Từ trước Đại hội XI của Đảng đến nay, đi đôi với những thời cơ và thuận lợi mới, tình hình quốc tế và trong nước cũng xuất hiện những diễn biến phức tạp, tác động đến công tác đấu tranh phòng, chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình”. Trong chiến lược “Diễn biến hoà bình”, chủ nghĩa đế quốc và các thế lực phản động quốc tế luôn coi chống phá về chính trị, tư tưởng và tổ chức đối với các nước xã hội chủ nghĩa là lĩnh vực quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định. Do vậy, việc không ngừng xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức là nhiệm vụ rất quan trọng.
Chiến lược “Diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch thực hiện là nhân tố khách quan, điều kiện bên ngoài, tác động chủ yếu từ bên ngoài. Nhưng nhân tố chủ quan, nguy cơ chủ yếu làm cho các nước XHCN bị “diễn biến hoà bình” lại nằm trong nội tại các nước đó, mà quan trọng nhất là trong nội bộ đảng cầm quyền ở các nước XHCN. Trong mối quan hệ giữa nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan, theo quan điểm của chủ nghĩa duy vật biện chứng thì nguyên nhân chủ quan, bên trong giữ vai trò quyết định sự phát triển của mọi sự vật. Do đó, việc tăng cường công tác xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là về chính trị, tư tưởng, tổ chức là tất yếu khách quan trong nhiệm vụ đấu tranh chống chiến lược “Diễn biến hoà bình”.
Nguyên nhân trực tiếp, căn bản dẫn đến chính biến tại Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu là do đảng cầm quyền tại các nước này đã không làm tốt công tác xây dựng Đảng, đã xa rời nguyên tắc tập trung dân chủ; buông lỏng sự lãnh đạo chính trị, tư tưởng của Đảng; nội bộ Đảng có sự thoái hoá, biến chất nghiêm trọng; việc lựa chọn những người kế tục sự nghiệp cách mạng không chính xác...
Các thế lực thù địch xác định chống phá về chính trị, tư tưởng, tổ chức là nội dung trọng tâm, là khâu quan trọng hàng đầu trong chiến lược “Diễn biến hoà bình” đối với Việt Nam, nhằm loại bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với xã hội, qua đó làm suy yếu hệ thống chính trị, làm sụp đổ chế độ XHCN ở Việt Nam.
Trong đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, chúng ta còn bộc lộ nhiều hạn chế: Một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân có những biểu hiện mơ hồ, chưa nhận rõ âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “Diễn biến hoà bình”, cũng như tính chất gay go, ác liệt của cuộc đấu tranh giai cấp, đấu tranh dân tộc trong điều kiện mới; “những biểu hiện xa rời mục tiêu của CNXH, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” có những diễn biến phức tạp” (1) nhưng chúng ta còn “thiếu sắc bén trong đấu tranh chống âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hoà bình” (2). Đảng ta đã chỉ rõ: “Các thế lực thù địch vẫn tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình” gây bạo loạn lật đổ, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị nước ta” (3), “Hết sức chú trọng công tác bảo vệ Đảng cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức” (4). Do vậy, cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, coi trọng hơn nữa công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đấu tranh bảo vệ, vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tăng cường giáo dục lý luận chính trị cho đảng viên, cán bộ chủ chốt các cấp, các ngành, bồi dưỡng nhận thức, lập trường, quan điểm và năng lực vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, tạo sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội đối với Cương lĩnh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng nội bộ vững mạnh, củng cố vững chắc bên trong là chính, lấy “thế trận lòng dân” làm nền tảng.
Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị, cơ quan, đoàn thể cần chủ động triển khai có hiệu quả đấu tranh trực tiếp trên mặt trận tư tưởng, lý luận. Sử dụng và phát huy hiệu quả các phương tiện của công tác tư tưởng đấu tranh phê phán những quan điểm tư tưởng, lý luận phản động, sai trái của các thế lực thù địch, không để lây lan và tác động xấu trong xã hội.
Kiên quyết đấu tranh ngăn chặn hoạt động tập hợp lực lượng, móc nối trong ngoài, không để công khai hoá, quốc tế hoá các tổ chức chính trị đối lập trong nước chống Đảng, Nhà nước. Tập trung giải quyết một bước căn bản, có hiệu quả các vấn đề ở những vùng trọng điểm và các vùng tập trung đông đồng bào dân tộc thiểu số, không để các thế lực thù địch lợi dụng gắn vấn đề dân tộc với vấn đề tôn giáo để kích động quần chúng biểu tình, bạo loạn, gây mất ổn định chính trị.
Thứ hai, tiếp tục triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Đẩy mạnh tự phê bình và phê bình, nâng cao chất lượng sinh hoạt, học tập của các tổ chức đảng ở cơ sở, tăng cường tính chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên. Giữ vững kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và trong xã hội, nhất là kỷ luật phát ngôn. Có biện pháp kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về chính trị, tư tưởng, về đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, trong xã hội. Đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, loại bỏ tư tưởng cơ hội, thực dụng, tình trạng thoái hoá biến chất trong Đảng, lối sống thực dụng trong một bộ phận cán bộ có chức, có quyền, có tiền, những hình ảnh xấu về người cán bộ cách mạng trong nhân dân, tác động tiêu cực đến sự đồng thuận về tư tưởng trong xã hội, những “đồng minh tự nhiên” của chiến lược “Diễn biến hoà bình”.
Thứ ba, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, đấu tranh có hiệu quả chống tham nhũng, quan liêu và các tiêu cực, tệ nạn xã hội.
Phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc hoạch định các chủ trương, đường lối; xây dựng và quản lý Nhà nước; thực hiện tốt chính sách dân tộc, tôn giáo của Đảng, Nhà nước. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, phòng chống tham nhũng, lãng phí trong hệ thống chính trị và xã hội. Đẩy mạnh thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng các thiết chế tuyên truyền vận động, tạo điều kiện cho nhân dân thực hiện quyền và nghĩa vụ trong phát triển sản xuất, tổ chức đời sống, tham gia xây dựng Đảng, kiểm tra, giám sát cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, phát hiện và đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng.
Mở rộng dân chủ phải đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Chủ động, kịp thời cung cấp, định hướng thông tin cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Sớm phát hiện và giải quyết khẩn trương các vấn đề bức xúc, các điểm “nóng” về khiếu kiện, đình công..., giữ vững ổn định chính trị - xã hội. Khắc phục tình trạng vô kỷ luật, dân chủ cực đoan, lợi dụng dân chủ để gây rối. Chủ động có các phương án ngăn chặn và làm thất bại âm mưu lợi dụng các vấn đề “dân chủ”, “nhân quyền”, “tôn giáo”, “dân tộc” để gây rối chính trị của các thế lực thù địch.
Củng cố, mở rộng tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với các tổ chức thành viên, thực sự phát huy vai trò là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là nơi phối hợp hành động của các tầng lớp nhân dân thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; tham gia với Đảng và Nhà nước thực hiện quyền dân chủ, chăm lo, bảo vệ lợi ích chính đáng của các tầng lớp nhân dân; tham gia xây dựng và bảo vệ Đảng, chính quyền, thực hiện giám sát của nhân dân đối với hoạt động, lối sống của cán bộ, đảng viên và các cơ quan Nhà nước; giải quyết những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.
Tiếp tục củng cố, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quan hệ của các tổ chức đảng với tổ chức Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhân dân để phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của Nhà nước, thực hiện thành công hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc XHCN.
Thứ tư, đề cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến” trong cán bộ, đảng viên.
Ở đây hiểu “tự diễn biến” là khái niệm chỉ sự vận động bên trong của mọi sự vật, hiện tượng. “Tự diễn biến” có thể xảy ra trên các mặt tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Quan trọng nhất là phải phòng, chống nguy cơ “tự diễn biến” về tư tưởng chính trị. Song không coi nhẹ mặt đạo đức, lối sống. Sự suy thoái nghiêm trọng về đạo đức, lối sống sẽ dẫn đến tha hoá về tư tưởng chính trị. “Tự diễn biến” có thể có trong Đảng, trong hệ thống chính trị, trong xã hội; có thể có trong đảng viên, công chức, nhân dân, nhưng nguy hiểm hơn cả là trong cán bộ, nhất là cán bộ có chức, quyền, cán bộ trung cao cấp, cán bộ lãnh đạo, quản lý chiến lược vĩ mô. “Tự diễn biến” là quá trình từ bỏ dần tư tưởng của CNXH, hướng dần theo những tư tưởng khác. Hiện tượng “tự diễn biến” về tư tưởng chính trị rất không đơn giản, cần được phân tích, nhận diện chính xác. Do đó, việc xác định đâu là biểu hiện “tự diễn biến” đòi hỏi phải lấy lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích của người lao động làm tiêu chí xem xét, đánh giá với phương pháp khoa học, tránh “chụp mũ”, quy kết vội vàng; đồng thời, không thể mất cảnh giác cho rằng “không có vấn đề gì”. “Tự diễn biến” là một hiện tượng mà sự nảy sinh và phát triển của nó có nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan.
Trạng thái “tự diễn biến” xuất phát từ 3 nguyên nhân: thứ nhất, do hạn chế về trình độ hiểu biết, năng lực trí tuệ, năng lực thực tiễn; thứ hai, do sự thoái hoá về phẩm chất đạo đức, lối sống của từng cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị; thứ ba, vì chủ nghĩa cá nhân gây nên mất đoàn kết nội bộ, làm xuất hiện những cá nhân, nhóm người mâu thuẫn nhau về địa vị, lợi ích... Những nguyên nhân chủ quan nêu trên sẽ làm cho nội bộ suy yếu, mất sức đề kháng, tạo điều kiện thuận lợi cho các thế lực thù địch lợi dụng, can thiệp, thúc đẩy “tự diễn biến”.
“Tự diễn biến” vô cùng nguy hiểm, nó phụ thuộc chủ yếu vào chính chúng ta, vào sức mạnh và khả năng đề kháng của cơ thể xã hội XHCN như V.I.Lênin đã từng cảnh báo: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là ở chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ” (5).
Cuộc đấu tranh phòng, chống “diễn biến hoà bình” chỉ đạt được kết quả khi nó được gắn liền với cuộc đấu tranh đẩy lùi, khắc phục các nguy cơ nội sinh, như nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực, nguy cơ chệch hướng XHCN và nguy cơ tham nhũng, tệ quan liêu, sự suy thoái về phẩm chất, đạo đức của cán bộ, đảng viên. Các nguy cơ này có mối liên hệ, tác động lẫn nhau. Sự yếu kém, những sai lầm, khuyết điểm của chúng ta là mảnh đất “màu mỡ” cho chiến lược “Diễn biến hoà bình”, bạo loạn lật đổ của kẻ thù. Sự tác động của “diễn biến hoà bình” thúc đẩy tạo ra những nhân tố “nội xâm”, “tự diễn biến” hết sức nguy hiểm, cho nên phải chủ động phòng ngừa, sớm phát hiện và triệt tiêu những nhân tố bên trong có thể dẫn đến đột biến bất lợi.
Đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, mà trước hết, trực tiếp là trách nhiệm của các cấp uỷ đảng chứ không phải chỉ là nhiệm vụ của cơ quan Tổ chức, Tuyên giáo hay Hội đồng Lý luận Trung ương. Vì vậy, từng cấp uỷ, từng ngành, từng địa phương, các cấp cần chủ động xây dựng kế hoạch và chương trình hành động đấu tranh chống “diễn biến hoà bình” nói chung, trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, tổ chức nói riêng phù hợp với điều kiện và tình hình ở đơn vị mình, địa phương mình; phải đặt dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị; gắn với việc xây dựng, giữ vững và phát huy nhân tố nội lực mang tính quyết định.
Trong tình hình hiện nay, xây dựng Đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức là một nhiệm vụ cấp bách nhằm bảo đảm “nâng cao ý thức tự bảo vệ, tự đề kháng của cơ quan, đơn vị, cá nhân cán bộ, đảng viên trước các thủ đoạn “diễn biến hoà bình”, mua chuộc của kẻ thù; trên cơ sở tiếp tục xây dựng hoàn thiện các quy chế, chính sách quản lý cán bộ và công tác kiểm tra, giám sát cán bộ, chống nguy cơ “tự diễn biến” (6). Do vậy, phải “chủ động phòng ngừa, đấu tranh, phê phán những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ” (7); quán triệt tư tưởng chỉ đạo chú trọng cả hai nhiệm vụ “xây” và “chống” trong đó lấy xây dựng là chính; đồng thời, phải chủ động và có giải pháp đúng tạo ra khả năng “miễn dịch” cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ, là vấn đề có ý nghĩa sống còn của Đảng, của chế độ./.
Vĩnh Trọng
------------------------
(1, 3) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG, H.2011, tr.185; (2) Sđd, tr.173; (4) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, NXBCTQG, H.2006, tr.296-297; (5) V.I.Lênin, toàn tập, NXBCTQG, H.2006, tập 42, tr.311; (6) ĐCSVN, Văn kiện Hội nghị lần thứ chín BCHTW khoá X, NXBCTQG, H.2009, tr.119; (7) ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, NXBCTQG, H.2011, tr.257.