Chăm lo xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân

01:08, 19/08/2011

Trong chương trình làm việc của Quốc hội khoá XIII có một nội dung hết sức quan trọng là sửa đổi Hiến pháp để xây dựng Nhà nước của ta trong sạch, vững mạnh, thật sự là Nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân.

Đây là một công việc đòi hỏi các đại biểu Quốc hội phát huy tinh thần chủ động, nêu cao trí tuệ để xây dựng Hiến pháp mới trong thời kỳ đất nước thực hiện Cương lĩnh chính trị năm 2011, kế thừa tinh hoa và thành quả trong 66 năm xây dựng, phát triển Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà, bắt đầu từ thắng lợi vĩ đại của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - cuộc cách mạng đã đưa nhân dân ta thoát khỏi ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc lên vị trí làm chủ đất nước. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Liên tục 24 năm làm Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng bộ máy Nhà nước và hệ thống luật pháp thật sự của dân, do dân và vì dân. Nhà nước đó có nhiều đóng góp to lớn trong xây dựng và bảo vệ đất nước thiết thực phục vụ lợi ích của nhân dân.

Công việc đầu tiên có ý nghĩa vô cùng quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ và toàn dân cần làm là tổng tuyển cử trong cả nước và xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam mới. Hiến pháp năm 1946 là kết quả trực tiếp của Cách mạng Tháng Tám, đồng thời cũng là thắng lợi vĩ đại đầu tiên của Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc gắn liền với xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Các Hiến pháp tiếp sau đều có chắt lọc tinh hoa của Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền vì dân. Trong điều kiện mới hiện nay, chúng ta cần quán triệt và phát triển hơn nữa Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Hiến pháp, xây dựng bộ máy Nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Trong Tư tưởng Hồ Chí Minh Nhà nước ta là nhà nước dân chủ vì nhân dân có quyền kiểm soát và tham gia quản lý Nhà nước. Nhà nước là cơ quan công quyền được nhân dân uỷ quyền thay mặt cho dân làm công cụ quản lý xã hội, lo cho dân chứ không phải “đè đầu, cưỡi cổ dân”, phải lấy việc đưa lại quyền lợi cho nhân dân làm mục tiêu hoạt động của mình. Tất cả mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ đều chỉ nhằm nâng cao đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân. Đồng thời phải làm cho bộ máy Nhà nước thật sự trong sạch, chống đặc quyền, đặc lợi.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cảnh báo từ rất sớm những căn bệnh của bộ máy Nhà nước như trái phép, cậy thế, hủ hoá, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo, vác mặt “quan cách mạng” ra lệnh, ra oai. Trong các bệnh ấy thì tham ô, lãng phí, quan liêu là ba thứ bệnh đặc biệt nguy hiểm. Vì chúng là “giặc nội xâm”, “giặc ở trong lòng”. Kêu gọi quốc dân đi bỏ phiếu bầu Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rõ: Làm việc nước là hy sinh, là phấn đấu, quên lợi ích riêng mà nghĩ đến lợi ích chung. Cuối năm 1945, trong lúc tích cực chuẩn bị xây dựng Hiến pháp của nước Việt Nam mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh ấn định hình phạt đối với người đưa và nhận hối lộ từ 2 đến 20 năm khổ sai và phải nộp phạt gấp đôi số tiền nhận hối lộ. Ngày 21-1-1946, Người ký quốc lệnh khép tội tham ô, trộm cắp của công vào tội tử hình. Những quyết định trong thời điểm đất nước vừa giành được độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh tỏ rõ ý chí, quyết tâm xây dựng một Nhà nước mới trong sạch, thật sự dân chủ, nêu cao tinh thần thượng tôn pháp luật và quan trọng hơn cả là đã ngăn chặn có hiệu quả các căn bệnh cùng các tệ nạn trong đội ngũ cán bộ, công chức.

Hồ Chí Minh còn chỉ rõ rằng, một dân tộc biết cần, kiệm, biết liêm là một dân tộc giàu về vật chất, mạnh về tinh thần, là một dân tộc văn minh, tiến bộ. Muốn thực hành được tiết kiệm phải tẩy sạch nạn tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu vì tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ, cũng là đồng minh của thực dân phong kiến. Nó có hại đến sự nghiệp xây dựng nước nhà. Do vậy cần thường xuyên giáo dục cho cán bộ, công chức ý thức trách nhiệm phục vụ nhân dân, chống “nhũng lạm” bởi lẽ “những người trong các công sở đều có ít nhiều quyền hành. Nếu không giữ đúng cần, kiệm, liêm, chính thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân” (Hồ Chí Minh toàn tập, t5, tr104). Vậy nên phải thường xuyên cải cách, kiện toàn bộ máy Nhà nước, xây dựng nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghiêm khắc yêu cầu cán bộ, công chức phải thực hiện thật tốt chữ Liêm trước để làm kiểu mẫu cho dân chúng.

Nghiên cứu Tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Nhà nước pháp quyền và những hoạt động thực tiễn của Người điều nổi bật lên là lòng nhân ái và tình người. Hồ Chí Minh coi trọng quản lý Nhà nước bằng pháp luật. Đó là pháp trị, là Nhà nước pháp quyền. Đồng thời Người còn chủ trương đức trị, thực hành dân chủ rộng rãi, ra sức bảo vệ quyền tự do dân chủ cho nhân dân, lấy đức để giáo dục và cảm hoá con người, yêu thương, quý trọng nhân dân.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, một vấn đề có ý nghĩa thực tiễn hiện nay là chăm lo xây dựng Nhà nước, cần thật sự thấm nhuần những nội dung quan trọng trong văn kiện Đại hội XI của Đảng về xây dựng Hiến pháp, đẩy mạnh cải cách tổ chức và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Nhà nước. Theo đó cần tổng kết thực tiễn và phát triển lý luận về Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa theo Cương lĩnh năm 2011, nhằm xây dựng và tăng cường bộ máy Nhà nước hiệu lực, hiệu quả trong thời kỳ phát triển mới của đất nước. Trước mắt cần thực hiện tốt Luật Cán bộ, công chức đã có hiệu lực từ đầu năm 2010. Cần ban hành và hoàn thiện chế độ công vụ gắn liền với đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy Nhà nước phục vụ nhân dân; đề cao trách nhiệm giải quyết khiếu kiện, tố cáo của công dân, bảo đảm tính công minh của pháp luật, có lý có tình; cải tiến chế độ tiền lương, coi trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn lực lượng cán bộ, công chức./.

Phạm Văn Khánh



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com