Đạo lý cao đẹp của dân tộc ta

08:07, 27/07/2011

Năm nay, toàn Đảng và toàn dân ta kỷ niệm 64 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, với lòng trân trọng biết ơn những người đã hy sinh và có công lao đối với Tổ quốc.

Lịch sử của dân tộc ta là lịch sử của hàng nghìn năm đánh giặc, giữ nước. Biết bao thế hệ anh hùng đã hy sinh, chiến đấu, để giữ gìn giang sơn gấm vóc, bảo vệ nền độc lập của Tổ quốc. Và truyền thống biết ơn những người có công với nước, đặc biệt là những người đã hy sinh thân mình vì sự sống còn của dân tộc, đã trở thành tình cảm và đạo lý của nhân dân ta.

Đền thờ các Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh và hàng nghìn những ngôi đền, những đình làng, thờ các vị anh hùng có công với nước đã được tổ tiên ta dựng lên trên khắp đất nước, từ Bắc chí Nam. Những lễ hội hằng năm vẫn được diễn lại những sự tích anh hùng, để nhắc nhở cháu con về truyền thống của ông cha. Và hương hoa tưởng nhớ những người có công với nước, với dân, vẫn ngát thơm, truyền từ đời này sang đời khác.

Nối tiếp truyền thống đánh giặc giữ nước của ông cha, với tinh thần "Không có gì quý hơn độc lập tự do", mấy chục năm qua, hàng triệu những người con yêu quý của dân tộc đã ngã xuống. Máu đào của các liệt sĩ đã viết nên những trang sử vẻ vang. Sự hy sinh to lớn của các chiến sĩ đã đem lại cuộc sống hoà bình, xây dựng mà chúng ta đang sống hôm nay.

Ngày nay, dọc đường đất nước, từ Bắc vô Nam, hàng vạn những nghĩa trang liệt sĩ đã được nhân dân dựng lên, với tượng đài "Tổ quốc ghi công".  Đó chính là những biểu tượng về ý chí quật cường, về lòng yêu nước vô hạn, về sự hy sinh dũng cảm của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam.

Song đó cũng chính là những lời nhắc nhở chúng ta - những người đang sống - một nghĩa vụ thiêng liêng, một đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", một tấm lòng và hành động "Đền ơn đáp nghĩa" với các gia đình liệt sĩ, thương binh và những người có công với Tổ quốc.

Chúng ta đều biết, lúc sinh thời, ngày 27 tháng 7 năm nào Bác Hồ cũng viết thư cho các thương binh và gia đình liệt sĩ. Nhưng không phải chỉ có những bức thư. Trong kháng chiến chống Pháp gian khổ, hàng tuần Bác thường nêu gương nhịn ăn một bữa để giúp các chiến sĩ bị thương. Nhiều lần Bác đã gửi cả tháng lương của mình cho ban tổ chức giúp đỡ thương binh.

Còn đây là câu chuyện cảm động của anh thương binh hỏng mắt Hoàng Văn Vượng. Anh Vượng kể đêm ấy (11-2-1956) chúng tôi ở Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội họp lại vui văn nghệ để đón giao thừa. Giữa cuộc vui, tôi bỗng nghe thấy tiếng reo: "Bác đến! Bác Hồ đến đấy!". Cả hội trường lặng đi một giây, rồi ào lên những tiếng vỗ tay, reo mừng. Nhiều đồng chí lần tìm đường đi, làm xô cả bàn ghế vào nhau. Còn tôi đang ôm cây đàn để chuẩn bị biểu diễn nên cứ lúng túng, đứng lên ngồi xuống... Tôi cố lắng nghe xem Bác đã vào hội trường chưa, Bác đi đến chỗ nào rồi. Bỗng một giọng ấm áp, quen thuộc vang lên trước mặt tôi:

- Thôi! Thôi! Các chú đừng hoan hô nữa cho mệt sức! Các chú ngồi cả xuống ghế đi!.

Trời! Thì ra tôi lại là người được ngồi gần Bác nhất. Tôi có cảm giác nếu mình giơ tay ra sẽ chạm vào Bác. Bác hỏi chuyện cặn kẽ và ân cần như người cha đến thăm con. Bác hỏi từ các món ăn ngày Tết đến sức khoẻ và học tập.

- Tết này, các chú có bánh chưng, có mứt kẹo không?
Tất cả: Thưa Bác có ạ!
- Thế các chú đã nhận được con cá trắm của Bác biếu chưa?
- Thưa Bác, có ạ. Chiều nay, chúng cháu đã được ăn cá của Bác rồi ạ!

Thì ra hôm trước có một đơn vị nuôi cá đánh bắt được một con cá trắm to, nặng tới 23kg liền mang lên biếu Bác. Bác cảm ơn, rồi bảo văn phòng chuyển con cá to ấy đến biếu các chú thương binh để các chú ấy ăn Tết.

Bỗng một đồng chí thương binh hỏng mắt đứng dậy nói:
- Thưa Bác, hồi này Bác có được khoẻ không ạ?
Bác cười:
- Thế các chú có muốn Bác khoẻ không?
Chúng tôi đồng thanh trả lời: Thưa Bác có ạ!
Bác nói tiếp:

- Nếu muốn Bác khoẻ, Bác vui, thì các chú phải giữ gìn sức khoẻ, phải chăm học tập… Các chú tàn chứ không phế. Giọng Bác cảm động, ngừng lại. Chúng tôi như nuốt lấy từng lời.

Một lần cùng vào thăm Viện Bảo tàng Hồ Chí Minh với chúng tôi là một đoàn các bà mẹ anh hùng ở tận phía Nam. Nghe chị thuyết minh giới thiệu bức thư của Bác Hồ gửi gia đình bác sĩ Vũ Đình Tụng:

“… Tôi được báo cáo rằng: Con giai của ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là đại gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột…”.

Lời an ủi sâu sắc và tình cảm thương yêu của Bác Hồ với các liệt sỹ, thương binh, khiến nhiều bà mẹ đã không ngăn được nước mắt. Thì ra nỗi đau của mỗi người, của mỗi gia đình Việt Nam, Bác Hồ đều thấu hiểu và cảm thông.

Cuộc kháng chiến trường kỳ và anh dũng của dân tộc ta đã viết nên những trang sử oai hùng. Dân tộc ta trong cuộc thử thách nghiêm trọng ấy, đã sống những ngày cách mạng sôi nổi nhất, lạc quan nhất, đầy tự hào nhất về lịch sử đối với dân tộc mình và đối với cả loài người tiến bộ. Trẻ em khôn trước tuổi, người già như trẻ lại, phụ nữ đảm đang tất cả mọi việc, từ đồng áng tới quân cơ. Thanh niên tiến ra mặt trận, với đội ngũ trùng trùng, điệp điệp… Người chết yên nghỉ sau khi đã làm tròn nhiệm vụ vẻ vang, người sống đua tài, thi sức, giết giặc lập công. Tất cả đều nô nức diệt thù, cứu nước, cứu nhà, với một tinh thần dũng cảm, ngoan cường và thanh thản lạ thường, giống hệt tư tưởng, tình cảm vĩ đại và phong cách cao quý của Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Trương Định và Hồ Chí Minh, như Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã viết.

Cuộc chiến tranh vệ quốc ấy đã qua đi, nhưng trên đất nước yêu quý của chúng ta, từ Bắc chí Nam, ở đâu cũng có những tấm gương, những tấm lòng và những hành động thể hiện tình cảm và đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” của nhân dân ta.

Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hàng vạn những “Ngôi nhà tình nghĩa” đã được xây dựng để phụng dưỡng những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, những gia đình liệt sĩ, thương binh. Rất nhiều những nàng dâu, mặc dù đã đi bước nữa, nhưng vẫn chăm sóc bố mẹ chồng như bố mẹ đẻ của mình. Hàng vạn ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang Trường Sơn, Nghĩa trang Đường 9, cũng như biết bao nghĩa trang liệt sĩ khác trên toàn quốc, vẫn được nhân dân thường xuyên chăm sóc, trồng hoa, hương khói. Đảng, chính quyền, đoàn thể và đặc biệt là các tổ chức cựu chiến binh, với nghĩa tình đồng đội đã coi việc chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ, những người có công với nước là nhiệm vụ thường xuyên của mình.

Trên đất nước anh hùng của chúng ta, các liệt sĩ vẫn đêm ngày sống trong lòng tưởng nhớ của tất cả đồng bào. Và những anh em thương binh cũng đã vượt qua mọi khó khăn, hoà mình vào cuộc sống của đất nước, trở nên những người công dân kiểu mẫu, cũng như các đồng chí đã làm người chiến sĩ kiểu mẫu ở ngoài mặt trận.

“Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa” mãi mãi là tình cảm và đạo lý cao đẹp của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam!

Bùi Công Bính



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com