Phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần bảo đảm an sinh xã hội

08:08, 22/08/2011
(Đồng chí NGUYỄN VĂN VINH,  Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh,
Giám đốc Sở LĐ-TB và XH trả lời phỏng vấn Báo Nam Định)

 

PV: Nhân kỷ niệm 66 năm ngày thành lập ngành, xin đồng chí cho biết đôi nét về lịch sử xây dựng và trưởng thành của ngành LĐ-TB và XH tỉnh nhà?

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh: Ngày 28-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tuyên cáo thành lập Chính phủ lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, theo đó 13 Bộ đầu tiên của Chính phủ cách mạng nước ta được thành lập, trong đó có Bộ Phụ trách công tác cứu tế xã hội và lao động - tiền thân của ngành LĐ-TB và XH ngày nay. Hơn 6 thập kỷ ra đời và phát triển, qua các thời kỳ cách mạng, công tác lao động, công tác thương binh liệt sỹ và công tác bảo vệ chăm sóc trẻ em do những cơ quan khác nhau (Ty Lao động, Ty Thương binh, Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em) đảm nhiệm. Đến tháng 4-2008 Nhà nước chính thức giao cho ngành LĐ-TB và XH với chức năng quản lý đa ngành, đa lĩnh vực.

Ở mỗi giai đoạn của lịch sử và trên từng lĩnh vực công tác, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành luôn bám sát nhiệm vụ chính trị, mục tiêu kinh tế - xã hội của đất nước và của tỉnh để tham mưu, tổ chức thực hiện và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cả 3 lĩnh vực: Chăm sóc người có công, lao động và xã hội, được Đảng, Nhà nước và nhân dân ghi nhận. Những năm gần đây, Sở LĐ-TB và XH hơn 20 năm liên tục được công nhận là tập thể lao động xuất sắc, Đảng bộ sở 17 năm liên tục được công nhận là Đảng bộ trong sạch, vững mạnh. Ngành đã được Nhà nước tặng thưởng 4 Huân chương Lao động các hạng: Nhất, Nhì, Ba và Huân chương Độc lập hạng Ba; nhiều năm được Chính phủ, Bộ LĐ-TB và XH, UBND tỉnh tặng Bằng khen và Cờ thi đua xuất sắc.

 Có được thành tích trên là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp toàn diện của Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh, sự chỉ đạo sâu sát, kịp thời về nghiệp vụ của Bộ LĐ-TB và XH; sự phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể, các huyện, thành phố và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ công chức, viên chức ngành LĐ-TB và XH tỉnh nhà.

PV: Xin đồng chí cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2011?

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh: Năm 2011 triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện có nhiều thuận lợi rất cơ bản, song cũng còn những khó khăn thách thức. Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 24-02-2011 của Chính phủ, Kế hoạch số 07/KH-UBND ngày 09-3-2011 của UBND tỉnh; ngành LĐ-TB và XH tỉnh đã có kế hoạch xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm của mình góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn tỉnh Nam Định đến năm 2020” đã được UBND tỉnh phê duyệt, trong năm tuyển mới và đào tạo nghề với 3 cấp trình độ cho 29 ngàn người, trong đó có khoảng 8.500 lao động nông thôn được hỗ trợ học nghề theo chính sách của Đề án 1956, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 33,5%. Tập trung nguồn lực và giải pháp để giải quyết việc làm cho khoảng 30 ngàn lao động, trong đó xuất khẩu khoảng 3.000 người. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị xuống dưới 4%. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, đồng thời tiếp tục thực hiện tốt việc giải quyết chế độ đối với người có công đảm bảo đúng, đủ, kịp thời, chính xác, nhất là chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học theo Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH và các chế độ chính sách mới ban hành. Thực hiện tốt chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo đảm bảo 100% số hộ nghèo, người nghèo có nhu cầu được hỗ trợ, trợ giúp theo quy định; phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 8,5%.

Bảo đảm thực hiện đầy đủ các quyền của trẻ em, tạo môi trường an toàn, lành mạnh để trẻ em được phát triển toàn diện, ngăn chặn đẩy lùi các nguy cơ xâm hại trẻ em; thực hiện có hiệu quả chương trình hành động vì trẻ em giai đoạn 2011-2020, chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011-2015. Triển khai thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020, lồng ghép các chỉ tiêu, mục tiêu bình đẳng giới, vì sự tiến bộ phụ nữ vào các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Nâng cao hiệu quả Đề án tổ chức cai nghiện, quản lý sau cai nghiện ma tuý tại gia đình và cộng đồng giai đoạn 2009-2014, từng bước xã hội hoá việc điều trị cai nghiện tại các trung tâm cai nghiện ma tuý ngoài công lập. Triển khai tích cực đề án phát triển nghề công tác xã hội và Luật Người cao tuổi, bảo đảm 100% đối tượng xã hội đủ điều kiện được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ của Nhà nước. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng lãng phí, tiếp tục kiện toàn bộ máy, cán bộ và tăng cường tập huấn bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

PV: Trong quá trình tổ chức, triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2011, ngành gặp phải khó khăn vướng mắc gì và ngành đã tham mưu đề xuất tháo gỡ vấn đề này như thế nào?

Đồng chí Nguyễn Văn Vinh: Thực hiện nhiệm vụ năm nay, hiện có 3 vấn đề chúng tôi đã và đang tập trung giải quyết:

Một là: Việc chi trả miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập theo Nghị định 49/2010/NĐ-CP ngày 14-5-2010 của Chính phủ và Thông tư liên tịch 29/2010/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH của liên Bộ GD và ĐT, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB và XH có hiệu lực từ ngày 01-01-2011. Theo đó những sinh viên thuộc diện miễn, giảm học phí (phần lớn là đối tượng khó khăn được thụ hưởng chính sách trợ cấp) phải tự bỏ tiền để đóng tiền học phí trước và chờ đến khi Thông tư 29 có hiệu lực để được nhận tiền cấp bù từ địa phương. Tuy nhiên đây là cơ chế mới, dự toán ngân sách chưa cân đối được; mặt khác các ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương cũng chưa nắm được cụ thể số lượng học sinh, sinh viên được miễn giảm học phí nên chưa xây dựng được dự toán ngân sách. Việc hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương về phương thức chi trả cũng chưa rõ ràng nên đã gây bức xúc trong nhân dân. Để tháo gỡ vấn đề này, ngành LĐ-TB và XH đã chủ động phối hợp với các ngành liên quan như Sở GD và ĐT, Sở Tài chính để bàn biện pháp tháo gỡ, ban hành hướng dẫn cụ thể đối tượng, phương thức chi trả và trình tự thủ tục, hồ sơ cấp bù học phí cho đối tượng quy định tại Nghị định 49 và Thông tư liên tịch số 29. Sau khi có hướng dẫn này dư luận của nhân dân nói chung và đối tượng thụ hưởng chính sách nói riêng đã cơ bản yên tâm.

Hai là: Việc thiết lập hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học theo Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH và tình hình tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm.

Trước sự “gia tăng đột biến” hồ sơ đề nghị giải quyết chế độ người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học theo Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH, năm 2010 sở đã báo cáo và được UBND tỉnh cho phép tập trung giải quyết những hồ sơ đã được UBND cấp huyện thẩm định, cấp giấy chứng nhận người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, đảm bảo kịp thời, đúng quy trình, xem xét giải quyết trước đối với những trường hợp có con đẻ bị dị dạng, dị tật bẩm sinh và đối tượng có hồ sơ bệnh án hoặc có giấy tờ thể hiện việc điều trị các bệnh theo quy định trước ngày Thông tư 08/2009/TT-BLĐTBXH có hiệu lực. Đến nay, sở đã ra quyết định thực hiện trợ cấp cho gần 400/1.600 hồ sơ theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh. Năm 2011 khi Bộ LĐ-TB và XH có Công văn 1609/LĐTBXH-NCC ngày 23-5-2011 hướng dẫn không tiếp nhận những hồ sơ có bệnh tật nằm ngoài danh mục Quyết định số 09/2008/QĐ-BYT. Cục Người có công có Công văn 548/NCC ngày 06-6-2011 quy định không giải quyết những trường hợp sinh con dị dạng, dị tật mà không mắc những bệnh tật trong danh mục Quyết định 09/2008/QĐ-BYT gây bức xúc và có nhiều dư luận không tốt. Ngày 17-8-2011 sở đã có văn bản báo cáo, kiến nghị UBND tỉnh về việc giải quyết chế độ đối với người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học nêu tại Công văn 1609 và 548 nêu trên.

Tình hình tìm kiếm mộ liệt sỹ bằng phương pháp ngoại cảm gần đây lan truyền nhanh với mức độ không bình thường với những dư luận trái chiều, thiếu cơ sở khoa học, có biểu hiện của hoạt động mê tín, làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, sức khỏe và kinh tế của nhân dân. Trước tình hình này, ngày 12-8-2011 sở đã có công văn số 695/LĐTBXH-NCC hướng dẫn một số nội dung về chương trình thăm viếng tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ. Thân nhân liệt sỹ, cấp uỷ chính quyền địa phương cần  quản lý, giám sát việc cất bốc di chuyển hài cốt liệt sỹ vào nghĩa trang liệt sỹ. Khi tìm hài cốt được cho là của liệt sỹ nên và rất cần giám định để kiểm tra xác định ADN.

Ba là: Việc triển khai chi trả trợ cấp cho người cao tuổi đủ 80 tuổi theo Luật Người cao tuổi và Nghị định 06/2011/NĐ-CP ngày 14-01-2011, sở đã có văn bản đề xuất, chủ động tích cực triển khai sớm việc thực hiện chi trả trợ cấp đối với người cao tuổi theo Luật Người cao tuổi góp phần tích cực vào đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh, qua đó ngành LĐ-TB và XH nói chung và Sở LĐ-TB và XH đã nhận được sự đồng tình của Bộ LĐ-TB và XH cũng như đông đảo đối tượng, người dân địa phương.

Năm 2011 nhiệm vụ của ngành LĐ-TB và XH còn hết sức nặng nề, đòi hỏi toàn thể cán bộ công chức, viên chức toàn ngành, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chủ chốt phải quyết tâm phấn đấu cao hơn nữa. Tập trung triển khai thực hiện quyết liệt, linh hoạt, kịp thời các biện pháp công tác phù hợp với sự chỉ đạo điều hành của tỉnh để hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và Bộ LĐ-TB và XH giao.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Vân Anh (thực hiện)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com