|
Tiết mục văn nghệ của đoàn viên, thanh niên tỉnh trong đêm giao lưu “Tuổi trẻ Nam Định tiếp bước các thế hệ Anh hùng”. |
Những năm qua, chương trình phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh (CCB) và Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh đã được triển khai rộng khắp và đạt được nhiều kết quả tích cực, trong đó nổi bật nhất là nội dung giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm… cho thế hệ trẻ. Hằng năm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức lối sống cho đoàn viên, thanh niên (ĐVTN) luôn được Hội CCB và Đoàn Thanh niên chú trọng triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng như: Kể chuyện truyền thống lịch sử của dân tộc, của địa phương, truyền thống của quân đội, những tấm gương anh hùng liệt sỹ, những trận đánh tiêu biểu trong các cuộc kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc; gặp mặt các nhân chứng lịch sử, tổ chức toạ đàm, giao lưu văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao giữa các hội viên CCB và ĐVTN... Qua đó, các cấp Hội CCB đã góp phần bồi dưỡng lòng yêu nước, lý tưởng cách mạng và ý thức được trách nhiệm đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, vào Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27-7) hằng năm, các huyện, Thành Đoàn đều tổ chức lễ thắp nến tri ân trên mộ phần liệt sỹ ở khắp các nghĩa trang liệt sỹ trong tỉnh. Bên cạnh đó, Hội CCB và Đoàn Thanh niên các cấp trong tỉnh phối hợp tổ chức nhiều hoạt động như: tu sửa, tôn tạo, làm đẹp các nghĩa trang liệt sỹ; phối hợp với các nhà trường tổ chức các cuộc giao lưu, nói chuyện truyền thống cho học sinh, sinh viên. Trong 5 năm (2003-2008) Hội CCB và các trường đã phối hợp tổ chức 2.765 buổi nói chuyện truyền thống cho hơn 781 nghìn lượt thanh, thiếu niên, học sinh. Được nghe trực tiếp những câu chuyện về chiến tranh qua lời kể của chính những người trong cuộc, những CCB từng vào sinh ra tử, thế hệ trẻ được tác động sâu sắc cả về nhận thức và tình cảm. Em Trần Thu Thảo, học sinh lớp 11A, Trường THPT Lý Tự Trọng (Nam Trực) xúc động nói: “Được tham gia chương trình giao lưu “Uống nước, nhớ nguồn” nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ do Huyện Đoàn tổ chức; được thấy những dấu tích chiến tranh từ các CCB, chúng em hiểu và nhận thức rõ hơn trách nhiệm của bản thân với thế hệ cha anh và với quê hương”. Cô Vũ Thị Kim Thoa, Tổng phụ trách Liên Đội Trường THCS Quang Trung (TP Nam Định) cho biết: Công tác giáo dục truyền thống cho học sinh được chi bộ, ban giám hiệu nhà trường và các thầy, cô giáo luôn quan tâm. Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22-12), Giải phóng miền Nam (30-4), Ngày thành lập Đảng hằng năm..., Liên Đội nhà trường đều tổ chức ôn lại truyền thống hào hùng của quân đội, nhân dân ta thông qua các buổi nói chuyện, giao lưu văn hoá, văn nghệ giữa thầy, trò nhà trường với Hội CCB phường trong các giờ sinh hoạt ngoại khóa. Nhà trường còn thường xuyên tổ chức cho học sinh và thầy, cô giáo tham quan các di tích lịch sử của đất nước, tổ chức chương trình “Học tập theo gương anh bộ đội”, lao động, tôn tạo, tu sửa nghĩa trang liệt sỹ, xây dựng quỹ tình thương mua áo ấm tặng các bạn là con em gia đình thương binh, liệt sỹ... Các hoạt động đó đã giúp các em hiểu được giá trị và truyền thống của các thế hệ đi trước, đồng thời giúp các em xây dựng, bồi dưỡng nhân cách con người Việt Nam. Ngày hội tòng quân của tuổi trẻ huyện Giao Thủy là một trong những hoạt động thể hiện sự chuyển giao, nối tiếp truyền thống giữa các thế hệ. Hội CCB và các cấp bộ Đoàn trong huyện đã phối hợp tuyên truyền đầy đủ quy định, ý nghĩa của Luật Nghĩa vụ quân sự, động viên thanh niên tự giác khám tuyển nghĩa vụ quân sự; thăm, tặng quà cho thanh niên lên đường làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc. Bác Nguyễn Đức Hạnh, Thị trấn Quất Lâm (Giao Thuỷ) cho biết: “Cách đây hơn 30 năm, tôi cũng lên đường nhập ngũ với tâm trạng khác, tràn đầy quyết tâm. Bây giờ được tiễn con, tiễn cháu bước tiếp truyền thống của cha ông, chúng tôi cảm thấy tự hào và tin tưởng vào lớp trẻ nhưng cũng không quên dặn các cháu tu dưỡng đạo đức và rèn luyện sức khoẻ trong quân ngũ”.
Hai thế hệ đã tìm được tiếng nói chung không chỉ trong việc “tiếp lửa truyền thống” mà còn trong những hoạt động góp phần thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Các cấp Hội CCB và Đoàn Thanh niên còn thường xuyên phối hợp tham gia các hoạt động giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng, chống tệ nạn xã hội... Riêng trong năm 2009, Hội CCB và Đoàn Thanh niên đã phối hợp giáo dục, thuyết phục, cảm hóa 58 thanh niên chậm tiến trở thành người tốt; vận động gia đình, con cháu của hội viên, đoàn viên thực hiện các quy định về nếp sống văn hóa… Thông qua các phong trào của tuổi trẻ, Hội CCB đã giúp đỡ, bồi dưỡng 897 đoàn viên ưu tú, giới thiệu với tổ chức Đảng. Những hoạt động đó vừa là tình cảm, vừa là niềm tin của các thế hệ CCB gửi gắm đối với thế hệ trẻ hôm nay, góp phần xây dựng thế hệ trẻ giàu lòng yêu nước, có lý tưởng cách mạng, có lối sống đẹp, có bản lĩnh và giữ gìn được bản sắc văn hoá dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc đồng hành với ĐVTN trên con đường “lập thân, lập nghiệp”./.
Thúy Ngần