Trước giặc ngoại xâm, tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, không nghi ngờ gì nữa, như Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh tổng kết từ giữa thế kỷ XX: "… mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần đó lại sôi nổi...".
Hồ Chí Minh cũng chỉ ra cái căn cốt, bản chất để tạo thành bản lĩnh, thành cội nguồn bùng nổ sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, ấy là, tinh thần yêu nước sôi nổi ấy "kết thành một làn sóng". Chính vì kết thành một làn sóng mới tạo thành sức mạnh "vô cùng mạnh mẽ, lướt qua mọi nguy hiểm khó khăn, nhấn chìm tất cả lũ cướp nước và lũ bán nước".
Chân lý đó rõ ràng. Người Việt Nam hẳn nhiều người thuộc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra động thái hay bản chất sức mạnh của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, như lịch sử đã hình thành và thẩm định là đồng nghĩa với đoàn kết "kết thành một làn sóng". Yêu nước là tiềm tàng sức mạnh quật khởi, nhưng tiềm tàng đó chỉ trở thành hiện thực một khi được tổ chức, kết luyện lại thành một làn sóng, mới hóa, bùng thành sức mạnh vượt qua mọi khó khăn thử thách, nhấn chìm lũ cướp nước và bán nước. Nói như Đức thánh Trần Hưng Đạo, sức mạnh đánh thắng oanh liệt 3 lần giặc Mông - Nguyên ở thế kỷ XIII, là ở "vua tôi đồng tâm, anh em hòa thuận, cả nước góp sức".
Cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh).
Ảnh:
Internet
|
Sức mạnh để làm Bình Ngô đại cáo, "rửa nỗi nhục ngàn thu", "mở nền thái bình", bước sang trang Duy Tân - đổi mới của Đại Việt đầu thế kỷ XV, như Nguyễn Trãi tổng kết là từ "nêu hiệu gậy làm cờ, tụ hội khắp bốn phương manh lệ, hòa rượu mời lính, trên dưới một dạ cha con"…
"Chúng chí thành thành"; "Một cây làm chẳng nên non. Ba cây chụm lại thành hòn núi cao"… nhận thức của nhân loại, hay dân gian Việt Nam cũng từ lâu hiểu sức mạnh của tinh thần đoàn kết.
Nhưng không phải cứ muốn đoàn kết mà làm được ngay !
Cuối thế kỷ XIV, đầu thế kỷ XV, tổ quốc Đại Việt đứng trước nạn xâm lăng của giặc Minh.
Vương triều Hồ kiên quyết kháng chiến, tiến hành hàng loạt các hoạt động chuẩn bị vào cuộc kháng chiến không tránh khỏi: Dời đô, xây dựng phòng tuyến: Một thành Tây Đô được gấp rút dựng nên từ 1397; một phòng tuyến kiên cố và kéo dài từ Đa Bang đến vùng Lục Đầu giang; rồi lấp, khóa các cửa sông bằng xích sắt, rồi huy động xây dựng một đội quân chính quy với một ước ao nóng bỏng "ước gì ta có trăm vạn quân, ta chẳng sợ gì giặc phương Bắc cả"…
Nhiều công việc trong chuỗi triển khai trên không phải là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Kinh đô của quốc gia thế kỷ X đã từng từ Cổ Loa về Hoa Lư (968), rồi từ Hoa Lư về bên sông Nhị (Thăng Long - 1010). Nhưng lần này là một cuộc thiên đô tốn kém vào bậc nhất, khó khăn vào bậc nhất cho đến thời điểm này.
Năm 1075-1077, cả Đại Việt cũng đã lên phòng tuyến sông Như Nguyệt. Cả triều đình, thần dân đều đồng vọng "Nam quốc sơn hà, tiệt nhiên định phận,… nghịch lỗ lai xâm phạm, nhữ đẳng hành khan thủ bại hư" (sông núi nước Nam, hiển nhiên định phận… bọn ngoại bang xâm lược tất phải nhận lấy thất bại).
Thế kỷ XIII, trên chặng đường dựng xây và bảo vệ quốc gia Đại Việt, vương triều Trần - đại diện cho quốc gia Đại Việt, còn cực kỳ non trẻ. Đến năm 1258, khi phải đương đầu với một đế chế ngoại xâm Thát Đát hùng mạnh, triều đình Đông A mới có gần 1/4 thế kỷ (thành lập năm 1225). Rồi các năm 1285, 1288 khi lần thứ hai, lần thứ ba bước vào cuộc kháng chiến bắt buộc với quân Mông - Nguyên, là khi vương triều Trần đã trải qua hơn nửa thế kỷ cầm quyền, cai quản đất nước. Nhưng, ở bất kỳ thời điểm nào, dù một phần tư hay hơn nửa thế kỷ, vương triều Trần ở nửa sau thế kỷ XIII vẫn luôn tìm thấy ở trong lòng dân tộc, quốc gia mình - Dù tương quan trước giặc Nguyên - Mông chỉ bé nhỏ như “bọ ngựa” trước bành cỗ xe (Hình ảnh mà chính tướng giặc Ô Mã Nhi ngạo mạn ví von) sức mạnh thần kỳ ở tinh thần yêu nước đoàn kết của toàn thể quốc gia Đại Việt và không ngừng tổ chức, khơi dậy, phát huy.
Đầu những năm 80 thế kỷ XIII, trước nguy cơ ngoại xâm đến gần Đức Hưng Đạo Vương không chỉ công khai tình thế của quốc gia cho toàn bộ tướng sĩ biết: "… Ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương loạn lạc, lớn lên gặp phải buổi gian nan, trông thấy sứ giặc đi lại
rầm rập, nghênh ngang ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ, lại cậy thế Hốt Tất Liệt mà đòi ngọc - lụa, ỷ thế Vân Nam vương để vét bạc vàng; của kho có hạn, lòng tham không cùng, khác nào như đem thịt mà nuôi hổ đói, giữ sao cho khỏi tai vạ về sau!"…
Triều đình Trần chăm lo xây dựng khối đoàn kết đó không chỉ bằng "không có áo thì ta cho áo, không có ăn thì ta cho ăn, quan còn nhỏ thì ta thăng thưởng, lương có ít thì ta tăng cấp, đi thủy thì ta cho thuyền, đi bộ thì ta cho ngựa, lúc hoạn nạn thì cùng nhau sống chết, lúc nhàn hạ thì cùng nhau vui cười" mà còn dám và biết đòi hỏi trách nhiệm, nghĩa vụ trước vương triều, quốc gia với tướng sĩ, chúng dân". Hịch tướng sỹ nghiêm khắc chỉ ra (chứ không vỗ về "dân túy"): "Các ngươi trông thấy chủ nhục mà không biết lo, trông thấy quốc sỉ mà không biết thẹn, thân làm tướng phải hầu giặc, mà không biết tức, tai nghe nhạc để hiến ngụy sứ, mà không biết căm…" đến mời các vị bô lão về điện Diên Hồng, và Vua, đặt trước đại biểu của trăm họ, ngàn làng - như đặt, trao trước chính các đại thần, câu hỏi: "Nên hàng hay nên đánh?".
Những hành động ấy không chỉ là đơn giản là biểu hiện của GẦN DÂN, THÂN DÂN nữa, mà cao hơn cả là TIN DÂN!
Và chính niềm tin mãnh liệt vào lòng dân như vậy, triều đình Trần đã nhận được từ trăm lời như cùng một miệng: "Đánh" - cộng hưởng quyết tâm của các bậc đại thần "Đầu tôi chưa rơi xuống đất xin bệ hạ đừng lo" (Trần Thủ Độ), "Bệ hạ muốn hàng hãy chém đầu tôi đi đã" (Trần Hưng Đạo)… như luyện thành một khối, khơi, nhân, giải phóng sức mạnh vô địch của dân tộc Việt Nam…
Tất cả những điều ấy hẳn không chỉ để cho non sông Việt Nam vững vàng vượt qua muôn trùng gian khổ của riêng cuộc chiến tranh vệ quốc thế kỷ XIII./.
Theo: Tinh hoa Việt