Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thôn, xóm

08:08, 01/08/2011

Gần dân, sát dân, hệ thống chính trị ở thôn, xóm có vai trò quan trọng trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định, quy ước của địa phương. Chăm lo xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở thôn, xóm là nhiệm vụ có ý nghĩa quan trọng, thường xuyên, lâu dài…

Xóm mạnh từ hệ thống chính trị mạnh

Tỉnh ta có hơn 3.400 khu dân cư (thôn, xóm, tổ dân phố). Hệ thống chính trị ở các thôn, xóm cơ bản được kiện toàn từ chi bộ Đảng đến ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể. Trong đó, chi bộ Đảng đóng vai trò hạt nhân lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện các lĩnh vực đời sống ở thôn, xóm. Những năm qua, hệ thống chính trị ở thôn, xóm trong tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo, tuyên truyền, vận động, triển khai, tổ chức cho nhân dân trên địa bàn thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước cũng như các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, góp phần làm thay đổi mọi mặt đời sống KT-XH các địa phương. Nằm ven biển, xóm Lê Lợi, xã Hải Lý (Hải Hậu) có 157 hộ với gần 600 khẩu, hơn một nửa dân số là đồng bào Công giáo. Hệ thống chính trị của xóm được kiện toàn gồm chi bộ Đảng với 27 đảng viên và 13 chi hội các đoàn thể chính trị - xã hội: Chi Hội Nông dân, Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cựu chiến binh, Cựu quân nhân, Người cao tuổi… Trước đây, cuộc sống của nhân dân trong xóm gặp nhiều khó khăn vì chỉ dựa vào trồng lúa và sản xuất muối. Để có thêm thu nhập, nhiều lao động trong xóm ra thành phố tìm kiếm việc làm.  Nhằm nâng cao thu nhập tại chỗ, cải thiện đời sống cho bà con, nhất là các hộ nông dân, chi bộ Đảng xóm Lê Lợi đã lãnh đạo nhân dân trong xóm thực hiện chủ trương chuyển đổi trong sản xuất nông nghiệp, đưa cây màu vào sản xuất trên đất hai vụ lúa, chuyển đổi diện tích làm muối hiệu quả thấp sang nuôi trồng thuỷ sản, phá bỏ vườn tạp, trồng hoa, cây cảnh và phát triển nghề mới. Ông Hoàng Cao Điều, Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác Mặt trận xóm cho biết: Người dân trong xóm vốn chỉ quen việc trồng lúa, làm muối. Chi bộ chỉ đạo các đoàn thể trong xóm “nhập cuộc”, tuyên truyền, vận động gia đình cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc trồng rau màu, nuôi thuỷ sản. Đến nay, 100% số hộ nông dân trong xóm đã tham gia chuyển đổi sản xuất, diện tích cây vụ đông đạt 30% tổng diện tích hai vụ lúa với cơ cấu cây trồng đa dạng gồm cà chua, bí xanh, đậu tương, thu nhập từ vụ đông gấp 2-3 lần một vụ lúa. Một số hộ cải tạo diện tích làm muối, đào ao đầm nuôi tôm, hiệu quả cao gấp nhiều lần làm muối. Điển hình như gia đình các ông Bùi Trọng Chinh, Bùi Văn Vọ hiện có 6.000m2 ao đầm nuôi tôm, mỗi năm cho thu nhập 400-500 triệu đồng. Nhiều hộ chuyển sang sản xuất theo mô hình “vườn ao chuồng”, trong đó nhiều hộ tập trung trồng, kinh doanh cây cảnh có giá trị kinh tế cao. Những gia đình có vườn rộng như gia đình ông Miên, ông Khắc, ông Hà đang có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm từ trồng, kinh doanh cây sanh cảnh. Một số hộ trong xóm đầu tư sản xuất đồ gỗ dân dụng, kinh doanh dịch vụ vận tải… Hằng năm, các chi hội, đoàn thể trong xóm phối hợp tổ chức các lớp chuyển giao kỹ thuật, đã đứng ra nhận uỷ thác cho hội viên, đoàn viên vay vốn các ngân hàng, tổ chức tín dụng để đầu tư, phát triển sản xuất. Nhờ chuyển đổi, đa dạng hoá các hoạt động phát triển kinh tế, đến nay hầu hết các hộ trong xóm có cuộc sống khá giả, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6%. Kinh tế phát triển, nhân dân trong xóm có điều kiện đóng góp xây dựng nhiều công trình phục vụ sản xuất và dân sinh. 100% đường làng, ngõ xóm được bê tông hoá, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng, xây dựng nhà văn hoá, cổng làng, cải tạo mương tiêu nước… Một số gia đình có hoàn cảnh khó khăn được các chi hội, đoàn thể vận động nhân dân ủng hộ, giúp đỡ. Trong năm 2010, cùng với quỹ “Vì người nghèo” các cấp, nhân dân trong xóm đã đóng góp xây mới hai ngôi nhà tặng hai hộ nghèo trong xóm. Cùng với tập trung lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, những năm qua chi bộ, các đoàn thể trong xóm luôn chú trọng chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt việc xây dựng nếp sống văn hoá theo hương ước. Trong xóm không có người mắc các tệ nạn xã hội, các gia đình đều có ý thức giữ gìn an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, đặc biệt luôn quan tâm chăm lo việc học hành của con em. Từ lâu xóm đã thành lập, duy trì hoạt động CLB văn hoá, văn nghệ và CLB bóng bàn, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hoá, văn nghệ, thi đấu thể thao tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Đầu năm 2010, xóm Lê Lợi được cấp bằng công nhận “Làng văn hoá”…

Để hệ thống chính trị ở thôn, xóm hoạt động hiệu quả

Đảng ủy xã Nam Hùng (Nam Trực) họp bàn biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thôn, xóm.
Đảng ủy xã Nam Hùng (Nam Trực) họp bàn biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị thôn, xóm.
Bên cạnh những chuyển biến tích cực, hoạt động của hệ thống chính trị ở địa bàn thôn, xóm trong tỉnh vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, nhiều chi bộ thôn, xóm chưa khẳng định được vai trò hạt nhân lãnh đạo. Thực tế vẫn còn nhiều thôn, xóm kinh tế chậm phát triển, cơ sở hạ tầng xuống cấp, môi trường bị ô nhiễm, tệ nạn xã hội gia tăng nhưng chi bộ và các đoàn thể chính trị xã hội ở địa phương không có chủ trương, giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Chất lượng, nội dung sinh hoạt ở nhiều chi bộ còn nghèo nàn, nặng tính hình thức, tính tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên còn thấp. Nhiều chi bộ có số lượng đảng viên đông nhưng số đảng viên thường xuyên sinh hoạt thấp, năng lực lãnh đạo của chi bộ còn hạn chế. Nhiều chi bộ cả nhiệm kỳ không bồi dưỡng, kết nạp được đảng viên mới. Vẫn còn những thôn, xóm chưa thành lập được chi bộ, dẫn đến tình trạng một chi bộ lãnh đạo hai, ba xóm. Xã Hải Anh (Hải Hậu) có chi bộ lãnh đạo đến sáu xóm. Tình trạng chi bộ bị “già hoá”, “gia đình hoá” ngày càng phổ biến. Bị ràng buộc bởi mối quan hệ anh em, họ hàng, làng xóm nên nhiều chi bộ có tình trạng nể nang, né tránh, buông lỏng các nguyên tắc Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, do vậy tính chiến đấu của đảng viên, của chi bộ không cao. Năng lực lãnh đạo của chi bộ hạn chế dẫn đến hoạt động của các chi hội, đoàn thể không thực sự hiệu quả. Nhiều chi hội, đoàn thể không có chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, do vậy xây dựng, phát động các phong trào thi đua đạt hiệu quả không cao, khả năng tập hợp, thu hút đoàn viên, hội viên tham gia sinh hoạt thấp. Tình trạng trên có nguyên nhân công việc nhiều, trách nhiệm lớn nhưng chế độ, chính sách dành cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố (bí thư chi bộ, trưởng thôn, xóm, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư, trưởng các chi hội, đoàn thể) hiện quá thấp khiến nhiều người nhận nhiệm vụ nhưng tinh thần trách nhiệm không cao. Ông Phạm Ngọc Bảo, Bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận xóm 7, xã Giao Tiến (Giao Thuỷ) cho biết, với hai chức vụ ông Bảo đang đảm nhiệm, hằng tháng ông Bảo nhận được tổng cộng hơn 500 nghìn đồng phụ cấp; trong đó chức trưởng ban công tác Mặt trận kiêm nhiệm được phụ cấp 16.600 đồng. Trưởng các chi hội đoàn thể như chi hội trưởng chi Hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên còn thấp hơn, phụ cấp mức 0,1 của lương tối thiểu, tương đương với 83.000 đồng/tháng. Trong điều kiện cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố là những cán bộ sau khi nghỉ hưu về tham gia công tác ở nơi cư trú, với mức trợ cấp trên họ vẫn có thể yên tâm công tác. Nhưng với những trường hợp cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố tuổi đời còn trẻ, đóng vai trò “trụ cột” trong kinh tế gia đình, trong khi phải dành phần lớn thời gian “cho” việc làng, việc xóm, với mức trợ cấp trên khó có thể giúp họ yên tâm công tác. Ở nhiều địa phương trong tỉnh đang gặp khó khăn trong việc cử người đảm nhiệm các chức danh ở thôn, xóm. Công việc nhiều, trách nhiệm lớn, trong khi chế độ phụ cấp quá thấp khiến nhiều người không muốn đảm nhận vai trò này. Ông Mai Văn Thoán, Bí thư chi bộ xóm 2, xã Xuân Đài (Xuân Trường) cho biết, vừa qua khó khăn lắm xóm 2 mới tìm được người để bầu giữ chức trưởng xóm. Những người được lựa chọn đều thoái thác vì phải tập trung lo cho kinh tế gia đình… Ngoài mức phụ cấp quá thấp, công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố hiện cũng chưa được quan tâm đúng mức. Trên thực tế, công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ mới chỉ được thực hiện đối với đội ngũ cán bộ từ cấp xã, phường, thị trấn trở lên. Cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố rất ít được quan tâm, chủ yếu vẫn phải vận dụng những kiến thức, kinh nghiệm tự học hỏi từ thực tiễn. Không thường xuyên được bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ, không ít cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố không nắm vững chủ trương, chính sách, thiếu kỹ năng, dẫn đến lúng túng trong thi hành nhiệm vụ, có những trường hợp còn làm sai lệch... Bên cạnh những chuyển biến tích cực, ở nhiều địa bàn khu dân cư trong tỉnh, trong đó có địa bàn nông thôn đang nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là sự gia tăng tệ nạn xã hội, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường… rất cần đến sự tham gia giải quyết của hệ thống chính trị ở thôn, xóm. Mặt khác, cùng với cả nước, tỉnh ta đang tập trung triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; nhiều công việc được thực hiện ngay tại địa bàn khu dân cư, đòi hỏi vai trò của hệ thống chính trị ở thôn, xóm trong việc triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương lớn này.

Thực tế chứng minh, ở đâu có đội ngũ cán bộ thôn, xóm, tổ dân phố có đủ năng lực, phẩm chất, nắm vững chủ trương, chính sách, có kỹ năng lãnh đạo, chỉ đạo, kỹ năng dân vận, tổ chức; nhiệt tình, trách nhiệm với việc làng, việc phố, ở đó cán bộ và nhân dân đoàn kết, an ninh, trật tự được giữ vững; các phong trào, các cuộc vận động được thực hiện hiệu quả. Chính vì vậy, quan tâm, nâng cao chế độ, chính sách, tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ ở thôn, xóm, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, nhất là năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của các chi bộ thôn, xóm là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay…

Bài và ảnh: Trần Duy Hưng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com