Cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cơn bão táp cách mạng của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp đã thành công nhanh chóng. "Nhanh chóng đến mức người ta sững sờ" như nhận xét của nhà sử học Pháp Philip Đơvile, hay như nhà sử học Việt Nam, giáo sư Trần Văn Giàu: "Cách mạng Tháng Tám nổ ra thành công nhanh gọn, phi thường, như sét đánh, như chớp giật... Thời gian Tổng khởi nghĩa này rất ngắn, nhưng nhịp độ sống của toàn thể dân tộc Việt Nam khi ấy thì cực kỳ cao".
Một trong những bài học lớn của cuộc Cách mạng Tháng Tám là bài học Đại đoàn kết toàn dân, sự đoàn kết vĩ đại đã làm hồi sinh cả một dân tộc.
*
Khởi nghĩa giành chính quyền là vấn đề lớn, Đảng cần phải chuẩn bị lực lượng đầy đủ, để khi có thời cơ là huy động toàn dân nổi dậy giành thắng lợi.
Ngay từ tháng 5-1941, trước diễn biến của tình hình trong nước và thế giới, Trung ương Đảng đã họp hội nghị lần thứ 8 tại Pác Bó, Cao Bằng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đây là lần đầu tiên, đồng chí Trường Chinh gặp Bác Hồ, người lão đồng chí hơn mình 17 tuổi, mà khi còn học ở trường Cao đẳng Thương mại Đông Dương ông đã bí mật đọc "Bản án chế độ thực dân Pháp" và "Đường kách mệnh" của Nguyễn Ái Quốc.
Trong hội nghị này, đồng chí Trường Chinh đã được bầu làm Tổng Bí thư, khi ấy đồng chí 34 tuổi. Và một sự kiện quan trọng đã diễn ra là Trung ương quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh, để tập hợp và đoàn kết mau chóng lực lượng cách mạng trong các tầng lớp nhân dân.
Cũng trong hội nghị này, đồng chí Hoàng Văn Thụ báo cáo rằng, hưởng ứng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ (23-11-1940) nhân dân đã giương cao lá cờ đỏ sao vàng năm cánh trên mái đình Long Hưng, thuộc tỉnh Mỹ Tho. Đầu năm 1941, khi đồng chí Hoàng Văn Thụ lên Bắc Sơn, chị em phụ nữ Hà Nội đã thêu và gửi tặng các chiến sĩ Cứu quốc quân lá cờ đỏ sao vàng. Đồng chí đã đưa lá cờ ấy ra giới thiệu với các đại biểu, và hội nghị đã quyết định chọn lá cờ đỏ sao vàng năm cánh làm lá cờ của Việt Minh.
Mặt trận Việt Minh ra đời, Bác Hồ đã viết một bài diễn ca "Mười chính sách của Việt Minh" mà hai câu thơ cuối cùng là:
Mặt trận Việt Minh kêu gọi:
Đất nước Việt Nam này do ông cha chúng ta đổ máu mà dựng lên và truyền lại cho chúng ta, chúng ta có bổn phận hy sinh mà giữ lấy, mà làm cho nó mỗi ngày một thêm tốt đẹp...
Ai là người Việt Nam hãy phấn chấn, tự cường, hãy tự tin tự trọng, hãy đoàn kết thống nhất dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh của Việt Minh, các bạn hãy siết chặt hàng ngũ, hô lớn:
Việt Minh kêu gọi các tầng lớp đồng bào liên hiệp lại, không phân biệt giàu nghèo, già trẻ, gái trai, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc, xu hướng chính trị, tất cả đoàn kết lại. Bạn trẻ thì vào Thanh niên cứu quốc quân, phụ nữ vào Phụ nữ cứu quốc đoàn, thợ thuyền thì vào Công nhân cứu quốc hội, Dân cày thì có Nông dân cứu quốc hội, các bậc kỳ lão, phụ lão, các nhà tư sản, điền chủ thì vào Việt Nam cứu quốc hội, các nhà trí thức, văn nhân thì có Văn hoá cứu quốc hội, binh lính thì có Quân nhân cứu quốc hội, đến cả trẻ em cũng có Nhi đồng cứu vong hội.
Việt Minh là tổ chức đại đoàn kết toàn dân, và đây chính là lực lượng quần chúng mạnh mẽ nhất đã biến những ngày Tháng 8 năm 1945 thành Mùa Thu Cách mạng Việt Nam !
*
Ngày 2 tháng 9 năm 1945 !
Archimedes L.A.Patti, một sĩ quan tình báo Mỹ có mặt tại Hà Nội đã viết:
"Từ sớm tinh mơ, dân chúng Hà Nội như các bày ong, từng đoàn lũ lượt kéo về quảng trường Ba Đình. Ở nhiều chỗ là cả một khối dân chúng các làng ngoại ô. Đi theo trong biển người đó có cả nhân dân miền núi với y phục địa phương của họ, và nông dân trong những bộ khăn áo cổ truyền.
Giữa các khối khác nhau, người ta dễ dàng nhận ra các tổ chức của công nhân, sơ mi trắng, quần dài hoặc quần soóc trắng và xanh. Phụ nữ mặc áo dài trắng, hay màu sáng, tay khoác nón.
Từ sáng, chúng tôi ở ngoài phố, chụp ảnh, ghi chép về các nhóm người, các sự kiện, các khẩu hiệu, biểu ngữ, áp phích. Có nhiều khẩu hiệu bằng tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt Nam: "Việt Nam của người Việt Nam", "Hoan nghênh Đồng Minh", "Thà chết, không chịu làm nô lệ !".
Khoảng trưa, chúng tôi đi xem buổi lễ như một người quan sát trong quần chúng. Chúng tôi chọn một địa điểm thuận lợi ngay trước lễ đài, giữa đám viên chức địa phương.
Trong khi chờ đợi ông Hồ và các quan chức tuỳ tùng tới, tôi nhìn thấy một toán cố đạo Thiên chúa giáo mặc áo thầy tu trắng và xanh đen, có cả chức sắc mang khăn quàng và giải viền đỏ.
Cách đó không xa, là các nhà sư khoác áo cà sa màu da cam, rồi đến các chức sắc Cao đài, áo dài trắng có tua và khăn quàng sặc sỡ. Đội danh dự và công tác bảo vệ được giao cho các lực lượng vũ trang.
… Mặt trời đã lên cao. Nhưng đôi lúc, những cơn gió nhẹ làm phất phới cả cái biển cờ đỏ trên quảng trường. Trước lễ đài, trên cột cờ cao là lá cờ đỏ với ngôi sao vàng năm cánh phấp phới bay.
Tiếng loa phóng thanh nổi lên phá vỡ sự im lặng, giới thiệu "Ông Hồ là người giải phóng, vị cứu tinh của dân tộc". Quần chúng hát vang và trong mấy phút liền hô vang "Độc lập". Ông Hồ mỉm cười. Nhỏ nhắn trong tầm cỡ, nhưng vĩ đại trong sự hoan hô của nhân dân ông. Ông giơ tay ra hiệu im lặng và bắt đầu đọc Bản tuyên ngôn Độc lập, mà ngày nay đã trở thành nổi tiếng".
Được chứng kiến Ngày lễ Độc lập của Việt Nam, nghe ông Hồ đọc:
"Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc...”.
L.A. Patti kể: "Ông Hồ dừng lại đột ngột và hỏi người nghe: "Đồng bào có nghe rõ tôi không?". Quần chúng hô vang đáp lại: "Rõ!" Thực là một nghệ thuật diễn thuyết bậc thầy. Từ lúc đó, quần chúng lắng nghe nắm lấy từng lời. Nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi chẳng còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới quần chúng".
*
Đoàn kết không phải là điều mới đối với dân tộc Việt Nam. Bác Hồ đã nói:
“Đó là truyền thống cực kỳ quý báu của dân tộc ta”.
Trên thế giới không có dân tộc nào gọi người trong một nước là “đồng bào”. Truyền thuyết Mẹ Âu Cơ có lẽ là một truyền thuyết đẹp nhất, một bài học lớn về “Con một nhà” của ông cha ta tự nghìn xưa.
Đoàn kết, yêu nước và ý thức cộng đồng đã trở thành đạo lý thường ngày của dân tộc ta. “Khôn ngoan đối đáp người ngoài/Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Lúc đất nước có giặc ngoại xâm thì “Nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới/Tướng sĩ một lòng phụ tử, hòa nước sông chén rượu ngọt ngào…”. Đó là Bình Ngô đại cáo từ thế kỷ thứ XV của Nguyễn Trãi. Đó cũng là sức mạnh Việt Nam, là truyền thống Việt Nam!
Chính nhờ sức mạnh Đại đoàn kết to lớn đó, mà Cách mạng Tháng Tám đã thành công và dân tộc Việt Nam đã giành được thắng lợi vĩ đại trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Nước ta là một cộng đồng gồm 54 dân tộc anh em. Ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Bác Hồ đã nói:
“Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia rai hay Ê đê, Xê đăng hay Ba na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau… Giang sơn và Chính phủ là giang sơn và chính phủ chung của chúng ta. Vậy nên tất cả chúng ta phải đoàn kết chặt chẽ để giữ gìn nước non ta, để ủng hộ Chính phủ ta”.
Đối với các tôn giáo, Người nói: “Các tôn giáo ra đời nói chung đều vì mục đích con người, đều nhằm cứu giúp con người thoát khỏi vòng bể khổ, giúp họ sống trong hòa bình và tự do. Chúa giáng sinh là để cứu vớt nhân loại. Chính Chúa là một tấm gương hy sinh vì những người bị áp bức, vì những dân tộc bị đè nén, vì hòa bình và vì công lý”. “Phật ra đời cũng chính là để lợi lạc quần sinh, vô ngã vị tha…” (có nghĩa là đem lại vui sướng cho dân chúng, quên mình vì người khác).
Cũng nhờ chính sách Đại đoàn kết ấy mà ngay từ những ngày đầu Cách mạng Tháng Tám, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thu hút được nhiều nhân tài cho đất nước. Không chỉ những trí thức bậc cao, mà cả những nhân sĩ yêu nước, những khâm sai đại thần của chế độ phong kiến, những người làm việc bên cạnh nhà vua phong kiến… cũng tự nguyện đi theo Cách mạng, đi theo Cụ Hồ. Cụ Phan Kế Toại đã nói: “Cụ Hồ đúng là một ngọn núi nam châm khổng lồ!”. Cái sức hút vĩ đại ấy của Bác chính là chính sách Đại đoàn kết toàn dân của Đảng và Nhà nước ta, mà Hồ Chủ tịch là người tiêu biểu.
Với chính sách Đại đoàn kết của Đảng và Hồ Chủ tịch, Cách mạng Việt Nam đã trải qua những trang lịch sử đẹp như truyền thuyết. Không ai ngờ rằng, Bản Tuyên ngôn độc lập mà Bác đã đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, lại được Bác Hồ viết trong căn nhà của một người tư sản yêu nước Trịnh Văn Bô. Và năm 1946 khi sang thăm Pháp, Bác Hồ đã trao lại quyền Chủ tịch nước cho một nhân sĩ yêu nước ngoài Đảng là cụ Huỳnh Thúc Kháng với niềm tin tưởng tuyệt đối vào con người, và lời dặn “Dĩ bất biến, ứng vạn biến”…
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Việt Nam từ một nước thuộc địa đã trở thành người chủ đất nước, mở ra kỷ nguyên mới của lịch sử dân tộc. Đó là thắng lợi đầu tiên trong thời đại mới của một dân tộc thuộc địa đã tự giải phóng mình khỏi ách đế quốc thực dân, đứng vào hàng ngũ các dân tộc cách mạng trên thế giới.
Ngày 14 tháng 7 năm 1969, chưa đầy hai tháng trước lúc đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tiếp đồng chí Mácta Rôhát, phóng viên báo Granma Cu Ba, Bác nói:
"Đồng chí hỏi rằng, theo ý kiến tôi, sức mạnh của nhân dân Việt Nam là ở chỗ nào? Sức mạnh, sự vĩ đại và sự bền bỉ của nhân dân Việt Nam cơ bản là ở sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam và ở sự ủng hộ của nhân dân thế giới".
Có lẽ không có một người dân Việt Nam nào lại không thuộc câu thơ của Bác:
Một lần, Bác hỏi đồng chí Tố Hữu:
- Chú có biết, vì sao Bác viết ba từ: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết" không ?
Đồng chí Tố Hữu còn đang suy nghĩ, thì Bác đã nói ngay:
- Chữ Đoàn kết thứ nhất là Bác viết: "Đoàn kết toàn Đảng", chữ Đoàn kết thứ hai là Bác viết: "Đoàn kết toàn dân", còn Đại đoàn kết là "Đoàn kết Quốc tế" đấy chú ạ!
Ngày nay, trong sự nghiệp đổi mới của đất nước, chính sách Đại đoàn kết của Đảng và Nhà nước ta ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn. Không chỉ 85 triệu người con trong nước, mà hàng triệu những con Lạc cháu Hồng, những người Việt Nam đang sống và làm việc ở nước ngoài, cũng hướng về Tổ quốc, mong muốn góp phần xây dựng nước nhà.
Tư tưởng Đại đoàn kết là bài học lớn của Cách mạng Tháng Tám, là một sản phẩm trí tuệ, một bộ phận quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh và đã trở thành ngọn cờ chỉ đạo cho công tác vận động Cách mạng Việt Nam.
Trước khi đi xa, trong Di chúc của mình, mặc dù phải dặn lại rất nhiều công việc quan trọng, Bác đã viết đến 8 chữ Đoàn kết: Đoàn kết chặt chẽ, Đoàn kết nhất trí, Đoàn kết và thống nhất, Đoàn kết phấn đấu,… Đặc biệt, trong phần nói về Đảng, Bác đã nhắc đến 5 chữ Đoàn kết, bởi vì Đoàn kết toàn Đảng chính là nền tảng để Đoàn kết toàn dân.
Tư tưởng Đại đoàn kết, với nội dung và chất lượng mới, đang trở thành ngọn cờ chỉ đạo cho công tác vận động cách mạng nói chung và cho công tác Mặt trận nói riêng trong thời kỳ mới.
Đúng như câu thơ Bác Hồ đã viết:
Bùi Công Bính