Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo

08:08, 03/08/2011

LTS: Ngày 25-7-2011, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành 7 Nghị quyết lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên một số lĩnh vực trong toàn khoá (2011-2015) và những năm tiếp theo. Từ số này , Báo Nam Định lần lượt đăng toàn văn 7 Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh.

Quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 22-02-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá X) về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, Chương trình công tác toàn khoá của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2010-2015, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết về nâng cao chất lượng cán bộ xã, phường, thị trấn (gọi tắt là cán bộ cấp xã) từ năm 2011-2015 và những năm tiếp theo.

I. TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CẤP XÃ

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ và các cấp uỷ đảng, đội ngũ cán bộ cấp xã trong tỉnh tiếp tục được quan tâm xây dựng, củng cố, kiện toàn. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ cấp xã đủ về số lượng; trình độ chuyên môn, lý luận chính trị; năng lực lãnh đạo, tổ chức điều hành nhiệm vụ từng bước được nâng lên; đa số được đào tạo, rèn luyện, trưởng thành từ thực tiễn; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác, khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đạt được kết quả trên là do các cấp ủy đảng đã chú trọng quán triệt, triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước về công tác tổ chức, cán bộ; Nghị định số 92/2010-NĐ/CP của Chính phủ; Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 06-8-2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh "về xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo", đã tạo điều kiện thuận lợi, động viên đội ngũ cán bộ cơ sở yên tâm, phấn đấu công tác tốt; công tác cán bộ từng bước được đổi mới, nâng cao chất lượng, ngày càng đảm bảo dân chủ và đi vào nề nếp. Đa số cán bộ có ý thức phấn đấu, rèn luyện, tu dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ...

Tuy nhiên, trước yêu cầu nhiệm vụ mới, công tác xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã có mặt còn hạn chế: Ở một số địa phương, chất lượng công tác quy hoạch cán bộ thấp, gặp khó khăn về đội ngũ cán bộ thay thế, kế cận. Một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm, chưa thật sự tâm huyết với công việc, năng lực hoạt động thực tiễn hạn chế, sa sút về phẩm chất, lối sống. Tỷ lệ cán bộ chưa đạt quy định tiêu chuẩn theo chức danh còn cao; tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ còn thấp...

Nguyên nhân chính của những hạn chế yếu kém là:

Một số cấp ủy và người đứng đầu chưa nhận thức đúng tầm quan trọng của công tác cán bộ cơ sở, chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các khâu của công tác cán bộ. Việc bồi dưỡng, đào tạo cán bộ theo chức danh chưa tốt. Chế độ, chính sách đối với cán bộ cơ sở có điểm còn bất cập, điều kiện làm việc ở một số địa phương còn khó khăn, ảnh hưởng đến tư tưởng cán bộ, chưa tạo được sức thu hút những người có trình độ, năng lực về công tác cơ sở. Công tác kiểm điểm, tự phê bình, phê bình, đánh giá cán bộ hàng năm ở một số tổ chức đảng chưa nề nếp và nghiêm túc.

II. PHƯƠNG HƯỚNG, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG CÁN BỘ  XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN

A. PHƯƠNG HƯỚNG

Tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương về công tác cán bộ; Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XVII) về "Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ năm 2007 đến năm 2015 và những năm tiếp theo"; xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã từng bước trẻ hoá, chuẩn hoá, đủ số lượng, có chất lượng, cơ cấu hợp lý và đủ khả năng hoàn thành tốt chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chính trị của địa phương.

B. MỤC TIÊU

1. Nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, tinh thần trách nhiệm

 Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng; có lối sống lành mạnh; gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương, gương mẫu làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; luôn đề cao tinh thần trách nhiệm, tâm huyết, hết lòng phục vụ nhân dân.

2. Nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện nhiệm vụ

 Nâng cao khả năng xử lý, giải quyết các vấn đề thực tiễn ở cơ sở của thường trực cấp uỷ, trưởng các đoàn thể trong việc triển khai, thực hiện Nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của các đoàn thể chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp uỷ đảng; hiệu quả hoạt động của HĐND; hiệu quả quản lý, điều hành của UBND; hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. Phấn đấu hàng năm 85% trở lên cán bộ cấp xã được đánh giá hoàn thành tốt và xuất sắc nhiệm vụ.

3. Xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã đạt chuẩn, từng bước vượt chuẩn các chức danh theo quy định

3.1. Đối với cán bộ chủ chốt (bí thư, phó bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND, phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND)

Năm 2013 trở đi, 100% cán bộ chủ chốt cấp xã phải đạt chuẩn theo quy định và được bồi dưỡng theo chức danh.

Phấn đấu, đến năm 2015: 25% trở lên đạt trình độ chuyên môn đại học, cao đẳng; 10% trở lên đạt trình độ cao cấp chính trị; 100% bí thư đảng uỷ, chủ tịch HĐND, UBND và 60-70% cán bộ chủ chốt cấp xã đương nhiệm được bồi dưỡng theo chức danh và biết sử dụng máy vi tính trong công tác quản lý.

3.2. Đối với chủ tịch Mặt trận Tổ quốc, chủ tịch Hội Cựu chiến binh, chủ tịch Hội Phụ nữ, chủ tịch Hội Nông dân, bí thư Đoàn Thanh niên

 Đến năm 2015: 100% tốt nghiệp trung học phổ thông; 80% có trình độ chuyên môn trung cấp trở lên (trong đó 10% trở lên có trình độ đại học, cao đẳng); 80% có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên (trong đó 5% trở lên đạt trình độ cao cấp chính trị); 100% cán bộ đoàn thể được bồi dưỡng theo chức danh và biết sử dụng máy vi tính trong công tác quản lý.

Về tiêu chuẩn tuổi và trình độ chuyên môn Bí thư Đoàn Thanh niên cấp xã thực hiện theo Quyết định số 289-QĐ/TW ngày 08-02-2010 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về "Quyết định về việc ban hành Quy chế cán bộ Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh".

4. Tăng cường tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ

Thực hiện một số giải pháp như: Sắp xếp, điều động, bố trí, luân chuyển cán bộ; chính sách đãi ngộ đối với cán bộ nghỉ công tác trước tuổi về hưu, công tác tư tưởng... để đạt được các mục tiêu sau:

- Đối với cán bộ chủ chốt cấp xã đến năm 2014: 50% số xã có tỷ lệ cán bộ nữ đạt 20% trở lên; cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) đạt 20% trở lên (mỗi xã có ít nhất 1 cán bộ nữ, 1 cán bộ trẻ).

- Đối với cán bộ trưởng, phó Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp xã đến năm 2014: 50% số xã có tỷ lệ cán bộ nữ 40% trở lên; cán bộ trẻ (dưới 35 tuổi) đạt 30% trở lên (mỗi xã có ít nhất 4 cán bộ nữ, 3 cán bộ trẻ).

C. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Nâng cao chất lượng tuyển dụng cán bộ, công chức

Đẩy mạnh việc tuyển dụng sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên môn phù hợp về công tác tại xã, phường, thị trấn. Từ năm 2012 chỉ tuyển dụng vào công chức cấp xã những người đã tốt nghiệp trung cấp chuyên môn hệ chính quy trở lên phù hợp với chuyên ngành cần tuyển dụng, có đạo đức tốt, đủ sức khỏe. Chỉ đưa vào quy hoạch cán bộ và giới thiệu để bầu vào chức danh cán bộ những người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và có trình độ trung cấp chính trị hoặc chuyên môn, nghiệp vụ theo quy định, có điều kiện và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đến năm 2013, kiên quyết đưa ra khỏi chức danh đương nhiệm cán bộ cấp xã không đạt chuẩn theo quy định.

2. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng chuẩn hoá, gắn với quy hoạch

2.1. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

 Các cấp uỷ xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cấp xã của địa phương trong từng năm và cả nhiệm kỳ để đảm bảo thực hiện mục tiêu Nghị quyết đề ra. Gắn việc đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn với giáo dục phẩm chất, ý thức tinh thần trách nhiệm của cán bộ khi thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

2.2. Xây dựng và thực hiện Đề án bồi dưỡng cán bộ theo chức danh nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho cán bộ đương nhiệm và trong quy hoạch, nhất là chức danh bí thư đảng uỷ và chủ tịch HĐND, UBND cấp xã.

2.3. Nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Chính trị Trường Chinh và các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện

Nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên; từng bước thực hiện chuẩn hoá đội ngũ giảng viên; đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường quản lý chất lượng đào tạo; tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho dạy và học; tăng cường phối hợp với một số trường cao đẳng, đại học trong công tác đào tạo cán bộ cấp xã.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các khâu của công tác cán bộ, bảo đảm thực sự dân chủ, công khai

3.1. Thực hiện tốt công tác đánh giá cán bộ theo định kỳ hoặc hàng năm trước khi quy hoạch, giới thiệu ứng cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển

Việc đánh giá cán bộ phải đảm bảo nội dung, quy trình theo quy định, đảm bảo công khai, dân chủ; trong đó chú ý các nội dung: Kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; khả năng quy tụ, đoàn kết phát huy sức mạnh tập thể; năng lực thực tiễn, khả năng đảm đương nhiệm vụ trước mắt và triển vọng phát triển lâu dài, yêu cầu bồi dưỡng kiến thức…

Gắn đánh giá cán bộ với công tác tự phê bình, phê bình và thực hiện nghiêm túc việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND bầu theo Điều 26 Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; chú trọng quán triệt tư tưởng và có cách làm phù hợp để đảm bảo kết quả phản ánh đúng thực chất và tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý phê bình cán bộ chủ chốt do HĐND bầu và chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường.

Từng địa phương cần thực hiện nghiêm túc quy chế, quy trình, nội dung đánh giá cán bộ theo quy định của cấp trên, đồng thời chú trọng xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá cán bộ. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm khuyết điểm; cán bộ 2 năm liền không hoàn thành nhiệm vụ được giao; cán bộ có kết quả lấy phiếu tín nhiệm đạt dưới 50%. Xem xét việc tiếp tục giữ chức vụ đương nhiệm và bố trí phù hợp đối với cán bộ có kết quả lấy phiếu tín nhiệm 2 lần liên tục từ 50-60%.

3.2. Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, công tác bố trí, sử dụng cán bộ

Thực hiện tốt công tác xây dựng và rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ theo quy định. Không đưa vào quy hoạch những người chưa đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị theo quy định; cán bộ chủ chốt do HĐND bầu và chức danh chủ tịch, phó chủ tịch UBND phường có kết quả lấy phiếu tín nhiệm trong 2 lần liên tục chỉ đạt 50-60%.

Việc đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, sắp xếp cán bộ phải trên cơ sở quy hoạch cán bộ và khả năng hoàn thành nhiệm vụ; mạnh dạn bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ được đào tạo cơ bản, đã thử thách trong thực tiễn, có triển vọng phát triển; đồng thời kiên quyết không bố trí sử dụng những cán bộ không có điều kiện, khả năng hoàn thành nhiệm vụ.

3.3. Đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ

Các huyện uỷ, thành uỷ phải xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ cụ thể trong nhiệm kỳ. Tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo quản lý phòng, ban, ngành cấp huyện, nhất là cán bộ nữ, cán bộ trẻ về giữ các chức danh cán bộ chủ chốt cấp xã và cán bộ chủ chốt cấp xã có đủ điều kiện về công tác tại các phòng, ban, ngành của huyện. Từng bước thực hiện luân chuyển cán bộ chủ chốt từ địa phương này đến công tác tại địa phương khác. Kiên quyết xử lý đối với những người không chấp hành chủ trương điều động, luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền.

3.4. Tạo sự chuyển biến mới trong công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ

Chú trọng quy hoạch, đào tạo cán bộ nữ, cán bộ trẻ có đủ tiêu chuẩn; đến năm 2014, những địa phương không tạo được nguồn và sắp xếp cán bộ phù hợp để phấn đấu đạt tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ trong đội ngũ cán bộ chủ chốt theo điểm 4, mục B của Nghị quyết này thì phải điều động, luân chuyển cán bộ cấp huyện xuống.

  4. Rà soát, bổ sung, hoàn thiện và thực hiện nghiêm túc quy chế làm việc của các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở

 Xây dựng và thực hiện nghiêm quy chế làm việc theo nguyên tắc Đảng, quy định của pháp luật và điều lệ của các đoàn thể chính trị - xã hội. Thực hiện tốt Pháp lệnh Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; bảo đảm công khai, dân chủ trong hoạt động; xác định rõ trách nhiệm cá nhân trong lãnh đạo, điều hành và giải quyết các công việc. Cấp uỷ xã, phường, thị trấn nêu cao vai trò, trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương; đổi mới việc ban hành và thực hiện nghị quyết của đảng uỷ theo hướng thiết thực, cụ thể.

5. Xây dựng và thực hiện một số chính sách liên quan

Xây dựng một số chế độ, chính sách cụ thể đối với những cán bộ cấp xã thôi công tác trước tuổi về hưu do chưa đạt chuẩn và năng lực, trình độ hạn chế, tuổi đời cao (nam trên 55 tuổi; nữ trên 50 tuổi); chế độ hỗ trợ cho cán bộ luân chuyển; chính sách thu hút sinh viên tốt nghiệp đại học chính quy có chuyên ngành phù hợp về công tác ở cơ sở...

 Tăng cường cơ sở, vật chất, trang thiết bị và các phương tiện làm việc cần thiết để phục vụ chung cho hoạt động của cả hệ thống chính trị ở cơ sở.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp ủy đảng có trách nhiệm quán triệt, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết trong phạm vi địa phương, đơn vị mình; hàng năm, tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung kịp thời các giải pháp để thực hiện có hiệu quả, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy viên, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong việc thực hiện Nghị quyết.

2. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch, chính sách để nâng cao chất lượng cán bộ cấp xã, đảm bảo thực hiện các mục tiêu của Nghị quyết, nhất là kế hoạch đào tạo, chính sách luân chuyển, nghỉ việc chờ hưu…

3. Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này, định kỳ hàng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

4. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân cấp dưới phát huy vai trò của tổ chức mình trong việc tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp xã vững mạnh.

5. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị quyết, thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Nghị quyết này được phổ biến đến các Chi bộ.

T/M BAN CHẤP HÀNH
BÍ THƯ
(Đã ký)
Phạm Hồng Hà

 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com