Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao

07:08, 15/08/2011
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH
về Phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao
 

 

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN GIÁO DỤC ĐÀO TẠO

Trong những năm qua, giáo dục - đào tạo Nam Định đã liên tục phát triển và giành nhiều kết quả to lớn, góp phần trực tiếp thực hiện mục tiêu “nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” cho đất nước.

Quy mô trường, lớp không ngừng được mở rộng, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học ổn định, từng bước được nâng cao. Toàn tỉnh đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học năm 1991, phổ cập giáo dục trung học cơ sở (THCS) năm 2001 và đang thực hiện phổ cập giáo dục bậc trung học phổ thông. Trong 3 năm học gần đây, Nam Định dẫn đầu toàn quốc về tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) và điểm bình quân thi vào đại học. Công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi được chú trọng. Chất lượng học sinh giỏi hàng năm được nâng cao. Trong nhiều năm, Nam Định trong tốp các địa phương đứng đầu cả nước về tỷ lệ và chất lượng học sinh giỏi quốc gia. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục từng bước được củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng.

Hệ thống các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học trên địa bàn tỉnh được mở rộng, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và một số địa phương trong khu vực.

Bên cạnh những thành tích, giáo dục - đào tạo Nam Định còn một số khó khăn, hạn chế:

Chất lượng giáo dục toàn diện giữa các huyện, thành phố, giữa các loại hình trường chưa đồng đều. Chất lượng dạy và học môn ngoại ngữ và môn tin học còn thấp. Công tác đào tạo học sinh giỏi cấp THCS chưa có chuyển biến mạnh, nguồn học sinh tuyển vào trường THPT chuyên Lê Hồng Phong có xu hướng giảm. Số học sinh đạt điểm tối đa trong kỳ thi tuyển vào đại học chưa nhiều. Số học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế còn ít, chưa có huy chương vàng. Công tác phân luồng học sinh sau THCS còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chất lượng giáo dục nghề nghiệp và đại học ở một số trường chưa cao...

Nguyên nhân của những hạn chế:

Công tác quản lý hệ thống giáo dục, nhất là việc phân cấp quản lý, cơ chế quản lý tài chính, công tác cán bộ, công tác quản lý chất lượng giáo dục còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Chế độ, chính sách ưu đãi chưa động viên được đội ngũ giáo viên dạy học sinh giỏi thực sự tâm huyết với công việc. Cơ sở vật chất kỹ thuật ở nhiều cơ sở giáo dục đào tạo còn thiếu thốn, lạc hậu: Một số trường học không đủ diện tích, các phòng học chức năng, trang thiết bị còn thiếu, chưa đảm bảo chất lượng. Đội ngũ giảng viên ở các cơ sở giáo dục chuyên nghiệp còn thiếu và không đồng bộ. Nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học chậm đổi mới, chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội.

II. MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC - ĐÀO TẠO CHẤT LƯỢNG CAO
1. Mục tiêu
1.1. Mục tiêu chung

Trên cơ sở nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục đào tạo đại trà, xây dựng và phát triển một số cơ sở giáo dục đào tạo có chất lượng cao tiếp cận với chuẩn mực của trình độ giáo dục tiên tiến trong khu vực và thế giới, có các điều kiện, yêu cầu cao hơn so với trường chuẩn quốc gia về cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, đội ngũ nhà giáo, phương pháp dạy - học, chất lượng giáo dục nhằm đào tạo, bồi dưỡng những học sinh có tư chất, kết quả học tập tốt thành những người có đủ phẩm chất, năng lực bổ sung vào nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó, tạo bước chuyển cơ bản về chất lượng giáo dục chung của tỉnh theo hướng từng bước tiếp cận với trình độ tiên tiến trong nước và thế giới.       

1.2. Mục tiêu cụ thể đến 2015

- Đối với giáo dục phổ thông: Ở mỗi huyện, thành phố xây dựng 1-2 trường THCS chất lượng cao, riêng Thành phố Nam Định xây dựng thí điểm 2-3 trường tiểu học chất lượng cao. Toàn tỉnh lựa chọn, xây dựng 4-5 trường THPT chất lượng cao.

- Đối với giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học: Xây dựng một số khoa hoặc 2-3 trường đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng của tỉnh đạt tương đương các trường có uy tín cùng trình độ đào tạo ở trong nước.

- Chuẩn bị các điều kiện bước đầu hình thành khu đại học tập trung gắn với các cơ sở nghiên cứu khoa học và sản xuất sản phẩm công nghệ cao.

2.  Nhiệm vụ

- Tiếp tục nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo. Xây dựng quy hoạch, từng bước hình thành hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao đối với giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học trong toàn tỉnh; trước mắt, lựa chọn một số trường có thành tích giáo dục đào tạo ở các cấp học, ngành học, xây dựng thành các trường chất lượng cao. Xây dựng trường chất lượng cao cấp dưới là cơ sở để xây dựng trường chất lượng cao ở bậc học cấp trên, nhất là về nguồn và chất lượng học sinh.

- Xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, vững về chính trị, tư tưởng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ; đổi mới toàn diện các hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục chất lượng cao.

- Tập trung nguồn lực, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu của cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao.

3. Giải pháp
3.1. Các  giải pháp về tổ chức, quản lý

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ đảng đối với công tác giáo dục - đào tạo, củng cố và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục. Nghiên cứu, xây dựng quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao ở các huyện, thành phố và toàn tỉnh.

Xây dựng tiêu chí, quy chế hoạt động, chính sách đối với các trường chất lượng cao phù hợp với quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tình hình thực tế của địa phương, tạo sự thống nhất trong công tác chỉ đạo triển khai thực hiện.

 3.2. Các giải pháp về xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục

Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 15-6-2004 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg ngày 01-01-2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục”. Trước mắt tập trung xây dựng đội ngũ giáo viên có đủ năng lực chuyên môn, sư phạm và đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục; nhất là đối với cơ sở giáo dục chất lượng cao. Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đảm bảo chất lượng.

 Ưu tiên bố trí cán bộ quản lý và giáo viên giỏi cho các trường chất lượng cao, đồng thời phải chú trọng bảo đảm chất lượng giáo viên, cán bộ quản lý của toàn ngành, từng bước nâng cao đồng đều chất lượng giáo dục giữa các trường và khu vực. Xây dựng chính sách đãi ngộ đối với giáo viên giỏi. Tạo điều kiện cho cán bộ quản lý, giáo viên các trường chất lượng cao được đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, bồi dưỡng về chính trị tư tưởng. Xây dựng chương trình, kế hoạch đưa cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh, sinh viên tham gia trao đổi kinh nghiệm, nghiên cứu, học tập chuyên môn, nghiệp vụ tại các cơ sở giáo dục đào tạo có uy tín trong và ngoài nước. Khuyến khích các nhà giáo đi sâu nghiên cứu, tổng kết và áp dụng những thành tựu của khoa học sư phạm tiên tiến.

3.3. Các giải pháp về đổi mới phương pháp và chương trình giáo dục - đào tạo

Các trường chất lượng cao phải là cơ sở giáo dục đi đầu trong công tác đổi mới phương pháp giáo dục.

Tăng cường giáo dục truyền thống, giáo dục đạo đức lối sống, giáo dục pháp luật cho học sinh, sinh viên. Tổ chức cho học sinh, sinh viên tham gia các hoạt động xã hội, văn hoá - thể thao phù hợp với lứa tuổi và yêu cầu giáo dục toàn diện.

Tích cực đổi mới phương pháp dạy - học, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên. Coi trọng thực hành, thí nghiệm, giáo dục phải hài hoà giữa truyền thụ kiến thức và rèn kỹ năng cho học sinh, sinh viên. Nâng cao chất lượng dạy - học môn tiếng Anh và môn Tin học trong cơ sở giáo dục chất lượng cao, từng bước thí điểm dạy song ngữ một số môn ở trường chất lượng cao.

Đổi mới phương pháp kiểm tra, đánh giá học sinh, sinh viên nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên phát huy khả năng sáng tạo trong học tập và gắn với thực tiễn.       

3.4. Các giải pháp về cơ chế - chính sách

Ưu tiên bố trí vốn của các chương trình mục tiêu và ngân sách Nhà nước để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho trường chất lượng cao. Nâng mức chi ngân sách thường xuyên cho trường chất lượng cao cao hơn các trường đại trà. Đảm bảo các trường có đủ diện tích, phòng học, phòng chức năng, các công trình phụ trợ khác theo yêu cầu của trường chất lượng cao. 

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục. Tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ, huy động sự đóng góp tự nguyện của phụ huynh học sinh theo quy chế dân chủ. Phát huy vai trò của Hội cha mẹ học sinh tham gia công tác giáo dục, tạo thêm nguồn lực để phát triển nhà trường, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh.

 Tranh thủ sự giúp đỡ của Trung ương, đưa khu đại học tập trung ở Thành phố Nam Định vào quy hoạch phát triển mạng lưới các trường đại học toàn quốc. Nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách để tạo nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và thu hút các trường đại học, cao đẳng, các cơ sở nghiên cứu khoa học, triển khai đầu tư từng bước hình thành khu đại học tập trung. Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các quy định của địa phương về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực giáo dục đào tạo. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị giảng dạy cho trường chất lượng cao. Tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục, đào tạo trong và ngoài nước liên kết đào tạo, tham gia giảng dạy tại các trường chất lượng cao hoặc thành lập các cơ sở giáo dục đào tạo chất lượng cao trên địa bàn tỉnh.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 1. Cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trong phạm vi địa phương, đơn vị mình.

 2. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết; hàng năm tổ chức sơ kết và 5 năm tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

 3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt Nghị quyết.

4. Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh uỷ đôn đốc, kiểm tra và thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ.

T/M BAN CHẤP HÀNH
BÍ THƯ
(Đã ký)
Phạm Hồng Hà
[links()]


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com