Năm 1975 đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam. Trong khi người Việt Nam hân hoan với thắng lợi vừa giành được, thì ở bên kia bờ đại dương có những người Mỹ đang cố gắng trả lời câu hỏi là tại sao Mỹ thua Việt Nam. Năm 1980, Archimesdes L.A. Patti đã xuất bản cuốn sách “Why Việt Nam” (Tại sao Việt Nam) để góp phần trả lời câu hỏi đó. Tiến sĩ Trần Viết Nghĩa (khoa Lịch sử, ĐHQG Hà Nội) tóm lược cảm nghĩ của sĩ quan tình báo Mỹ về ngày lễ Độc lập trong cuốn sách này.
Patti nguyên là một sĩ quan tình báo OSS ở Trung Quốc trong Thế chiến hai. Trong năm 1945, Patti từng gặp gỡ Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số nhà lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam, và là một trong số rất ít người Mỹ đã tham dự buổi lễ Độc lập của Việt Nam tại Quảng trường Ba Đình. Ngày 22-8-1945, Patti đáp máy bay từ Côn Minh đi Hà Nội để giải quyết vấn đề tù binh ngoại quốc ở Đông Dương. Trên đường từ sân bay Gia Lâm về Hà Nội, Patti thấy có nhiều biểu ngữ và lá cờ đỏ sao vàng của Việt Minh tràn ngập phố xá. Hà Nội thanh bình sau ngày Việt Minh giành được chính quyền.
Trưa 29-8-1945, Hồ Chủ tịch cho xe đón Patti đến phố Hàng Ngang gặp Người. Người thông báo cho Patti về phiên họp đầu tiên của Chính phủ mới ở Bắc Bộ phủ, quyết định lấy ngày mùng 2 tháng 9 là Ngày Độc lập. Người sẽ công bố nền độc lập dân tộc, ra mắt các thành viên Chính phủ với nhân dân và chương trình hành động của Chính phủ cho mọi người đều biết.
Điều đặc biệt là Patti được Hồ Chủ tịch cho xem bản thảo Tuyên ngôn Độc lập. Patti rất ngạc nhiên khi trong mấy câu đầu nhắc đến một số danh từ rất quen thuộc và giống với Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ năm 1776. Patti hỏi Người có ý định sử dụng câu đó không. Người cười nhã nhặn và hỏi lại Patti một cách dịu dàng: “Tôi không thể dùng được câu ấy à?”. Patti cảm thấy ngượng ngập và lúng túng khi trả lời: “Tất nhiên, tại sao không”. Sau khi yêu cầu người phiên dịch đọc lại đoạn đầu một lần nữa, Patti nhớ lại thì thấy các danh từ đã được chuyển vị và nhận xét các chữ “tự do” và “quyền sống” đã bị thay đổi. Người liền nói: “Đúng, không thể có tự do mà không có quyền sống, cũng như không thể có hạnh phúc mà không có tự do”.
Cột cờ Hà Nội.
Ảnh:
Internet
|
Sáng ngày thứ bảy - mùng 1 tháng 9, Patti đi một vòng quanh Hà Nội và nhận thấy: “Ai cũng bận rộn, hớn hở và vội vàng, nhưng không ai tỏ ra hấp tấp. Trước cửa nhà, trên ban công, ngoài cổng ra vào đầy các loại cờ đỏ, hoa, đèn. Nhiều toán người hăm hở giăng lên ngang trên đường phố, những khẩu hiệu hô hào “Độc lập và tự do cho Việt Nam”, và hoan nghênh đồng minh”. Chiều cùng ngày, Patti được Hồ Chủ tịch mời đến ăn cơm. Hồ Chủ tịch mở đầu câu chuyện bằng việc Patti đi thăm phố phường Hà Nội có thỏa mãn về những điều được nghe và thấy không. Patti trả lời rằng ông ấn tượng mạnh mẽ đối với công tác chuẩn bị buổi lễ và sự cởi mở của những người dân mà ông đã bắt chuyện. Ông Hoàng Minh Giám phấn khởi thông báo cho Patti biết dân chúng đã tự bỏ tiền ra để sửa sang, làm sạch và trang trí thành phố phục vụ ngày lễ. Patti hỏi trong ngày lễ Độc lập có diễu binh không. Ông Võ Nguyên Giáp trả lời cũng muốn có một số đội diễu binh, nhưng bộ đội vừa mới ở rừng về nên không có đủ thời gian diễn tập, vì vậy những đơn vị chỉ sắp hàng đứng tại chỗ. Sau bữa cơm thân mật, Hồ Chủ tịch mời Patti uống cà phê. Người ôn lại những sự cộng tác của Người với người Mỹ tại Trung Quốc và rừng núi Bắc Kỳ, bày tỏ mong muốn người Mỹ ủng hộ nền độc lập của nước Việt Nam.
Đến buổi trưa, nhóm của Patti đi đến Quảng trường Ba Đình. Nhóm chọn một địa điểm thuận lợi ngay trước lễ đài. Đội danh dự trong trang phục mũ bấc, đồng phục kaki, quần soóc, tất cao và vũ khí mới. Đây là lực lượng được huấn luyện, trang bị và có kỷ luật nhất. Ngoài ra, còn có các đội dân quân, tự vệ với nhiều loại vũ khí khác nhau.
Patti cảm thấy không khí oi bức, nhưng đôi lúc có vài cơn gió nhẹ làm phấp phới cả biển cờ trên quảng trường. Bất chợt, có tiếng còi và hiệu lệnh quân sự phát ra từ các đội hình. Đội danh dự và các đơn vị bộ đội đứng thẳng. Mấy phút sau nổi lên tiếng hô “Bồng súng chào”. Trên lễ đài, mọi người đều mặc đồ trắng, thắt cavát và đầu để trần, trừ Hồ Chủ tịch mặc đồ kaki màu sẫm.
Sau khi nghe Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, Patti khó nắm bắt được nội dung của tuyên ngôn, dù đã có người phiên dịch, nhưng cảm nhận được “cứ nghe giọng nói của ông Hồ, bình tĩnh và rõ ràng, ấm cúng và thân mật, và nghe thấy được quần chúng trả lời thì chúng tôi không còn nghi ngờ gì nữa là ông đã thấu tới tận quần chúng”.
Sau ngày Độc lập, Patti còn ở lại Việt Nam thêm một thời gian nữa, chứng kiến thêm nhiều khó khăn mới của nước Việt Nam, được tiếp kiến thêm với Hồ Chủ tịch và một số nhà lãnh đạo khác của Việt Nam. Trước khi về Mỹ, Patti được Hồ Chủ tịch mời dự tiệc chia tay. Trong buổi chia tay, ông Võ Nguyên Giáp đã đánh giá cao sự giúp đỡ của “Người Mỹ ở Côn Minh” - trong đó có Patti - đối với Việt Nam trước khởi nghĩa. Ông chúc Patti lên đường may mắn và tỏ ý mong rằng Việt Nam sẽ sớm có một người bạn ở Washington. Điều này làm cho Patti ngạc nhiên và xúc động, vì trước đó ông Giáp không bao giờ để lộ ra bất cứ một tình cảm nào đối với Mỹ và cá nhân Patti. Hồ Chủ tịch chia sẻ với Patti sự thất vọng khi Mỹ từ chống thực dân lại đang trang bị và tiếp tế cho quân Pháp tái xâm lược Đông Dương. Người nói với Patti: “Điều đó, họ sẽ phải trả bằng một giá đắt”./.
Theo: laodong.vn