Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển kinh tế trang trại, gia trại giai đoạn 2011-2015

08:08, 08/08/2011
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH
 về Phát triển kinh tế trang trại, gia trại giai đoạn 2011-2015

 

I. TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI, GIA TRẠI GIAI ĐOẠN 2006-2010

Trong những năm qua, quán triệt và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế trang trại, gia trại, kinh tế trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển quan trọng: Số lượng tăng nhanh (Năm 2010 có 1.265 trang trại, tăng 338 trang trại so với năm 2006; trong đó có 196 trang trại đạt tiêu chí mới theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn); quy mô ngày càng lớn (bình quân mỗi trang trại có tổng vốn đầu tư khoảng 300-400 triệu đồng; giá trị sản xuất khoảng 250-300 triệu đồng; có một số trang trại quy mô lớn, đạt doanh thu từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng trở lên; tổng giá trị sản xuất của kinh tế trang trại năm 2010 đã đạt trên 350 tỷ đồng). Ngành nghề, phương thức sản xuất và sản phẩm khá đa dạng.

Kinh tế trang trại, gia trại phát triển đã góp phần khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của các địa phương; phát huy tính cần cù, năng động và nguồn vốn trong nông dân; góp  phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân; đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn.

Tuy nhiên, kinh tế trang trại còn những tồn tại, hạn chế:

Đa số các trang trại hình thành và phát triển tự phát, chưa theo quy hoạch. Một số trang trại quy mô nhỏ, chưa đảm bảo các tiêu chí quy định mới; vốn đầu tư phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn thấp. Nhìn chung, hiệu quả sản xuất kinh doanh của các trang trại chưa cao; chủ yếu mới chỉ dừng lại ở khâu sản xuất, sơ chế, chưa gắn với bảo quản, chế biến; chưa tạo được sản phẩm hàng hoá khối lượng lớn, chất lượng sản phẩm chưa cao, thị trường tiêu thụ sản phẩm không ổn định. Năng lực tổ chức quản lý, trình độ kỹ thuật công nghệ sản xuất của đa số các trang trại còn thấp; công tác quản lý, kiểm soát chất lượng, ý thức phòng ngừa dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh của các chủ trang trại và người lao động chưa tốt, còn để ô nhiễm môi trường, dễ phát sinh dịch bệnh.

Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế là:

Quy hoạch phát triển trang trại, gia trại còn bất cập, chưa gắn với quy hoạch phát triển sản xuất, chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định. Chưa khuyến khích huy động được nhiều vốn trong dân và các thành phần kinh tế. Các chủ trang trại, gia trại gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, kiến thức khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm quản lý và thị trường. Trung ương và tỉnh chưa có nhiều chính sách khuyến khích kinh tế trang trại, gia trại. Một số quy định về đất đai chưa phù hợp...

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ TRANG TRẠI, GIA TRẠI GIAI ĐOẠN 2011-2015

1. Quan điểm chỉ đạo

- Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế, các hộ tư nhân phát triển kinh tế trang trại, gia trại nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả đất đai, lao động, vốn, kỹ thuật, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hoá, tăng khối lượng sản phẩm phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

- Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại phải gắn với quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, quy hoạch xây dựng nông thôn mới và sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn.

- Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế trang trại, gia trại. Tập trung phát triển trang trại, chỉ khuyến khích phát triển các gia trại nằm ngoài các khu dân cư. Chú trọng phát triển các trang trại, gia trại có quy mô vừa và nhỏ, phù hợp với khả năng đầu tư về vốn, lao động, trình độ quản lý của các chủ trang trại và các hộ nông dân. Đồng thời khuyến khích tạo điều kiện phát triển một số trang trại quy mô lớn.

- Ưu tiên giao đất, cho thuê đất để phát triển kinh tế trang trại đối với những tổ chức, cá nhân có vốn, có kinh nghiệm sản xuất và quản lý, có yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất nông nghiệp hàng hoá, ổn định và lâu dài. Khuyến khích, ưu tiên giao đất, cho thuê đất cho các chủ trang trại đầu tư khai thác và sử dụng các loại đất hoang hoá, các vùng ruộng đất bị nhiễm mặn, ao, hồ, bãi bồi ven sông, ven biển để sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tạo bước phát triển mạnh về kinh tế trang trại, gia trại nâng cao sự đóng góp và tác động của kinh tế trang trại, gia trại trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, sử dụng đất nông nghiệp có hiệu quả, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

- 100% số xã, thị trấn có sản xuất nông nghiệp đều có trang trại theo tiêu chí mới và gia trại tập trung ngoài khu dân cư có giá trị sản phẩm hàng hoá mỗi năm từ 500 triệu đồng trở lên/gia trại.

- Các xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2015 mỗi xã có từ 3 trang trại và gia trại tập trung ngoài khu dân cư trở lên.

- Toàn tỉnh có 1.500 trang trại, gia trại tập trung, trong đó có 292 trang trại đạt tiêu chí mới và 192 gia trại tập trung ngoài khu dân cư.

- Tổng giá trị sản lượng hàng hoá và dịch vụ đạt 1.050 tỷ đồng trở lên.

3. Các nhiệm vụ chủ yếu

3.1. Rà soát, đánh giá, phân loại, cấp giấy chứng nhận kinh tế trang trại; tạo điều kiện cho các trang trại hiện có mở rộng quy mô, có các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đạt các tiêu chí.

3.2. Tiếp tục phát triển đa dạng các loại hình trang trại; cùng với phát triển trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tập trung phát triển mạnh các trang trại sản xuất giống, trang trại trồng lúa thâm canh cao, tăng sản lượng sản phẩm hàng hoá phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

3.3. Tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ cho các vùng kinh tế trang trại phù hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện thuận lợi về giao thông, điện, nước… cho các trang trại tổ chức sản xuất, kinh doanh.

4. Các nhóm giải pháp

4.1. Quy hoạch phát triển kinh tế trang trại, gia trại gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới

Các huyện, thành phố chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn lựa chọn, xác định các vùng sản xuất lúa, màu tập trung, các vùng đất nhiễm mặn, đất còn hoang hoá, bãi bồi ven sông, ven biển để quy hoạch vùng kinh tế trang trại, gia trại sản xuất hàng hoá. Xác định những vị trí, diện tích có thể giao hoặc cho thuê để phát triển trang trại, gia trại.

Trên cơ sở khả năng về quỹ đất, đặc điểm đất đai, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương, xác định ưu tiên phát triển các loại hình và quy mô trang trại, gia trại cho phù hợp. Khuyến khích phát triển các trang trại trồng lúa thâm canh cao; tận dụng đất nhiễm mặn, đất hoang hoá, đất bãi bồi ven sông, ven biển phát triển trang trại nuôi trồng thuỷ sản, trang trại chăn nuôi tập trung, trang trại tổng hợp kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thuỷ sản.

4.2. Vận động các hộ nông dân tiếp tục dồn điền, đổi thửa, khuyến khích các hình thức chuyển nhượng, thuê gom, tích tụ ruộng đất

Căn cứ quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các địa phương công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và chỉ tiêu đất trồng lúa đến năm 2020. Xác định rõ từng vùng sản xuất lúa và vùng chuyên sản xuất rau màu, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản… để các hộ nông dân hiểu rõ chủ trương bảo vệ nghiêm ngặt, lâu dài đất trồng lúa. Trên cơ sở đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ nông dân thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, để giảm số thửa của mỗi hộ xuống 1-2 thửa, phấn đấu còn 1 thửa (diện tích được giao chỉ trong 1 thửa), đồng thời vận động các hộ không có nhu cầu sử dụng đất canh tác tự nguyện chuyển nhượng hoặc cho hộ khác thuê dài hạn để làm kinh tế trang trại; khuyến khích các chủ trang trại sử dụng lao động tại chỗ, tạo điều kiện về việc làm cho các hộ dân ở địa phương.

Thường xuyên kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất của các trang trại, gia trại; xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất không đúng mục đích.

4.3. Huy động các nguồn vốn đầu tư phát triển kinh tế trang trại, gia trại

Cùng với tranh thủ và lồng ghép, sử dụng các nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, cần huy động cao nguồn lực của các địa phương, các doanh nghiệp, các chủ trang trại để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng như giao thông, điện, nước… đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất của các trang trại, theo phương châm nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ.

Các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi, có cơ chế cho vay phù hợp với các dự án đầu tư xây dựng trang trại, gia trại có phương án tài chính tốt, đảm bảo đầu tư có hiệu quả.

4.4. Xây dựng và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại, gia trại

Tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước hiện hành đối với kinh tế trang trại.

Xây dựng, ban hành và thực hiện các chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại như: khuyến khích phát triển sản xuất giống cây trồng, con nuôi, thuỷ sản, chế biến nông thuỷ sản; khuyến khích áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới; khuyến khích chuyển nhượng, thuê đất, cho thuê đất, tích tụ ruộng đất để xây dựng trang trại, gia trại.

Tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (kể cả ở địa phương khác) có nguyện vọng đầu tư phát triển trang trại được giao đất, cho thuê đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ổn định lâu dài theo quy định của pháp luật để sản xuất kinh doanh.

4.5. Tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới

Tăng cường hoạt động khuyến nông, khuyến ngư, tổ chức tốt tập huấn kỹ thuật cho lao động các trang trại. Ưu tiên cho lao động các trang trại được tham gia các khoá đào tạo nghề theo chương trình mục tiêu quốc gia về đào tạo nghề.

Đẩy mạnh liên kết 4 nhà, tạo điều kiện cho chủ trang trại, hộ nông dân tiếp thu, chuyển giao đưa nhanh các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý và sản xuất.

Chú trọng phát triển các cơ sở sản xuất giống để chủ động có nguồn giống tốt cung cấp cho các trang trại và các hộ nông dân.

Hướng dẫn các chủ trang trại, gia trại mở rộng áp dụng cơ giới hoá, thực hành các quy trình sản xuất tiên tiến, từng bước nghiên cứu, áp dụng công nghệ cao, các tiến bộ sinh học vào sản xuất và chế biến nông, thuỷ sản, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Thường xuyên thực hiện tốt công tác tiêm phòng, kiểm dịch, giám sát dịch bệnh và các giải pháp phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, con nuôi bảo đảm an toàn cho sản xuất của các trang trại.

4.6. Phát triển công nghiệp chế biến và thị trường

Khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở chế biến nông thuỷ sản, gắn sản xuất với chế biến nông thuỷ sản.

Làm tốt việc xúc tiến thương mại, thông tin kịp thời các nhu cầu của thị trường, giá cả nông thuỷ sản cho các chủ trang trại và nông ngư dân biết để tổ chức sản xuất. Hướng dẫn, vận động các chủ trang trại và các hộ nông ngư dân liên kết, hợp tác tổ chức sản xuất; xây dựng thương hiệu các sản phẩm nông thuỷ sản của tỉnh; khôi phục và đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như lợn thịt, lợn sữa, thuỷ sản đông lạnh…

4.7. Giải pháp về môi trường

Đưa các trang trại chăn nuôi vào vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung, xa khu dân cư, giảm dần chăn nuôi nhỏ lẻ trong hộ gia đình.

Ban hành và thực hiện quy định về chăn nuôi trang trại, chăn nuôi hộ gia đình, quy định về giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm. Hướng dẫn các chủ trang trại nhất là trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản, các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm có phương án xử lý và thực hiện nghiêm việc xử lý chất thải, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường.

Tăng cường áp dụng các công nghệ sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản như sản xuất rau sạch, rau an toàn Viêtgap, bảo vệ thực vật IPM, chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín, xử lý chất thải chăn nuôi qua hầm biogas, nuôi trồng thuỷ sản theo quy trình thực hành nuôi tốt… để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các cấp uỷ Đảng, chính quyền tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết. Hàng năm kiểm tra, đánh giá sơ kết rút kinh nghiệm, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp để thực hiện có hiệu quả.

2. Ban cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết; hàng năm tổ chức sơ kết và 5 năm tổ chức tổng kết thực hiện Nghị quyết.

3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành làm tốt công tác vận động các đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

4. Ban cán sự đảng UBND tỉnh và Văn phòng Tỉnh uỷ tăng cường kiểm tra, đôn đốc, theo dõi việc thực hiện Nghị quyết và thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Nghị quyết này được phổ biến đến các chi bộ./.

T/M BAN CHẤP HÀNH
BÍ THƯ
(Đã ký)
Phạm Hồng Hà

[links()]



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com