Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2011-2015

08:08, 05/08/2011

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, LÀNG NGHỀ Ở NÔNG THÔN

Trong giai đoạn 2006-2010, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn của tỉnh đã có những bước phát triển: Giá trị sản lượng có tốc độ tăng khá cao, đạt bình quân 23,2%/năm; năm 2010 tăng 2,85 lần so với năm 2005 và chiếm 50,4% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh. Đã có 139 xã (65%) có giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm trên 10% tổng giá trị sản xuất của địa phương. Tỉnh đã và đang xây dựng hạ tầng 20 cụm công nghiệp trên địa bàn nông thôn với tổng diện tích 338,9ha, thu hút 376 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 2.207 tỷ đồng, tạo việc làm cho 11.600 lao động; tỷ lệ thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp đạt 64,65%. Nhiều cơ sở sản xuất mới được thành lập. Các làng nghề được duy trì và phát triển, đến nay đã có 94 làng nghề (trong đó có 18 làng nghề truyền thống), tạo việc làm cho 41.875 lao động. Quy mô sản xuất; trình độ công nghệ, thiết bị, quản lý; cơ cấu sản phẩm và thị trường tiêu thụ của các cơ sở sản xuất và làng nghề từng bước được mở rộng, đổi mới và nâng cao hơn. Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn đã có đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và toàn tỉnh.

Tuy nhiên, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn còn một số hạn chế chính là: Sản xuất, nhất là sản xuất làng nghề chủ yếu là tự phát, chưa bền vững, hiệu quả thấp; chưa có tác động mạnh mẽ tới chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động ở địa bàn nông thôn. Còn ít doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô lớn, trình độ công nghệ, thiết bị và khả năng quản lý tiên tiến. Các dự án đầu tư vào một số lĩnh vực tỉnh có tiềm năng như: Chế biến nông, thuỷ hải sản, dịch vụ... còn hạn chế. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở cơ sở sản xuất, làng nghề còn khá phổ biến, có nơi đã ở mức nghiêm trọng.

Những hạn chế trên chủ yếu là do: Quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề chưa thống nhất, đồng bộ; chất lượng chưa cao. Hệ thống kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực phục vụ phát triển sản xuất chưa đáp ứng nhu cầu. Khả năng tiếp cận các nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý tiên tiến và thị trường tiêu thụ của các cơ sở sản xuất còn hạn chế. Vai trò trợ giúp, hướng dẫn của cơ quan quản lý Nhà nước chưa thật rõ.

II. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP, LÀNG NGHỀ Ở NÔNG THÔN GIAI ĐOẠN 2011-2015

1. Quan điểm phát triển

Phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn cần đảm bảo:
- Thống nhất với định hướng phát triển ngành công nghiệp và các vùng kinh tế của tỉnh.
- Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

- Gắn phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với phát triển văn hoá, du lịch nhằm bảo tồn sản phẩm, làng nghề truyền thống và văn hoá làng nghề.

- Bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ nhân dân và người lao động.

2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề ở nông thôn nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, tăng thu ngân sách của các xã; tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người nông dân, góp phần đẩy mạnh việc tích tụ ruộng đất; tạo điều kiện cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, góp phần hình thành các doanh nghiệp nông thôn; thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

- Giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề trên địa bàn nông thôn giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 25%/năm trở lên, đến năm 2015 đạt 14.320 tỷ đồng (theo giá cố định 1994), đạt 34.830 tỷ đồng (theo giá hiện hành) chiếm tỷ trọng 55% trở lên trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh.

- Đến năm 2015, có 80% số xã có giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ 10% trở lên; trong đó phấn đấu 100% số xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh có nghề, làng nghề, sản phẩm chủ yếu, có giá trị sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp từ 15% trở lên; 100% làng nghề tiểu thủ công nghiệp hiện có đạt tiêu chí làng nghề của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Giải quyết thêm việc làm cho khoảng 50.000 lao động, đưa tổng số lao động sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn lên 161.000 người.

3. Nhiệm vụ

3.1. Tập trung phát triển các cụm, điểm công nghiệp trên địa bàn nông thôn tạo mặt bằng cho các dự án đầu tư

- Tiếp tục xây dựng hạ tầng và thu hút các dự án đầu tư lấp đầy các cụm công nghiệp hiện có và mở rộng một số cụm công nghiệp hiện đã lấp đầy.

- Triển khai xây dựng các cụm công nghiệp mới theo quy hoạch khi có đủ điều kiện.

- Xây dựng các điểm công nghiệp tại các địa phương có khả năng phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề với quy mô mỗi điểm công nghiệp từ 1,5ha đến 2ha.

- Khuyến khích các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất, thành lập mới doanh nghiệp, hỗ trợ và hợp tác đầu tư sản xuất kinh doanh tại địa bàn nông thôn và làng nghề.

3.2. Phát triển nghề, làng nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Bảo tồn, phát triển các làng nghề truyền thống, đa dạng ngành nghề phù hợp với thị trường và đặc điểm của từng địa phương, phấn đấu tất cả các xã đều có nghề. Áp dụng tiến bộ kỹ thuật, cơ giới hoá một số công đoạn sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng để mở rộng tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

- Phát triển làng nghề gắn với du lịch nhằm đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ hàng thủ công mỹ nghệ, đặc biệt đối với làng nghề truyền thống để mở rộng thị trường và quảng bá sản phẩm.

3.3. Phát triển doanh nghiệp ở nông thôn

Khuyến khích các hộ, nhóm hộ sản xuất, các tổ hợp tác... phát triển thành doanh nghiệp, hợp tác xã công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở nông thôn, nhất là ở các xã xây dựng nông thôn mới.

4. Các nhóm giải pháp chủ yếu

4.1. Nhóm giải pháp quy hoạch, kế hoạch

Tổ chức triển khai thực hiện tốt các Quy hoạch phát triển công nghiệp, Quy hoạch sản xuất vật liệu xây dựng giai đoạn 2011-2020; xây dựng Quy hoạch phát triển làng nghề gắn với quy hoạch nông thôn mới.

4.2. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

 - Vận dụng, tổ chức thực hiện hiệu quả các cơ chế chính sách khuyến khích hiện có của Trung ương đối với sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề.

- Điều chỉnh, bổ sung, xây dựng mới các cơ chế chính sách ưu đãi đủ mạnh để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn nông thôn trong các lĩnh vực: đất đai, vốn, thuế, đào tạo nghề, đổi mới công nghệ; giải quyết ô nhiễm môi trường; các dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ cao.

- Khuyến khích tạo điều kiện để các làng nghề, các cụm công nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

4.3. Nhóm giải pháp về nguồn lực cho phát triển

- Tích cực huy động các nguồn vốn: Vốn ngân sách Nhà nước, vốn của các thành phần kinh tế trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và các nguồn vốn hợp pháp khác; lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn này cho đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn.

- Tạo điều kiện phát triển đa dạng về quy mô, loại hình doanh nghiệp, ngành nghề trên địa bàn nông thôn.

- Triển khai các chương trình ứng dụng: Xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; chuyển giao, đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật cho một số ngành nghề ưu tiên.

- Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2011-2020 và Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020". Tổ chức đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp.

- Công nhận làng nghề, nghệ nhân, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất, làng nghề được thụ hưởng các chính sách khuyến khích phát triển ngành nghề nông thôn và xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm, làng nghề.

4.4. Nhóm giải pháp về môi trường

- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức kiểm tra xử lý các vi phạm về môi trường tại các cụm, điểm công nghiệp và làng nghề.

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, làng nghề đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý rác thải, chất thải rắn, lỏng, khí trước khi thải ra môi trường.

4.5. Nhóm giải pháp về hành chính, quản lý

  - Thực hiện công khai về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như các tài liệu về quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành kinh tế... của tỉnh.

- Tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính theo hướng: Minh bạch, đơn giản, thông thoáng, công khai.

- Tăng cường vai trò định hướng, hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trong phạm vi địa phương, đơn vị mình.

2. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết; hàng năm tổ chức sơ kết và 5 năm tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt Nghị quyết.

4. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Văn phòng Tỉnh uỷ hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra thực hiện Nghị quyết và thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

 Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ đảng./.

T/M BAN CHẤP HÀNH
BÍ THƯ
(Đã ký)
Phạm Hồng Hà


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com