ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ

09:08, 15/08/2011

ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
KỶ NIỆM 100 NĂM NGÀY SINH ĐỒNG CHÍ LÊ ĐỨC THỌ

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương,
Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam
(10-10-1911 - 10-10-2011)
 


I.  Khái lược tiểu sử và quá trình hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ

Đồng chí Lê Đức Thọ, tên chính là Phan Đình Khải sinh ngày 10-10-1911 tại xã Đich Lễ, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định, nay là xã Nam Vân, thành phố Nam Định.

Đồng chí hoạt động cách mạng từ năm 1926, tham gia bãi khóa và dự lễ truy điệu nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 1928, hoạt động trong Học sinh Hội, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh Đảng bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Nam Định

Tháng 10-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng, làm Bí thư chi bộ học sinh và phụ trách công tác thanh niên học sinh. Tháng 11-1930, bị thực dân Pháp bắt, kết án 10 năm tù khổ sai, đày ra Côn Đảo. Đồng chí được cấp ủy chi bộ nhà tù Côn Đảo cử làm Bí thư chi bộ và Thường vụ chi ủy nhà tù.

Năm 1936 đến năm 1939, đồng chí ra tù và được giao phụ trách công tác báo chí công khai của đảng bộ và xây dựng cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định.

Từ năm 1939 đến năm 1944, đồng chí bị địch bắt và kết án tù 5 năm tại các nhà tù Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình. Tháng 9 năm 1944, ra tù đồng chí được Trung ương Đảng giao phụ trách công tác khu an toàn của Trung ương, công tác tổ chức và huấn luyện cán bộ.

Tháng 10-1944, đồng chí được chỉ định là ủy viên Trung ương Đảng và trực tiếp phụ trách Xứ ủy Bắc Kỳ. Đồng chí đã dự hội nghị mở rộng Ban Thường vụ Trung ương Đảng đêm 9-3-1945 để ra chủ trương mới phát động một cao trào cách mạng đi tới cuộc Tổng khởi nghĩa.

Tháng 8-1945, tại Hội nghị cán bộ toàn quốc của Đảng ở Tân Trào, đồng chí được cử vào Ban thường vụ Trung ương Đảng. Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đồng chí phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Tháng 12-1946,  đồng chí dự Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng quyết định toàn quốc kháng chiến.

Năm 1948, đồng chí thay mặt Trung ương Đảng tham gia Đoàn Đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam công tác. Năm 1949, làm Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ.

Năm 1951, tại Đại hội lần thứ II của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương, làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Từ năm 1949 đến năm 1954, làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Cục miền Nam.

Năm 1955, đồng chí tập kết ra Bắc, làm Trưởng ban Thống nhất Trung ương. Cuối năm 1955 được bổ sung vào Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng phụ trách công tác sửa sai trong cuộc vận động cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức.

Cuối năm 1956, đồng chí làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương; từ tháng 11-1956 đến năm 1961 kiêm Giám đốc Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương.

Năm 1960, tại Đại hội lần thứ III của Đảng, đồng chí được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng.

Năm 1966, kiêm Hiệu trưởng Trường Nguyễn Ái Quốc  Trung ương. Năm 1967, đồng chí được cử vào Quân ủy Trung ương.

Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân năm 1968, đồng chí được Bộ Chính trị cử vào miền Nam làm Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam. Đến tháng 5-1968, được Bộ Chính trị giao nhiệm vụ phụ trách công tác đấu tranh ngoại giao, làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị Paris bàn về lập lại hòa bình ở Việt Nam và trực tiếp đàm phán với đại diện của Chính phủ Mỹ trong các cuộc nói chuyện riêng giải quyết hòa bình về vấn đề Việt Nam.

Sau Hiệp định Paris về Việt Nam (1973), đồng chí được cử làm Trưởng ban miền Nam của Trung ương.

Năm 1975, đồng chí được Bộ chính trị cử vào miền Nam phổ biến Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công Mùa Xuân và cùng với một số đồng chí khác thay mặt Bộ Chính trị chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau giải phóng miền Nam (30-4-1975), đồng chí làm Phó ban đại diện Đảng và Chính phủ ở miền Nam.

Tháng 12-1976, tại Đại hội lần thứ IV của Đảng, đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương.

Giữa năm 1977 đến tháng 1-1979, đồng chí được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác đặc biệt.

Năm 1980, đồng chí được cử làm Bí thư Thường trực và phụ trách công tác tổ chức; tháng 10-1980 kiêm Hiệu trưởng Trường Chính trị đặc biệt.

Tại Đại hội toàn quốc lần thứ V của Đảng (3-1982), đồng chí được bầu lại vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và làm Bí thư Thường trực, phụ trách công tác tư tưởng, nội chính, ngoại giao. Năm 1983, được chỉ định làm Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Đảng.

Năm 1986, đồng chí làm Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội lần thứ VI của Đảng. Tại Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí được Đại hội cử làm Cố vấn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Trong hơn 60 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ đã đem tâm sức, tài năng và trí tuệ của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và nhân dân ta. Đảng và Nhà nước ta đã tặng đồng chí Huân chương Sao vàng và nhiều Huân chương khác, Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, Đảng và nước Liên Xô tặng đồng chí Huân chương  Cách mạng Tháng Mười; Đảng và Nhà nước Campuchia tặng đồng chí Huân chương Ăngco.

II.    Những đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc

1.    Đồng chí Lê Đức Thọ, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của Đảng, giàu nhiệt huyết và bản lĩnh cách mạng, góp phần quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám

Đồng chí Lê Đức Thọ sinh ra trong một gia đình nho giáo, ở một vùng đất có truyền thống yêu nước, hiếu học, 14 tuổi đồng chí đã hòa mình vào các hoạt động của học sinh, hăng hái tham gia phong trào biểu tình, bãi khóa đấu tranh đòi thực dân Pháp thả nhà chí sỹ yêu nước Phan Chu Trinh. Năm 15 tuổi, đồng chí tiếp xúc với tư tưởng yêu nước do các hội viên của tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên truyền bá, được giác ngộ lý tưởng cách mạng đồng chí đã tích cực tham gia các hoạt động trong học sinh. 17 tuổi, đồng chí đã đứng trong đội ngũ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Được đấu tranh và rèn luyện trong tổ chức cách mạng, đồng chí đã đem nhiệt huyết của tuổi trẻ đấu tranh chống áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến. Năm 18 tuổi, đồng chí vinh dự được kết nạp vào Đông Dương cộng sản Đảng. Đồng chí Lê Đức Thọ thuộc lớp đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng ta. Ngày 7 tháng 11 năm 1930, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam, tra tấn dã man và kết án tù khổ sai chung thân. Đồng chí kiên quyết đấu tranh, chống án, buộc Tòa Thượng thẩm thực dân phải giảm mức án của đồng chí xuống 10 năm khổ sai. Năm 1931, đồng chí bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Tại địa ngục trần gian - Côn Đảo, 20 tuổi đồng chí được tín nhiệm cử vào Ban Thường vụ chi ủy nhà tù và Bí thư chi bộ. Năm 1936, trước sức đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân ta và phong trào Bình dân ở Pháp, bọn thực dân ở Đông Dương phải trả tự do cho một số tù chính trị, trong đó có đồng chí Lê Đức Thọ. Ra tù, trở về Nam Định, đồng chí tiếp tục bắt liên lạc với Đảng và xây dựng một số cơ sở bí mật của Đảng ở Nam Định. Đồng chí cùng một số đảng viên đã xây dựng đại lý phát hành sách báo cánh tả để tuyên truyền sách báo của Đảng, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lê nin; cùng tập thể cấp ủy Nam Định khéo léo lãnh đạo phong trào đấu tranh của nhân dân Nam Định theo hướng đòi dân sinh, dân chủ.

Năm 1939, biết rõ đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo chủ chốt phong trào cách mạng ở Nam Định, thực dân Pháp cho mật thám theo dõi, khám xét, bắt đồng chí và khép tội "phần tử nguy hiểm cho an ninh", kết án 5 năm tù đưa đi giam giữ ở Hà Nội, Sơn La và Hòa Bình, trong lao tù độc ác của bọn thực dân, bị địch tra tấn dã man, đồng chí vẫn luôn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, không khai hoạt động của Đảng, thường xuyên tổ chức học tập chính trị, lý luận cách mạng, động viên bạn tù giữ vững tinh thần chiến đấu. Đồng chí nói: "Người cách mạng bất kỳ ở đâu, trong hoàn cảnh nào cũng phải chăm lo việc học tập để nâng cao trình độ, cống hiến được nhiều hơn cho phong trào". Trong thời kỳ hoạt động bí mật, đồng chí đã 3 lần bị địch bắt, hai lần bị kết án, tổng cộng 15 năm tù. Những năm lưu đày, khổ sai khắc nghiệt ở Côn Đảo, Hà Nội, Sơn La, Hòa Bình, đồng chí luôn tôi luyện ý chí cách mạng bất khuất và lòng kiên trung với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Năm 1944, hết hạn tù, đồng chí Lê Đức Thọ được Đảng đưa về hoạt động ở ATK, phụ trách công tác đảm bảo bí mật, an toàn cho ATK. Đồng chí đã có một số đóng góp tại Hội nghị mở rộng Ban thường vụ Trung ương Đảng đêm 9-3-1945 để ra chủ trương phát động cao trào cách mạng đi tới Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi. Tháng 8 năm 1945, tại Hội nghị toàn quốc của Đảng, đồng chí được cử vào Thường vụ Trung ương Đảng đồng chí đã góp phần quan trọng vào thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám. Đồng chí Lê Đức Thọ cùng với một số đồng chí lãnh đạo khác của Đảng có công lớn trong việc giúp Trung ương bố trí, phát triển lực lượng Đảng, đoàn thể, xây dựng chính quyền cách mạng ngay từ ngày đầu lập nước, bảo đảm giữ vững và phát huy thắng lợi của cách mạng, kịp thời chuẩn bị cho đất nước bước vào cuộc kháng chiến toàn quốc chống thực dân Pháp xâm lược.

2. Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của cuộc kháng chiến chống thực dân ở Nam Bộ, là một trong những đồng chí lãnh đạo có công lao lớn trong sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 1948, đồng chí được cử thay mặt Trung ương Đảng trong Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ vào miền Nam trực tiếp lãnh đạo cuộc kháng chiến của nhân dân Nam Bộ. Được giao trọng trách Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, hiểu rõ vai trò của công tác cán bộ trong sự nghiệp cách mạng của Đảng, ngay sau khi tới căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ ở Đồng Tháp Mười, đồng chí Lê Đức Thọ đã cùng Thường vụ Xứ ủy chăm lo xây dựng kiện toàn bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo của Xứ ủy, củng cố và thành lập mới nhiều ban chuyên môn, như: Ban Tổ chức, Ban Dân vận, Ban công vận, Nông vận, Thanh vận, Tôn giáo, Hoa vận, Khơ me vận...; cử nhiều cán bộ của Xứ ủy trực tiếp xuống các Khu, Tỉnh để nắm rõ tình hình và chỉ đạo phong trào; đảm bảo giữ mối liên hệ trực tiếp và thông suốt với Thường vụ Trung ương Đảng và Bác Hồ. Sau khi rời khỏi căn cứ của Xứ ủy Nam Bộ từ Đồng Tháp Mười xuống miền Tây Nam Bộ, đồng chí chủ động đặt vấn đề với Thường vụ Xứ ủy: Xây dựng trường Trường Chinh để mở lớp huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ của cán bộ Tỉnh, Khu. Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những giảng viên chủ yếu của các lớp huấn luyện, xây dựng đội ngũ cán bộ Nam Bộ vừa có trình độ lý luận chính trị, vừa có thực tiễn đấu tranh cách mạng, góp phần đưa sự nghiệp cách mạng của Nam Bộ tiến lên giành thắng lợi.

Năm 1958, đồng chí từ chiến trường miền Nam ra Bắc được Bộ Chính trị phân công làm Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị và trực tiếp của đồng chí, Ban Tổ chức Trung ương đã tổ chức thành công Hội nghị toàn quốc về công tác tổ chức của Đảng, đánh giá và bàn nhiệm vụ công tác tổ chức trong giai đoạn mới. Hội nghị đã phân tích sâu sắc tình hình công tác tổ chức, khẳng định những thành tựu, rút kinh nghiệm sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức, chuyển hướng công tác tổ chức và cán bộ theo yêu cầu cách mạng: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc, đấu tranh chống đế quốc Mỹ, giải phóng Miền Nam thống nhất nước nhà; điều động, bồi dưỡng và đào tạo cán bộ đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ chính trị mới của đất nước, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ để phục vụ yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế. Tại Đại hội III của Đảng, đồng chí thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng trình bày Báo cáo về xây dựng Đảng và sửa đổi Điều lệ Đảng năm 1951. Báo cáo xây dựng Đảng và Điều lệ Đảng thông qua tại Đại hội Đảng lần thứ III (năm 1960) xác định nền tảng tư tưởng của Đảng  là chủ nghĩa Mác - Lênin, ghi nhận một bước trưởng thành mới của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng. Đồng chí rất quan tâm đến công tác tổng kết thực tiễn và nghiên cứu lý luận, nghiên cứu lịch sử Đảng. Trong công tác tổ chức, đồng chí Lê Đức Thọ đã tập trung sức vào việc xây dựng, quản lý và bố trí đội ngũ cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng. Được giao làm Trưởng Tiểu ban nhân sự từ Đại hội III đến Đại hội VI của Đảng, đồng chí đã tích cực tham mưu giúp Bộ Chính trị chuẩn bị tốt công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Năm 1967, đồng chí được Trung ương Đảng giao nhiệm vụ Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam. Sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, từ tháng 5 năm 1968 đồng chí làm cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu chính phủ ta tại Hội nghị Paris về Việt Nam. Đồng chí là cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của Đảng giàu kinh nghiệm và có tài năng về nhiều mặt. Trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Lê Đức Thọ được Trung ương Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng. Đồng chí được Đảng và Bác Hồ điều đến những nơi, những lúc và ở những khâu công tác có tính quyết định của cách mạng. Trong sự nghiệp giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước và làm nhiệm vụ quốc tế, đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo có công lao lớn.

3. Đồng chí Lê Đức Thọ là một cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của Đảng, Nhà nước có tài năng về nhiều mặt

 Đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những cán bộ lãnh đạo tiêu biểu của Đảng có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.

Công tác tổ chức của Đảng là sự nghiệp hầu như suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Lê Đức Thọ. Trong lao tù ở Côn Đảo năm 1930, lao tù Hòa Bình, hay sau khi ra tù trở về hoạt động ở ATK, khi công tác ở Miền Nam, khi tham gia Bộ Chính trị, đồng chí đều được Đảng và Bác Hồ tín nhiệm giao phụ trách công tác tổ chức của Đảng. Trên cương vị ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo công tác nghiên cứu, tập hợp, biên soạn dự thảo các văn kiện của Đảng tại các kỳ Đại hội lần thứ III, IV, V, VI của Đảng. Với nhiệm vụ được giao phụ trách về công tác xây dựng Đảng và công tác tổ chức, qua 4 kỳ Đại hội, đồng chí Lê Đức Thọ đã góp phần vào việc phát triển lý luận về xây dựng Đảng của một Đảng cầm quyền, đưa đất nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Đồng chí là người trực tiếp chỉ đạo xây dựng Tạp chí Xây dựng Đảng và có nhiều bài viết sâu sắc về công tác tổ chức của Đảng được đông đảo cán bộ, đảng viên quan tâm nghiên cứu và vận dụng.

Trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trên cương vị là Thường vụ Trung ương Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những đồng chí lãnh đạo chủ yếu của Cách mạng Tháng Tám. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, với những đóng góp trên cương vị là Phó Bí thư Xứ ủy Nam Bộ, Phó Bí thư Trung ương Cục Miền Nam, đồng chí Lê Đức Thọ là một trong những người lãnh đạo chủ chốt của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân Nam Bộ.

Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí Lê Đức Thọ hai lần vượt Trường Sơn vào chiến trường Miền Nam. Trong lần vượt Trường Sơn lần thứ hai, đồng chí được giao nhiệm vụ phổ biến Nghị quyết về cuộc Tổng tiến công lịch sử và cùng một số đồng chí khác thay mặt Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trực tiếp tham gia chỉ huy trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tổng công kích vào sào huyệt của địch tại thành phố Sài Gòn.

Đồng chí Lê Đức Thọ còn được Bộ Chính trị phân công phụ trách công tác quốc tế của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng.

Trong cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, với cương vị Cố vấn đặc biệt của Đoàn đại biểu Chính phủ ta, đồng chí Lê Đức Thọ là nhà ngoại giao, nhà thương thuyết có tầm nhìn chiến lược, khôn khéo, "vừa đánh vừa đàm", kiên quyết về nguyên tắc, linh hoạt về sách lược. Trong các cuộc đàm phán trực tiếp công khai và nói chuyện riêng với đại diện Chính phủ Mỹ, đồng chí đã chủ động tiến công ngoại giao đến cùng với Mỹ kéo dài trong hơn 5 năm tại Thủ đô Paris, làm thất bại mọi âm mưu và làm phá sản mọi con bài ngoại giao của Mỹ, thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh "đánh cho Mỹ cút". Thắng lợi của cách mạng nước ta tại Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam là thắng lợi của trí tuệ, thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của một dân tộc anh hùng, dưới sự lãnh đạo của Đảng chân chính có đường lối chính trị đúng đắn, sáng tạo, trong chiến thắng này có đóng góp quan trọng của đồng chí Lê Đức Thọ. Những hoạt động ngoại giao của đồng chí Lê Đức Thọ tại Hội nghị Paris đã để lại một số bài học kinh nghiệm quý cho nền ngoại giao Việt Nam.

4. Đồng chí Lê Đức Thọ - nhà thơ nặng tình với đất nước, với bộ đội

Trong cuộc hành trình qua các thời kỳ lịch sử của cách mạng, dù rất bận rộn với công việc của Đảng, đồng chí Lê Đức Thọ vẫn dành thời gian làm thơ ghi lại những suy nghĩ, cảm xúc của mình. Là người chiến sĩ cách mạng yêu thơ và làm thơ ngay từ khi bước vào đời hoạt động cách mạng, bị giam cầm trong ngục tù đế quốc, trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, trong hành trình công tác từ Bắc vào Nam, lên các vùng biên giới, đồng chí Lê Đức Thọ đã sáng tác nhiều bài thơ có giá trị, được tập hợp in trong hai tập thơ: "Trên những nẻo đường" và "Nhật ký đường ra tiền tuyến".

Tuy không chuyên làm thơ nhưng những sáng tác của đồng chí Lê Đức Thọ vừa giàu chất thực tế, có tính thời sự sâu sắc, vừa chứa chan tình cảm cách mạng, thiết tha yêu đời, yêu người. Trong nhiều bài thơ, chùm thơ ẩn chứa tình cảm, suy nghĩ sâu sắc và chân thành của một nhà tư tưởng, một nhà hoạt động chính trị tài năng, nhà ngoại giao bản lĩnh, một chiến sĩ cộng sản kiên trung từng vào sinh ra tử trên khắp nẻo đường cách mạng. Thơ Lê Đức Thọ nặng tình non nước, nặng nghĩa với đồng chí, đồng bào, thủy chung với Đảng, với cách mạng và đồng cảm với các chiến sĩ bộ đội. Nhiều bài thơ của đồng chí Lê Đức Thọ đã được đồng bào và chiến sĩ chuyền tay nhau đọc, chép vào sổ tay, mang theo trong hành trang chiến đấu, công tác như "Lòng xuân chiến sĩ", "Ý xuân", "Lời anh dặn", "Điểm tựa", "Thăm anh", "Anh chiến sĩ an ninh ", "Tình Miên - Việt".

III.  Đồng chí Lê Đức Thọ với quê hương Nam Định và quê hương Nam Định với đồng chí Lê Đức Thọ

Sinh trưởng trong một gia đình nho giáo, nền nếp, trên mảnh đất văn hiến có truyền thống yêu nước và cách mạng, ngay từ thuở ấu thơ, đồng chí Lê Đức Thọ đã tận mắt chứng kiến cảnh sống tối tăm, lam lũ, khổ cực của những người lao động và dân nghèo thành thị; cảnh sống xa hoa, bạo ngược của bọn thực dân, quan lại. Đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng, hòa mình vào phong trào học sinh yêu nước, biểu tình, bãi khóa với tư tưởng chỉ học thôi mà cứ để cho đất nước đắm chìm trong nô lệ thì làm sao xứng đáng với truyền thống quê hương, đất nước. Tháng 10-1929, đồng chí được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và trở thành một trong những đảng viên cộng sản đầu tiên của Đảng bộ Nam Định. Đồng chí đã đem nhiệt huyết cách mạng sục sôi, tích cực tuyên truyền giác ngộ thanh niên học sinh, tổ chức ra nhóm "học sinh Đoàn" và lập Chi bộ học sinh do đồng chí làm Bí thư.

Không chỉ tuyên truyền, giác ngộ thanh niên, học sinh ở thành phố, mỗi dịp về nghỉ hè ở quê nhà, đồng chí đều chú ý tuyên truyền tư tưởng cách mạng cho lớp thanh niên trẻ, cho những người ruột thịt trong gia đình mình như Phan Đình Dinh (tức Đinh Đức Thiện), Phan Đình Tạc, Phan Đình Thiều và Ngô Văn Ngoạn - những người đã tổ chức và thành lập chi bộ Đảng ở Địch Lễ ngay từ năm 1930.

Năm 1930, đồng chí đã bị địch bắt sau đó bị đày ra nhà tù Côn Đảo. Năm 1936, ra tù, trở về quê hương, đồng chí tiếp tục tham gia hoạt động cách mạng. Bằng lý lẽ và tình cảm, đồng chí đã động viên, thuyết phục mẹ đảm nhận việc nuôi dưỡng, bảo vệ nhiều cán bộ của Đảng, trong đó có các đồng chí Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Nguyễn Lương Bằng, Hoàng Quốc Việt... Sau khi móc nối được với cơ sở đồng chí được giao phụ trách công tác báo chí công khai ở Nam Định và tham gia xây dựng cơ sở bí mật của Đảng ở địa phương.

Là một cán bộ chủ chốt lãnh đạo phong trào đấu tranh công khai, thời kỳ 1936- 1939, đồng chí cùng với các đảng viên đã khéo léo hướng phong trào đấu tranh của nhân dân Thành Nam đòi dân sinh, dân chủ, buộc Công sứ A Lơmăng phải nhượng bộ một số yêu sách, trong đó quan trọng nhất là cải cách thuế đinh. Những hoạt động của đồng chí đã làm sôi nổi phong trào cách mạng ở Nam Định, khiến kẻ thù điên cuồng, tức tối. Do vậy, đến cuối năm 1939 đồng chí bị địch bắt và kết án 5 năm tù giam.

Một quãng đời tuổi trẻ gắn bó sinh tử với phong trào cách mạng Thành Nam, đồng chí Lê Đức Thọ đã anh dũng bất khuất, đem hết nhiệt huyết, trí lực phấn đấu cho lý tưởng cộng sản và trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của phong trào cách mạng quê hương. Chính những năm tháng hoạt động không mệt mỏi, không quản khổ ải hy sinh, qua các nhà tù đế quốc và qua các phong trào cách mạng ở Nam Định đã tôi rèn bản lĩnh, bồi đắp trí tuệ cách mạng để sau này đồng chí trở thành một đồng chí lãnh đạo tiêu biểu, xuất sắc của Đảng, Nhà nước.

Do bận nhiều công việc cách mạng, đồng chí Lê Đức Thọ ít có dịp về thăm quê hương. Nhưng những lần trở về thăm quê hương của đồng chí luôn để lại cho Đảng bộ và nhân dân Nam Định ấn tượng khó phai về tình cảm thắm thiết, sâu sắc của một người con xa quê. Năm 1963, đồng chí Lê Đức Thọ cùng với Bác Hồ và đồng chí Lê Văn Lương thay mặt Trung ương Đảng về dự Đại hội Đảng bộ Nam Định lần thứ V. Tại Đại hội đồng chí Lê Đức Thọ đã trực tiếp phổ biến tinh thần Nghị quyết Trung ương 8, liên hệ rất cụ thể với tình hình và nhiệm vụ của Nam Định. Đồng chí căn dặn "Các đồng chí và nhân dân Nam Định đấu tranh cách mạng rất anh dũng. Chúng ta đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang. Trong công cuộc xây dựng Chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải dũng cảm tiến lên để dành những thắng lợi cách mạng to lớn hơn nữa".

Vấn đề xây dựng Đảng được đồng chí đặc biệt quan tâm. Trong lần về dự và nói chuyện tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh năm 1976, đồng chí đã nêu rõ những kinh nghiệm phong phú về xây dựng Đảng trong những năm qua, phương trâm chỉ đạo công tác xây dựng Đảng trong giai đoạn mới và nhấn mạnh: Năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng phụ thuộc một cách quyết định vào trình độ mọi mặt và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên.

Tuy không thường xuyên về thăm quê hương nhưng đồng chí vẫn luôn quan tâm, lo lắng đến miền quê nghèo khó, mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình. Đồng chí đã từng tâm sự với đồng chí Nguyễn Việt (Trợ lý Bộ trưởng Bộ ngoại giao) cũng là người con quê hương Nam Định "Làng tôi dọc suốt đến làng cậu đều nghèo, nông dân còn thiếu thốn quá, dù cho huyện Nam Trực cũng là một thí điểm chỉ đạo của nông nghiệp. Nông dân hiện nay còn vất vả hơn công nhân; công nhân có tem phiếu, nông dân không có..."

Tình cảm tâm huyết, ân tình đối với quê hương, sự quan tâm sâu sát của đồng chí Lê Đức Thọ luôn là nguồn động viên, cổ vũ Đảng bộ và nhân dân Nam Định trong sự nghiệp xây dựng quê hương giàu mạnh, văn minh.

Hai mươi lăm năm thực hiện công cuộc đổi mới, mặc dù phải vượt qua không ít khó khăn, và cả còn không ít những hạn chế, thiếu sót do chủ quan và khách quan của một tỉnh nông nghiệp, song với tinh thần quyết tâm và phấn đấu không ngừng, tỉnh Nam Định đã đạt được những thành tựu có ý nghĩa trên nhiều lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Trong những năm qua, kinh tế của tỉnh có bước phát triển mới về quy mô, hiệu quả. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 10,2%.

Sản xuất công nghiệp liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng khá cao. Giá trị sản xuất tăng bình quân 20,5%/năm. Đến năm 2011, tỉnh đã quy hoạch 12 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu công nghiệp đã đầu tư xây dựng hạ tầng với 118 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giải quyết việc làm cho 26 nghìn lao động.

Sản xuất nông nghiệp ổn định và có bước phát triển. Gía trị sản xuất bình quân tăng 3,8%/năm, duy trì truyền thống thâm canh lúa (năng suất lúa bình quân đạt 118,4 tạ/ha/năm) đảm bảo an ninh lương thực. Giá trị sản phẩm bình quân 1ha canh tác đạt 71 triệu đồng. Chăn nuôi tiếp tục phát triển theo hướng trang trại, gia trại.

Vốn huy động cho đầu tư phát triển và sản xuất kinh doanh tăng nhanh. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng một số công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đáng kể bộ mặt đô thị và nông thôn như: đường vành đai nối Quốc lộ 21, Quốc lộ 10 và cầu vượt sông Đào, đường 51B Lạc Quần - Quất lâm, Khu lưu niệm cố Tổng Bí thư Trường Chinh, Bảo tàng Nam Định, đầu tư hạ tầng một số khu, cụm công nghiệp, các bệnh viện, trường học...

Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chăm lo và tiếp tục đạt nhiều thành tích mới, nổi bật: ngành giáo dục đào tạo 16 năm liên tục là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc; liên tục từ năm 2007-2010 dẫn đầu toàn quốc về kết quả thi học sinh giỏi quốc gia, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT và điểm bình quân thi vào đại học, cao đẳng. Hệ thống cơ sở khám chữa bệnh được mở rộng, chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng cao; công tác y tế dự phòng được tăng cường, không để xảy ra dịch bệnh nguy hiểm. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thưởng thức của nhân dân; phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" được mở rộng và nâng cao chất lượng. Đặc biệt huyện Hải Hậu trở thành điểm sáng, là đơn vị điển hình văn hóa toàn quốc trong hơn 30 năm liên tục. Phong trào thể dục, thể thao tiếp tục phát triển. Báo chí, phát thanh - truyền hình đã từng bước đổi mới về nội dung, hình thức, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin của nhân dân và định hướng tuyên truyền của các cấp ủy. An sinh xã hội được đảm  bảo, đời sống nhân dân cơ bản cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn dưới 6%. Các chính sách xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời.

Hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở  được củng cố, tăng cường; an ninh chính trị được giữ vững. Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đã được chỉ đạo tích cực, kịp thời và triển khai sâu rộng, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của các địa phương.

Những thành tựu mà Đảng bộ và nhân dân Nam Định đã đạt được trong thời gian qua có ý nghĩa rất to lớn, là cơ sở, nền tảng để Đảng bộ và nhân dân Nam Định tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng Nam Định trở thành tỉnh giàu mạnh, văn minh.

Năm 2011, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Đảng bộ tỉnh Nam Định tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống chính trị. Tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, coi trọng phát huy nội lực văn hóa, giáo dục và lợi thế về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế biển để tạo bước phát triển mới, nhanh, mạnh và vững chắc về kinh tế - xã hội. Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trọng tâm là CNH-HĐH nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tham gia hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tiếp tục củng cố, hoàn thiện quan hệ sản xuất. Phát triển kinh tế hài hòa, gắn kết với phát triển văn hóa, xã hội, và bảo về môi trường. Thực hiện dân chủ và công bằng xã hôi. Chăm lo nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân. Củng cố khối đại đoàn kết và đồng thuận xã hội. Tăng cường tiềm lực quốc phòng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự - an toàn xã hội. Phát huy sức mạnh tổng hợp của Đảng bộ và nhân dân, chủ động nắm bắt và tạo dựng thời cơ, phấn đấu rút ngắn khoảng cách về phát triển kinh tế so với tốc độ, trình độ chung của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Quyết tâm xây dựng thành phố Nam Định thành đô thị loại I trực thuộc tỉnh trong năm 2012 và trở thành trung tâm của vùng Nam đồng bằng Sông Hồng./.


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com