Dạy và học môn Lịch sử

07:08, 29/08/2011

Lịch sử dân tộc Việt Nam vốn đầy ắp những sự kiện, nhưng nó càng trở nên phong phú, sinh động hơn bởi trong những trang vàng lịch sử chứa đựng cuộc đời và sự nghiệp một người con vĩ đại của dân tộc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Qua những bài viết, bài nói, những di sản tinh thần mà Người để lại, chúng ta thấy rõ sự quan tâm đặc biệt của Người đến việc học và giáo dục lịch sử cho các thế hệ người Việt Nam.

Trong hành trình bôn ba tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh dày công học hỏi, nghiên cứu và trở thành một nhà sử học lớn. Ngay từ những năm 20 của thế kỷ 20, Người đã lấy các đề tài lịch sử như: Kịch Con rồng tre, Lời than vãn của bà Trưng Trắc… để tuyên truyền thức tỉnh đồng bào. Đầu năm 1941, trở về nước sau hơn 30 năm xa cách, dù bận nhiều công việc trong xây dựng và chuẩn bị lực lượng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, nhưng Hồ Chí Minh vẫn dành nhiều tâm sức dịch cuốn Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô để làm tài liệu huấn luyện, học tập cho cán bộ của ta. Đặc biệt, cũng trong những năm tháng đầy gian khó này, Hồ Chí Minh đã viết cuốn Lịch sử nước ta. Mở đầu sách, Người khẳng định: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”… Tiếp đó, ngày 24-2-1948, trong Thư gửi toàn thể bộ đội Khu 2 và Khu 3, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “… Sự học hỏi là vô cùng. Nay đã biết đọc biết viết, anh em phải gắng sức học thêm. Học làm tính, học chính trị, học lịch sử, học khoa học thường thức. Rồi gắng học cao hơn nữa…”.

Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.
Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Thủ đô Hà Nội.

Qua đó cho thấy, trong những cái cần phải học trong cuộc đời mỗi con người, thì học lịch sử là một nội dung quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Về cách học, theo Hồ Chí Minh phải lấy “tự học” làm cốt… Nguyên tắc phương pháp luận sử học mà Bác nêu ra là: Học lịch sử phải biết quá khứ, nhưng không dừng lại ở chỗ nắm những sự kiện cơ bản về quá khứ mà trên cơ sở biết quá khứ, rút ra bài học kinh nghiệm cho cuộc đấu tranh trong hiện tại, dự đoán và góp phần thực hiện tương lai được phát triển theo quy luật.

Về mặt phương pháp dạy học, Hồ Chí Minh nêu lên một số nguyên tắc mà ngày nay giới khoa học giáo dục trong nước và trên thế giới thường nhắc đến, đó là “biết” và “hiểu”. Có thể xem “biết” là kết quả của giai đoạn nhận thức cảm tính, còn “hiểu” được nâng lên trình độ nhận thức lý tính. Có “biết” mới “hiểu” và “hiểu” củng cố những điều đã “biết” và làm cơ sở cho việc tiếp nhận những kiến thức mới. Đối với bộ môn lịch sử, Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng phải biết để hiểu, rút ra bài học, kinh nghiệm, rồi hành động theo mục tiêu đã xác định.

Hiện nay, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, ngoài việc học Bác rất nhiều điều bổ ích, thì việc học tập và làm theo tư tưởng của Người về “dạy và học lịch sử” là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Thời gian qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà quản lý, các nhà khoa học, các thầy cô giáo đã đưa ra nhiều nguyên nhân và giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học lịch sử đối với thế hệ trẻ ngày nay. Tuy nhiên, phòng “bệnh” hơn chữa “bệnh”, nhất là khi đã bắt được “bệnh” thì cần cố gắng chữa cho triệt để. Hiện tại, có rất nhiều việc phải làm, song cần bắt đầu từ việc chấn chỉnh cách nhìn nhận đúng về vị trí môn lịch sử trong chức năng giáo dục con người, đồng thời nâng cao chất lượng chương trình và sách giáo khoa, bồi dưỡng kiến thức, năng lực của đội ngũ giáo viên thì mới có thể thay đổi một cách cơ bản tình hình, góp phần cùng các môn học khác đào tạo thế hệ trẻ nước nhà. Đó không chỉ là công việc của riêng giới sử học mà phải là công việc của toàn ngành giáo dục và sự quan tâm của toàn xã hội./.

Theo: Báo Nhân dân Cuối tuần



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com