuộc chiến tranh chống nổi dậy ở miền Nam Việt Nam. Năm 1964, ông ta đề nghị đưa lực lượng vào tấn công Lào và Bắc Việt Nam, đòi đưa ngay 500.000 quân Mỹ vào Việt Nam. Nixon đưa ra học thuyết Guam, dựa trên các yếu tố: Sức mạnh của Mỹ và chia sẻ trách nhiệm chứ không phải một mình gánh lấy trách nhiệm vụ sen đầm quốc tế như trước đây; trên lĩnh vực ngoại giao thì phải: thương lượng trên thế mạnh. Trong vấn đề về Việt Nam, Washington đổi danh từ “phi Mỹ hoá chiến tranh” thành “Việt Nam hoá chiến tranh” tức là Mỹ muốn dùng chiến lược “Người Việt trị người Việt”. Trong lĩnh vực quân sự, sau thất bại của chiến lược “tìm và diệt” của tướng Westmore Land, Lầu Năm Góc Phương Đông (ở Sài Gòn) do tướng Abrams cầm đầu đã đề ra chiến lược mới “quét và giữ” cho phù hợp với yêu cầu của “Việt Nam hoá chiến tranh”. Tiếp đó, Nixon bổ nhiệm tiến sỹ H.Kissinger làm Cố vấn An ninh Quốc gia rồi cử làm đại diện Mỹ trực tiếp đàm phán với Cố vấn đặc biệt Lê Đức Thọ.

Với tư cách là đại diện của Bộ Chính trị chỉ đạo cả 2 đoàn Bắc và Nam, Cố vấn Lê Đức Thọ và các nhà ngoại giao của phía ta đã kiên trì vững vàng nguyên tắc, sáng tạo biện pháp đấu tranh “Bóc trần tim đen” của đối phương. Thực hiện phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” trong các cuộc đấu tranh căng thẳng, quyết liệt, Cố vấn Lê Đức Thọ luôn kiên định lập trường “Nước Việt Nam là một dân tộc. Chiến đấu và bảo vệ Việt Nam là quyền thiêng liêng của mọi người dân Việt Nam từ Nam đến Bắc. Lẽ “bất biến” của Cố vấn Lê Đức Thọ ở đây là: “Quân Mỹ rút ra, quân ta ở lại”; yêu cầu Mỹ phải chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, rút quân Mỹ và chư hầu ra khỏi miền Nam; công việc nội bộ của Việt Nam là do người Việt Nam tự giải quyết trên tinh thần hoà hợp dân tộc, hoà bình thống nhất Tổ quốc”. Khôn khéo trong chiến lược đàm phán của ta là kiên quyết vạch trần âm mưu đánh đồng giữa sự có mặt của quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam với bộ đội được chi viện từ miền Bắc vào chiến đấu giải phóng miền Nam bằng sự khẳng định: Một bên là xâm lược, phi nghĩa; một bên là lực lượng của cả dân tộc bảo vệ Tổ quốc, là chính nghĩa.

Đầu năm 1972, tình hình có những diễn biến quan trọng trên chiến trường miền Nam, Mỹ buộc phải rút hơn 40 vạn quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Ta tiến hành cuộc tấn công chiến lược rộng khắp, gây cho quân Mỹ - nguỵ nhiều thiệt hại. Tại nước Mỹ, phong trào chống chiến tranh đòi rút quân Mỹ về nước nổ ra mạnh mẽ. Trên thế giới, dư luận quốc tế và Chính phủ nhiều nước ủng hộ, cổ vũ cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân ta. Trong bối cảnh đó, Bộ Chính trị chủ trương chuyển hướng chiến lược, đồng thời đẩy mạnh quân sự, chính trị trên chiến trường, ra sức lợi dụng mâu thuẫn trong hàng ngũ đối phương, buộc Mỹ trên bàn đàm phán phải chấp nhận những nguyên tắc cơ bản cho một giải pháp chính trị “Chấm dứt chiến tranh, rút hết quân Mỹ về nước, tôn trọng quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam và quyền tự quyết của nhân dân miền Nam; thừa nhận ở miền Nam có hai chính quyền, có hai quân đội, hai vùng kiểm soát và 3 lực lượng chính trị và sẽ tiến hành cuộc tổng tuyển cử để thống nhất nước Việt Nam”.

Trong cuộc họp đầu tháng 10 năm 1972, ta đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam”. Phía Mỹ đồng ý lấy bản dự thảo của ta làm cơ sở để thảo luận và thoả thuận. Từ đây, cuộc đấu tranh trên bàn đàm phán diễn ra gay go, quyết liệt, không chỉ tranh luận từng chương, từng điều của Hiệp định mà trao đổi từng câu, từng từ liên quan đến những nguyên tắc cơ bản của Hiệp định. Trong cuộc đàm phán căng thẳng như vậy, Cố vấn Lê Đức Thọ và Bộ trưởng Xuân Thuỷ cùng hai phái đoàn của ta dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị đã đưa ra những lý lẽ thuyết phục, đanh thép, tố cáo, lên án tội ác của Mỹ, đồng thời “bẻ gãy” âm mưu “thương lượng trên thế mạnh” của chính quyền Nixon ngay bên bàn đàm phán. Có lần Kissinger giở thái độ đe doạ là nếu phía Việt Nam không chịu sửa đổi một số điều trong dự thảo Hiệp định thì Mỹ không thể tiếp tục chấm dứt ném bom miền Bắc và rút quân ra khỏi miền Nam được. Bình tĩnh nhưng cương quyết, Cố vấn Lê Đức Thọ đanh thép tuyên bố:

- Chúng tôi chiến đấu chống quân đội các ông trên chiến trường… như chính chúng tôi đàm phán với các ông trên bàn Hội nghị. Bạn bè chúng tôi hết lòng ủng hộ chúng tôi, nhưng không thể làm thay chúng tôi. Đàm phán đạt kết quả là do thiện chí của hai bên Việt Nam và Mỹ. Nay, nếu các ông muốn tiếp tục chiến tranh, thì chúng tôi không có cách nào khác là sẽ tiếp tục chiến đấu đến cùng để giành thắng lợi. Hà tất ông phải đe doạ như thế!

Cuộc đàm phán kéo dài đến ngày 20-10-1972 thì phía ta và Mỹ đã thỏa thuận về toàn bộ văn bản Hiệp định. Trong cuốn hồi ký “Ở Nhà Trắng” xuất bản năm 1979, tiến sỹ Kissinger - một nhà ngoại giao chuyên nghiệp nổi tiếng “bách chiến, bách thắng” trong các cuộc đàm phán cũng phải thừa nhận, cảm phục tài năng của Nhà thương thuyết chiến lược Lê Đức Thọ: “Ông bao giờ cũng tỏ ra rất bình tĩnh, thái độ bao giờ cũng không có điều gì chê trách được. Ông hoàn toàn biết ông muốn gì và phục vụ lý tưởng một cách khôn khéo và tận tuỵ”./.

(Còn nữa)
Việt Thắng (Biên soạn)

---------------------------
Tài liệu tham khảo:

1, Đề cương tuyên truyền kỷ niệm 100 năm ngày sinh đồng chí Lê Đức Thọ (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy).
2, "Vì sao Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam" (NXB Sự thật, 1988).
3, "Một số vấn đề tổng kết chiến tranh và biên soạn Lịch sử dân tộc" (NXB Sự thật, 1989).
4, "Các cuộc thương lượng Lê Đức Thọ - Kissinger tại Paris" (NXB Công an Nhân dân, 2002).
5, "Nhớ về anh Lê Đức Thọ" (NXB CTQG, 2000).

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com