Bác Hồ - Người không có tuổi !

02:09, 29/09/2011

Một buổi sáng năm 1960, nhà thơ An-tôn-xki, người dịch “Nhật ký trong tù” vào thăm Bác tại Hà Nội. Nhà thơ viết: “Đúng 6 giờ rưỡi, chúng tôi đến chờ Người. Vừa mới bước qua ngưỡng cửa phòng khách thì từ phía cánh cửa đối diện đã bước ra một người đứng tuổi, vóc người tầm thước, với chiếc áo ka ki màu sáng và chân đi đôi dép. Người niềm nở mỉm cười. Ở đây tôi dùng chữ “đứng tuổi” là vì tôi biết rõ tuổi Hồ Chủ tịch. Đúng hơn cả, nên gọi Bác Hồ là người không có tuổi. Thật vậy, mái tóc Người đã bạc mà dáng dấp vẫn gọn gàng, nhanh nhẹn như tuổi thanh niên”.

Bác Hồ với một số người cao tuổi tiêu biểu. Ảnh: TL
Bác Hồ với một số người cao tuổi tiêu biểu.
Ảnh: Internet
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng ta lúc đó 55 tuổi. Nhìn dáng người mảnh khảnh, đôi mắt sáng, vầng trán cao và bộ râu hơi dài, cả nước kính trọng, tôn vinh Hồ Chủ tịch là Cha già dân tộc. Báo chí thì gọi Bác là Cụ Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Tố Hữu lúc đó chưa được gặp Bác, trong bài thơ “Hồ Chí Minh” viết ngày 26-8-1945, cũng đã gọi Bác Hồ là một người lính già:

“Hồ Chí Minh
Người lính già
Đã quyết hy sinh
Cho Việt Nam Độc Lập
Cho thế giới hoà bình...”

Một lần, một nhạc sỹ đưa một đoàn các cháu thiếu nhi vào thăm Bác. Các cháu cùng hát vang bài ca: “Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng”. Khi nghe đến câu hát: “Bác nay tuy đã già rồi, già rồi nhưng vẫn vui tươi...”, Bác Hồ quay sang tươi cười, nói với đồng chí Trần Duy Hưng:

- Này chú, Bác đã già đâu nhỉ?

Có thể nói, Bác Hồ của chúng ta là một con người không chấp nhận tuổi già. Chúng ta hãy tưởng tượng, một con người 21 tuổi, với hai bàn tay trắng đã ra đi tìm đường cứu nước. Sang Pháp, rồi vượt biển lớn đi vòng quanh châu Phi, rồi sang Mỹ, Anh, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thuỵ Sỹ, Nga, Trung Quốc... Hầu như đi khắp các châu lục, làm nhiều nghề, vừa học vừa hoạt động cách mạng, vừa phải khôn khéo vượt qua mọi sự bắt bớ của bọn đế quốc. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật lạ lùng, là một người Việt Nam trẻ tuổi, vừa đến thủ đô Paris không bao lâu, đã thâm nhập ngay được vào đời sống chính trị tại đó, làm những việc cực kỳ quan trọng đối với dân tộc mình, đối với các dân tộc thuộc địa và góp phần hình thành chính đảng cách mạng của giai cấp công nhân Pháp”.

Chúng ta cũng biết trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người, Bác Hồ của chúng ta đã hai lần phải vào tù, và một lần lĩnh án tử hình vắng mặt do toà án Nam triều ở Vinh, theo lệnh nhà cầm quyền Pháp kết án ngày 11-11-1929. Năm 1931 Bác bị bắt vào nhà tù Hương Cảng, và năm 1942 ở nhà tù Tưởng Giới Thạch ở Tĩnh Tây, Trung Quốc, với bao nỗi đầy ải khổ cực. Trong thời gian 1 năm 12 ngày, bị giải đi mấy chục nhà giam, chân bị cùm, răng rụng, đói và rét. Song chính trong tù ngục ấy, Bác đã để lại cho chúng ta tập thơ nổi tiếng “Nhật ký trong tù” mà ngày nay đã được in ra ở 30 nước Anh, Pháp, Trung Quốc, Đức, Tiệp, Nga, Tây Ban Nha, Hàn Quốc...

Khi về Pác Bó, Cao Bằng, ở trong hang đá lạnh, ăn uống thì kham khổ “Sáng ra bờ suối, tối vào hang. Cháo bẹ, rau măng, vẫn sẵn sàng...”. Một cuộc đời cách mạng gian khổ như thế, trước Đại hội Tân Trào ở lán Nà Lừa, Bác lại bị một trận ốm rất nặng. Đồng chí Võ Nguyên Giáp kể, có đêm Bác đã dặn lại như có ý dối dăng... Thế nhưng Cách mạng Tháng Tám thành công, đã 55 tuổi, Bác Hồ vẫn ngày đêm làm việc, lái con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua những ghềnh thác hiểm nghèo, và Người không hề nghĩ đến tuổi già!

Ngày 19 tháng 5 năm 1946.

Lần đầu tiên nhân dân ta mừng ngày sinh của Bác. Bác nói với Đoàn đại biểu Nam Bộ đến mừng Người: “Tôi xin cảm ơn các anh, các chị Nam Bộ đã đến chúc thọ tôi. Thật ra, các báo ở đây đã làm to cái ngày sinh của tôi, chứ 56 tuổi chưa có gì đáng chúc thọ, hãy cũng còn như thanh niên cả...” (Báo Cứu Quốc ngày 20-5-1946).

Sau này trong những bài thơ viết về tuổi thọ, Bác vẫn không chấp nhận tuổi già. Bài thơ “Không đề”, Bác viết năm 1949 tại chiến khu Việt Bắc:

             KHÔNG ĐỀ

Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta

Cho đến năm 78 tuổi, trong bài thơ “Không đề” Bác Hồ vẫn viết:

                    KHÔNG ĐỀ

Bảy mươi tám tuổi vẫn chưa già
Vẫn vững hai vai việc nước nhà
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước ta cùng con em ta!

Anh em ở gần Bác mới thưa với Bác rằng: “Thưa Bác. 78 tuổi là già rồi ạ!”, thế là Bác chữa lại: “Bảy mươi tám tuổi chưa già mấy/ Vẫn vững hai vai việc nước nhà...”.

Sự nghiệp cách mạng vĩ đại của cả một dân tộc. Cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, mà Bác là người chèo lái, nỗi lo toan cho hạnh phúc của nhân dân và lẽ sống cao đẹp vì dân, vì nước, khiến Người đã vượt qua cái tâm lý tuổi già thông thường, để luôn hướng tới một mùa xuân đẹp đẽ của đất nước!

Ngày 19 tháng 5 năm 1946.

Một đoàn cán bộ của Ban vận động đời sống mới, do nhà văn Nguyễn Huy Tưởng dẫn đầu, vào chúc thọ Bác. Nhân lúc trò chuyện, nhà văn thưa với Bác:

- Thưa Cụ, nhân hôm nay đến chúc thọ Cụ Chủ tịch, xin Cụ cho Ban đời sống mới chúng tôi một khẩu hiệu để vận động nhân dân thực hiện.

Bác Hồ vui vẻ hẳn lên, Người nói:

- Khẩu hiệu ư? Thế thì khẩu hiệu đó là: “Cần kiệm liêm chính, chí công vô tư”.

Sau một phút suy nghĩ, nhà văn lão thành đứng dậy thành thật thưa với Bác:

- Thưa Cụ Chủ tịch, khẩu hiệu đó rất hay, nhưng nghe nó cổ cổ thế nào ấy ạ!

Bác Hồ cười:

- Ơ hay! Sao lại cổ? Các cụ ta xưa ăn cơm, bây giờ chúng ta ăn cơm vẫn thấy ngon. Thế thì nó cổ chỗ nào? Cái hay của Tổ tiên thì chúng ta phải học.

Ngày 10 tháng 5 năm 1965.

Năm ấy, Bác Hồ của chúng ta vừa tròn 75 tuổi!

Đúng 9 giờ sáng hôm ấy, Người ngồi vào bàn viết Bản Di chúc “Tuyệt đối bí mật”. Năm ngày sau, ngày 14-5 Người đã viết xong Bản Di chúc lịch sử và tự tay đánh máy. Cuối tài liệu Bác ghi: Hà Nội ngày 15 tháng 5 năm 1965 và ký tên Hồ Chí Minh.

Tối hôm đó, các đồng chí trong Bộ Chính trị vào mừng thọ Bác 75 tuổi. Một bó hoa tươi được đặt trang trọng trên bàn. Đồng chí Trường Chinh thay mặt, nói mấy lời chúc thọ Bác.

Bác xúc động nói:

- Bác cảm ơn các chú đã có lòng, nhưng trong lúc toàn dân ta đang kháng chiến gian khổ, mọi việc hết sức khẩn trương, mà lại đi chúc thọ một cá nhân như thế này là không nên! (1)

Mọi người có mặt trong căn phòng đều lặng yên, suy nghĩ... Bác Hồ của chúng ta là như thế đó! Trong cả cuộc đời mình, Người luôn đặt lợi ích chung lên trên lợi ích riêng, “Nâng niu tất cả, chỉ quên mình!”.

Ngày 19 tháng 5 năm 1969.

Hồi này sức khoẻ của Bác đã yếu! Đúng 9 giờ, Bác lại ngồi vào bàn xem lại Bản Di chúc đã viết. Người đọc lại rất kỹ toàn bộ các bản viết trong 4 năm qua, và chữa lại một số chữ. Trong câu “Khi người ta đã ngoài 70 tuổi”, Bác chữa lại là “70 xuân!”.

Buổi sáng, Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ:

- Cháu Trỗi hy sinh cách đây đã gần 5 năm rồi chú nhỉ?

Đồng chí Vũ Kỳ thưa với Bác:

- Thưa Bác, anh Trỗi hy sinh ngày 16 tháng 10 năm 1964, đến nay đã gần 5 năm!

Một thoáng buồn, rồi Bác bảo đồng chí Cẩn nấu món ăn theo kiểu Nam Bộ để Bác mời khách. Trưa hôm ấy, Bác mời đồng chí Phạm Văn Đồng sang cùng tiếp khách. Khách mời của Bác hôm ấy là hai cháu gái miền Nam, chị Phạm Thị Quyên vợ anh Trỗi và chị Nguyễn Thị Châu.

Không ai ngờ, đó là ngày 19 tháng 5 cuối cùng trong cuộc đời 79 mùa xuân của Bác!

***

Bác Hồ kính yêu của chúng ta là như thế đó. Bằng một nghị lực phi thường, và trí tuệ siêu việt Người đã suốt đời lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân ta làm cách mạng. Người nói: “Xưa nay, những người yêu nước không vì tuổi già mà chịu ngồi không!”.

Trước kia, khi chưa gặp Bác, nhà thơ Tố Hữu viết: “Hồ Chí Minh người lính già. Đã quyết chí hy sinh...”. Nay được ở gần Bác, nhà thơ lại viết: “Hồ Chí Minh - Người trẻ mãi không già”. Và “Không gì vui bằng mắt Bác Hồ cười. Quên tuổi già, tươi mãi tuổi đôi mươi!”.

Bác Phạm Văn Đồng đã nói: “Tưởng nhớ Hồ Chí Minh là biến khẩu hiệu “Hồ Chí Minh sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta” thành tư tưởng, tình cảm và hành động của mỗi người cộng sản và mỗi người dân”./.

Bùi Công Bính

----------------
(1) Theo hồi ức của đồng chí Vũ Kỳ.
 


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com