Mấy vấn đề bức thiết về đội ngũ trí thức trước yêu cầu mới của cách mạng

08:08, 31/08/2011

Đội ngũ trí thức nước ta là một lực lượng trí tuệ hùng hậu nằm trong Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vai trò của đội ngũ trí thức trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ lâu đã được Bác Hồ, Đảng và Nhà nước ta rất coi trọng. Một trong những biểu hiện cụ thể gần đây của vấn đề này, là Nghị quyết 27 của Hội nghị Trung ương lần thứ 7 của Đảng, khóa X (7-2008) về "Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế”.

Nghị quyết 27 tiếp tục khẳng định quan điểm của Đảng ta: Luôn luôn coi trọng vai trò của đội ngũ trí thức, nhất là trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay. Do đó, Đảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo đối với trí thức, để từ nay đến năm 2020 xây dựng được đội ngũ trí thức có chất lượng cao, số lượng đông đảo và cơ cấu hợp lý, từng bước tiến lên ngang tầm với trình độ của trí thức trong khu vực và trên thế giới; đồng thời gắn kết giữa trí thức với Đảng và khối đại đoàn kết dân tộc. Và, mới đây, ngày 13-8-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi làm việc với Liên hiệp Các Hội KH và KT Việt Nam và Viện KH và CN Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai NQ 27.

Bác Hồ với các trí thức cách mạng là đại biểu Quốc hội. Ảnh: TL
Bác Hồ với các trí thức cách mạng là đại biểu Quốc hội.
Ảnh: TL

Từ thực trạng trí thức nước ta hiện nay, có một số vấn đề bức thiết đặt ra.

Trước hết là vấn đề đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ trí thức. Yêu cầu của Đảng và đất nước đối với đội ngũ trí thức hiện nay là phải có chất lượng cao, số lượng đông đảo và cơ cấu hợp lý là hết sức đúng đắn. Chúng ta đang có một đội ngũ trí thức đông vào bậc nhất (tính theo tỷ lệ dân số) so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, với rất nhiều học hàm, học vị cao, nhưng chưa mạnh về chất lượng! Đấy là sự thật. Biểu hiện rõ nhất, là trí thức của ta chưa góp phần xóa bỏ được tình trạng nghèo nàn, lạc hậu, chậm phát triển của đất nước trên tất cả các lĩnh vực. Nếu so với Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Malaysia... trí thức các nước này đã đóng vai trò to lớn thúc đẩy đất nước họ phát triển nhanh chóng, bền vững, thì trí thức của ta rõ ràng còn yếu kém về chất lượng. Từ xưa đến nay, có lẽ, ngoài GS Ngô Bảo Châu với các công trình nghiên cứu Toán học nổi tiếng thế giới, đặc biệt là sự kiện vị GS trẻ nhất Việt Nam này được trao Huy chương Fields (được coi như Giải Nobel Toán học), 8-2010, ta hầu như chưa có những phát minh khoa học nào có tầm cỡ khu vực. Quá hiếm hoi những công trình khoa học được đăng tải trên các cơ quan khoa học và tạp chí chuyên ngành có tiếng của khu vực Đông Nam Á, nói gì đến các tạp chí khoa học tầm thế giới? Mặc dù ngân sách Nhà nước mỗi năm đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học của các bộ, các ngành nhiều nghìn tỷ đồng, nhưng đều không có công trình nghiên cứu nào ra tấm ra miếng! Bằng cấp khoa học của nước ta hiện nay, hầu hết chưa được quốc tế công nhận. Vì sao chất lượng trí thức của ta yếu kém? Do đất nước có chiến tranh kéo dài là một phần; nhưng nguyên nhân chính, là do ta quá coi trọng về số lượng mà ít chú ý và chưa bảo đảm về chất lượng đào tạo. Nói cách khác, đó là do "bệnh thành tích”, do tính sĩ diện mà ra! Cơ cấu trí thức cho các ngành, các cấp, các địa phương còn rất tùy tiện, không khoa học.

Về vấn đề đãi ngộ và sử dụng trí thức. Đãi ngộ là quan trọng, nhưng đối với trí thức thì điều quan trọng nhất là việc sử dụng họ với thái độ và ý thức như thế nào! Đãi ngộ xứng đáng và hợp lý, căn cứ trên những đóng góp cụ thể của họ đối với đất nước, để họ không phải lo toan về đời sống hàng ngày; từ đó họ mới có thể dồn tâm trí cho công tác, cho những sáng tạo và phát minh. Vấn đề này, Đảng và Nhà nước cần quan tâm giải quyết kịp thời. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng trí thức còn quan trọng hơn. Đây phải thực sự là một tư tưởng chiến lược của Đảng, đồng thời là vấn đề khoa học và nghệ thuật dùng người. Cần quán triệt tinh thần trọng dụng hiền tài của Hồ Chủ tịch. Bác Hồ đã sử dụng trí thức một cách hết sức tài tình và đầy nhân nghĩa; do đó Người đã thu phục được nhiều trí thức tài giỏi ở nước ngoài về nước và tập hợp, đoàn kết được đội ngũ trí thức cả nước, cho nên họ đã đóng góp rất lớn cho sự nghiệp cách mạng. Ngày nay, phải làm sao phát hiện được những trí thức đích thực, đặt họ vào đúng vị trí cần thiết, tức là tùy theo khả năng và tài năng từng người mà giao công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho họ làm việc và động viên, khai thác tối đa khả năng và tài năng của họ. Bên cạnh đó, cần trân trọng những cống hiến của trí thức, khích lệ họ kịp thời. Tạo cho trí thức một môi trường dân chủ, tự do thực sự, tránh đố kỵ và hẹp hòi, để họ sáng tạo khoa học và phản biện những chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đấy là những điều bức thiết cần quan tâm.

Công tác cán bộ đối với trí thức cũng rất quan trọng. Tôi rất đồng tình với ý kiến của GS-TS Nguyễn Cảnh Toàn, nguyên Thứ trưởng Bộ GD và ĐT; ông từng nói: "Ở nước ta, có hiện tượng phổ biến, là người tài thì không được dùng, người được dùng thì không tài”! Còn GS Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế từng nói: "Điều đáng buồn hiện nay là: Nếu ai đó có ý tưởng tốt đến mấy, nhưng nếu không có chức quyền, thì rất khó thực hiện được ý tưởng của mình”! Thật đáng cảm thông những lời cảm thán ấy! Người trí thức chân chính bao giờ cũng trọng tài năng đích thực (chân tài) hơn trọng chức quyền! Họ giàu lòng tự trọng chính đáng, không quỵ lụy, nịnh hót, luồn cúi chức quyền! Sự thật, thì tài năng không đồng nhất với các loại chức vụ chính quyền, chức danh khoa học hoặc các danh hiệu khác. Tài năng thể hiện ở tư duy "đón đầu” thời cuộc, ở tầm nhìn xa trông rộng, ở sự phân tích các vấn đề một cách đúng đắn và sắc sảo, có sức sáng tạo và làm việc giỏi, đạt hiệu quả cao trong công việc. Nói cách khác, tài năng của trí thức phải được thể hiện bằng các thành quả cụ thể, tức các công trình nghiên cứu khoa học có giá trị cũng như hiệu quả cao trong các nhiệm vụ được giao! Đảng và Nhà nước cần thực sự coi trọng vấn đề này trong việc đề bạt, cất nhắc cán bộ; chứ không nên coi trọng thành phần lý lịch hoặc cất nhắc do ô dù, thân quen. Phải ngăn chặn, lên án, xử lý nghiêm khắc việc mua bán bằng cấp, chức quyền đã và đang diễn ra ở nhiều nơi.

Trong công cuộc đổi mới đất nước và hội nhập quốc tế, thiết nghĩ: Trí thức nước ta cần nỗ lực phấn đấu, phấn đấu nhiều hơn nữa cả về đức và tài - sao cho thực chất, đáp ứng lòng mong mỏi của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, để thực hiện tốt lời Bác Hồ dạy: "Phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn, nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học và kỹ thuật” (Thư Bác Hồ gửi ngành GD và ĐT, tháng 10-1968)./.

Theo: daidoanket.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com