Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về Phát triển giao thông nông thôn

08:08, 10/08/2011
NGHỊ QUYẾT
CỦA BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ TỈNH
về Phát triển giao thông nông thôn

 

I. THỰC TRẠNG HỆ THỐNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN TỈNH NAM ĐỊNH

Trong những năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn trong tỉnh được duy trì và phát triển. Hệ thống giao thông đường bộ, trong đó có hệ thống giao thông nông thôn đã được chú trọng đầu tư, cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới theo quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh. Đến nay đường huyện và đường liên xã cơ bản đạt chuẩn theo tiêu chí nông thôn mới; các xã đều đã có đường ô tô đến trung tâm; tỷ lệ đường xã được nhựa hoá và bê tông xi măng đạt 73%, còn lại cơ bản đã được cứng hóa bằng vật liệu khác; đường thôn xóm được cứng hóa trên 90%. Hệ thống công trình giao thông đã góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn và cải thiện rõ rệt đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, hệ thống giao thông nông thôn của tỉnh còn một số tồn tại, hạn chế:

- Hệ thống giao thông nông thôn phần lớn được đầu tư xây dựng theo quy trình, quy phạm từ những năm 1990-1995 đến nay đã lạc hậu, nhất là về tải trọng. Ở một số địa phương, việc đầu tư cải tạo, nâng cấp chậm; công tác duy tu, sửa chữa chưa được quan tâm thường xuyên nên đường xuống cấp nhanh. Đường xã đến nay vẫn còn 334km đường cấp phối, 184km đường gạch, đất. Đường nội đồng hầu như chưa được đầu tư.

- Hệ thống cầu, cống trên đường huyện và đường xã còn thiếu, trên 50% số cầu hiện nay có khổ hẹp, tải trọng thấp chưa đáp ứng nhu cầu vận tải tăng nhanh, nhất là về tải trọng xe. Hệ thống cầu, cống trên đường thôn xóm chỉ đáp ứng xe có tải trọng nhẹ và phương tiện thô sơ.

Nguyên nhân chính của những tồn tại, hạn chế là:

- Một số địa phương chưa quan tâm đúng mức tới công tác đầu tư, phát triển hệ thống giao thông nông thôn; công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch còn nhiều bất cập.

- Sự phát triển nhanh của phương tiện giao thông cả về lưu lượng và tải trọng xe; việc bảo trì, sửa chữa chưa thường xuyên dẫn đến các tuyến đường nhanh bị hư hỏng, xuống cấp.

- Nguồn vốn từ ngân sách Trung ương, địa phương và huy động trong nhân dân còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu đầu tư, cải tạo, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống giao thông nông thôn.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO, MỤC TIÊU VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU PHÁT TRIỂN HỆ THỐNG GIAO THÔNG NÔNG THÔN

1. Quan điểm chỉ đạo

1.1. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn kết nối với các tuyến giao thông huyết mạch do tỉnh quản lý và hệ thống quốc lộ tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, đảm bảo đi lại thuận tiện, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

1.2. Phát triển hệ thống giao thông nông thôn gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, kết hợp với nguồn vốn của nhân dân để xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đạt chuẩn theo bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới.

1.3. Bảo đảm sự phát triển bền vững trong quá trình đầu tư xây dựng và thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

2. Mục tiêu

2.1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung xây dựng hệ thống giao thông nông thôn đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới, nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy sản xuất phát triển và cải thiện đời sống nhân dân.

2.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

* Đối với 96 xã xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015

Phấn đấu đạt tiêu chí xây dựng nông thôn mới đối với toàn bộ hệ thống đường giao thông nông thôn (trong đó có cả hệ thống cầu, cống theo tuyến được đầu tư xây dựng đảm bảo tải trọng tối thiểu theo quy định hiện hành), cụ thể là:

- Tập trung xây dựng đường xã đạt cấp A trở lên (cấp A có Bnền = 5,0m; Bmặt = 3,5m được nhựa hóa hoặc bằng bê tông xi măng).

- Đường thôn xóm được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới, đạt từ cấp C trở lên (cấp C có Bnền = 3m; Bmặt = 2m).

- Đường nội đồng được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới, đạt từ cấp C  trở lên đối với trục chính ra đồng (nền 3m, mặt 2m).

*  Đối với các xã còn lại trong toàn tỉnh
- Xây dựng trên 50% đường xã đạt cấp A trở lên; phấn đấu không còn đường cấp phối, gạch, đất.
- Đường thôn xóm cứng hóa 100% (không còn đường đất).
- Đường nội đồng với trên 30% đạt cấp C.

3. Các nhóm giải pháp chủ yếu

3.1. Nhóm giải pháp về quy hoạch, kế hoạch

- Xây dựng quy hoạch phát triển giao thông nông thôn trong quy hoạch xây dựng của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020, đảm bảo phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch đầu tư 5 năm và hàng năm, trên cơ sở đánh giá thực trạng từng tuyến đường, lồng ghép các nguồn vốn để làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, phân kỳ đầu tư hợp lý; ưu tiên đầu tư, cải tạo nâng cấp các đường trục xã, những tuyến quan trọng của huyện, các đoạn tuyến hư hỏng nặng.

3.2. Nhóm giải pháp về cơ chế chính sách

 - Xây dựng cơ chế đầu tư để cụ thể hoá phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, xác định rõ tỷ lệ vốn đầu tư Nhà nước và tỷ lệ vốn đầu tư của nhân dân đối với từng loại công trình trên cơ sở bảo đảm phù hợp với khả năng ngân sách và quy chế dân chủ ở cơ sở.

- Tăng cường phân cấp quản lý đầu tư: Thực hiện phân cấp tối đa cho các cấp để đầu tư, xây dựng và quản lý kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

- Xây dựng các chính sách khuyến khích các địa phương chủ động đắp mở rộng nền đường trước bằng nhân công và vật liệu tại chỗ; vận động nhân dân hiến đất, không bồi thường giải phóng mặt bằng.

3.3.  Nhóm giải pháp về nguồn lực

- Huy động tối đa mọi nguồn lực, chú trọng nguồn nội lực, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế dưới nhiều hình thức để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn.

 - Tranh thủ các nguồn vốn: Vốn Chương trình mục tiêu; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn từ các tổ chức tài chính như WB, ADB; vốn ODA... để hỗ trợ một phần cho các địa phương còn khó khăn.

3.4.  Nhóm giải pháp về quản lý

- Tăng cường quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch đầu tư, cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông nông thôn; nâng cấp, cải tạo các tuyến đường; chú trọng công tác quản lý, duy tu sửa chữa thường xuyên, quản lý khi khai thác sử dụng.

- Xây dựng quy chế quản lý đầu tư hệ thống đường giao thông nông thôn phù hợp với quy chế dân chủ cơ sở và đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo công khai, minh bạch.

- Củng cố và nâng cao vai trò trách nhiệm của bộ máy ở cơ sở đối với an toàn giao thông nói chung cũng như trong việc xây dựng và quản lý hệ thống giao thông nông thôn.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cấp uỷ các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hoá và tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả trong phạm vi địa phương, đơn vị mình.

2. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Uỷ ban nhân dân tỉnh xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết; hàng năm tổ chức sơ kết và 5 năm tổ chức tổng kết việc thực hiện Nghị quyết.

3. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tuyên truyền, vận động thành viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia thực hiện tốt Nghị quyết.

4. Ban Cán sự đảng Uỷ ban nhân dân tỉnh và Văn phòng Tỉnh uỷ đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết và thường xuyên báo cáo kết quả với Ban Thường vụ Tỉnh uỷ.

Nghị quyết này được phổ biến đến chi bộ đảng.

T/M BAN CHẤP HÀNH
BÍ THƯ
(Đã ký)
Phạm Hồng Hà


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com