Tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về phản biện xã hội

08:08, 03/08/2011

Trải qua hơn 80 năm kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác, thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh và từ thực tiễn của cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã rút ra bài học lớn: "sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, chính nhân dân là người làm nên lịch sử, toàn bộ hoạt động của Đảng phải xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chân chính của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là sự gắn bó mật thiết với nhân dân, quan liêu mệnh lệnh xa rời nhân dân sẽ đưa đến những tổn thất không lường được đối với vận mệnh của đất nước... Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” (Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam năm 1991). Chủ tịch Hồ Chí Minh người sáng lập và rèn luyện Đảng ta đã chỉ rõ: "Đảng không thể đòi hỏi Mặt trận thừa nhận quyền lãnh đạo của mình mà phải tỏ ra là một bộ phận trung thành nhất, hoạt động nhất và chân thực nhất. Chỉ trong đấu tranh và công tác hàng ngày khi quần chúng rộng rãi thừa nhận chính sách đúng đắn và năng lực lãnh đạo của Đảng thì Đảng mới giành được địa vị lãnh đạo”. Thực tiễn của cách mạng Việt Nam cho thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không những đúng trong thời kỳ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân mà còn rất đúng đắn trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và công cuộc đổi mới. 

Các vị trưởng ban công tác Mặt trận thôn, xóm ở xã Hải Hưng (Hải Hậu) trao đổi kinh nghiệm công tác vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương (4-2010). Ảnh: Xuân Thu
Các vị trưởng ban công tác Mặt trận thôn, xóm ở xã Hải Hưng (Hải Hậu) trao đổi kinh nghiệm công tác vận động nhân dân thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương (4-2010).
Ảnh: Xuân Thu

Để phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân trong thời kỳ mới, để nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, Nghị quyết Đại hội X của Đảng đã đề ra nhiệm vụ rất quan trọng cho Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể nhân dân đó là: "Nhà nước ban hành cơ chế để Mặt trận và các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội” và Đảng cần "xây dựng quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc hoạch định đường lối chủ trương chính sách quyết định lớn của Đảng và việc tổ chức thực hiện kể cả đối với công tác tổ chức và cán bộ”. Để triển khai thực hiện nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được Nghị quyết Đại hội X của Đảng nêu ra, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã chủ động xây dựng Đề án về giám sát và phản biện xã hội trình cơ quan tổ chức có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước xem xét quyết định nhưng kết thúc nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X vẫn chưa được cơ quan tổ chức có thẩm quyền ban hành cơ chế hoặc quy chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội. Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng tiếp tục chỉ rõ: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tiếp tục tăng cường tổ chức đổi mới nội dung phương thức hoạt động tập hợp đoàn kết nhân dân thực hiện dân chủ, tăng cường giám sát và phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng xây dựng Nhà nước.

Quan điểm của Đảng về chức năng giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã được thể chế hoá tại điều 9 Hiến pháp năm 1992 được sửa đổi bổ sung năm 2001, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và nhiều văn bản pháp luật khác. Mặc dù còn nhiều hạn chế trong việc thực hiện chức năng giám sát song thực tiễn hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam những năm qua đã có một số kết quả nhất định, đã góp phần xây dựng chính quyền, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và đại biểu dân cử còn phản biện xã hội là một nhiệm vụ mới được Đảng nêu ra nhưng chưa được cụ thể hoá bằng văn bản pháp luật nên chưa có cơ chế để Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân triển khai thực hiện.

Thấm nhuần quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả quyền lực đều thuộc về nhân dân và từ thực tiễn hoạt động của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam nay là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hơn tám thập kỷ qua, phải chăng Đảng ta đề ra nhiệm vụ phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân là sự nhận xét đánh giá và góp ý kiến của nhân dân thông qua Mặt trận, các đoàn thể nhân dân có tổ chức đối với các dự thảo chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, về tính khoa học, tính nhân dân và tính khả thi của các dự thảo đó trước khi ban hành. Trong công tác Mặt trận tham gia xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong đó có nội dung rất quan trọng là tham gia xây dựng pháp luật. Về việc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định khá cụ thể. Đó là đối với dự án luật, dự án pháp lệnh có liên quan đến chức năng nhiệm vụ quyền hạn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên; quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về tổ chức bộ máy Nhà nước thì cơ quan soạn thảo có trách nhiệm gửi dự án luật, dự án pháp lệnh đến Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ban Chấp hành Trung ương của các tổ chức thành viên có liên quan để lấy ý kiến. Thực tiễn những năm qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc các cấp nhất là Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã tích cực tham gia góp ý kiến. Tuy nhiên việc góp ý kiến vẫn còn nặng về hình thức bởi lẽ chưa có cơ chế ràng buộc trách nhiệm giữa tổ chức góp ý kiến và cơ quan chủ trì soạn thảo hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành. Do vậy, bản chất của phản biện xã hội là việc góp ý kiến của các tầng lớp nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân nhưng điểm khác biệt là phải có quy định của pháp luật về cơ chế ràng buộc trách nhiệm pháp lý giữa tổ chức góp ý kiến và cơ quan tổ chức có thẩm quyền soạn thảo hoặc ban hành kể cả chế tài xử lý vi phạm.

Để tiếp tục thực hiện chủ trương của Đảng về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, đông đảo cán bộ Mặt trận, đoàn thể và nhân dân kiến nghị Quốc hội khoá XIII sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung những văn bản pháp luật hiện hành hoặc xây dựng ban hành văn bản pháp luật mới về phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để Mặt trận triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ quan trọng này, góp phần quan trọng vào việc tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân và như vậy Nghị quyết của Đảng mới trở thành hiện thực trong đời sống xã hội./.

Theo: daidoanket.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com