Đối ngoại nhân dân theo phương châm "chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả"

08:07, 04/07/2011

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã thông qua những quyết sách trên tất cả các lĩnh vực cơ bản và trọng yếu của sự nghiệp phát triển đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó có những quyết sách quan trọng về công tác đối ngoại. Những chủ trương này định hướng và chỉ đạo sâu sắc trong toàn bộ quá trình triển khai và tổ chức thực hiện trên thực tiễn phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước 5 năm, 10 năm, 20 năm tới. Cương lĩnh bổ sung, sửa đổi nêu những định hướng, nguyên tắc lớn, mang tầm chiến lược cho cả thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. 

Trồng tre chắn sóng ven sông thuộc Dự án phi Chính phủ của Cơ quan phát triển quốc tế Australia và Đại sứ quán Australia tài trợ. Ảnh: Xuân Thu
Trồng tre chắn sóng ven sông thuộc Dự án phi Chính phủ của Cơ quan phát triển quốc tế Australia và Đại sứ quán Australia tài trợ.
Ảnh: Xuân Thu

Trong Báo cáo Chính trị, phần về đối ngoại đề cập tới các quan điểm, đường lối, chính sách và nhiều định hướng cụ thể cho các hoạt động đối ngoại 5 năm tới và những năm tiếp theo. Tình hình quốc tế và trong nước đang đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới cho đối ngoại nhân dân trong thời gian tới. Việc củng cố, phát triển và đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân có ý nghĩa quan trọng góp phần bảo vệ và thúc đẩy lợi ích quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Công tác đối ngoại nhân dân ngày càng có vai trò, vị trí quan trọng trong việc tham gia thực hiện đường lối, chính sách đối ngoại chung, góp phần vào việc tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự phát triển của đất nước, bảo vệ lợi ích, hỗ trợ bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, củng cố hình ảnh, vị thế quốc tế của Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đại hội lần thứ XI của Đảng đã đề ra chủ trương: Mở rộng hoạt động đối ngoại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định cho sự phát triển, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, nâng cao vị thế của đất nước; góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới. Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Coi trọng và nâng cao hiệu quả của công tác ngoại giao nhân dân. Tăng cường công tác nghiên cứu, dự báo chiến lược, tham mưu về đối ngoại; chăm lo đào tạo, rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại; thường xuyên bồi dưỡng kiến thức đối ngoại cho cán bộ chủ chốt các cấp. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất của Đảng, sự quản lý tập trung của Nhà nước đối với các hoạt động đối ngoại. Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao Nhà nước và ngoại giao nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa; giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh”.

Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các tổ chức thành viên có vai trò quan trọng trong thực hiện đường lối đối ngoại do Đại hội Đảng toàn quốc đề ra, vận động đối tác, bạn bè quốc tế đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Để đưa Nghị quyết Đại hội XI của Đảng vào cuộc sống, Đoàn Chủ tịch Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam thống nhất Chương trình hành động của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng. Bên cạnh yêu cầu quán triệt sâu sắc trong các tổ chức thành viên, hội viên về nội dung Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XI của Đảng, Liên hiệp tiếp tục đổi mới các hoạt động hòa bình, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước theo phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả”.

Theo đó, Liên hiệp sẽ đẩy mạnh việc mở rộng, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối tác nhằm góp phần củng cố, tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với nhân dân các nước, thúc đẩy hợp tác kinh tế, đầu tư, hợp tác văn hóa, khoa học và kỹ thuật, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ rộng rãi của nhân dân thế giới đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta, góp phần củng cố và phát triển môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển; phát triển quan hệ ổn định, có chiều sâu với các tổ chức nhân dân của các nước láng giềng, các nước trong khối ASEAN, các địa bàn trọng điểm; củng cố quan hệ với các tổ chức, cá nhân có thiện chí với Việt Nam; tăng cường tính mục tiêu của từng hoạt động, chú trọng xây dựng nội dung, chương trình, nội dung thông tin và các biện pháp tổ chức phù hợp với từng hoạt động của các địa bàn cụ thể; kết hợp vận động người Việt Nam ở nước ngoài tham gia vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, tham gia công tác đối ngoại nhân dân và bảo vệ hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế; tích cực, chủ động tham gia vận động, đấu tranh dư luận trên các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo; tích cực tham gia có hiệu quả các diễn đàn, hoạt động của nhân dân thế giới, các cơ chế khu vực và quốc tế vì lợi ích của đất nước, góp phần vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình, phát triển, công bằng, bền vững, dân chủ và tiến bộ xã hội; thực hiện tốt phương châm "chủ động vận động, nâng cao hiệu quả viện trợ và quản lý tốt hoạt động" trong quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài...

Liên hiệp chủ trương phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt trong các hoạt động ngoại giao nhân dân, tăng cường phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, tổ chức nhân dân trong tổ chức các hoạt động đối ngoại; tiếp tục tăng cường phối hợp với đối ngoại của Đảng, ngoại giao của Nhà nước thông qua việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động phối hợp tại các địa bàn, đặc biệt là tại các địa bàn trọng điểm; xác định các biện pháp đấu tranh về dân chủ, nhân quyền, vận động ủng hộ nạn nhân chất độc da cam; thông tin tuyên truyền đối ngoại...

Cùng với việc thực hiện các chương trình trên, Liên hiệp sẽ đẩy mạnh công tác nghiên cứu, thông tin đối ngoại và giáo dục truyền thống: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nghiên cứu, tham vấn về các vấn đề đối ngoại; đẩy mạnh công tác nghiên cứu về các loại hình tập hợp lực lượng và các đối tác của Liên hiệp trong giai đoạn tới và xây dựng Chiến lược tổ chức, hoạt động giai đoạn 2011-2020; cải tiến hình thức, nâng cao chất lượng, tăng số lượng các sản phẩm tuyên truyền đối ngoại, đa dạng hóa phương thức chuyển tải thông tin góp phần quảng bá hình ảnh của Việt Nam với đối tác, bạn bè quốc tế; vận động bạn bè quốc tế góp phần tuyên truyền về Việt Nam; chú trọng đầu tư xây dựng các sản phẩm thông tin giới thiệu chung về Việt Nam, thông tin phục vụ cho giáo dục nhận thức và đấu tranh dư luận, thông tin nóng về các vụ việc cụ thể; tăng cường công tác giáo dục truyền thống về tình đoàn kết quốc tế, nâng cao nhận thức và hiểu biết quốc tế của nhân dân; động viên, khuyến khích các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động ngoại giao nhân dân.

Để đáp ứng các yêu cầu thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới, Liên hiệp sẽ củng cố tổ chức, thành lập các tổ chức thành viên mới ở những địa phương, địa bàn thực sự có nhu cầu; sáp nhập một số tổ chức thành viên, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên; tăng cường xã hội hóa nguồn lực, mở rộng mạng lưới, xã hội hóa lực lượng làm công tác ngoại giao nhân dân, từng bước thực hiện phương châm "ngoại giao nhân dân là sự nghiệp của toàn dân"; trẻ hóa lãnh đạo của các tổ chức thành viên; tăng cường công tác đào tạo nâng cao trình độ cán bộ về nhận thức chính trị, hiểu biết về đối ngoại, về kinh tế - xã hội, ngoại ngữ, tin học, đặc biệt là kỹ năng trong hợp tác nhân dân, đấu tranh dư luận trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền, tôn giáo và dân tộc./.

Theo: qdnd.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com