Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ

08:08, 24/08/2011

Trong quá trình hoạt động cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo cán bộ để có một đội ngũ cán bộ vừa có tài vừa có đức, vừa hồng vừa chuyên, tận tuỵ phục vụ nhân dân.

Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Đảng phải nuôi dạy cán bộ, như người làm vườn vun trồng những cây cối quý báu. Phải trọng nhân tài, trọng cán bộ, trọng mỗi một người có ích cho công việc chung của chúng ta”(1). Đảng phải coi việc đào tạo, giúp đỡ cán bộ để phẩm chất và năng lực của họ luôn toả sáng và được bồi đắp trong công việc, cuộc sống. Chính vì lẽ đó, Người khẳng định: “Huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”(2). Gốc có chắc thì cây mới phát triển bền vững, việc đào tạo cán bộ của Đảng được tiến hành có hiệu quả thì mọi công việc khác của Đảng mới thành công. Những chỉ dẫn của Người về công tác đào tạo cán bộ có thể khái quát như sau:

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946. Ảnh: TL
Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946.

1. Đào tạo cán bộ phải thiết thực

Mục đích cuối cùng của việc đào tạo cán bộ là làm cho cán bộ làm việc có hiệu quả. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay”(3). Từ đó, Người phê phán cách đào tạo cán bộ một cách chung chung: “Tuyên truyền huấn luyện không nên nói trên trời dưới đất,

nào là khách quan, chủ quan, nào là tích cực, tiêu cực, không đâu vào đâu cả”(4). Theo Người, với cách dạy như vậy cán bộ không thể áp dụng được vào công việc thực tế của họ. Do đó, Hồ Chí Minh cho rằng nhà trường không nên dạy cái mình có mà phải dạy cái cán bộ cần. Người dùng hình ảnh: “Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ”(5). Làm được như vậy thì việc đào tạo cán bộ mới có hiệu quả, tạo ra sự chuyển biến trong công việc của cán bộ. Bởi nhu cầu kiến thức cần cho công việc được đáp ứng. Người chỉ rõ việc giảng dạy theo nhu cầu của người học là “việc biên soạn các bài giảng phải hoàn toàn căn cứ vào yêu cầu của học viên những đợt huấn luyện trước kết hợp với kinh nghiệm của các giảng viên”(6).

2. Phải chú trọng đào tạo cán bộ về kiến thức chuyên môn

Hồ Chí Minh phê phán cách giáo dục, đào tạo cán bộ xa rời nội dung công tác chuyên môn: “Huấn luyện cho cán bộ trong các cơ quan hành chính mà không đụng đến công việc hành chính”(7). Cách đào tạo cán bộ chỉ có một chương trình cho tất cả các loại cán bộ, không có chương trình riêng cho cán bộ từng ngành, từng cơ quan, đơn vị chẳng khác gì như đem muối bỏ bể, không đem lại kết quả. Để cán bộ biết làm việc thì họ phải được trang bị đầy đủ kiến thức chuyên môn, thành thạo công việc chuyên môn. Cán bộ ở những ngành khác nhau thì kiến thức chuyên môn cũng khác nhau. Do đó, việc đào tạo cán bộ phải gắn với nội dung chuyên môn của mỗi ngành. Người yêu cầu “phải thực hành khẩu hiệu: làm việc gì học việc ấy”... “cán bộ ở môn nào phải học cho thạo công việc ở trong môn ấy”(8). Bên cạnh kiến thức chuyên môn, Người cho rằng phải huấn luyện cán bộ về chính trị, văn hóa, lý luận... một cách hợp lý.

3. Đào tạo cán bộ không chỉ trong nhà trường mà còn trong hoạt động thực tiễn

Lý luận là ngọn đuốc soi đường để hoạt động thực tiễn luôn được tiến hành đúng hướng. Người nói: “Đã lựa chọn đúng cán bộ còn cần phải dạy bảo lý luận cho cán bộ”(9). Lý luận là hệ thống những tri thức được đúc rút, khái quát hoá từ thực tiễn. Người cán bộ cần phải học tập lý luận vì nắm được những tri thức đúng đắn là nắm được chìa khoá mở ra cánh cửa thành công. Nhưng Hồ Chí Minh không đào tạo cán bộ thành những nhà lý luận suông, nói hay nhưng làm dở. Với Người, mục đích cuối cùng của việc đào tạo cán bộ là sau khoá học người cán bộ “có thể tự mình tìm ra phương hướng chính trị có thể làm những công việc thực tế, có thể trở nên người tổ chức và lãnh đạo”(10). Nghĩa là người cán bộ phải biết vận dụng lý luận vào thực tiễn. Vì vậy Người nhấn mạnh “trong lúc học lý luận, phải nghiên cứu công việc thực tế, kinh nghiệm thực tế”(11). Người cán bộ phải học tập trong chính quá trình hoạt động thực tiễn của mình. Theo Người: “Năng lực của người không phải hoàn toàn do tự nhiên mà có mà một phần lớn do công tác, do tập luyện mà có”(12). Do vậy, việc đào tạo cán bộ không chỉ trong nhà trường mà phải mở rộng ra môi trường xã hội rộng lớn với những hoạt động thực tiễn sinh động. Người khẳng định “không phải chỉ ở tại nhà trường, có lên lớp, mới học tập, tu dưỡng, rèn luyện và tự cải tạo được” mà “trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều có thể và đều phải học tập, tự cải tạo”(13). Từ hoạt động thực tiễn sẽ đúc rút kinh nghiệm, tổng kết thành lý luận “thực hành sinh ra hiểu biết, hiểu biết tiến lên lý luận”(14). Chính vì lẽ đó, Người chủ trương “thả cho họ làm, thả cho họ phụ trách, dù sai lầm chút ít cũng không sợ”(15). Thực tế không ít người học ở trường giỏi nhưng ra làm việc thì lại không tốt. Phải chăng đó là do cách đào tạo thiên lệch, không chú trọng đến việc đào tạo trong hoạt động thực tiễn?

4. Đào tạo cán bộ là một quá trình lâu dài và liên tục

Cuộc sống luôn luôn vận động, thay đổi đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới mà con người phải tìm cách giải quyết. Để đáp ứng những yêu cầu, đòi hỏi mới đó con người cần không ngừng tìm tòi, sáng tạo, tiếp thu và cập nhật tri thức mới. Hơn nữa, trong điều kiện bùng nổ thông tin, khi kiến thức, thông tin ngày càng đa dạng và không ngừng tăng lên thì thái độ tự thoả mãn với vốn kiến thức nhỏ hẹp đã có, không chịu học tập thêm sẽ làm cho người ta trở nên lạc hậu, không theo kịp cuộc sống, không đáp ứng được yêu cầu của công việc. Hồ Chí Minh nhắc nhở những người làm công tác đào tạo phải “luôn luôn tìm cách cho họ học thêm lý luận và cách làm việc, làm cho tư tưởng, năng lực của họ ngày càng tiến bộ”(16). Quan điểm này gần gũi với tư tưởng “học, học nữa, học mãi” của V.I.Lênin. Để cán bộ liên tục được bổ sung, cập nhật tri thức mới thì quá trình đào tạo cán bộ không chỉ mở rộng về không gian (học trong nhà trường và trong hoạt động thực tiễn), mà còn phải mở rộng về thời gian. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Không phải vài ba tháng, hoặc vài ba năm, mà đào tạo được một cán bộ tốt. Nhưng cần phải công tác, tranh đấu, huấn luyện lâu năm mới được”(17).

Những chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về đào tạo cán bộ luôn nóng bỏng tính thời sự. Bởi lẽ trong đào tạo cán bộ của chúng ta hiện nay vẫn còn tồn tại những thiếu sót, hạn chế mà từ lâu Người đã nhắc nhở. Những quan điểm sáng suốt của Người ngày càng thể hiện tính đúng đắn, có vai trò dẫn dắt hoạt động thực tiễn của chúng ta ngày nay.

------------------------------
(1) Hồ Chí Minh toàn tập, NXBCTQG, H.2000, tập 5, tr.273. (2) Sđd, tập 5, tr.269. (3) Sđd, tập 5, tr.303. (4) Sđd, tập 11, tr.129. (5) Sđd, tập 6, tr.48. (6) Sđd, tập 3, tr.456. (7) Sđd, tập 5, tr.269. (8) Sđd, tập 5, tr.270. (9) Sđd, tập 5, tr.276. (10, 11) Sđd, tập 5, tr.272. (12) Sđd, tập 5, tr.280. (13) Sđd, tập 9, tr.284. (14) Sđd, tập 6, tr.247. (15, 16) Sđd, tập 5, tr.276. (17) Sđd, tập 5, tr.282.

Theo: Tạp chí Xây dựng Đảng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com